Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

VỀ CHIÊM HÓA


Năm 2001 tôi có một chuyến đi công tác lên Chiêm Hoá. Biết tôi thỉnh thoảng có viết lách, mấy anh cán bộ xã tận tình đưa tôi đi thăm những di tích lịch sử ở Kim Bình, Vinh Quang. Năm ấy Chiêm Hoá vừa qua một trận lũ quét kinh hoàng, đường xá lở lói gập gềnh, cầu cống trôi tiệt cả. Vượt lên những mất mát, người dân nơi đây nhanh chóng hồi phục sản xuất tiếp tục đắp xây cuộc sống.
Tôi lên đận ấy cả vùng này đang rộ lên phong trào làm dầu sả bán cho nước ngoài. Cây sả lấn cả đất ruộng, lấn cả rừng phòng hộ. Khắp nơi lò nấu sả mọc lên, bã sả nấu dầu xong phơi khắp đường làng ngõ xóm… Trù tính trước những hậu hoạ của lối làm ăn tự phát này, Đảng bộ Chiêm Hoá cùng chính quyền nhân dân chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững, kiên quyết giữ vững và đẩy nhanh tốc độ phủ xanh của rừng...
 Sau chuyến đi ấy, tôi túi bụi với đủ thứ việc công, việc tư, chẳng viết được gì cả. Vẫn tự nhủ rằng cái sự viết lách không phải nghiệp của mình, thế nhưng tôi vẫn thấy mình như mắc nợ. Sau này còn nhiều chuyến lên Chiêm Hoá nữa. Mỗi lần có việc về đây tôi lại thấy cái ám ảnh nợ nần như nặng thêm khiến tôi không thể không ngồi vào bàn viết!
Ấn tượng sâu sắc nhất của Chiêm Hoá đối với tôi là tiềm năng về rừng. Khắp một vùng địa lý rộng lớn được thiên nhiên ưu đãi với đất đai, cây cối, mưa nắng dồi dào. Đi đâu cũng chìm trong màu xanh của rừng. Có một thời kỳ thiếu lương thực, thiếu nhận thức về rừng, người dân đã chặt phá rừng để mưu sinh. Bây giờ không như thế nữa! Chỗ rừng bị chặt đã được trồng lại, rừng cũ được tu bổ, bảo vệ. Sản vật của rừng trở lại làm cho miền quê này thành bao lời mời gọi quyến rũ. Rừng đã mang lại giá trị bằng tiền đến tay những con người nâng niu nó. Những cánh rừng đến tuổi khai thác đã đem đến cho người dân nơi này việc làm và tiền bạc, cuộc sống nhờ thế mà đổi thay thật nhiều. Rừng nơi này còn cho con người một không gian sống êm ả, thanh bình và thơ mộng. Nắng mưa đã được rừng điều hoà bớt đi vẻ thất thường. Nguồn nước dồi dào dưới những tán rừng tạo nên một hệ thống suối khe đa dạng. Đi theo những suối khe ấy ta bắt gặp một hệ sinh thái phong phú với đủ dạng cảnh quan gợi cảm.
Tôi đã đến thác Bản Ba - Trung Hà bởi lời mời gọi của một thắng cảnh tự nhiên còn hoang sơ. Con đường đi đến với thác Bản Ba đẹp như một bài thơ phong cảnh. Không gập ghềnh cheo leo, cũng không thẳng tắp đơn điệu, nó nhẹ nhàng lượn qua những sườn đồi đất thấp thoáng nhà sàn, men theo những con suối nước xanh ngắt, lại có khi vươn thẳng vào một thung lũng với những cánh đồng mở ra hai bên  lúa ngô xanh biếc… Thác Bản Ba như một cô sơn nữ thẹn thùng dấu mình trong tán rừng đại ngàn. Vào đến chân thác rồi vẫn chưa nhìn thấy nước, chỉ nghe nước ào ạt đổ. Theo một lối mòn khuất dưới bóng cây rừng, chúng ta sẽ nhập vào dòng thác, cùng theo lối nước chảy đi ngược lên, vưà đi vừa khám phá muôn vàn điều kỳ thú. Thỉnh thoảng lại gặp một hồ nước trong xanh, xôn xao bóng nắng xuyên qua lá rừng rọi xuống. Bạn có thể thoả thích lặn ngụp và đùa giỡn với lũ cá nhỏ tinh quái. Cái oi ả sẽ tan biến, cái lo toan đời thường sẽ tan biến, bạn lại dễ dàng tìm một tảng đá phẳng lỳ để ngả mình phơi nắng, lấy lại cho cuộc đời mình những giây phút yên ả tuyệt đối! Tôi dừng chân ở tầng thác cao nhất, nước từ trên cao theo một sườn đá dốc đổ dài hàng trăm mét tung lên một đám bụi nước lung linh sắc cầu vồng ẩn hiện. Dẫu chưa có bàn tay đầu tư của con người, thiên nhiên tự nó cũng đã là một công trình thơ mộng và vĩ đại, mang lại cho ta nhiều xúc cảm nhân văn sâu sắc!
Lại có lần tôi được đến Mỏ Ngoặng. Đây cũng là một nguồn nước tự nhiên nhưng lại được tuôn đổ ra từ một hang động ăn sâu vào núi đá. Thực ra đây là một dòng sông ngầm trong núi bắt nguồn từ một nơi nào đó khá xa. Trước cửa hang là một hồ lớn do nước xói mà thành. Ta có thể men theo thành vách bên cạnh hang để đi sâu vào trong, thoả thích ngắm nhìn và suy tưởng với vô vàn công trình kỳ lạ của nước và đá. Có cả một bàn ăn trên tảng đá liền khối với đủ bát ăn to nhỏ tròn vạnh do nước mưa thấm trên đỉnh hang giọt xuống mà thành. Lại có bệ thờ với đài sen bằng nhũ đá trên vách hang, đường nét uyển chuyển sắc xảo như người tạc… Do chảy ngầm trong núi nên nguồn nước Mỏ Ngoặng rất thuần khiết, lúc nào cũng ổn định và trong vắt. Ngồi dưới bóng cây sổ cổ thụ trước cửa hang ngắm nhìn dòng nước tuôn đổ, trong không gian tĩnh lặng và nên thơ, người ta dễ mến yêu nhau hơn, dễ quên đi những hận thù để hướng lại gần nhau hơn!
Tôi có khá nhiều bạn ở Chiêm Hoá. Có người là cư dân thế hệ thứ mấy mươi ở đất này, lại có người là dân vùng xuôi lên khai hoang…, tất cả đều rất chân tình cởi mở. Lâu ngày gặp nhau, bắt con vịt bầu dưới suối lấy thịt làm canh, những chỗ xương xẩu ướp gia vị dân gian nướng giòn, vặt hai quả núc nác với ít rau dớn bên bờ ruộng làm nộm, hương vị đậm chất núi rừng của món ăn này đủ sức đưa đà hàng chục chén rượu. Một chiều tôi theo anh bạn làm chủ nhiệm Tân An đi thăm đất. Con đường bê tông tuy nhỏ nhưng sạch sẽ uốn lượn khắp ngang dọc xã. Tiếng loa đài ồn ã ở khu trung tâm xã không át được tiếng lốc cốc mõ trâu đâu đó trên rừng. Bên đường làng, các bà cụ người Tày hiền hậu dắt cháu đi ngắm trời đất. Có mấy đứa trẻ đang hì hụi chặn một đoạn suối để bắt cá. Tôi ngó xuống xem và kêu to với anh chủ nhiệm:
-Nhiều ốc đá quá ông ơi! Sao không bắt về nấu chuối xanh? Đặc sản đấy!
-Loại ốc này ở đây có mà vô khối, chẳng ai ăn vì nó bé quá.
Tôi xuýt xoa tiếc rẻ vì đã một lần tôi được ăn những con ốc này, thơm ngọt lắm!
Theo chân anh bạn dẫn đi, tôi cứ mê man vì cảnh người, cảnh đất trời cây cỏ chỗ nào cũng hiền hoà, quyến rũ. Hai bên đường những đám ngô lúa xanh tốt bời bời. Tôi hỏi anh bạn :
-Bây giờ còn người đói nữa không?
-Ấy dà! Làm gì có nữa. Thóc thừa ăn rồi, chỉ còn lo xây nhà, mua xe. Nom thế thôi nhưng không biết làm thì cũng khó được tiền đấy!
Đất Chiêm Hoá nổi tiếng nhiều loại khoáng vật quý. Mấy năm trước đây người các nơi đổ xô về huyện này đào đãi vàng. Đồi núi lở lói, sông ngòi ngầu đục vì sự ham hố của con người. Dường như thiên nhiên đã nổi giận! Đã có những cái chết đau lòng vì vàng, đã có những gia cảnh tan nát, đã có những báo động sinh thái… Bây giờ thứ của trôi nổi ấy không còn đủ sức hút bàn tay khối óc con người nơi này nữa. Nhiều công trình, nhiều cơ ngơi hoành tráng mọc lên không bằng sự đào bới, mà bằng sự hoà quyện gắn bó giữa con người với tự nhiên. Rộn ràng mùa xuân nơi đây trong ngày hội "lồng tồng", cả đất trời với con người như giao hoà, tạo nên một khung cảnh cuộc sống rộn ràng vừa lãng mạn vừa hiện thực.
Nhắc đến Chiêm Hoá, nhiều người nghĩ ngay đến khu di tích lịch sử Kim Bình, nơi diễn ra kỳ đại hội lịch sử của Đảng ta. Sau bao nhiêu biến cố, khu di tích vẫn được gìn giữ tôn tạo như  một biểu trưng cho tình yêu cách mạng, lòng trung thành của người dân nơi đây với sự nghiệp của Đảng. Anh cán bộ văn hoá xã Vinh Quang đã dẫn tôi xuống thăm Soi Đúng, một bãi soi bên bờ sông Gâm. Những năm sau ngày độc lập, nơi đây đã chứng kiến một sự kiện trọng đại của  không quân Việt Nam . Lúc ấy kẻ thù tìm mọi cách truy sát phá hoại hai chiếc máy bay cánh quạt của chính phủ Bảo Đại để lại, nhằm ngăn chặn người Việt Nam tiếp cận với công nghệ bay lên. Ta đã phải tháo rời từng bộ phận những chiếc máy bay ấy  và bí mật tập kết về Soi Đúng. Qua bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, ta đã lắp ráp được một chiếc, và Soi Đúng trở thành sân bay Việt Nam dân chủ cộng hoà đầu tiên, người phi công đầu tiên của ta đã bay lên khỏi mặt đất ở chính bãi sông này. Đứng giữa bãi sông lộng gió nghe câu chuyện cũ lung linh như huyền thoại, lòng ta không thể không tự hào và cảm kích về ý chí tự cường dân tộc. Lúc tôi đến, nơi ấy đã được đặt mốc di tích. Tôi hy vọng câu chuyện năm xưa của Soi Đúng sẽ được kể tiếp cho các thế hệ sau, để chúng ta cùng hiểu thêm quân dân ta đã lớn dậy như thế nào!
Thị trấn Chiêm Hoá bây giờ đã mở rộng với nhiều công trình  to lớn, nhưng vẫn còn đây phiên chợ bán lá cọ họp buổi tinh mơ, khi sương sớm từ Sông Gâm còn ứ đầy ngõ phố. Nhiều người mua cọ muốn nhờ cái mái lá quen thân mang chút hồn quê lắng vào cuộc sống hối hả mỗi ngày. Bán mua lá cọ ở đây đều theo lời hẹn trước, không có mặc cả qua lại. Chỉ tầm 6 giờ sáng chợ lá cọ tan nhường chỗ cho những hàng bánh gai thơm ngọt hương vị cây lá núi rừng đặc trưng, không lẫn bất cứ thứ bánh gai của nơi nào khác…


Ai đến đất này một lần chắc đều có xúc cảm như tôi, thầm ước mong ngày trở lại, dẫu chẳng được thề hẹn cùng ai. Trời đất, con người ở đây luôn là những lời gọi mời nồng nàn với những ai biết yêu cuộc sống./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét