Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Văn chương và những câu chuyện trong nó (')


Chuyện thứ hai: Hiệu ứng “ngắt” trong văn viết!
Người ta học nói từ thuở lên ba, nhưng phải đến khi lên năm, sáu tuổi, thậm chí mãi đến tận sau này, người ấy mới vọc vạch học viết. Tựu trung lại, bao giờ người ta cũng biết nói trước khi biết viết. Cái quy luật ấy là phổ biến cho hết thảy mọi kiếp người.
Đúng lẽ, năng lực nói và viết phải là đồng điệu. Bởi ở cùng một con người, cùng một mạch tư duy, cùng một lượng tri thức tích tụ, nói sao thì viết cũng vậy mới là hợp lý.
Thế nhưng, khi lớn lên, hai cái năng lực ấy đôi khi chẳng có sự liên hệ nào. Có người nói chẳng ai muốn nghe, nhưng viết ra thì khối người đọc. Lại có người chả viết nổi một câu cho nó ra hồn, nhưng nói thì cứ như rồng cuốn vậy… Hiện tượng như thế không lạ trong đời thường! Chưa thể nói ai hơn ai ở đây, bởi phẩm chất con người đòi hỏi cả hai năng lực ấy. Yếu cái nào cũng đều là khiếm khuyết cả.
Sự khấp khiểng giữa khả năng nói và viết trước hết có thể giải thích từ yếu tố sinh lý, tức là cái năng lực bẩm sinh, cái khả năng thiên phú của mỗi con người. Có người sinh ra đã có tố chất “chậm mồm, chậm miệng”, giọng nói “chối tai”. Nghĩ được đấy, làm được đấy, nhưng nói cho người khác hiểu và đồng cảm với mình thì khó lắm! Lại có người chỉ vào cái tuổi học nói đã hoạt ngôn hơn kẻ khác. Lời nói của họ mạch lạc, truyền cảm, đi vào lòng người và có năng lực thuyết phục cao.
Xét về mặt kỹ thuật, nói và viết sử dụng các hiệu ứng khác nhau. Kỹ năng hiểu và vận dụng các hiệu ứng ấy đã tạo ra sự không cân đối giữa hai năng lực biểu đạt ngôn ngữ ngay trong cùng một con người cụ thể.
Khi nói, người ta cần đến ngữ điệu “bổng – trầm, khoan – nhặt” để biểu cảm. Chỉ với kỹ thuật này thôi, con người đã tạo ra được vô vàn các giọng điệu thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngoài ra, kỹ thuật dùng các âm đệm “i-a-ừ-à”, dùng các hành vi biểu cảm phụ họa bằng nét mặt, chân tay, kể cả là “chém gió”…, đều góp phần tạo ra các hiệu ứng tác động đến chất lượng lời nói. Sống trên đời, con người ta đều trải nghiệm, tích lũy được ít nhiều những kỹ thuật biểu cảm này. Vì thế, trừ những người khuyết tật đặc biệt, ai cũng có thể dùng lời nói để tương tác với xung quanh. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ “nói nghệ thuật” thì không nhiều người làm được. 
Đối với văn viết, hiệu ứng đạt được hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực sử dụng hệ thống các ký tự quy ước. Muốn biết được hệ thống ấy trước hết phải học, sau đó phải trải nghiệm để mà tích lũy. Điều này giải thích tại sao không phải ai cũng viết được. Nhất là viết thành văn, (văn nói chung thôi!), luôn là một việc khó khăn không của riêng ai.
Có một hiệu ứng trong văn viết tôi muốn bàn góp ở đây. Đó là kỹ năng ngắt.
Trong khi nói, người ta cũng dùng kỹ thuật ngắt, vì thế đôi khi cái nhịp ngắt có sự đồng nhất giữa nói và viết. Tuy nhiên, để ngắt trong văn viết chúng ta phải sử dụng các ký tự quy ước. Ý nghĩa phổ biến của các ký tự này sẽ tạo ra các hiệu ứng khác nhau, thậm chí là không mong muốn, trong các bài viết.
Hệ thống dấu câu có ý nghĩa to lớn đối với văn viết. Trước hết, các dấu câu cho phép ngắt các đoạn văn, các thành phần trong câu văn, làm cho bài viết có cấu trúc mạch lạc. Khi sử dụng các dấu câu không hợp lý, bài viết sẽ lẫn lộn lung tung giữa phần đề với phần thuyết, giữa lời bình của người viết với câu thoại của nhân vật…. Người đọc phải căng ra mà luận mới phân biệt được các tuyến ngôn ngữ khác nhau.
Trên Báo Tân Trào số 424 có đăng bài viết của một tác giả quen thuộc với một đoạn thế này:
Chắc được Bí thư xã báo trước, ông chào chúng tôi như người trong nhà, tôi xã giao: - Xuống thăm ao cá của bác đây, chủ - khách vui vẻ cười.
Đọc lần đầu, có vẻ như cái đoạn “chủ - khách vui vẻ cười” là một thành phần của câu thoại bắt đầu từ dấu ngang trước đó, nhưng về ý lại chả ăn nhập tý nào. Tôi cứ tạm luận đoạn ấy là một câu tường thuật của tác giả. Giá như người viết chỉ đổi vị trí của dấu phẩy và dấu ngang cho nhau, người đọc đoạn văn này đỡ nhọc nhằn nhiều lắm!
Nhưng cái đoạn viết này, cũng trong cùng bài viết, tôi không dám luận nữa:
Ông Thanh mời chúng tôi đi thăm hệ thống chăn nuôi thủy sản của gia đình, ông chỉ tay, ba chiếc ao này có tổng diện tích gần hai nghìn mét vuông, đã thả các loại cá trắm cỏ, mè, rô phi... những năm gần đây nhờ đi học tập các điển hình ông nuôi ba ba lấy thịt và cho sinh sản.
Rõ ràng chỉ có nhà văn với “Ông Thanh” thôi, nhưng sau mệnh đề “ông chỉ tay”, chả còn phân biệt được lời của ai nữa!
Tôi đã gặp phải khá nhiều trường hợp như thế. Để hiểu được dụng ý của nhà văn, tôi cứ phải “tua” ngược xuôi vài ba bận. Mệt lắm!
Cũng với hiệu ứng “ngắt”, các dấu câu trong văn viết còn tạo ra tiết tấu cho mạch văn, qua đó người viết biểu lộ, mô tả các trạng thái cảm xúc khác nhau.
Cưới cô bé kia… có lẽ… chỉ được độ… vài tháng thôi thì dần dần cụ không đi nổi, không bước nổi. (Chuyện cụ ngoại - truyện ngắn của Nguyễn Đình Lãm – Báo Tân Trào số 443)
Đọc đoạn văn này, không cần đến mệnh đề dẫn hay thuyết, người đọc đều cảm nhận được cái trạng thái ngần ngừ, ậm ừ trong câu thoại của nhân vật. Những dấu ba chấm (…) ở đây không đơn thuần ngắt nhịp đoạn văn, mà thực sự đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật, đưa được tâm trạng người viết vào lòng người đọc!
Chỉ với hiệu ứng phổ biến nhất là “ngắt”, với những dấu câu cũng rất phổ biến là chấm (.) và phẩy (,), nhiều tác giả đã thành công khi sử dụng chúng một cách linh hoạt.
Tôi đọc được đoạn này trong Báo Tân Trào số 438:
Rừng sâu, muỗi đốt, vắt cắn. Bệnh sốt rét hoành hành. (Thợ rừng – truyện ngắn của Mai Thái Sơn)
 Cả đoạn viết chỉ dùng một tính từ duy nhất, nhưng nhờ sử dụng các dấu câu phù hợp, người đọc vẫn cảm nhận được trạng thái chồng chất, ngổn ngang của sự hiểm nguy, gian khó
Rõ ràng, các ký tự dấu câu với hiệu ứng phổ biến của chúng đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống ngôn ngữ viết. Đồng thời, các dấu câu cũng là một công cụ biểu cảm hết sức quan trong. Nhiều người viết đã sử dụng các dấu ngắt câu đạt đến trình độ nghệ thuật, tạo ra những hiệu ứng biểu cảm mà ngôn từ khó mà diễn đạt được. Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên, chỉ trong một câu thơ thôi, nhà thơ cũng đặt một dấu chấm:
Đất nước đẹp vô cùng . Nhưng Bác phải ra đi
Khi ngâm nga, người ta dễ quên dấu chấm ấy. Nhưng nhìn vào dòng viết, dấu chấm ấy mang lại sự gợi cảm mạnh mẽ. Người đọc cảm nhận sâu sắc hơn cái tâm trạng đành đoạn, tiếc nuối, đớn đau của người trai phải xa quê vì nước.
Để có những hiệu ứng tích cực như thế, đòi hỏi người viết phải cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng. Bởi với vai trò là một công cụ biểu cảm, nếu sử dụng không hợp lý, các dấu ngắt sẽ làm độc giả hiểu không đúng cái ý của người viết. Và như thế, người viết đã thất bại trong việc chuyển tải nội dung, cảm xúc đến người đọc.
Có một hiện trạng không hiếm gặp là nói sao viết thế, các dấu ngắt sử dụng tùy tiện không ăn nhập với văn cảnh. Kiểu viết ấy nó na ná như câu chuyện hài hước kể về đoạn chép chính tả của học sinh phổ thông: “ con hổ chậm xuống hang”. Đúng như lời thầy đọc!
Khi người ta kể chuyện bằng miệng, nhờ sử dụng ngữ điệu hay các hiệu ứng hỗ trợ khác, người nghe có thể hình dung được hai ngôi chủ ngữ khác nhau trong đoạn văn sau đây:
Có dịp lãnh đạo cấp trên cho chị đi học thêm lớp trung cấp bảo tàng, khi ra trường cấp trên gợi ý cho chị về công tác tại tỉnh lỵ nhưng chị vẫn một mực xin về Tân Trào. Chị nói ra miệng. Chị không thể sống xa được căn lán của Bác Hồ. Chị nói và làm vậy thật. - (Báo Tân Trào số 442)
Nhưng nhìn vào đoạn viết này, người đọc sẽ phải loanh quanh chán rồi mới mò ra chỗ nào là lời thoại của “chị - nhân vật” , chỗ nào là lời kể của “tôi – tác giả” .
Lại có một tình trạng là nói kiểu nhát gừng thì viết cũng “nhát gừng”. Hiệu ứng “nhát gừng” được thực hiện bằng kỹ thuật ngắt xuống hàng vô tội vạ.
Khi viết thơ, người viết phải ngắt xuống hàng theo ý, theo vần hoặc theo niêm luật. Trong thể thơ tự do, kỹ thuật ngắt xuống hàng còn được sử dụng tạo hiệu ứng biểu cảm, mô tả trạng thái cảm xúc của nhân vật hoặc của chính người viết. Trong một số bài thơ của Hữu Loan, Tố Hữu…, hiệu ứng của ngắt xuống hàng đã thực sự đóng góp phần không nhỏ vào giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Trong văn xuôi, nhiều người viết cũng dùng kỹ thuật ngắt xuống hàng để biểu cảm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu ứng tích cực, người viết phải tùy văn cảnh, chọn ngôn từ  hợp lý rồi mới “ngắt”. Tình trạng ngắt xuống hàng theo kiểu “nhát gừng”, xuống hàng một cách ngẫu nhiên, thậm chí một cặp liên từ cũng bẻ ra thành hai hàng…, nếu có đem lại cảm xúc cho người đọc thì chỉ là sự bực bội, khó chịu. Người đọc như bị xem thường bởi lối hành tự vừa như cẩu thả, vừa như thách đố, lại vừa như làm hàng trên trang viết.


Từ xưa tới giờ, muốn hoàn thành những sự phức tạp đều cần phải chỉn chu từng phần nhỏ bé giản đơn trong đó. Những chuyện lạm bàn ở đây có thể chỉ là những tiểu tiết kỹ thuật thôi, nhưng nó thể hiện sự tôn trọng độc giả, thể hiện sự thấu đáo của người viết đối với ngòi bút của mình./.

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Văn chương và những câu chuyện trong nó



Chuyện thứ nhất: Chính tả tiếng Việt trong văn viết. Quanh chuyện này vẫn có những cách nhìn khác biệt
Một là: chuyện này chả có gì đáng để ý. Văn chương quan trọng nội dung tư tưởng với nghệ thuật, vài ba cái lỗi chính tả mang tính kỹ thuật ấy chả ảnh hưởng gì!
Hai là: coi lỗi chính tả như một dấu hiệu yếu kém về năng lực ngôn ngữ. Những người viết mắc lỗi được xem là “chưa sạch nước cản” trong nghề viết lách, tác phẩm bị xem thường, thậm chí  có người đọc khó tính sẽ loại bỏ ngay, không thèm đọc nữa.
Rõ ràng những cách nghĩ trên đây đều cực đoan, nhưng chẳng phải là vô lý hoàn toàn. Một tác phẩm được viết bởi nghìn vạn ký tự, vài ký tự lỗi và có thể hiểu được sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến tình cảm người đọc dành cho tác phẩm. Sự phong phú về ngôn từ trong tiếng Việt, sự giao thoa giữa các ngôn ngữ thời hội nhập, sự giao thoa giữa văn nói và văn viết cùng với tình trạng chưa có những giải pháp giải quyết triệt để tính thống nhất của ngôn ngữ, dễ làm người viết nhầm lẫn. Điển hình dễ gặp các lỗi nhầm lẫn giữa âm “L” với âm “N” ở ngoài miền Bắc, âm “D” với âm “V” ở miền Nam, dấu “hỏi” với dấu “ngã”, dấu “nặng” ở miền Trung. Ngoài ra các lỗi bỏ dấu thanh vào chỗ nào, dùng “i” hay “y”, quy định về viết chữ hoa hay chữ thường…, cùng các yếu tố văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và khoa học …, đã làm cho vấn đề chính tả chưa có hồi kết. Vì thế nếu cho rằng phải gắn chặt yếu tố chính tả với chất lượng nội dung một tác phẩm rõ ràng là một sự máy móc, thiếu tính toàn diện.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng các tác phẩm xuất bản là một sản phẩm văn hóa và là một sản phẩm khoa học. Độc giả thì có thể có nhiều đối tượng khác nhau, nhưng tác giả của các tác phẩm văn chương thì chỉ có thể là nhà văn hay nhà thơ. Trong ý niệm của người đọc, nhà văn và nhà thơ phải là những người có vốn văn hóa phong phú, đã trải nghiệm viết và đọc nhiều, nên có năng lực ngôn ngữ dồi dào. Vì vậy lỗi chính tả trong các ấn phẩm sẽ khiến người đọc hoặc nhận thức sai về nội dung truyền tải của câu văn, hoặc cảm nhận không đúng mức về năng lực của tác giả.
Cho đến nay chúng ta chưa có một bộ luật về ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, không phải là chính tả tiếng Việt không có những quy chuẩn. Ngay từ năm 1984, bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình đã ký quyết định số 240 ban hành những quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò các tập từ điển trong việc kiểm soát ngữ nghĩa và chính tả của các văn bản tiếng Việt.
Vấn đề chắc chắn chưa được giải quyết trọn vẹn, nhưng chỉ cần quan tâm đến những quy định đó một chút, các nhà văn, các đơn vị xuất bản đã không để lại các lỗi chính tả đáng tiếc trên ấn phẩm của mình.
Tôi trở lại đọc báo Tân Trào ở mấy số gần đây. Chuyên mục với tác giả phần nhiều đã quen. Tôi giương mắt qua cặp kính lão dò đọc để tìm những cảm nhận, những thông tin mới, những ý tưởng và nội dung mới. Nhưng rồi những lỗi chính tả chềnh ềnh trong bài đã làm cái hứng thú vừa nhen nhóm đã vơi hao đi quá nửa. Bài đăng báo nào dài lắm đâu, thậm chí là cả những bài thơ ngắn ngủn cũng mắc những lỗi không đáng mắc.
Trong số 440, có một tác giả quen lắm, thường xuyên có bài trên mặt báo, văn phong cũng có nét riêng. Nhưng rồi vừa ở đoạn giao đãi mào đầu đã có câu: “Tôi giót nước mời”. Thật ra ai cũng hiểu tác giả làm cho nước chảy thành dòng qua vòi của một vật chứa vào vật chứa khác để mời khách. Nhưng cái chữ “giót”, ngoài để gọi tên người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, người Việt chả dùng làm gì cả, vậy mà nó lại đi vào tác phẩm văn chương hồn nhiên đến lạ!
Cũng trong số này tôi đọc một bài thơ của một tác giả quen tên, chỉ có 4 câu thôi, có một câu thế này: Điều chi chú rế ri ri vậy”. Tôi đoán tác giả là người gốc gác và sinh sống ở quê lúa Thái Bình. Phương ngữ nơi này hay dùng âm R lắm. Bà dì ruột của tôi sinh ra và sống ở mảnh đất đầu cầu Bo, có lần bảo bọn con cháu: “Các cậu thấy tóc bạc thì đừng có rổ, cứ để nó bạc nhiều rồi ruộm như đây này!”
Người viết có thể phiên âm giọng điệu trong các câu thoại hay trích dẫn để mô tả sắc thái của nhân vật. Còn trong một câu thơ đầy tính tự sự, chữ nghĩa hoàn toàn của nhà thơ, sao nỡ ép uổng “chú dế” thành “chú rế” như thế?
Có một dòng tôi thấy cũng hồn nhiên trong thơ của số báo này, cũng của một tác giả khá quen. Một lần tôi cùng tác giả đến thăm khu di tích Tháp Bà ở Nha Trang và được xem các nghệ nhân Chăm biểu diễn nghệ thuật. Có lẽ một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Tiến đã gợi cho tác giả viết nên câu thơ:
Rộn ràng trong tiếng trống Pa Ra Lưng”.
Tên loại trống này là phiên âm từ tên gọi theo tiếng Chăm rồi latin hóa thành paranưng , nhà thơ có phiên âm đọc thì cũng thành pa – ra – nưng  chứ làm gì có “Lưng” ở đây. Ngay trong tên bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến cũng viết và đọc là “nưng” cơ mà?
Một lần tôi giở số 424, tìm đọc bài của một tác giả khá quen, xưa vốn cũng “ngoại đạo”, nay thì văn thơ song hành, xuất hiện đều trên mặt báo. Bài viết có câu: “Nhưng nói đến đây giọng ông trùng xuống”. Tôi hiểu tác giả muốn diễn đạt tình trạng tâm lý của nhân vật, nhưng tra đi tra lại chả thấy có “trùng” nào dành cho việc này cả. Đáng lẽ phải viết là “chùng” mới phải chứ nhể?
Những tình huống trên đây và tương tự thế có thể gặp ở nhiều nơi khác. Nhưng đối với một tờ báo, mà lại thuộc lĩnh vực văn nghệ thì các chuẩn mực ngôn ngữ cần được coi trọng. Có rất nhiều khâu được thực hiện để xem xét, điều chỉnh đối với một bài viết, nhưng khâu đọc của độc giả là khâu cuối cùng. Ở khâu này mọi cảm nhận đã đi vào tư duy người ta. Làm sao có thể đính chính, làm sao chỉnh sửa cái cảm giác sàn sạn, thậm chí hẫng hụt, khi người ta đọc phải những chữ viết sai chuẩn như thế? Chính vì lẽ đó nên tất cả các công đoạn trước khi đưa bài viết đến tay người đọc cần phải kỹ lưỡng nhiều lắm!
Có thể nhiều người đọc không soi xét, nhiều người đọc động viên người viết :”Chẳng sao đâu, chuyện nhỏ ý mà!”. Thế nhưng ấn tượng thật trong tư duy người đọc mới là điều thiết yếu, thì ta khó mà đo đếm được !


Chuyện này tôi bàn góp đến đây, mong các nhà thơ, nhà văn tích cực đọc văn người và văn mình nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ là không nên cầu toàn nhưng chỉn chu thì mọi sự vẫn cứ là tốt hơn!