Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Tiết Xuân

Có một năm, vào đầu tháng Chạp, Hiện gửi cho tôi một gốc đào khá đẹp kèm theo mảnh giấy ghi dòng chữ cụt ngủn: “Gặp tiết xuân là nó nở hoa đấy, ông điều chỉnh cẩn thận nhá”. Nhà Hiện ở Việt Quang, năm nào nó cũng làm đào cảnh bán Tết. Tôi học đại học cùng lớp với Hiện, nhưng vụng, chả biết tiết xuân là gì. Hì hụi chăm tưới, vừa mới đến hai mươi tháng Chạp, bao nhiêu nụ hoa đều bung xòe nở hết!
Kể  từ khi tách tỉnh, cái huyện Việt Quang cận kề bỗng trở nên diệu vợi. Một lần đến công tác ở đấy, tôi phải điện trước cho Hiện, nó đang giữ chân Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Cũng là tiện thể gặp gỡ bù khú, hàn huyên ôn lại kỷ niệm thời sinh viên thôi chứ chả có việc gì ghê gớm.
 Ngày đi học, Hiện có tiếng là đàn hay hát giỏi, lại thêm cái vóc dáng khá điển trai, khối nữ sinh thuộc diện hoa khôi cũng phải mê mẩn. Thế nhưng Hiện chả bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương hẹn hò gì cả. Thời bao cấp ngày ấy kinh tế khó khăn, nhiều cô gái khôn khéo biết tấn công vào trái tim người con trai qua con đường dạ dày. Mỗi dịp Hiện bị “tấn công” như thế, nó lại lôi tôi đi theo, đánh chén rồi tán chuyện tào lao đến chán chê thì về, hứng lên thì ôm cây đàn ghi-ta gào gổng mấy bài, chả thấy có tình tứ gì cả.  Tôi cứ yên trí rằng thằng Hiện mà cứ tếu táo như thế thì cái đường tình duyên rồi cũng chẳng hơn gì bọn tôi cả.
Đùng một cái, đúng ngày liên hoan chia tay ra trường, nó dắt một cô gái xinh nõn nà, tóc dài mướt, rồi nhăn nhở giới thiệu đấy là người yêu. Cả lớp tôi mắt tròn mắt dẹt nghĩ là nó lại tếu táo thôi. Nhưng rồi nghe cô gái nói chuyện, cả lũ mới “à.....” rồi túm lấy Hiện mà khủng bố, kiên quyết đòi phạt nó vì cái tội dấu diếm người yêu. Người yêu Hiện là một cô gái người dân tộc Tày, cùng quê với Hiện, đang học ngành sư phạm. Họ yêu nhau đã ba bốn năm rồi. Thì ra đằng sau cái vẻ tếu táo thường ngày, Hiện cũng có một trái tim nồng nàn, đằm thắm lắm. Nhìn họ đi bên nhau, ai cũng hiểu rằng đó là một cặp đôi chứa chan hạnh phúc
Ra trường, Hiện được điều về công tác ở huyện Việt Quang, cũng là huyện nhà của nó. Năm sau thì người yêu Hiện cũng ra trường về dạy ở trường cấp ba huyện ấy. Họ cưới nhau, lớp tôi tề tựu về gần đủ cả để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trai tài, gái sắc. Tôi nhớ hôm ấy thằng Hiện phải uống bao nhiêu là rượu, chả biết rồi đêm tân hôn nó xoay xở thế nào.
Bốn năm sau, tôi nhận được tin vợ Hiện mắc cơn bạo bệnh qua đời, để lại cho Hiện đứa con hai tuổi với một khoảng hụt hẫng chắc không thể nào khỏa lấp.
-Cô ấy đi cũng là theo mệnh giời thôi, chả biết sao mà tránh được. Ông đừng nghị ngợi nhiều quá, mọi thứ vẫn còn ở đằng trước đấy!
Tôi đến thăm Hiện với câu động viên muôn thuở như thế rồi quàng tay ôm Hiện thật chặt. Tôi nhận thấy cái cằm nó tỳ trên vai tôi gật gật, không biết là đồng ý với câu nói của tôi hay là nấc nữa...
Mải nghĩ miên man về thằng bạn, một cái xe ca đã áp sát chỗ tôi đứng, một chú lơ xe tóc nhuộm đỏ xơ xác nhảy ào xuống hỏi như quát:
-Bố đi đâu đấy, lên xe đi?
Tôi cảnh giác nhìn kỹ lại biển số xe rồi mới thủng thẳng:
-Tôi sang Việt Quang.
Thằng bé lơ xe túm ngay cái cặp của tôi rồi hối như đuổi tà:
-Thế thì lên xe đi luôn thôi, xe con vẫn đang còn rộng mà bố.
Tôi ngó lên thùng xe thấy có vẻ thưa người mới dám bước chân lên cái bậc cửa xe. Lập tức thằng bé lơ xe thúc giục như sắp cháy nhà:
-Bố vào trong đi, khẩn trương hộ con. Có ghế ngồi trong kia, bố ngồi xuống nhá, sắp qua trạm công an rồi. Đồ đạc của bố đây, bố cứ vào đi.
Tôi tìm được một chỗ trống, liền nhét cái cặp xuống gầm ghế rồi yên vị. Bên cạnh tôi là một hành khách nữ, chắc bị say xe, đang gục đầu vào thành ghế phía trước, một tay che kín mặt bằng một chiếc khăn mỏng. Tôi đánh mắt nhìn ra phía ngoài, cây cối, nhà cửa trôi miên man về phía sau lưng. Ngày chưa tách tỉnh, mỗi năm tôi qua con đường này vài lượt. Từng cái ngã ba, cây cầu, thậm chí từng quán cơm phở bên đường tôi đều rành rọt. Mấy năm không qua lại, mọi thứ bây giờ đều lạ lẫm quá!
Sau khi vợ mất, Hiện đón mẹ về ở cùng, trông nhà trông con giúp để nó đi làm. Vóc dáng hình hài Hiện xác xơ đi trông thấy, nhưng mỗi lần gặp nhau nó vẫn ồn ào, tuế tóa như chẳng có chuyện gì đã xảy đến. Nhớ lại chuyện yêu đương thời sinh viên, tôi biết con tim nó đau đớn lắm, chẳng dễ gì nguôi ngoai được. Mãi đến ngày sắp tách tỉnh, tôi mới dám dè dặt hỏi nó về chuyện vợ con, nó bảo:
-Tôi sống như thế cũng quen rồi, đưa một người phụ nữ về ở cùng chỉ làm họ khổ thôi.
-Tôi hỏi thật, ngần ấy năm qua rồi, chả nhẽ  ông không có rung động với một người khác giới nào à?
-Hì hì.... Ông nói như tiểu thuyết vậy. Phụ nữ họ làm cả thế giới rung động ấy chứ, riêng gì tôi. Có lẽ là chưa đến lúc thôi. Lúc nào nó đến, ông sẽ là người đầu tiên tôi thông báo.
Thấm thoắt thế là chúng tôi ra trường đã hơn hai chục năm rồi. Công danh, phú quý mỗi người mỗi ngả. Những lúc nhớ nhau, tôi và Hiện lại bấm điện thoại để hàn huyên. Nó bô lô ba la kể chuyện gặp bạn bè cùng lớp, kể chuyện nghiên cứu khoa học được mất thế nào, rồi chuyện nhậu nhẹt say tỉnh ra sao...Chỉ có mỗi chuyện về cái “lúc nào” của nó thì chẳng bao giờ được nhắc đến. Hiện vẫn sống như vậy với mẹ già và đứa con gái duy nhất. Đứa con gái bây giờ đi học đại học, ngày ngày Hiện đi làm, nhà chỉ còn mỗi bà mẹ thơ thẩn quét nhà xong rồi lại nấu cơm đợi con về. May mà có họ hàng anh em quây quần xung quanh nên bà cụ cũng đỡ đi cái phần hiu quạnh.
Chiếc xe đang chạy vù vù bỗng phanh dúi lại khiến tất cả hành khách đều giật mình lao chúi về phía trước. Thằng bé lơ xe quát tướng lên:
-Anh không có mắt à? Khách người ta vẫy thế mà cứ lao vùn vụt...
Lập tức cái xe hùng hục chạy giật lùi trở lại. Nhìn mặt anh tài xế đã cứng tuổi, tôi hiểu là anh ta lái thuê cho nhà thằng bé lơ xe. Có lẽ thái độ hỗn xược quá mức của thằng oắt lơ xe khiến anh ta bực mình văng tục:
-Đứng mãi trong ngõ ấy thì đéo ai mà nhìn thấy!
Thì ra là có khách đón xe dọc đường. Xe vừa dừng lại, thằng lơ xe đã nhảy ào xuống lôi tuột vị khách vào xe rồi chiếc xe lại lăn bánh tiếp. Người khách ngồi cạnh tôi đã giật mình ngồi thẳng dậy. Tôi quay nhìn sang để nhận diện. Đó là một cô gái, một cô gái rất trẻ. Có lẽ cú phanh xe đột ngột đã làm cô tỉnh lại. Cô ta đưa tay vén lại mái tóc lòa xòa ngang trán, ngơ ngác nhìn  ra ngoài cửa kính rồi quay lại hỏi tôi:
-Đây là chỗ nào rồi chú ơi?
-Có lẽ khoảng bốn chục cây nữa thì đến Việt Quang. Chú cũng không nhớ rõ lắm.
-Chú cũng về Việt Quang ạ?
-Chú chỉ đến đó làm việc thôi, chứ chú ở tỉnh bên này cơ mà!
-Cháu cũng về Việt Quang đây. Cái xe này chạy khiếp quá chú nhỉ?
-Ừ...., thời buổi làm ăn mà.
Tôi ậm ừ trả lời rồi quay sang nhìn kỹ người đang nói chuyện với mình. Có lẽ cũng là thói quen thận trọng cố hữu của tôi, biết đâu gặp phải hạng người đểu giả thì sao? Cái thằng lơ xe kia còn gọi tôi là “bố”, vậy mà cứ thử không đi xe của nó xem...
 Mặc dù cảnh giác nhưng tôi cũng phải thừa nhận cô ta rất đẹp. Thấy cô gái có vẻ sẵn sàng tiếp chuyện, tôi mạnh dạn dò hỏi:
-Nhà cháu ở đấy à?
-Nhà cháu ở mãi Bắc Giang cơ, nhưng cháu công tác ở đấy.
-Tốt quá. Ở tỉnh này ai cũng muốn về Việt Quang công tác.
-Cháu đang xin chuyển về quê đấy chú ạ. Ở đấy buồn lắm!
Cô gái nói mà không nhìn tôi, đôi mắt có hàng mi khá dài cứ đăm đăm nhìn về phía trước. Trên gương mặt rất đẹp nhạt nhòa một nét cười buồn đến nao lòng.
-Cháu nói thế nào ấy chứ. - Tôi bác lại: -Chả ai nói đất Việt Quang buồn cả. Tỉnh này còn muốn nâng cấp nó lên thành thị xã nữa cơ mà?
-À..., là cháu nói riêng cháu thôi.
Cô gái quay sang ngập ngừng thanh minh với tôi rồi lại quay nhìn đăm đắm về phía trước với ánh mắt đượm buồn. Tôi hiểu cô gái không muốn tiếp tục câu chuyện nữa, nhưng tôi thì lại không muốn câu chuyện dừng lại:
-Cháu làm ở cơ quan nào?
-Cháu làm ở phòng nông nghiệp chú ạ.
-Ôi trời ơi! Ông trưởng phòng của cháu là bạn thân thời sinh viên của chú đấy. Chú đang hẹn vào nhà lão ta chơi đây này.
Tôi hồ hởi kể lể như kiểu khoe khoang lấy oai, quên hết cả cái thói quen thận trọng. Cô gái nghe tôi nói vậy thì quay ngoắt sang nhìn, trợn tròn mắt, giọng thảng thốt:
-Thế ạ.... Vậy ra anh Hiện...
Cô ta chỉ nói đến đấy rồi vội vã đưa tay che miệng và im băt. Không nói thêm lời nào, cô quay mặt nhìn ra phía ngoài cửa kính với dáng vẻ lúng túng. Tưởng cô gái nghi ngờ tính chân thực trong câu nói của tôi, tôi hăng hái bổ sung thêm thông tin:
-Đúng đấy cháu ạ. Lão Hiện mà vợ đã mất cách đây mười mấy năm, đến nay vẫn ở một mình ấy.
Cô ta vẫn trân trân nhìn ra ngoài, không có một phản ứng nào đáp lại lời tôi cả. Tôi chợt thấy mình vô duyên, bèn giả vờ cúi xuống xếp lại hành lý rồi kê tay gục đầu vào thành ghế phía trước. Cả khoang xe không ai nói một câu nào, tiếng máy ô tô dội từ sàn xe lên đều đều khiến hành khách đều cảm thấy buồn ngủ. Tôi sắp lơ mơ thì cô gái lại cất tiếng gọi nhỏ nhẹ:
-Chú ơi!
Tôi ngẩng dậy dụi mắt quay nhìn sang thì thấy cô gái đang nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Để làm đà cho cuộc hội thoại, tôi hỏi lại cô ta:
-Có chuyện gì thế cháu? Chú thấy mỏi mắt thì gục xuống một tý thôi, chả ngủ được .
-Dạ. Cũng không có gì to tát đâu ạ. Chả là...
Ngập ngừng một lúc, cô ta cúi đầu nói một mạch, cứ như là tự nói với mình vậy:
-Cái chuyện cháu xin chuyển công tác ấy mà, chỉ là ý định của riêng cháu, cả phòng chưa ai biết cả. Cháu đang xin nghỉ phép để chạy thủ tục tiếp nhận. Chú đừng nói gì với trưởng phòng của cháu nhé!
Tưởng gì! Cái việc cán bộ nhà nước chạy thủ tục chuyển về gần nhà để hợp lý hóa công việc vẫn là chuyện thường tình, có gì mà phải bí mật thế chứ? Giả sử tôi có vui miệng kể lại với thằng Hiện thì chắc chắn nó cũng chả hơi đâu mà làm khó dễ cho một nhân viên đáng tuổi con cháu thế này.
-Không sao đâu cháu ạ. Chú chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ để cháu chuyển đến nơi thuận tiện hơn. - thấy cô gái có vẻ lo lắng thật sự, tôi an ủi bằng mấy câu nhạt thếch. Để cho câu nói bớt vô vị, tôi chèn thêm một câu tếu táo: -Hay là có anh nào trồng cây si với cháu rồi? Nếu mà có như thế thật thì chú sẽ giữ bí mật cho. Chú hứa đấy!
-Dạ không chú ạ. Chả là có vài chuyện riêng tư cháu không muốn ai quan tâm đến trước khi cháu chuyển đi thôi. Chú hứa nhé?
Nhìn ánh mắt khẩn khoản của cô gái, cái trí tò mò của tôi vừa nhen lên trong đầu liền lụi biến đi đâu mất. Tôi gật gù ra chiều ngẫm ngợi lung lắm trước khi đưa ra một câu khẳng định mà tôi biết thừa là nó vô thưởng, vô phạt:
-Thôi được rồi. Chú hứa!
-Dạ. Cháu cảm ơn chú nhé.
Ánh mắt của cô gái có vẻ rạng rỡ trở lại khiến tôi suýt bật cười thành tiếng. Thời buổi thị trường này, người quen biết, thậm chí người thân thiết hứa còn khó tin, vậy mà cái cô gái này lại đi tin vào lời hứa của một kẻ qua đường không quen biết thì cũng kỳ lạ thật. Hay là cô ta chơi trò giả nai, giả cừu nhỉ? Nếu quả thật cô ta đang giả vờ thì phải công nhận là màn diễn của cô ta quá giỏi. Loại người lúc nào cũng cảnh giác quá mức như tôi mà còn không nhận ra nét giả dối nào trong suốt chuyến đi ấy.
Xe đến Việt Quang khi trời đã về chiều muộn. Người đi làm về, trẻ đi học về, người đi chợ chuẩn bị cơm chiều...làm cho mặt đường như chật chội hơn. Tôi xuống xe ngay đầu phố. Ở đấy có cái ngõ rẽ vào nhà thằng Hiện. Thấy tôi chuẩn bị xuống xe, cô gái ngồi ghế bên cạnh còn nhắc lại:
-Chú nhớ đã hứa với cháu rồi đấy nhé!
Vào đến nhà Hiện đã thấy lố nhố ba bốn người đàn ông lạ mặt ở đấy. Màn giới thiệu và chào hỏi của những người “bạn chai” chúng tôi ồn ào, ầm ỹ cứ như chợ vỡ. Chưa được năm phút, Hiện đã hối tôi đi rửa ráy rồi lên mâm. Năm vị đàn ông ngồi quây mâm cỗ thịt vịt. Hiện chỉ tay vào mâm cỗ rồi nhăn nhở bảo tôi:
-Tất cả đều tay tôi đạo diễn đấy, ông chén rồi chấm điểm nhá!
Tôi gật gù rồi nhìn quanh không thấy mẹ Hiện liền hỏi:
-Ừ, được rồi. Nhưng mà bà cụ đi đâu, không về ăn cơm luôn?
-Bà sang ở với thằng chú út. Vợ nó mới đẻ. Nào xin mời! Trăm phần trăm nhá!
Nhất loạt chén nâng lên rồi tiếp theo là bắt tay loạn xị. Tay cán bộ cấp dưới  của Hiện trẻ nhất đám được bố trí làm chân “châm tửu”, chỉ nhăm nhăm rót hết loạt này lại loạt khác. Tôi thấy mặt mũi đã bừng bừng liền bảo Hiện:
-Mai còn phải làm việc đấy ông ạ. Uống vừa phải thôi!
-Nhất trí! Hết chỗ này thì “xờ tóp” nhá?
Vừa nói Hiện vừa chỉ vào cái chai nhựa trắng to tướng, trong ấy óc ách rượu gần đầy tới miệng chai. Tôi hoảng hồn kêu to:
-Hết chỗ này thì chết à?
-Uống xong, ông ngủ với tôi. Yên tâm đi!- Hiện gật gù thu xếp một cách ráo hoảnh, cả bọn ngồi bên cũng ồ à hưởng ứng, khiến tôi đành nhắm mắt uống liều.
Khề khà mãi rồi rượu cũng ngấm, cả bọn lê ra bàn pha trà uống, để lại bát đĩa ngổn ngang trên chiếu ăn. Tay cán bộ  trẻ mặt mũi phừng đỏ nhưng vẫn toe toét rót nước mời cả đám rồi lụi hụi quay lại thu dọn mâm bát. Đợi đến khi ba vị khách khuệnh khoạng bắt tay rồi đi ra khỏi cổng, Hiện quay lại bảo tôi:
-Mình đi tắm rồi nghỉ thôi, chắc ông mệt hả?
-Tôi mà theo ông vài cú như thế này chắc không chịu nổi.
-Ăn thua gì! Bọn nó còn nể tôi nên tha cho ông đấy. Đúng chương trình là lại lôi nhau đi hát karaoke rồi uống bia nữa. Rượu vào thì lời ra mà!
Hiện chui vào buống tắm xì xụp một lúc rồi quay ra đưa tôi cái khăn:
-Ông tắm đi cho nó nhẹ người!
Đang cơn rượu nồng nàn, cơ thể tôi phừng phực như  sắp phát hỏa. Nghĩ đến cảnh làn nước lạnh phun lên người, tôi thấy  phấn khích vô cùng. Chẳng khách sáo, tôi tụt quấn áo dài ngoắc lên một cái giá treo mũ rồi lật đật chui vào buồng tắm. Còn chưa nhận diện hết đồ đạc trong buồng tắm, tôi đã hối hả khỏa thân, vớ lấy cái vòi hoa sen ghé lên đầu rồi mở vòi nước lạnh. Quái lạ! Chả thấy giọt nước nào kể cả khi tôi đã vặn mở hết cỡ. Tôi vội lật đật vặn vòi nước nóng mới thấy làn nước ấm phun xuống. Đang nồng nàn phản ứng của rượu, lại phải tắm bằng nước nóng, cơ thể tôi càng bức bối như muốn phình vỡ. Tắm quấy quá cho xong, tôi vọt ra khỏi buồng tắm. Vừa nhìn thấy Hiện, tôi nói ngay:
-Vòi nước lạnh nhà ông hỏng mẹ nó rồi, chả có giọt nước nào.
-Hì hì. Tôi khóa lại đấy. Tôi biết các bố uống rượu xong chỉ thích đồ lạnh. Nhưng mà những đồ ấy chỉ hãm rượu lại thôi, còn lâu mới tỉnh. Ông tắm nước nóng khó chịu một tý nhưng nó tỏa bớt hơi rượu, đỡ say, hiểu chưa?
Cả người tôi đỏ lên như quả cà chua, mồ hôi túa ra. Có khi tay này nói đúng. Trong cái luồng gió nhẹ của chiếc quạt đang quay lừ đừ, tôi thấy dễ chịu hơn nhiều lắm. Hiện ôm ra hai cái gối, đặt một cái vào   ghế xích đu rồi bảo tôi:
-Ông ngả lưng ở đây cho đỡ mỏi, tôi cũng ngả một tý. Lúc nào buồn ngủ thì lên giường.
Hiện xếp cái gối còn lại lên tay vịn của chiếc ghế dài rồi ườn mình nằm xuống. Yên vị được một lát, tôi hỏi Hiện:
-Bốn nhăm tuổi như bọn mình đã được coi là nửa cuộc đời chưa nhỉ?
-Quá nửa rồi ấy chứ. À này! Ông còn nhớ hồi đầu tiên ông yêu, cảm giác nó như thế nào không?
-Ôi giời ơi, mấy chục năm rồi còn nhớ thế nào được. Tự nhiên sao lại hỏi thế? Á à... Yêu rồi phải không? -Tôi nhổm dậy, xoay hẳn người về phía Hiện, trợn mắt hỏi nó.
-Tôi nghĩ là tôi đã yêu một người con gái rồi ông ạ. Cái cảm giác nhớ nhung lạ lắm!
-Thế ông đã tỏ tình chưa?
-Thực ra, chính cô ấy là người chủ động thổ lộ với tôi. Đầu tiên tôi rất ngạc nhiên và không tin, nhưng bây giờ thì chính tôi cũng đang trăn trở đây.
-Sắp thành lão già rồi còn trăn trở gì nữa chứ.
-Chính vì sắp thành lão già nên mới trăn trở chứ. Lúc còn thanh niên thì trái tim với tâm hồn là một luôn, chả phải nghĩ ngợi gì.
“Nghiêm trọng đây!”. Tôi nghĩ thầm thế. Chẳng mấy khi Hiện có cái kiểu nói chuyện như thế này.
-Ừ. Chuyện này cũng chẳng vội vàng được -tôi gật gù - Nhưng tôi nghĩ ông cũng chẳng nên cân nhắc kỹ quá. Ông yêu người ta, người ta yêu ông, đấy là cái quan trọng nhất. Những cái khác chỉ là vấn đề thứ yếu thôi.
-Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế. Nhưng dần dần tôi nhận ra nhiều cái vô lý khiến mình không dám chấp nhận theo con tim mình nữa.
-Ông phức tạp hóa rồi đấy! Tôi cảnh báo ông là nếu cứ cả nghĩ như thế thì trên thế gian này chả có cái gì đơn giản đâu.
-Tính tôi ông còn lạ gì? Chỉ có điều mình không đành lòng ông ạ.
-Nhưng vấn đề là gì chứ? Hình thức, tài chính hay nhân thân hả?
-Cô ấy đẹp, làm việc có năng lực, hiền hậu nết na. Bao nhiêu thanh niên ở đây ngấp nghé, mà cô ấy lại nhắm mình. Tôi cũng yêu cô ấy mất rồi mới gay chứ.
-Hô hô...-tôi cười phá lên -Ông đào hoa thật đấy. Lại còn giả vờ gay cái nỗi gì?
-Vấn đề là ở chỗ tôi ấy. Dù sao mình cũng già rồi ông ạ.
-Lại còn thế nữa. Chả ai dám nói ông là già. Già hay trẻ nó tùy thuộc cách nghĩ thôi. Có biết câu hát “lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu” không? Ông cứ nghĩ kiểu ấy thì già hơn cả tôi thật đấy.
-Chắc chắn tôi không thể già hơn ông được. Tôi nói là so với cô ấy kia. Hơn cô ấy đến hai mươi tuổi thì tôi trẻ làm sao được ?
Tôi lại bật nhỏm dậy vì sửng sốt. Lần này tôi ngồi hẳn dậy, xoay hẳn cái xích đu hướng về phía Hiện rồi lắp bắp:
-Trẻ...trẻ thế cơ à? Ờ..ờ...Nhưng mà chênh lệch tuổi tác thế thì đã làm sao? Tình yêu có phân biệt tuổi tác đâu?
-Thì tôi cũng yêu cô ấy chân thành đấy thôi! Nhưng tình yêu và cuộc sống là hai thứ khác nhau ông ạ. Cô ấy cần cuộc sống tuổi trẻ, còn mình thì không thể sống theo cô ấy được. Tuổi tác là thời gian mà, nó chỉ có một chiều thôi. Chả nhẽ vì yêu mà mình bắt cô ấy phải hy sinh cả một quãng đời thanh xuân dài như thế sao?
-Ông cầu toàn quá. Yêu cũng cần có sự hy sinh chứ!
 Tôi giở giọng lý thuyết ra như thế chứ thực ra cái môn này tôi cũng chỉ là loại gà mờ thôi. Chả biết có phải vì câu nói của tôi hay không, Hiện thừ mặt hồi lâu không nói gì cả. Tôi hỏi tiếp:
-Cô ta có biết ông cũng yêu cô ấy không?
-Không! Từ khi biết cô ấy có tình cảm với mình, tôi cố giữ một khoảng cách rồi cố kéo cái khoảng cách ấy xa hơn. Tôi biết cô ấy buồn và tôi cũng buồn. Mình lớn tuổi hơn nên chế ngự tình cảm tốt hơn, nhưng hình như tình yêu là một thứ lửa ông ạ. Càng kìm nén thì nó lại càng nung đốt đến mức có khi tôi muốn quên đi mọi thực tại để chạy đến với cô ấy.
“Nghiêm trọng thật rồi, nhưng hóa ra lại vô cùng đơn giản”. Tôi không đáp lại lời Hiện mà lại ngả mình xuống ghế ngẫm ngợi. Cái tình yêu trong thằng bạn tôi sẽ nổ tung trong  ngày một ngày hai thôi. Hiện sẽ phải thổ lộ tình cảm với người con gái kia và họ sẽ về ở với nhau, sinh con đẻ cái và hạnh phúc như bao cặp đôi khác. Tuổi tác và hoàn cảnh thực tại của Hiện sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Ôi! Cái  kết cục muôn thuở của tình yêu ai mà chẳng biết chứ! Chỉ sợ là tình yêu đơn phương thôi, chứ đằng này... Họ yêu nhau như thế thì chẳng có gì để mà lo ngại cả. Ông bạn thân của tôi ơi! Tôi lại sắp được uống rượu cưới của ông rồi! Tôi thầm nghĩ lan man như thế và cảm thấy thích thú đến mức bật tiếng cười khùng khục. Để lấp lóa cho tiếng cười vô duyên, tôi nghiêng sang hỏi Hiện:
-Này! Cô ấy làm gì, ở đâu mà lại nhắm vào ông ?
-Cô ấy là cán bộ ở phòng tôi. Mới ra trường, về đây công tác được hai năm.
-Thôi chết rồi! Có phải cô ta quê ở Bắc Giang không?- tôi lại nhỏm dậy
-Sao ông biết?
Hiện cũng bật nhỏm dậy, trợn mắt vừa hỏi tôi vừa xác nhận cái thông tin tôi đưa ra.
-Chiều nay tôi ngồi cùng ghế với cô ta trên xe. Toàn gọi tôi bằng chú thôi.
-Cô ấy quay lại rồi à? Sao ông chẳng nói sớm một tý chứ?
-Ai biết đâu mà nói. Mà sao ông phải cuống quýt lên thế?
-Cô ấy xin nghỉ phép nửa tháng về quê, mới đi được có dăm hôm, điện thoại lại tắt suốt, không liên lạc được.
Vừa nói gấp gáp, Hiện vừa vớ cái điện thoại di động bấm nhoay nhoáy rồi đưa áp vào tai. Có lẽ cuộc gọi không thực hiện được, Hiện đặt điện thoại xuống bàn rồi quay sang tôi:
-Bây giờ vẫn không liên lạc được. Mà cô ấy có nói gì với ông không?
-Cô ấy chỉ nói là đang nghỉ phép về Bắc Giang để...
Chợt nhớ lại lời hứa với cô gái lúc trên xe, tôi ngập ngừng dừng lại
-Cô ấy có nói vì sao lại trả phép sớm không?
-Cô ấy không nói, mà tôi cũng không tiện hỏi.
Không hề băn khoăn, tôi nói dối thẳng thừng. Hiện không còn ngồi yên nữa, nó nhấp nhổm đi lại, vẻ căng thẳng lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Thôi chết! Cô ta chẳng đã nói là xin chuyển công tác vì chuyện riêng tư đấy sao? Thì ra chính là vì chuyện này đây. Cô nghĩ là mình đang yêu đơn phương, tình yêu không được đáp lại, chuyển đi chính là để không gian khuất lấp đi cái tình yêu mà cô đã nghĩ là vô vọng. Ngày mai cái đơn xin chuyển công tác của cô sẽ được gửi đến bộ phận tổ chức, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp. Không được! Phải xử lý ngay!
Chẳng còn nhớ gì đến câu hứa trên xe, tôi gọi giật:
-Ông Hiện, ông Hiện...
Hiện lập tức quay lại trợn mắt nhìn tôi
-T..tôi..tôi nhớ ra rồi -tôi lắp bắp một tràng: -Cô ta có nói với tôi là đã xin được tiếp nhận chuyển công tác nên quay lên sớm để làm thủ tục chuyển về quê
-Sao lại thế được? Chuyện như thế mà ông không nói luôn...
Nói rồi Hiện lập cập đi vào buồng. Lúc quay ra, vừa cài cúc áo, Hiện vừa bảo tôi:
-Ông ở nhà xem ti vi một mình, mệt thì lên giường ngủ trước, không cần khóa cửa đâu. Tôi đi có việc một tý.
Tôi thở phào nhẹ nhõm! Mọi việc hóa ra lại đơn giản hơn nhiều. Cái sự thất hứa của tôi hóa ra lại đưa chàng và nàng đến với nhau sớm hơn. Có cả nghĩ đến mấy thì cái kết cục của tình yêu cũng sẽ đến thôi. Hơ hơ! Hiện ơi là Hiện! Mấy ai thoát được lưới yêu đâu chứ. Mà lại là một tình yêu chân thành và trong sáng như thế thì ai mà dứt bỏ được!
Đợi ánh đèn xe máy của Hiện khuất hẳn sau bức tường rào, tôi mới khép cửa, thư thái ngả người xuống ghế xích đu, ngẫm nghĩ rồi tự cười nhăn nhở. Đàn ông tuổi như như bọn tôi trở lên khối người lặn lội đi tìm u nọ u kia. Dẫu có chín chắn và sâu sắc đến thế nào chăng nữa thì Hiện cũng vẫn là một thằng đàn ông, mà lại là đàn ông độc thân gần hai chục năm trời rồi, làm sao lại có thể chối bỏ được cuộc tình duyên này chứ. Hì hì... Với cái điệu bộ sục sôi như vừa nãy, chắc đêm nay chàng còn lâu mới về được! Tôi thấy thú vị và hãnh diện vì đã trở thành một phần trong câu chuyện tình đặc biệt này. Lãng mạn và kịch tính quá! Hồi kết câu chuyện này chắc chắn sẽ là một đám cưới tưng bừng, một cặp đôi hạnh phúc nồng nàn, hoặc một cái gì đó tương tự thế, không thể nào khác được. Thằng bạn tôi xứng đáng được có tất cả những cái đó vì sự chín chắn và sâu sắc trong tình cảm của nó. Cô gái kia xứng đáng được gắn bó với người mình yêu bởi sự chân thành và trong sáng của tình yêu... Ngay ngày mai, tôi sẽ lục tìm lại địa chỉ của đám bạn học thời sinh viên, sẽ loan báo cho cả lớp chờ ngày tụ tập về đây tưng bừng chúc phúc cho mối nhân duyên mới của Hiện sau đằng đẵng hàng chục năm trời ....
Những tâm tưởng miên man và chút men rượu ngấm trong người đã đưa dẫn tôi vào giấc ngủ lúc nào không biết. Màn hình ti vi vẫn loang loáng những hình ảnh, ánh đèn điện vẫn sáng choang cả căn phòng, cánh cửa vẫn hờ khép đợi người vào, còn tôi thì vẫn ngoẹo đầu trên cái xích đu mà ngủ say sưa. May mà vùng này an ninh tốt, nếu không, chỉ cần một thằng trộm hạng bét cũng có thể vào khuân sạch mọi thứ ở đây đi rồi.
Tôi giật mình tỉnh giấc nồng khi có người lay mạnh vào vai. Nhận ra người lay mình là Hiện, tôi lần hồi nhớ lại những diễn biến trong ngày. Hiện bảo tôi:
-Ông lên giường ngủ đi, nằm ở đây đau người mà lại có muỗi đấy.
Tôi không để ý đến lời nhắc của Hiện mà dụi mắt tìm vị trí cái đồng hồ treo tường, đồng thời hỏi lại Hiện như một cái máy:
-Mấy giờ rồi?
-Hơn mười giờ tối rồi.
Những cái kim của chiếc đồng hồ to tường treo ở bức tường bên cạnh đã xác nhận câu trả lời của Hiện. Ôi trời ơi! Như thế là mới chưa đến nửa giờ đồng hồ kể từ khi Hiện hấp tấp dắt xe đi. Sao mà chàng và nàng gặp nhau chóng vánh thế được? Tôi nhỏm dậy hỏi dồn:
-Sao ông lại về sớm thế? Chuyện như thế nào rồi?
-Tôi vào văn phòng cơ quan lấy mấy cái tài liệu mai đi họp rồi về luôn thôi.
-Thế ông không gặp cô ấy à?
-Tôi đã định đi gặp cô ấy, nhưng nghĩ lại, tôi không thể ông ạ.
-Có gì mà không thể? Ông là gỗ đá hay sao mà lại vô tình đến thế được?
-Tôi yêu cô ấy đến thế nào thì ông cũng nhận ra rồi. Nhưng nỗi mặc cảm về sự ăn cắp đi tuổi trẻ của cô ấy ám ảnh tôi nặng nề quá. Cứ để cô ấy chuyển đi ông ạ. Đến một lúc nào đó  mọi chuyện sẽ vào quên lãng thôi.
-Ngụy biện, tự lừa dối như thế mà sao ông không bị ám ảnh, lại ám ảnh  những cái chuyện đâu đâu ấy – tôi hăng lên, nói như quát với Hiện: -Thế nếu lúc ông gọi điện mà gặp cô ấy thì ông như thế nào?
-Hì hì...., tôi cũng chả biết được, âu cũng là số phận. Tôi đã quyết định thế rồi! Mà hình như ông còn bị ám ảnh hơn cả tôi hay sao ấy. Sao thế?
Hiện định lấy cái bộ dạng tếu táo của nó để trấn an tôi, nhưng tôi biết trong lòng thằng đàn ông này đang rối bời những nỗi đớn đau giằng xé. Nói thêm sẽ chỉ làm cho bạn tôi đau thêm thôi. Nỗi đau quá mức chịu đựng có thể sẽ làm chai cứng con tim người ta, không còn biết rung động về đâu nữa, có lẽ đấy mới thực sự là thảm họa khủng khiếp nhất cho một kiếp người. Tôi thở dài khi biết rằng mình không thể làm gì hơn được trong câu chuyện này, mọi suy ngẫm tôi cứ tưởng là lô-gic hóa ra lại là hồ đồ. Là bạn của nhau đã mấy chục năm mà vẫn còn nhiều điều Hiện làm tôi phải ngẫm lại
-Thôi bỏ qua đi.- Thấy tôi ngồi thượt ra, Hiện vỗ vai tôi rồi nhăn nhở: -Hay là tôi với ông làm thêm tý tửu cho dễ ngủ, hả?
Không nhìn nó, tôi vùng vằng đứng dậy loẹt quẹt đi về phía chiếc giường ngủ rồi nói hắt lại:
-Rượu với chè gì? Ông chán bỏ mẹ. Thôi ngủ đi!
Chuyến công tác ấy trở thành một chuyến đi buồn của tôi, nhưng tôi chả dám trách Hiện. Nỗi buồn của tôi có là gì đâu so với cái tan nát trong tâm hồn nó. Chỉ cầu mong nhờ thời gian và công việc, mọi thứ sẽ lại lắng xuống đâu đó, để thằng bạn đào hoa của tôi lại có thể sống và yêu được.
Có đến một năm sau, một hôm tôi đang ngồi vẩn vơ trong văn phòng thì nhận được điện thoại của Hiện hẹn gặp ở một quán cà phê gần đó. Tôi lập cập lao ra thì đã thấy nó đang ngồi cùng một phụ nữ lạ hoắc. Tôi vừa ngồi xuống, Hiện nói luôn:
-Tôi gọi ông để thông báo và giới thiệu, đây là Miền, bạn gái của tôi. Còn em à! Đây là ông bạn thân thời sinh viên mà anh vẫn kể em nghe đấy.
-Chào em!
Tôi quay sang nhìn người phụ nữ và đưa tay ra bắt vừa để xã giao vừa để xác nhận lại câu nói của thằng bạn. Sau một thoáng bẽn lẽn, Miền trịnh trọng đưa hai tay ra nắm lấy tay tôi. Đó là một phụ nữ có lẽ đã qua tuổi ba mươi rồi, nhưng những nét xuân sắc vẫn đằm thắm, tiềm tàng trên khuôn mặt và dáng vóc. Qua câu chuyện tôi được biết Miền cũng đang làm việc ở Việt Quang, nhưng quê lại ở bên tỉnh này. Duyên phận có những điểm tương đồng nên họ nhanh chóng cảm thông và đến với nhau. Hôm ấy chàng và nàng đưa nhau về ra mắt bố mẹ Miền.
Cuối năm ấy Hiện và Miền cưới nhau. Không tưng bừng náo nhiệt nhưng ấm áp nồng nàn. Hôm Hiện cưới vợ, có lẽ gặp tiết xuân hay sao ấy, cả vườn đào nhà nó nở bung, hồng rực. Lúc nói chuyện riêng với nhau, tôi hỏi nó về cô gái đi cùng chuyến xe với tôi năm trước, nó cười hì hì rồi bảo:
-Ông nhớ dai thật đấy! Cô ấy cũng tìm được một bến bờ yên ả rồi.
Thế là tiết xuân cũng đến với cô gái ấy! Tôi lơ mơ hiểu ra rằng tiết xuân là một cái gì đấy mà tôi không hiểu!