Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Uống rượu!

Nào chén đầy, nào chén vơi
Chén vui lưng chừng, chén buồn sóng sánh
Rượu thì rực nồng, lòng người thì lạnh
Khói bay ngang khóe mắt em cay
Lại chén vơi, lại chén đầy
Miếng thịt nướng thơm chấm vào đói khát
Một ngụm lãng quên để nhớ về dào dạt
Người vắng rồi, em rót sẻ cho ai?
Người xa rồi, em uống cạn chiều nay
Góc phố, mưa đông, co mình phòng vắng
Đầy ứ cô đơn, chén sầu trĩu nặng
Chỉ một mình em biết sẻ vào đâu?

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Trúc hóa long

(bài thơ đầu tiên gửi đăng báo Văn nghệ Tuyên Quang )
Đang vươn thẳng bỗng ngoằn nghoèo, gục gập
Thân măng tơ bỗng vặn vẹo, sù sì
Kỳ vọng cho người một chút đam mê
Đừng mơn mởn, phải oằn mình thêm nữa
Trúc xinh ơi, trúc xinh muôn thuở
Dẫu hóa rồng cũng chẳng thể bay lên
Hãy là em, mãi là em
Vai gầy. Đòn tre. Nắng bụi
Má rám nắng nụ cười già trước tuổi
Cứ lo toan bươn bả quên mình
Chẳng đợi chờ đâu một kiếp Trúc Xinh
...(mất bản thảo rùi)

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Ta thương...

Ta thương người một kiếp long đong,
Cơn đói khát thay đồ ăn mỗi bữa
Ta thương người nép mình như hoa sữa
Chờ đêm buông mới thao thức, nồng nàn
Ta thương người nhặt nhạnh giọt nến tàn
Khêu chút lửa hâm đông chiều ấm lại
Ta thương người để tang đời con gái
Voan trắng giăng sương trắng người đi
Ta thương người phên liếp mỏng trời khuya
Nghe lạnh buốt gió lùa vào dĩ vãng
Ta thương người gom về từng hạt nắng
Hong khô kỷ niệm tuột trôi xa
Rồi ta về ta lại thương ta
Ngụp lặn chơi vơi vớt vần thơ nhạt.

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Ghen vợ




LÃO HỆ

          Lão Hệ dạo này lại sinh chứng ghen ngấm ghen ngầm với vợ mới kỳ lạ chứ! Cái ghen nó vừa lảng vảng mơ hồ, vừa day dứt, rỉ rả mà hành hạ lão Thành thử suốt ngày lão cứ thấy hậm hực, ấm ức đến khó chịu. Nhất là lại không thể nói cái hậm hực ấy với ai, thậm chí không thể nói với ngay chính bản thân lão!

          Năm nay lão đã sang tuổi sáu mươi. Kể cũng chưa phải  là quá già, thế nhưng cơ thể lão xem ra ọp ẹp lắm! Vốn bộ tạng lão từ xưa vẫn thế, lại thêm cái nghề viết văn nó hành, khiến lão lúc nào cũng khôn khôn, dở dở, vừa đay đả ráo riết lại vừa ngơ ngáo phớt đời. Bọn trẻ tuổi cùng cơ quan chúng tán bảo lão  thuộc loại “pê đê”, hoặc là "trên bảo dưới không nghe", lão cười xoà đáp lại:

          -Các cậu cứ tinh tướng, chứ bây giờ đố cậu nào dám bỏ ra đọ với tớ!

Thêm một lý do để lũ trẻ có cớ mà châm chọc lão, ấy là cô Cậy vợ lão Hệ, kém chồng đúng hai mươi tuổi, đang vào độ tái xuân. Vốn xuất thân từ nhà nông, lại thêm chức năng bươn bả đủ thứ công việc thượng vàng hạ cám cho cả nhà, thế nên sức vóc của cô so với lão Hệ cứ như đống lửa trại bên ngọn đèn hoa - kỳ lúc đã cạn dầu hoả. Thực ra cái sự chênh lệch ấy không phải bây giờ mới có, mà nó thể hiện ra đấy suốt hai mươi năm nay, có lúc nào lão để ý đến đâu! Ngay cả lúc bốn mươi tuổi lão mới lấy vợ; sự kiện quan trọng cho cả cuộc đời như thế mà lão cũng chỉ coi như cái dấu phẩy trong cả áng văn chương dằng dặc của lão!

 Ngày ấy, cái bài thơ về cô gái trồng ngô ngoài bãi của lão Hệ được giải cao. Lão “cảm” quá, liền lần tìm đến tận nhà cô gái, đọc thơ cho cô nghe, lại còn tặng cả một tập thơ mới in dày cộp. Lúc ấy Cậy còn là một cô gái mồ côi cha, phải bỏ  lớp Bảy học dở để lặn lội sắn khoai qua bữa. Cậy mê thơ lão Hệ, mê luôn cả cái bộ dạng ngu ngơ phớt đời của lão. Cậy còn được lão Hệ xin cho vào làm cái chân thủ thư. Với cô như thế có nghĩa là đổi đời! Vốn đã có chút tình si mê, lại thêm cái ơn sâu ấy, Cậy coi việc lão Hệ hỏi cưới cô là một sự ban phát đặc biệt của cuộc đời và số phận. Cô tận tuỵ lo lắng săn sóc cho chồng với một sự say mê và trung thành đến kinh ngạc!

Lão Hệ thì không như thế. Có vợ rồi thì cuộc sống của lão vẫn là như cũ. Có lẽ trên đời này, đối với lão không có gì quan trọng hơn văn chương, thơ phú. Suốt ngày lão Hệ mê mẩn với những câu cú, những tập in, bài viết. Lão quên mất cả mình vốn vẫn là một sinh vật sống, phải ăn, phải ngủ, phải duy trì giống nòi. Không tuyên ngôn nhưng có lẽ lão cho rằng đó là những chức năng của kẻ khác. Vì thế mà lão chểnh mảng ngay cả chuyện chăn gối vợ chồng. Có được đứa con gái đầu lòng rồi, lão lờ tịt chức phận phải phát triển giống nòi. Lúc con lên tám tuổi, có lần Cậy nhắc khéo:

-Giá nhà mình có thêm đứa nữa cho con bé nó có chị có em thì cũng đỡ buồn tủi sau này!

Lão Hệ cười lấp loá :

-Thời đại tiên tiến không nên đẻ nhiều. Với lại chúng nó đàn đúm, chị em với chúng bạn, chắng quá vui rồi còn gì!

Đối với Cậy, mọi ý kiến của chồng đều đúng và tốt cả. Dẫu trong thẳm sâu trong tâm hồn cô có những khát khao âm ỉ, thì niềm tin yêu nơi người chồng lại khoả lấp, dung hoà đi. Cứ thế suốt hai mươi năm, đôi con người ấy luôn mãn nguyện, bằng lòng với những gì đang có. Mỗi người đều sở hữu và tự nhấm nháp những niềm hạnh phúc với những khuôn dạng riêng. Nhưng không vì thế mà họ quay lưng hay xung khắc với nhau. Quan hệ vợ chồng của cặp Hệ -Cậy vừa lơi lỏng lại vừa gắn bó. Cái lơi lỏng thì nhãn tiền, phếch phác ra đấy. Cái gắn bó thì lại thuộc về cõi nào sâu kín lắm, ngay cả người trong cuộc mà tài hoa như lão Hệ cũng khó mà kể rạch ròi. Nhưng thiên hạ thì tinh lắm! Cái tương quan kiểu vợ chồng lão Hệ chẳng qua mắt họ được!

Một hôm trong khi ngồi tán gẫu ở cơ quan, thằng Tuần khơi mào:

-Bác Hệ xem phải tẩm bổ nâng cao phong độ lên thế nào chứ không có thì gay go. Em thấy dung nhan bác gái ngày càng khí thế, bác cứ như thế này thì “cai quản” làm sao được?

Lão Hệ cười khì khì rồi cũng ra giọng tán tếu:

-Chả tẩm bổ thì tớ cũng là thằng đực, tẩm bổ rồi lại ra thằng đực thì tẩm làm chó gì cho tốn?

-Khỏi lo! Khỏi lo! -Thằng Nhuệ nhăn nhở góp lời -Bây giờ người ta có cái trò “ông ăn chả bà ăn nem’. Bác Hệ mê mẩn ôm ấp Nàng Thơ thì bác gái ở nhà vui vẻ đi cải thiện. Không thế thì hoá ra Phật hết à?...

Câu chuyện vẫn tào lao như mọi khi thôi, nhưng hôm ấy về đến nhà lão Hệ lại cứ thấy có gì gờn gợn trong lòng. Buổi tối, sau khi làm tí tửu vào, lão thấy người rậm rực, liền quên béng cả đống bản thảo sắp hoàn thành, lên giường ghì riết lấy thân hình nồng nàn của vợ. Nhưng rồi chứng bất lực chả mấy tý kéo lão xuội xuống như một tàu lá chuối tươi hơ qua lửa. Lão nằm nghe cảm giác chán chường ngập ứ trong mọi ngõ ngách trong cơ thể. Trong khi ấy cô Cậy thì lại ra sức an ủi lão:

-Thôi ngủ đi anh! Già rồi mà cố quá là hại cho sức khoẻ!

“Hừ!Có khi mấy thằng ranh nó nói có lý!-Lão Hệ ngẫm ngợi-Đây là chuyện giao hoà âm dương, trời đất, giữa tâm linh với thể xác, chứ có phải tầm thường như mình vẫn nghĩ đâu! Thế giới muôn loài xưa nay cũng nhờ vào đấy mà tồn tại, mà nảy nở đấy chứ! Mình đúng là một thứ sơ sẩy của tạo hoá nên mới đễnh đãng đến thế!”. Nghĩ tới đó lão Hệ thở dài đánh sượt rồi trở mình quay ra. Cậy vội nhổm dậy săm sắm:

-Để em đi pha cho mình cốc nước!

Nhìn theo dáng vợ, chợt lão Hệ nhớ tới câu tán của thằng Nhuệ ở cơ quan.

“Có khi mà thằng ấy nói đúng-lão Hệ lại ngẫm ngợi-Cô ta có phải là Phật Bà quái đâu! Thế mà ngần ấy năm ở với thằng đễnh đãng như mình, cô ta vẫn cứ đi về thản nhiên tươi tỉnh như không. Mình còn có văn chương mà mê mẩm chứ cô ta ...Chả lẽ sống mà chẳng say mê thứ gì thì lạ quá! Khéo mà cô nàng có món nào “cải thiện” cũng nên?”.

Về cái khoản “cải thiện” thì lão mù tịt. Trong khi đó thì bọn thằng Nhuệ đã có cả một thời gian dài đi thực tế, viết hàng loạt bài về nhân tình, nhân ngãi, ngoại tình rồi bồ bịch, cơm-phở  “um xoẹ”  ...thế nhưng mà chẳng lẽ lại đi hỏi chúng nó thì chẳng ra cái thể thống gì nữa! Hay là hỏi thẳng cô ta? Cũng chẳng ra thể thống gì!...

Tim lão Hệ chợt nhói lên khi lão nghĩ về người mà trước nay lão chẳng hề có chút tình si, đã đi làm ở đâu đó cái việc xưa nay lão vẫn hờ hững chểnh mảng mà thằng Nhuệ gọi là “cải thiện”. Cái cục hậm hực, ấm ức mọc lên trong người lão kể từ lúc đó!

Mấy ngày sau, có một chiều lão Hệ đang ngồi bên bàn viết, chợt một luồng gió thoảng qua làm lão thấy ớn lạnh. Lão bỏ bút lên giường trùm chăn nghe khắp mình đau mỏi. Buổi tối lão không dậy ăn cơm mà trùm chăn nằm nghe cái cục hậm hực nó vật vã trong lòng. Đã bao lần lão tự nhủ:”Mình mà lại đi ghen với vợ thì vớ vẩn quá! Lại còn ghen bóng ghen gió thì thật quá tầm thường” Nghĩ thế nhưng cái cục ấm ức thì chẳng thể nào tan đi được mà lại càng lớn lên mới chết chứ! Đến bây giờ thì theo cái lô-gíc quái gở trong lập luận của lão, khả năng vợ lão đi “cải thiện” hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ có điều phải tìm ra được chứng cớ thì mới làm rõ ngô khoai được. Khi ấy thì lão sẽ xuống đòn thù hận sao cho thật độc địa thâm thuý mà đau đớn đến tận xương tuỷ thì mới hả!

Sau khi bóp trán rồi xoa dầu cho chồng, cô Cậy vội úp mâm cơm lại, lật đật vớ cái cặp lồng bước ra cổng, miệng dặn với lại:

-Em ra ngoài quán mua cho anh bát phở nóng!

Lão Hệ mê mê, tỉnh tỉnh nghe câu dặn của vợ rất lào phào. Nhưng cái từ “phở’ chợt làm lão thót lên rùng cả mình mẩy. Đầu óc lão chợt như căng lên, những ý nghĩ, hình ảnh rất rành rọt hiện về.

“Phở à? Đây đích thị là cái món “cải thiện” mà bọn thằng Tuần, thằng Nhuệ vẫn nói đây! Cô nàng vừa nói rằng đi mua phở đích thị là đi mua cái món ấy rồi! Phen này chắc phải rõ ngô khoai đây!”.

Lão Hệ nghiến răng kèn kẹt và vọt đi. Ngay lập tức lão ta đã có mặt ở phố Nhan Nhản, phố này nổi tiếng ăn chơi xanh đỏ tít mù. Kia rồi, bóng vợ lão, cô Cậy mặc chiếc áo xanh màu hoàng yến đang cắm cúi vội vã. Lão Hệ vội vàng men theo hàng cây xanh trên hè hấp tấp đuổi theo. Rẽ rồi, bóng áo vàng bước nhanh vào ngõ Bãi Than. Lão Hệ thở dốc bám theo gót Cậy. Lại rẽ nữa,! Ngõ quỷ quái gì mà tối hun hút thế này. Một lũ mắt xanh mỏ đỏ ào ra, xô vào ngực lão làm lão tức thở. Bọn chúng hô hố bỏ đi. Lão Hệ phải đứng tựa vào một cái cột điện để vuốt ngực. Bóng Cậy mất hút! Lão Hệ dò dẫm thêm vài bước rồi vội quay trở ra đường phố lớn, tìm một chỗ khuất ngồi thở. Mệt quá! Cổ lão khô đắng mà không biết tìm chỗ nào có nước uống. Những cơn gió từ ngoài bãi sông thổi về làm lão hồi lại tí chút. Đôi mắt lão giương lên trân trối nhìn những dòng người xe dập dìu, cặp kè trôi lướt trong ánh đèn vàng đục. Bỗng chợt lão nhổm hẳn người dậy. Có một bóng áo hoàng yến. Đúng Cậy rồi! Cô nàng ngồi vắt vẻo, vòng tay ôm eo một thằng đàn ông cao to trên một chiếc xe máy, chạy êm như trôi trên đường phố. Lão Hệ cắm đầu đuổi theo. Được mấy bước, lão xô phải một người, tý nữa bật bổ ngửa trở lại. Lập tức người đó túm đôi tay vào vai lão giữ chặt lại. Mệt đến tức ngực, lão Hệ chỉ kịp nhận ra người trước mặt là mụ Mỡi bán sách ở đầu phố, thế rồi gần như lão gục hẳn xuống bộ ngực nung núc của mụ. Khuôn mặt bự đầy son phấn của mụ liền xì ra một nụ cười kèm theo lời hỏi chào đon đả:

-Chào nhà thơ! Anh đi đâu mà  lật đật thế này?

-À..à...tôi...ư...tôi thể dục!- Vừa thở lão Hệ vừa phì ra những câu nói dối đến ngớ ngẩn. 
Có lẽ lão bị chộp đột ngột quá, hơn nữa kẻ chộp lão lại chính là mụ Mỡi! Còn nhớ năm ngoái, lão in một cuốn sách đúng ngàn cuốn. Phát hành mãi mà vẫn không đủ trả nợ in. Mụ Mỡi nhận hộ lão năm trăm cuốn. Chưa đầy một tuần mụ đã bán hết nhưng chỉ đưa lão có nửa tiền, còn lại mụ bảo phải chi phát hành phí. Lão Hệ chẳng rõ thực hư ra sao, nhưng đang trong lúc bí bách lại có tiền trả đủ hết nợ in, lão liền xoắn xuýt lấy mụ Mỡi mà cám ơn cám huệ. Bây giờ, đang lúc đi làm thám tử vụng, lại huỵch cả vào ân nhân cũ, cơ thể lại thở chẳng ra hơi..., lão Hệ bối rối là phải! Mụ Mỡi cười khạch khạch bảo lão:

-Người ta thể dục buổi sáng chứ ai thể dục tối bao giờ! Thôi đi với em ra vườn hoa bờ sông đổi gió một tí, rồi còn ít sách nào mới in mang ra em phát hành nốt cho!

Lão Hệ giật mình nhớn nhác:

-Ấy chết! Không được, tôi vội có việc.
Nói rồi lão lách mình chạy đuổi theo mục tiêu. Được một đoạn, lão nhận ra mục tiêu đã biến mất tăm trong dòng người xe xuôi ngược. Mệt mỏi, chán chường, lão Hệ lê đôi chân vô định trên hè đường phố. Chẳng hiểu thế nào, đến khi lão bị một người giữ lại, giật mình ngước lên, lão sững sờ thấy mình đang đứng trong vườn hoa bờ sông, tí nữa thì đâm bổ vào đôi trai gái đang dắt tay nhau đi bách bộ. 
Vội lí nhí xin lỗi rồi lão Hệ ngơ ngác quan sát xung quanh để xác định phương hướng. Cả vườn hoa đều nhờ nhờ bởi ánh đèn của mấy quán cà phê. Lão Hệ lê chân ra phía bờ sông, định bụng tìm một cái ghế để nghỉ chân cho đỡ mỏi. Nhưng chả có ghế nào trống cả, ghế nào cũng có một đôi nam nữ díu lại với nhau. Lão còn nhìn thấy mụ Mỡi đang ngả ngớn bên một thằng đàn ông lạ hoắc. Mụ ta cũng nhận ra lão nhưng chỉ chào lão bằng nụ cười khinh khỉnh. Bỗng chợt lão Hệ sững người khi nhận ra cái ghế trước mặt có một bóng áo màu hoàng yến đang gục đầu rủ rỉ bên vai một thằng đàn ông . Đúng Cậy rồi! Lão rón rén tiến gần tới chiếc ghế đá. Đúng vợ lão rồi! “Hừ, cải thiện là thế này đây hả? Phen này ta sẽ bắt quả tang và mi sẽ biết thế nào là đòn thù hận của ta! Lão Hệ sôi sục trong người như thế, và rồi khi đã đứng sát sau lưng hai kẻ kia, lão rít lên:

-Cô Cậy ! Phở của cô đây hả?

Tên đàn ông kia giật mình buông tay khỏi cô bạn tình, ngẩng lên gầm gừ với lão:

-Gì đấy bố già?

Người con gái khốn nạn kia cũng như bừng tỉnh ngẩng lên nhìn lão, và lão chợt nhận ra đó là một khuôn mặt con gái lạ hoắc, trẻ trung và chẳng có một nét nào giống Cậy cả. Lão vội vàng lắp bắp:

-Không....không...ư.ư...tôi nhầm ư....xin lỗi!

-Đúng là lão già dở người! Biến ngay! -Tên đàn ông gằn giọng với lão.

Lão Hệ lật đật bước nhanh về phía bờ cỏ rìa vườn hoa nhìn xuống dòng sông đen kịt. Lão thấy mình trở nên lẻ loi, đơn độc và yếu đuối đến vô cùng. Cái tâm hồn văn chương lai láng giờ đây cũng chẳng giúp được gì, cả cái thứ triết lí ngu ngơ thường ngày cũng chẳng giúp gì cho lão. Đôi chân lão Hệ khuỵu xuống từ từ và tấm lưng lão cũng ngả xuống từ từ trên bãi cỏ. Lão nghe hơi đất cùng với sương cỏ thấm vào lưng lạnh buốt. Lão định nhỏm dậy nhưng cả cơ thể lão muốn dính chặt lên nền cỏ ướt khiến lão thấy nhức mỏi khắp người. Lão đành nằm yên và từ từ nhắm mắt lại. Hơi đất và hơi sương lạnh cứ ngấm dần dần từ lưng lên từng bộ phận cơ thể làm người lão tê dại đi từng phần, từng phần một.

“Ta đang chết rồi -lão Hệ tự nhủ -Chỉ còn cái đầu nữa chết nốt là ta sẽ chết hoàn toàn, vĩnh viễn. Sao cái chết của ta lại vô lý đến thế? Chắc người đời sẽ bảo rằng ta chết vì ghen đấy! Không thể như thế được”!.

Lão Hệ cố hết sức vùng lên nhưng không được đành nhắm mắt mà gào lên ú ớ:

-Cứu..u...u tôi! Tôi sắp chết1 Lạnh lưng quá...á!

Có một kẻ nào đấy đã đỡ lưng cho lão dậy, lấy khăn khô lau sạch đám sương cỏ ngấm đầy lưng lão, lại còn xoa đầu và ủ chặt lão trong vòng tay ấm áp, mềm mại, khiến lão nhẹ nhõm, khoan khoái và dễ chịu lắm.

“Thế là ta đã thoát được cái chết vô lý và buồn tẻ -lão Hệ lại tự nhủ -Đã có kẻ hoàn sinh cho ta, một kẻ vô danh lang thang trong đêm hay một vị thánh thiêng nào nhỉ? Dù là kẻ nào đi chăng nữa thì cũng đã khai sinh lần nữa cho một nhà thơ là ta, thiếu đi những hành vi ấy ta sẽ chỉ còn là đất cát mà thôi. Tiếc rằng những kẻ mà ta đã từng gắn bó thì lại chẳng làm nên những hành vi ấy! Đời buồn cười thật”!.

Lão Hệ nghĩ thế và nhếch miệng cười một nụ cười đầy mai mỉa. Kẻ đang ủ ấm cho lão lại lấy tay vuốt nhẹ vào má lão làm lão thấy lâng lâng đến lạ. Lão cố hé mắt để xem kẻ đã nhặt lão từ cái bãi chết bên bờ sông đen kịt kia là ai. Hình ảnh loà nhoà rồi rõ dần. Thì ra lão đang ở trên giường của nhà lão, kẻ đang ôm lão trong vòng tay ấm áp chính là Cậy. Lão sửng sốt ngồi nhỏm hẳn dậy hỏi vợ:

-Tôi đã bị làm sao thế?

-Đi mua phở về cứ thấy anh nằm mê man, thỉnh thoảng lại nói mê ú ớ, mồ hôi ra ướt đầm cả lưng áo. Em vừa lau người, thay áo cho anh. Thấy anh cứ kêu lạnh run cả lên, em bèn ôm chặt anh vào người.

Vừa vuốt lại mái tóc loà xoà cho lão Hệ, Cậy vừa khẽ khàng kể lại sự việc cho chồng nghe. Nghe xong lão sửng sốt với chính mình: “ Thì ra nằm mơ! Nằm mơ mới thoát chết chứ thật thì khéo mình ngỏm hẳn rồi”!.

-Bây giờ anh thấy người thế nào? 
Nghe Cậy hỏi, lão quay lại nhìn vợ và nở một nụ cười trìu mến:
-Anh không sao đâu! Anh thấy dễ chịu và khỏi hẳn rồi! Nhờ vòng tay ôm của em đấy !

Nghe chồng nói, Cậy cũng nở nụ cười rạng ngời hạnh phúc, nhưng đôi mắt thì nhoà ngấn nước. Nàng vội đỡ vai lão Hệ và bảo lão:

-Anh vẫn đang mệt đấy! Thôi, nằm xuống nghỉ đi để em pha cho một chút sữa nóng.

Nói rồi nàng lén lau đôi mắt và tong tả đi pha sữa cho chồng. Lão Hệ nằm đấy cố giương mắt lên để khỏi phải nằm mơ như lúc nãy. Biết đâu lúc mơ nằm trên bãi cỏ bờ sông mà không có Cậy, lão chết thật thì sao? Nhưng chả nhẽ sợ ngủ mơ chết rôi cứ thức chong chong mãi? Lão Hệ ngẫm ngợi thế rồi bật cười khùng khục một mình “Hừ!Ghen tuông dễ chết người đến thế!”.
   

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Virus TY


Trung tâm An ninh Tình Ái thông báo:
 Bằng công nghệ Hóng Hớt, Trung Tâm đã nhận diện được loại virus TY. Sau đây là đặc điểm và cách phòng chống loại Virus này:
a-Đặc điểm:  
Xâm nhập vào mọi loại máy có tuổi đờì từ 15 trở lên, không phân biệt hệ điều hành BOY, GIRL hay PEDE. Giao thức xâm nhập rất đa dạng và chớp nhoáng, chỉ cần 2 máy thuộc 2 hệ điều hành khác nhau kết nối hoặc tương tác (trừ hệ PEDE),  lập tức virus đã có thể xâm nhập 1 hoặc cả 2 máy. Sau khi xâm nhập virus này sẽ tàn phá máy với các dạng cơ bản gồm:
1. Truy cập và đánh cắp dữ liệu đặc biệt các dữ liệu trong folder VIDA. Máy bị nhiễm sẽ không còn khả năng bảo vệ các bí mật và tài sản, các file có định dạng *.VND hoặc *.ATM sẽ nhanh chóng tiêu tan.
2.Làm thay đổi cấu hình và các phần cứng, phần mềm của máy. Xu hướng chung các phần cứng sẽ mềm dần và các phần mềm sẽ ngày càng mềm hơn
3.Làm tăng nhu cầu truy cập giữa các hệ điều hành
4.Làm hỏng các hệ điều hành từng máy, các chi tiết hoạt động không theo trình tự ban đầu. Trường hợp nhiễm nặng các máy không thể điều hành được phải nhập viện, thậm chí tắt nguồn vĩnh viễn.
5.Tự nhân bản trong các máy thuộc hệ GIRL tạo ra các file ngoài mong muốn có định dạng *. EMBE, là nguyên nhân chủ yếu gây ra hội chứng Hôn nhân Cấp tính
 b- Cách phòng nhiễm virus TY: Tuyệt đối không tương tác hay kết nối với các máy khác HĐH
c-Phương pháp xử lý khi máy nhiễm virus TY: Hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu. Máy của Trung Tâm hiện cũng bị nhiễm, đang thử nghiệm bằng phần mềm TỰ KỶ của hãng FA nhưng chưa có kết quả rõ rệt!



Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Con sáo biết nói tiếng người




CON SÁO BIẾT NÓI TIẾNG NGƯỜI
Choách là một con sáo nhỏ. Dòng giống nhà Choách thuộc hàng cao quý trong họ nhà sáo. Khác hẳn lũ Sáo Đá mốc xì và đám Sáo Đen mỏ bạc chân chì, Choách có một thân hình thanh thoát, bộ lông đen mượt như nhung điểm xuyết đôi bông tuyết trắng nơi đầu cánh, cái mỏ vàng óng lại gắn thêm một cái mào lông trên đầu nhọn hoắt, kiêu hãnh! Ngoài ra họ hàng nhà Choách còn có giọng hót véo von nổi tiếng! Tất cả những điều này thực ra chỉ toàn là nhận xét đánh giá của con người thôi chứ Choách làm sao mà biết được, thậm chí nó còn không biết mình có phải là giống sáo hay không nữa!
Bố mẹ Choách sinh ra anh em Choách trong một cái tổ trên ngọn cây cao tít. Vào một buổi trưa, có một đám trẻ trâu hè hụi leo lên lôi anh em nhà Choách xuống rồi chia nhau đem về nuôi. Khi ấy Choách còn non lắm, lông chưa mọc kín thân, hai mép thì bè ra rộng hoác! Thằng trẻ trâu đem Choách về nhà nuôi bằng cơm nguội, chuối chín và đủ thứ côn trùng nó bắt được. Dần dà Choách cũng khôn lớn. Lông cánh, lông đuôi mọc đủ, hai mép gọn bớt lại, biết tự mổ lấy mồi ăn, biết chạy nhảy từ chỗ này sang chỗ khác... Đúng lúc ấy thì Choách bị thằng trẻ trâu kia bán đi để lấy tiền mua sách vở.
Ông chủ mới của Choách không biết làm nghề gì nhưng xem ra có vẻ mầu mỡ lắm! Mới bốn mươi nhưng thân hình ông ta đã phì nộn, sùm sụp như một đống rơm. Cái mặt thì nung núc toàn thịt lại bóng nhoáng. Choách được ông chủ thửa cho một cái lồng sơn son thiếp vàng với bốn mái cong lộng lẫy. Trong lồng có đủ bồn nước, máng ăn bằng sứ trắng bong. Thức ăn thì toàn những thứ vừa ngon, vừa bổ. Nào là cám viên, nào là sâu nhộng sấy khô, nào là thịt nạc tươi thái nhỏ...Choách cứ việc thoả thích ních cho căng diều, chả còn phải trợn mắt nuốt lũ cào cào đồng to tướng hay ngoác miệng đòi ăn suốt ngày như trước nữa! Nhờ thế mà chả mấy chốc Choách đã trở thành một chàng sáo óng ả, mỡ màng, khiến cho những người qua lại nhà ông chủ không ngớt lời xuýt xoa tấm tắc!
Cứ nhìn về mặt phong lưu thì có thể nói Choác thuộc hàng những kẻ may mắn lắm. Con người cứ đem cái câu “cá chậu chim lồng” để ví von mãi tận đâu dâu, chứ với Choách chuyện ấy xem ra chả có gì ghê gớm! Mà nhìn ra so với lũ chim chóc hoang dã vô chủ ngoài kia, Choách còn sung sướng hơn chán vạn lần ấy chứ! Chỉ riêng cái khoản ăn uống thôi, trong khi máng ăn của Choách lúc nào cũng thừa mứa, thì lũ chim vô chủ kia thì phải tất bật vạch lá tìm sâu, đuổi bắt cào cào hay nhặt rận trên lưng trâu từ sáng tới tối mà chưa chắc đã đầy diều. Lại thêm nơm nớp nối lo bị vướng bẫy, sập cạm, rồi thì rắn đớp, mèo vồ, người săn... đủ thứ tai hoạ rập rình! Choách thì chả cần biết đến những thứ ấy. Hàng ngày cứ việc nuốt cho căng diều, rồi thì rỉa lông, rỉa cánh, rồi thì gà gật mà ngủ, lúc phởn lên thì lại nhảy nhót quanh lồng cho đỡ cuồng chân cuồng cánh, chán chê rồi thì lại mổ, lại nuốt...
Cũng có khi nhà ông chủ đi vắng hết. Choách bơ vơ một mình trong căn nhà như cái hộp bê tông kín bưng, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những lúc ấy Choách cũng thấy vơ vẩn buồn! Nói là “vơ vẩn” là vì Choách chỉ thấy loáng thoáng cái cảm giác lẻ loi thế thôi, chứ nó có biết nối tiếc hay nhớ nhung một cái gì cho rành rẽ đâu, đến cả giống loài nó còn chẳng biết, chẳng nhớ nữa là...Vào những khi “vẩn vơ” ấy, Choách bỗng muốn hót lên mấy tiếng cho bớt trống trải. Khổ nỗi cả đời nó chưa bao giờ được nghe tiếng sáo hót như thế nào cả nên nó chẳng biết đàng nào mà bắt chước theo. Trong cái thế giới nó đang ở bây giờ chỉ nghe thấy tiếng xoe xoé đến lọng óc của bà chủ, tiếng ông chủ thì khùng khục rợn người, tiềng còi xe, tiếng máy nổ ồn ã, láo nháo ngoài đường, tiếng trẻ con láo nháo...Những thứ tiếng ấy nó chẳng hiểu gì nên không bắt chước được. Vì thế rặn mãi cổ Choách cũng chỉ phát ra được mấy tiếng “choách choách” vừa vô duyên, vừa chối tai, đến là chán!
Hình như Choách cũng cảm nhận được sự vô duyên của cái tiếng “choách choách” ấy. Dần dà Choách tập trung để ý những âm thanh xung quanh cái thế giới “hộp bê tông” của nó hầu tìm ra được một vài tiếng kêu gì đó có thể bắt chước được.
Nhà ông bà chủ của Choách có hai đứa trẻ con. Thằng lớn tên Tửng, con bé tên Nhẽo. Chẳng mấy khi hai đứa chúng có mặt ở nhà. Đi học về, chúng lại tụ bạ cùng đám trẻ con hàng xóm chơi những trò chơi riêng của trẻ con mà trong cái thế giới “hộp” nhà chúng không thể có được. Một lát sau, mẹ chúng hình như nghĩ ra điều gì đó, liền ra cửa đứng réo rắt: “Tửng ơi! Nhẽo ơ.. ơ..i...”. Hai đứa trẻ gần như đồng loạt từ một chỗ nào đó chạy về đứng cúi đầu nghe mẹ chúng giảng giải đủ điều từ vệ sinh răng miệng đến vệ sinh thân thể rồi là đối nhân sử thế ra sao..v..v..., cùng hàng loạt các quy tắc nghiêm ngặt! Nhưng hình như tất cả những cái đó không đủ sức mạnh để giữ lũ trẻ ở lâu trong cái thế giới “hộp”, vì thế chỉ một thoáng sau chúng lại lần đi tụ bạ ở đâu đó. Và rồi mẹ chúng lại phải ra cửa mà réo rắt: “Tửng ơi ơ.. ơ..i...”! Nhẽo ơ.. ơ..i...”. Cứ thế, một ngày Choách phải nghe cái điệp khúc ấy đến ba bốn bận. Chẳng hiểu gì nhưng Choách thấy quen tai, thế là nó tọng tọe bắt chước. Được vài bận thì cái tiếng “Tửng ơi, nhẽo ơi” nghe đã rõ. Thằng Tửng thấy thế lại sinh chứng choạnh choẹ với Choách! Nó thường thò tay qua kẽ nan lồng để doạ Choách và chửi: “Mẹ bố mày! Mẹ bố mày!”. Được vài bận, Choách nghe thấy hay hay và bắt chước theo. Thế là cái vốn liếng âm thanh của Choách được bổ sung thêm mấy tiếng ấy, không còn đơn điệu “choách choách” như trước nữa.
Đối với Choách, những tiếng mà nó bắt trước được chẳng qua chỉ là thứ âm thanh để mà kêu, mà hót thôi. Cả khi vẩn vơ buồn bã, cả khi thích thú phởn phơ hay khi bực bội cáu giận ...Choách cũng cứ mấy cái tiếng ấy mà nheo nhẻo lặp đi lặp lại: “Tửng ơi mẹ bố mày, Nhẽo ơi choách choách, mẹ bố mày Tửng ơi..”. Thế nhưng đối với ông bà chủ thì đó là cả một điều kỳ diệu! Họ hân hoan hỉ hả với nhau mà rằng:
-Con sáo nhà mình thông minh lắm, học nói đã nhanh lại “sõi”, mà nó khôn ghê lắm cơ, chỉ thích gọi hai đứa con nhà mình thôi!
Họ lại còn rủ rê cả bạn bè để đến nhà mà nghiêng ngó và tán tụng, cứ làm như Choách sắp thành “Thần Điểu” đến nơi vậy!
Có một kẻ lại tỏ ra hằn học khi thấy Choách nói được, đó là thằng Tửng! Tửng ta có vẻ vô cùng khó chịu khi thấy con chim kia cứ nhảy nhót trong lồng mà nheo nhéo những cấu ngô ngô ngọng ngọng. Giá mà nó cứ choách choách như trước nó còn ra vẻ một con chim hơn! Bực nhất là trong cái tiếng kêu nheo nhéo ấy, cái tên của anh em nó lại cứ réo lên suốt cả ngày. Càng doạ dẫm, con chim lại càng nheo nhéo nhiều hơn, thằng Tửng nghĩ cách tống khứ con chim đi. Một hôm bố mẹ thừa cơ không để ý, thằng Tửng bỏ dở cuộc chơi, len lén mò về mở cửa lồng chim toang hoác rồi lại lập tức lẩn đi ngay. Choách thấy cửa lồng đã mở liền nghiêng ngó một hồi xung quanh, thấy an toàn Choách ta bay vụt ra đậu trên cành hoa giấy trước nhà. Lâu lắm rồi Choách mới có dịp đứng giữa không gian trời đất thoáng đãng thế này. Nó khoan khoái duỗi chân, duỗi cánh rồi kêu toáng lên: “Tửng ơi Nhẽo ơi, choách choách mẹ bố mày”. Bà chủ trong nhà giật mình nhìn ra thấy Choách ra khỏi lồng đứng đó liền biến sắc mặt xám xanh như người bị trúng gió. Mắt trợn tròn, vừa chỉ tay về phía con Choách đứng, bà ta vừa ú ớ:
-Con..con sá...o nhà...nhà mi...ình… Ông chủ liền bật dậy rồi bổ ngay đến bên chiếc lồng chim xem xét. Có lẽ vì không giải thích được nguyên nhân đã làm cho con chim sổ lồng, ông ta liền nuốt nước bọt nghe “ục” một cái rồi quay ra lầm lừ nghiến răng đứng nhìn Choách. Trong nhà bà chủ rền rĩ:
-Giời ơi, thế là bay toi mất con chim thôi hư...hư! Công nuôi dạy nó đến giờ hừ...hừ..thế là ra sông ra biển hết rồ...ồi ...
Rồi chợt ngĩ ra điều gì đó, bà ta bật đứng lên túm lấy vai áo ông chồng, mắt bà long lên, giọng bà rít lại:
-Anh đi gọi người đuổi bắt cho bằng được con sáo , không bắt được thì đập hay bắn chết mang về. Đừng có thằng nào, con nào vội hí hửng nẫng được chim nhà này nha..á..!
Mấy câu cuối bà ta đổng giọng lên chĩa sang mấy nhà hàng xóm với đầy vẻ hằn học và đe doạ. Ông chủ nhăn mặt lại, khẽ gắt vợ:
-Cô làm gì mà ngậu xị cả lên thế? Làm con chim sợ bay mẹ nó đi mất bây giờ! Cứ mở cửa lồng sẵn đấy, bỏ thức ăn vào, đến lúc đói nó lại khắc mò vào thôi!
Ông chủ quả là người có kinh nghiệm thật! Choách nhảy nhót hồi lâu, thấy bụng đã vơi vơi mà chẳng kiếm được cái gì nuốt. Trời đất thì rộng đấy nhưng nhộn nhạo toàn người lạ cùng ô tô, xe máy khiến Choách sợ, chả dám bay đi. Nhặt mấy hạt sạn nuốt vào càng thấy cồn cào tợn. Choách nhớ đến  máng thức ăn trong cái lồng sơn son thiếp vàng kia, lúc nào cũng ngồn ngộn đồ ngon, thức bổ. Sau khi nghe ngóng động tĩnh một hồi, Choách rón rén chui vào cái lồng đã mở cửa sẵn. Trong lồng toàn những món khoái khẩu! Choách làm một diều đầy, thêm vài ngụm nước rồi co chân gà gật ngủ. Trong nhà, ông bà chủ lặng im theo dõi từng cử động của Choách rồi khoái chí cười rúc rích với nhau. Ông chủ ra giọng đắc thắng.:
-Cô thấy không? Cái giống sáo này là nó “tình nghĩa ” lắm, chưa chi đã phải cuống quýt lên! Nó đi thế nào được? Từ nay cứ để nó ra ngoài “nói” cho vui nhà!
Kể từ đó Choách được ra ngoài thoải mái. Nó nhảy nhót trên cành hoa giấy chán lại mò ra cây quất cảnh sau nhà. Đói, Choách lại chui vào lồng mà mổ rồi đậu luôn trong ấy mà ngủ. Thế giới bây giờ có được mở rộng hơn trước nhiều lắm nhưng lại có thêm nhiều mối đe doạ khiến Choách cứ phải giật mình thon thót. Bởi thế Choách chỉ quanh quẩn một lát rồi lại chui tọt vào lồng, chả dám bay đi đâu xa cả.
Một lần, có đám sẻ ríu rít đến kiềm mồi dưới gốc cây quất cảnh. Thấy vui, Choách lân la đến gần tính làm thân. Ngờ đâu Choách vừa khẽ khàng hót được một tiếng “Tửng ơi” lũ sẻ đã giật bắn mình vọt bay đi mất dạng, để lại Choách đứng tưng hửng một mình. Buồn quá, Choách lao lên đậu trên bờ tường rào bao quanh nhà ông chủ, nheo nhéo một hồi: “Mẹ bố mày choách choách Tửng ơi nhẽo ơi”. Bỗng nó phát hiện thấy có một đám năm con sáo đen từ đâu bay tới đáp ngay xuống thửa đất ngoài tường rào. Đám này cũng mỏ vàng, chân trắng, đúng dòng họ nhà Choách đây rồi! Theo bản năng, Choách lên tiếng rúi rít để gọi bầy:
-Choách! Tửng ơi nhẽo ơi mẹ bố mày!
Cả năm con sáo giật mình nghển cổ ngơ ngác! Chúng đã nhận ra Choách đúng là một con sáo cùng dòng giống với chúng, nhưng cái tiếng kêu kia thì lạ quá, không phải tiếng loài sáo! Bản năng trở về với bầy đàn trỗi dậy mãnh liệt khiến Choách chả còn suy tính thiệt hơn gì được, nó vội vã dang cánh sà xuống gần lũ chim đồng loại. Lũ chim kia liền lùi lại cảnh giác đề phòng. Thái độ của lũ sáo hoang càng khiến cho cái bản năng bầy đàn của Choách càng mãnh liệt hơn. Lấy điệu bộ thật thiện cảm, Choách cất tiếng kêu gọi thống thiết:
-Mẹ bố mày Tửng ơi nhẽo ơi, choách...
Năm con sáo hoang thực sự kinh hoàng khi nhận ra đó là tiếng của giống người phát ra từ một con sáo. Gần như tức thời, chúng vụt lên táo tác rồi hè nhau dông thẳng. Choách cũng vụt cất cánh đuổi theo lũ chim đồng loại, đồng thời ríu rít kêu gọi:
-Tửng ơi! Nhẽo ơi! mẹ bố mày...
Năm con sáo hoang càng hoảng hồn hơn khi thấy Choách đuổi theo hét nheo nhéo ở đằng sau, chúng nhất loạt nâng độ cao rồi đột ngột chuyển hướng bay quặt ra bờ sông vượt sang dãy núi bên kia. Choách cũng cố xoải cánh lao theo, những mong đuổi kịp và gia nhập vào đàn chim cùng nòi cùng giống. Thế nhưng khả năng của Choách làm sao có thể bay kịp với những con sáo hoang kia chứ! Từ xưa tới giờ đã bao giờ Choách được tập bay cao bay xa đến thế này. Vì vậy độ cao làm Choách thấy choáng váng và ngộp thở. Đôi cánh của nó đã bắt đầu vùng vẫy không theo ý muốn nữa. Không khí dưới cánh nó dường như đã tan loãng ra hết, không còn giúp nó đẩy thân mình lên như mọi khi. Choách nghĩ tới việc hạ cánh quay về. Nó nhìn xuống phía dưới và chợt nhận ra mặt nước sông mênh mông không thể hạ cánh. Bay quay lại lại càng không thể vì nó đã bay quá nửa mặt sông rồi. Đôi cánh Choách bắt đầu rã rời vẫy loạn xạ, nó cố dướn lên được một đoạn rồi cặp cánh nó bỗng trở nên cứng đờ, xoè thẳng không thể điều khiển nổi. Choách nhắm mắt lại để mặc thân mình liệng đi theo quán tính như một chiếc lá khô. Cuối cùng Choách lao xuống một hòn đá bên bờ sông và văng ra nằm sóng sượt trên bờ cát ướt. Đôi cánh đen có đôi bông tuyết trắng không gấp lại được, xoã xượi, tơi tả. Đôi chân trắng thẳng đơ. Cái mỏ vàng ngoẹo quặt sang một bên. Đầu với cái mào lông nhọn thì xơ tớp máu...Sau khi rơi xuống độ một phút thì Choách lên cơn hấp hối. Thân hình nhỏ bé của nó giật nhẹ một cái. Cái mỏ vàng xinh xắn há rộng kêu lên mấy tiếng cuối cùng của cuộc đời Choách: “Mẹ bố mày”. Vẫn không phải tiếng kêu của loài sáo!
Mất Choách, vợ chồng ông chủ lồng lộn lên đến mấy ngày. Họ tin rằng đã có những thằng người tham lam và đố kị đã chiếm đoạt mất Choách của họ, chứ một con sáo khôn như Choách thì không thể nào lại tự bỏ đi để mà phải chết cả!

Chuyện Ngỗng




          Đàn ấy có năm con ngỗng. Không biết trong thế giới loài ngỗng chúng có đặt tên cho nhau khi giao tiếp hay không, nhưng để tiện giao tiếp, con người thường vẫn đặt tên cho chúng.
Trong đàn có một con gọi là Ngỗng Mào . Đó chính là con ngỗng đầu đàn. Thực ra Ngỗng Mào  sinh ra không phải để làm đầu đàn, cái trứng nở ra nó cũng chẳng khác gì muôn vàn quả trứng khác. Cũng không có sắc phong hay ai bầu bán gì cả. Chẳng qua hoàn cảnh bắt nó phải làm đầu đàn mà thôi! Cả đàn chỉ mỗi mình Ngỗng Mào  là giống đực, còn lại là bốn ả thuộc diện yểu liễu đào tơ. Giá như những đàn ngỗng khác có đến vài ba thằng ngỗng thì Ngỗng Mào  chẳng phải nhọc lòng đến thế làm gì! Nhưng đằng này ...Thôi thì trời phú cho nó cái sức vóc, đã cho nó cái thiên chức làm đực cùng với caí tính hung hăng, hào hiệp quân tử vặt, giữa một thế giới...bốn nàng thì Ngỗng Mào  lãnh cương vị đầu đàn âu cũng là lẽ thường thôi!
Hàng ngày để tồn tại cả bầy ngỗng phải đối mặt với không biết bao nhiêu là kẻ thù. Nhiệm vụ của kẻ đầu đàn là phải đảm bảo được sự an toàn của bầy đàn. Và như thế, kẻ phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù, với hiểm nguy hàng ngày không phải ai khác trong đàn là Ngỗng Mào . Từ lão cua càng già khú đế ngoài bờ ao, chỉ rình rình quắp ngón chân mấy nàng ngỗng lơ ngơ, đến thằng chó con Cún Nhỡ thỉnh thoảng giở trò tinh tướng, nhăn răng trợn mắt xông vào cũng làm cho cả đàn nháo nhác. Ấy là những lúc Ngỗng Mào  phải ra tay! Chỉ một nhát mổ thôi, cả cái mai bóng như sừng của lão cua già lụ khụ cũng vỡ toác. Lại còn thằng Cún Nhỡ nữa, đã không dưới hai lần nó phải rú lên oăng oẳng bởi những cú mổ như trời giáng của Ngỗng Mào ! Những lần như thế, cả đàn mừng rỡ, cà kíu om xoẹ mừng chiến thắng. Riêng Ngỗng Mào  trông ra dáng một người hùng thật sự; cái cổ vươn thẳng, cái ngực ưỡn ra phía trước, cái mào ửng đỏ kiêu hãnh.
Nhưng mà cuộc sống đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái như thế! Ấy là những lần lũ rắn mò vào chuồng lúc nửa đêm, cả đàn cứ như tượng đá đứng im lặng ngắt, nín thở, không dám mảy may ho he. Hay là những lần thằng Cáo bất chợt từ trong bụi xổ ra, gan dạ như Ngỗng Mào  cũng phải quăng mình bỏ chạy...Nghĩ cho cùng thì thế cũng chẳng phải là xấu xa gì? Bởi vì vốn dĩ trời đã sinh ra loài nọ loài kia thì cũng xếp đặt thứ bậc, ban phát quyền uy cho từng giống, từng loài, mỗi con đều phải có một thứ thủ thân để mà tồn tại, nếu không thì cả thế giới này ra đất hết chứ nói gì đến một con ngỗng đầu đàn như Ngỗng Mào ! Kể như thế thì đã có thể coi Ngỗng Mào  là xuất sắc lắm rồi! Nhưng mà ông bà chủ của Ngỗng Mào  thì lại nghĩ khác.
Thấm thoát rồi đàn ngỗng cũng đến tuổi trưởng thành. Những đàn ngỗng mảnh dẻ, duyên dáng hôm nào, hôm nay trở nên bệ vệ, kín dáo cho ra những lứa trứng đầu tiên. Sứ mệnh của Ngỗng Mào  càng trở nên nặng nề trong bầy đàn. Nào là chuẩn bị ổ, rồi đến giờ lại đưa từng nàng lên ổ đẻ. Nào là canh chừng đám trẻ con hay thằng cún nhỡ, không cho chúng dở trò xua doạ cả đàn, kẻo ảnh hưởng đến đám trứng non trong bụng các nàng. Thỉnh thoảng còn phải lên tiếng nhắc nhở ông bà chủ bổ sung thêm thức ăn cho các cô ngỗng cái, rồi lại còn lần tìm đưa các nàng đi mò mẫm thêm cỏ non, cái ốc, cái tép cho nó mát ruột. Lại còn cả thằng ngỗng đực ở đàn bên cạnh cũng cần phải dè chừng. Nếu không là nó mò sang dở trò xí xớn ngay...Ngỗng Mào  mất ăn rồi đói ngủ thường xuyên, bao nhiêu mỡ màng đi đâu hết cả, đến bộ lông cũng trở nên xác xơ bạc phếch! Ấy vậy mà một hôm bà chủ bảo với ông chủ:
-Này! Cái con Ngỗng Mào  nhà mình nuôi mãi thêm tốn thóc. Có bốn con cái thì cần gì đến hẳn một con đực? Hay là mình đem bán quách  nó đi rồi thỉnh thoảng cho ngỗng cái nhà mình sang với ngỗng đực nhà ông Sần bên cạnh cũng được?
Bà chủ còn phân tích nhiều nữa, những tựu chung lại là ngỗng đực không còn cần thiết nữa! Bởi bà cho rằng chức năng của Ngỗng Mào  chẳng qua chỉ làm cái chuyện đực cái trong đàn mà thôi. Mà đực cái thì nhờ vả đôi chút có đáng gì? Ông chủ đang lơ mơ hơi men cũng chẳng thấy có gì phải băn khoăn nhiều lắm nên cứ gật gù hoài. Bà chủ chép miệng đứng lên và thế là coi như số phận Ngỗng Mào  đã được định đoạt.
Sáng ngày hôm sau, bầy ngỗng được chăm sóc khác thường! Bột gạo quấy đặc, lại có thêm chút bột cá thơm lừng đổ ê hề! Cả đàn ăn no cứng diều mà vẫn không hết. Ngỗng Mào  cũng lâu lắm mới được bữa no nê đến thế. “Giá mà như thế này thì chẳng bao giờ phải lo lần mò tìm thêm thức ăn nữa”. Vừa vươn cái cổ ngắc ngắc cho trôi nốt ít thức ăn, Ngỗng Mào  vừa khoan khoái nghĩ bụng thế! Bất chợt ông chủ đang đứng phía sau nhào tới, vồ lấy Ngỗng Mào . Ngỗng Mào  định tung cánh bỏ chạy nhưng làm sao mà còn kịp được nữa! Cánh tay lực lưỡng của ông chủ đã ghì chặt lấy thân, còn tay kia ông ta túm lấy cánh Ngỗng Mào  khoá tréo lại. vừa đau, vừa sợ, Mào ta gào lên: “Kíu, kíu!”, nhưng thử hỏi còn kẻ nào có thể giúp gì cho Mào? Mấy con ngỗng cái bỏ chạy toán loạn, cả đám gà, lợn, đang kiếm ăn quanh đấy, cả thằng Cún Nhỡ cũng xanh mặt táo tác, chẳng biết rồi cái gì sẽ xảy ra. Cả hai vợ chồng ông bà chủ hì hục trói chặt Ngỗng Mào  lại, móc lên cân thử.
-Được non bốn cân, rõ là cái đồ ăn hại!
Bà chủ bực mình lẩm bẩm rồi tống Ngỗng Mào vào một cái lồng gài thật chặt. Mào được bà chủ gổng ra chợ bán cho nhà hàng. Cái kết cục  cuối cùng của cuộc đời Ngỗng Mào ai cũng biết là chẳng lấy gì làm vẻ vang cho lắm, nên thôi không kể nữa.
Quay trở lại nhà ông bà chủ, bốn con ngỗng cái sau cơn hốt hoảng thì trở nên lơ ngơ, chẳng biết đi đâu về đâu! Cuối cùng thì chúng cũng dúm lại với nhau, lấm la lấm lét mò về cửa chuồng, nơi mà chúng cho là an toàn nhất, nằm bẹp xuống đất mà ngơ ngác. Vốn trước đây chúng luôn được Ngỗng Mào  dẫn dắt và che chở, nên giờ đây tất cả xung quanh chúng đều cảm thấy xa lạ và đáng sợ. Tối đến chúng còn không dám chui và trong chuồng mà ngủ, ông chủ đành phải lùa từng con vào rồi khoá cửa bên ngoài. Đêm ấy cả bốn con đều đứng lặng cả đêm không dám ngủ. Chỉ một tiếng gió đưa tàu lá chuối khô cũng làm chúng giật mình nín thở. Chúng vươn cổ giương mắt láo liên nhìn ra bầu trời đen thẫm đầy vẻ huyền bí và đe doạ!
Cũng đêm hôm ấy, không biết có cái mùi gì quyến rũ mà thằng Cún Nhỡ bỏ nhà lang thang ra tít tận ngoài bãi Gò. Một thằng trộm đàng hoàng chui vào cậy cửa nhà ông chủ. Vợ chồng ông chủ đang độ nồng giấc chẳng hề mảy may động cựa. Thằng trộm bê cái ti-vi mầu mới coóng, rồi quay lại xách tiếp cái xe đạp Phượng Hoàng cũng mới coong. Tất cả là công sức cùng với những toan tính và chắt bóp của vợ chồng ông chủ suốt năm qua. Tên trộm đàng hoàng chằng buộc các thứ lên xe rồi dắt ra ngõ lẫn vào màn đêm đen hút... Bọn ngỗng cái đứng trong chuồng nhìn thấy cả, không rõ lắm, chỉ thấy mờ mờ, nhưng mùi người lạ và cái bước chân rón rén đầy vẻ gian manh thì rõ lắm! Sợ đến thót tim, cả bốn con ngỗng chúi tụt cả vào góc chuồng. Giá như có Ngỗng Mào  như mọi ngày, chỉ cần một động tĩnh khác thường là lập tức cả đàn cà kíu toáng lên ngay, chắc chắn tên trộm sẽ phải bỏ của chạy lấy người chứ đâu có cái thói ăn cắp ung dung đến thế!
Thằng Cún Nhỡ đi kiếm món xực chán chê đến tận tảng sáng mới mò về. Nó đánh hơi thấy mùi lạ và biết cái mùi ấy đã đi xa rồi. Linh cảm thấy điều chẳng lành đã xảy ra, nó nen nét nằm bẹp ngoài chái nhà chờ đợi.
Ông bà chủ trở dậy khi có tiếng đài hô tập thể dục buổi sáng. Vừa dụi mắt, vươn vai, ông chủ giật mình thấy cửa nhà mở toang, trong nhà trống hoác. Ông vội giật giọng:
-Mẹ cu! Trộm vào nhà mình rồi!
-Đâu! Đâu? Có mất cái gì không?- Bà chủ quáng quàng bật dậy, tóc tai còn xoã xượi.
-Nó cuỗm sạch sành sanh rồi chứ lại còn không mất à? Cái ti-vi, cái xe đạp..., còn không biết mất thêm thứ gì nữa?
-Thì cả gia tài ky cóp cũng chỉ được đến thế chứ còn gì đâu! Giời ơi là giời! Nó bóp hầu, bóp cổ, nó đi bòn đi rút  mồ hôi nước mắt của người ta giời ơi....
-Thôi! Im mẹ cái mồm đi, đừng có mà gào gổng lên nữa! Sốt ruột! Nhà có chó, có ngỗng mà trộm nó mò vào tận giường vẫn im như thóc!Mẹ kiếp ! Ông thì thịt hết !...
Cả ông bà chủ đều lồng lộn, nháo nhác, vật vã quên cả rửa mặt, đánh răng buổi sáng. Thì người ta vẫn nói “của đau, con xót’ mà lại! Ông chủ lật đà, lật đật, quần cộc chân đất đi báo công an. Bà chủ thì tơi tả, xoã xượi đi trình chính quyền sở tại. Thế rồi lập biên bản, lấy lời khai, xem xét hiện trường....hết sức khẩn trương, ráo riết. Chỉ có điều là tăm hơi tên trộm thì vẫn hoàn toàn mất hút.
Có đến mấy ngày sau nữa, cả ông bà chủ đều bơ phờ như kẻ mất hồn. Còn đám ngỗng cái thì quên hẳn cái việc hệ trọng là đẻ trứng. Suốt ngày chúng quanh quẩn, ngơ ngác, không dám bước ra khỏi cái khu cửa chuồng. Nghe bà chủ kêu ca về tình trạng đàn ngỗng như thế, ông chủ liền cáu kỉnh:
-Sao cô không xua nó sang đàn ngỗng nhà ông Sần? Không có đực thì nó đẻ làm sao? Cô chẳng nói thế là gì?
-Tôi thử rồi nhưng mà không xong?- Bà chủ than vãn-Con đực nhà ông Sần bổ đến ngay nhưng món ngỗng nhà mình bỏ chạy toán loạn....
-Hừ!Thế mà cô bảo là nhờ đâu cũng được. Cô cứ tưởng chúng cũng như ....
Ông chủ kịp hãm lại trước khi những ngôn ngữ từ dại dột tuôn ra. Ông chợt đần mặt ra mất một lúc, chắc ông đang nghĩ ngợi mông lung về đâu đó. Bà chủ cũng thần mặt đăm chiêu. Sau cùng, ông chủ chép miệng bảo với bà chủ:
-Tôi nghiệm từ ngày nhà mình bán con Ngỗng Mào  đi, toàn gặp những chuyện chẳng lành!
-Ừ! Tôi cũng thấy như thế!- Bà chủ hoạ theo. Rồi chợt nhớ ra rằng cái việc bán Ngỗng Mào  là do chính bà đề xuất nên bà vội tiếp lời: -Nhưng mà ai biết trước sự thể nó lại như thế này!
Phải rồi! Bà không biết là phải thôi. Bởi bà mới chỉ nghĩ tới bà và ông với những tính toán giản đơn của kẻ quá ham giầu, cứ nghĩ rằng thế giới tất cả đều quây quanh bà, và quyền lợi của ông bà là thứ lực hấp dẫn duy nhất trong vũ trụ! Bây giờ, giữa những khổ đau vì mất mát, ông bà vẫn ngẫm ngợi sâu xa một chút cũng chẳng qua vì tín ngưỡng thôi! Dù sao chăng nữa, dẫu có bị nấu chín rồi chặt ra bày lên đĩa, Ngỗng Mào cũng được mát mẻ tí chút, nếu nó có linh hồn!
Ít lâu sau, ông bà chủ đã phải bán tống bán tháo bốn con ngỗng cái đi đâu đó với giá rẻ bèo. Ti vi và xe đạp thằng trộm đã cuỗm đi thì đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín.

Buồn vui với quê hương



DƯ VỊ XUÂN
Tiết Đại hàn ập về giữa buổi tất niên kéo theo cái rét cắt da, cắt thịt. Vạn vật tưởng chừng muốn co hết cả lại. Tôi về lại làng Ngõi tìm kiếm cành đào phai để đón xuân. Năm nào tôi cũng cố lần mò tìm một cành đào như thế, dù biết rằng bây giờ hiếm lắm rồi, không còn rực rỡ mỗi nhà mấy cây đào thóc sang xuân khoe sắc hồng như trước nữa. Tôi không có điều kiện  để trồng đào nên năm nào cũng phải lặn lội. Cũng không đến nỗi không đủ tiền để mua một cành bích đào cắm lọ, nhưng tôi yêu, tôi thích, tôi nhớ cái dáng phong trần của những cây đào ăn quả. Trên cành cây khúc khuỷu có cả những vết x­ước đã ứa nhựa bầm lại, có cả mấy tổ sâu kèn đong đ­ưa ru giấc ngủ cổ tích của những con nhộng đợi ngày vũ hoá, phất phơ vài tấm lá già lỗ chỗ thủng bởi sâu gặm hay táp s­ương táp nắng..., chỉ th­ưa thớt những cái nụ hoa lủi thủi tìm một chỗ khiêm nh­ường nằm chờ dịp bục ra, dâng hiến hết cho đời chút sức xuân chắt chiu, gom góp...

Năm ấy những nụ hoa kia không kịp đủ sức để làm cái thiên chức con con ấy nữa. Cả làng sót lại mấy cây đào nhỏ, chưa cây nào hé được một cái nụ. Đã có chút khập khiễng giữa tiết mùa của giời đất với cái quy luật ba trăm sáu lăm ngày của con người. Tôi đành cắt tạm một cành đào nhỏ về cắm lọ nước, hy vọng đến hết tháng Giêng nó sẽ bố thí cho tôi một hai bông hoa gọi là chút ân huệ của đất trời. Đang ngơ ngẩn giữa đường làng thì gặp thằng em chú:

-May quá ! Em đang định phi ra nhà anh. Hôm nay em mổ lợn, mời anh vào uống rượu!

-Bây giờ chú còn ở đây thì bao giờ mới mổ xong mà mời anh?

-Anh yên trí! Đã có mấy thằng cháu nó “đạo diễn”, mình về chỉ việc lên mâm thôi.

-Chú định mấy mâm?

-Ba bốn mâm gì đấy. Có tiếng lợn kêu ngày Tết thì mọi người thân kéo đến gọi là mừng cho một năm, chứ ăn uống ngày này anh tính ...ai để ý!

Ô hô ! Cái thằng này kém tôi đến cả gần thập kỷ mà nó nói năng cứ như ông cụ vậy. Tôi nhìn mặt nó, tuổi mới quá “băm” mà nhiều nhăn quá!

-Chú đi đâu về đấy? Mời tôi thật lòng hay tiện thì  mời?

-Khổ quá! Em nào có ngó ngàng gì việc nhà được đâu. Năm nay hạn nặng, hợp tác xã phải điều nước chính xác đến từng phút. Từ giờ đến mai là đội Làng Vọi lấy, em định tranh thủ phóng ra mời anh vào uống chén rượu tất niên với em.

Tôi nhìn ra cánh đồng làng (đúng hơn là cánh đồng xã). Đã có lần tôi hình dung nó như cái sàng kén tằm nung núc những là tơ là nhộng, năm ấy đã là ba mươi Tết rồi vẫn phếch phác những luống cày, vẫn lố nhố người co ro lùi xùi trong căm căm gió. Họ lo chịt từng kẽ nẻ, gợt từng cọng rạ dẫn nước về ruộng nhà.

Tôi nhận lời về nhà thằng em uống rượu với thịt lợn không phải bởi ham hố gì, mà chính bởi cái nhăn nhúm, cái dạn dầy trên khuôn mặt nó. Hồi nhỏ nó cũng học hành đến nơi đến chốn, ra trường được Nhà nước phân công công tác hẳn hoi. Nó bảo cả nhà tôi : “Học nông nghiệp ra thì phải làm nông nghiệp. Làm nông nghiệp ở đồng đất mình chẳng hơn đi làm nơi khác à?”. Thế là nó ôm cái bằng Trung cấp Trồng trọt về nhà, lăn ra vật lộn với mấy đám ruộng khoán. Bây giờ nó làm trong ban quản trị hợp tác xã, suốt ngày ngang dọc trên cánh đồng làng. Hạt sương, hạt nắng sớm nhuốm vào da, vào tóc nó…

-Mẹ kiếp, cháu mất mẹ nó hơn chục cân định cấy sớm. Che ni lông cẩn thận thế mà vẫn bị táp như bị dội nước sôi mới cay chứ!- Một tay ngồi cùng mâm với tôi sau vài tuần rượu bắt đầu cao giọng

-Phạt mày một chén! - sau cái dộng đít chén xuống mâm, thằng em chú tôi kiêm chủ nhà ngẩng phắt lên, đôi mắt đã lồi ra vì ngấm rượu:- Loa đài suốt ngày oang oác hướng dẫn cẩn thận thế mà còn cố tình gieo trên sân, dễ tưởng hợp tác bảo mày gieo xuống ruộng để lừa mày đấy hả?

-Phạt thì phạt- tay kia trợn mắt dốc chén rượu đầy phè vào họng rồi quay ra phân bua:- Các bác tính, cũng phải vấp mới bớt dại được chứ!

-Bớt dại như mày ba lần thì hết nghiệp luôn- Một thằng cháu gọi tôi bằng chú phán một câu chắc nịch sau khi tỏm một khúc dồi tiết vào miệng.

Hừ! Hay thật! Cái bọn này cứ ngồi với nhau là oang oang lên hết cả, lại có cả văn chư­ơng với triết lý mới khổ chứ!  Mà cái trò tranh cãi của chúng nó cũng đến là lạ!. Có lần tôi đã chứng kiến trong một tiệc giỗ, rượu vào, cả một đám từ trung niên đến râu bạc choảng bát vào mặt nhau chỉ vì vài cái vai vế vô thư­ởng vô phạt. Bây giờ rượu vào chúng nó lại choảng nhau về việc làm ăn, chẳng từ ngôi thứ nào cả. Nào đâu có nhiều nhặn gì. Mỗi đợt gieo mạ hơn chục cân. Nếu là giống mới cả cũng chỉ hết độ ba trăm tiền chứ mấy. Cứ bảo nông dân ta nặng về tự cung tự cấp, ít thị trường, nhưng xem ra nông dân cũng chao chát ghê đấy chứ! Chỉ có điều  vẫn là chao chát kiểu nông dân mà thôi, cái tư­ duy thị trường hàng hoá vẫn còn xa đâu đâu ấy.

Một thời miền đất này đã nổi tiếng phất lên nhờ sự đột phá đưa cây rau màu vụ Đông chen vào giữa hai mùa truyền thống. Dẫu chẳng làm nên công trạng gì, nhưng là một đứa con của đất này khi ấy tôi đã cảm thấy phổng phao ghê lắm. Bây giờ những cái như là đột phá ấy đã trở thành những lối mòn rêu cỏ. Người dân đất quê tôi lại trở thành những dân thợ nông nghiệp muộn mằn. Họ cố gọ ghẹ để có thể chen vào cơ chế thị trường sôi động bằng những thứ rau mầu trái vụ, trái mùa đầy nguy cơ thất bát.

-Năm nay su hào vừa mất mùa vừa mất giá!- Năm nông dân đích thực ngồi cùng mâm với tôi đều gật gù như thế. Tất cả đám ấy đều hướng vào tôi, cứ làm như tôi là quan toà phán xử cho mọi bức xúc mà họ nêu ra vậy.

-Ơ! Tôi cứ tưởng hiếm rau thì rau phải đắt chứ?- tôi ngẩn ra

-Hiếm gì đâu anh, thiếu su hào thì họ dùng rau khác. Họ còn chê rau của mình lắm thuốc sâu, bán ế chỏng chơ.

-Năm nay trồng rau cần còn gỡ gạc được tý chút- Tay bị phạt rượu vừa nãy dè dặt tham gia

-Gỡ à? Thằng Cờ hôm nọ còn ế đầy hai sọt ngót năm chục cân, phải đem về độn chuồng trâu làm phân kia, lại mất toi gần lít xăng chở đi chở về.

-Thôi, không nói chuyện năm cũ nữa.- Thằng em tôi nhấc chén rượu, ra giọng chủ nhà: -Hôm nay tất niên, ta cứ uống mừng những cái được đã, cái chưa được mai tính tiếp.

Cả bọn nhao nhao h­ưởng ứng, tôi cũng nhấc chén lên nhưng chỉ nhấp môi một chút. Nghe trong câu chuyện có gì đấy xót xa quá! Mai tính tiếp! Mai tính tiếp..., tính mãi, tính luôn cho cả ngày mai nữa, bởi có ai được ngồi ở cái “ngày mai” ấy bao giờ đâu, thời gian dồn cục con người ta ở “hôm nay” cả. Đành rằng toan tính không phải là chức phận riêng ai, nhưng sao trong  toan tính của những người ngồi cùng mâm với tôi chiều ba mươi ấy có nhiều rủi ro, chất ch­ưởng đến thế. Chưa nhạt hơi rượu tất niên đã lại tính. Tính cho qua hạn hán. Tính cho hết rét giá. Tính cho hết dịch gà cúm, lợn toi. Tính cho cọng rau, hạt đỗ đổi được ra tiền... Bài tính nào cũng chỉ thấy đáp số lờ mờ, thoắt ẩn hiện sau cái nhộn nhạo của thị trường, sau cái bản tính thất th­ường của trời đất.

Lạ là ở chỗ gian lao đến thế đất này vẫn cứ sinh sôi. Kể từ cái độ vua về dẫn thuỷ nhập điền, khai n­ương khẩn ruộng, đến nay đã là sáu bảy trăm năm. Đất lành, người lành gọi người lành đến ở. Dân vùng xuôi lên khai hoang hàng trăm hộ định cư­ nối tiếp qua bao thế hệ. Nay hơn trăm hộ bà con vùng lòng hồ thuỷ điện cũng đã chọn vùng đất này làm quê h­ương mới. Người mới đến nâng tay người đến trước nói lời cảm tạ, nhận lại một vòng tay khoác vai, chén rượu nhấp chung cùng nụ c­ười xoà: “Có gì đâu, chật cỏ mới lo chứ chật người lo gì, lo ăn nhiều chứ ở thì hết mấy?”.

Nói thì thế thôi, không lo sao được ! Người lãnh đạo lo. Người quản lý lo. Người dân lo. Đất ở đâu? Nước ở đâu? Điện , đường, trường, trạm ở đâu? Nuôi trồng cây gì con gì đây?...Muốn nâng cao mức sống thì phải duy trì tăng tr­ưởng. Lúc có 10 đồng cố gắng tăng thêm ba bốn chục phần trăm còn là chuyện dễ, lúc có tiền triệu rồi muốn nhích thêm vài phần trăm cũng đã là chuyện gian nan lắm. Bài tính mỗi ngày lại thêm phần hóc búa! Những nếp nhăn nhiều thêm, sâu thêm, màu tro bếp sớm nhuộm lên mái tóc những người nông dân trẻ. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu ngành nghề cần có một bư­ớc đột phá mới. Đã có những dự định phập phồng. Đã có những dự án mở ra. Đã có những nụ c­ời rạng rỡ sau mùa thu hoạch cây trồng làm thức ăn cho bò sữa. Đã có những thử nghiệm cho sản xuất rau quả an toàn. Đã có những đồng tiền lợi nhuận đầu tiên thu được từ nuôi cá chim trắng, nuôi dê lấy thịt...

Sẽ là vội vã khi đưa ra  dự đoán bằng những con số tuyệt đối cho miền quê này, nhưng tôi tin một b­ước đột phá mới sẽ được tạo ra trên đất quê tôi. ở đó con người, đồng ruộng, cỏ cây, nắng gió... hoà quyện cùng nhau, như những cành đào thóc khiêm như­ờng, bền bỉ qua sương giá, dù sớm hay muộn cũng sẽ bung hoa, nẩy lộc cho đời.

Cho mãi đến ngày m­ười t­ư tháng Giêng, cành đào Tết của tôi vẫn cắm nghiêng trong lọ. Và rồi đúng như tôi ­ước muốn, những cánh hoa mỏng manh phớt hồng đã xoè ra, lặng lẽ !