Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Tự sướng nhìn lại!

Cũng là tâm huyết với nghề(soft)

Tâm huyết với nghề(soft)

Chị gái mình ơi!(soft)

Chị gái mình ơi!(soft)

(soft)

(soft)

Mùng 5 tết 2013



(soft)

Mùng 5 tết 2013

Tết 2013 với cháu ngoại

(soft)

Tại ổ nằm

vẩn vơ (soft)

Chớm mùa hè

Nhớ quán bia hơi

Thích cái ngã tư cầu vượt nơi đi qua hàng ngày

Quang Minh kỷ niệm

QM kỷ niệm

Sau gãy sườn

Tan nát đời trai (soft)

(soft)

Tự sướng bằng WC

Tự sướng bằng WC
Nội y khi gãy sườn

Những ngày gãy sườn
Giải pháp sinh học cho giao thông (soft)


Trại ST truyện ngắn Nông Tiến

Tự sướng bằng WC

WC và Ppt

WC và Ppt

Làm vua (soft)

Làm vua (soft)

Thay mặt Messi (soft)

Chân dung 2006

Thành công trên đôi chân đứng thẳng (soft)
2006

2006
Vẩn vơ (soft)

Thất tình (soft)

(soft)

WC và Ppt

Chị gái ơi!

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Người sống







TRUYỆN NGẮN: Quang Khánh



Lại có một chuyến đi công tác xa nữa đến với tôi! Người ta vẫn nghĩ nghề giáo viên là chỉ có bám trường bám lớp quanh năm, tôi cũng làm cái nghề ấy mà rồi năm nào cũng đi xa không dưới hai tháng. Không phải tôi không bám trường bám lớp, mà bởi vì trường lớp của tôi nó rải rác cách xa nhau đến hơn trăm cây số nên tôi mới long đong đến thế.

-Alô! Mai chú mày qua đón anh nhá – Tôi bấm điện thoại gọi cho thằng em con ông chú. Thằng này có cái ô tô nhỏ, chuyên chở khách đi cùng tuyến công tác với tôi.

-Mai em phải chạy hợp đồng rồi. – Thằng em họ tôi trả lời, - nhưng mà vẫn đi tuyến ấy, anh đi cùng cũng được, xe rộng thoải mái.

Theo lời hẹn, tôi xách va li ra ngã ba cạnh nhà đợi. Đúng giờ hẹn, thằng em tôi chạy xe đến. Cái xe của nó chỉ có mười lăm chỗ ngồi, thông thường nó nhét được đến cả hai chục khách. Hôm nay trong xe trống hoác, mấy hàng ghế phía sau còn chưa có người ngồi, cái ghế phụ xe trên đầu vẫn để dành cho tôi. Trước khi xoay người ngồi yên vị vào ghế, tôi liếc mắt nhìn về số hành khách trên xe. Một ánh mắt nhìn thẳng về phía tôi như dò hỏi. Ánh mắt của tôi cũng dừng lại một thoáng trên gương mặt người khách ấy. Đó là một gương mặt đàn ông xương xẩu, khắc khổ không gợi lại cho tôi một ký ức nào. Nhưng còn ánh mắt, ánh mắt anh ta có vẻ như tôi đã gặp ở đâu đó thì phải.

-Đi thôi anh nhá?

 Thằng em họ tôi vừa hỏi dứt câu đã nhấn ga cho xe chuyển bánh. Tôi quay mặt nhìn thẳng ra phía trước nhưng chẳng nhận ra một thứ gì rõ ràng cả. Ánh mắt của người đàn ông ngồi phía sau cứ chập chờn trong đầu tôi. Tôi vận hết mọi thông số của bộ nhớ để tìm ra một đáp số nhất định nào đấy. Bạn học cũ ư? Không có thằng nào như thế! Học sinh cũ ư? Số này thì nhiều lắm nhưng không thấy tay này có vẻ gì là học sinh cũ cả. Không phải vì anh ta đã già. Tôi đã từng lên lớp cho những người còn già hơn tay này nhiều! Mà vì thông thường khi gặp lại học sinh cũ, dù tôi không nhớ thì họ cũng chào ngay chứ không giương mắt nhìn tôi chằm chằm như thế.

Tôi vẫn tiếp tục lục lọi trong đầu những hình ảnh của quá khứ để đối chiếu với cái ánh mắt của người đàn ông kia. Họ hàng ư? Chả phải! Họ hàng nội ngoại nhà tôi không to đến mức những người trong họ không nhớ nổi nhau. Đồng đội ư? Xem nào.....Thôi đúng rồi! Tôi quay lại thì thấy người đàn ông ấy vẫn nhìn tôi chằm chằm. Tôi dè dặt hỏi anh ta:

-Anh có phải là Phụng không?

-Ông là Quang phải không ? – Anh ta không trả lời tôi mà hỏi lại. Hơ hơ...!  Trí nhớ của tôi thế là đã đúng! Trí nhớ của tôi thế là vẫn còn tốt...

-Đúng là mày rồi. Tao, Quang đây! – Tôi reo tướng lên khiến thằng em tôi đang ôm tay lái cũng giật mình quay sang.

Thế rồi mặc cho cái xe đang vào cua, tôi lật đật vịn mấy cái vai ghế bước xuống phía Phụng. Phụng cũng đứng lên và bọn tôi kịp ôm chặt lấy nhau trước khi cả hai cùng theo đà đổ nghiêng vào thành xe. Hì hục dắt díu nhau lấy lại thăng bằng xong, tôi gọi to về phía thằng em họ đang chăm chú điều khiển tay lái:

-Này thằng em! Dừng lại tý!

Chờ thằng em dừng hẳn xe bên lề đường, tôi nói với người đàn ông ngồi ghế bên cạnh:

-Anh thông cảm lên ghế trên kia ngồi, bọn tôi lâu ngày mới gặp nhau muốn hàn huyên một lúc.

Thu xếp xong, tôi và Phụng ngồi xuống bên nhau. Vượt qua những e dè ban đầu, bọn tôi hồ hởi hỏi han nhau đủ thứ chuyện.

Phụng ở cùng một huyện với tôi. Ở cái tỉnh miền núi này, một huyện rộng mênh mông, có khi bằng cả một tỉnh đồng bằng. Bọn tôi ở hai xã đầu huyện với cuối huyện, đường xá cách trở, lại thêm cái bổn phận kiếm sống nên khoảng cách giữa chúng tôi trở nên vời vợi. Mới đấy mà đã gần ba chục năm rồi mới gặp lại Phụng. Thời gian và muôn vàn những thứ khác đã khiến chúng tôi đổi thay nhiều lắm so với những ngày còn sống với nhau.

Phụng với tôi cùng nhập ngũ một ngày. Năm ấy chiến tranh chuyển sang ác liệt. Phụng thuộc quân số tuyển dự bị vì là con trai duy nhất trong gia đình. Xã Phụng có mấy thằng trốn nghĩa vụ, thế là Phụng phải nhập ngũ vào cùng đơn vị huấn luyện với tôi. Cởi bỏ bộ quần áo mặc từ nhà, khoác vào bộ quân phục vừa được phát, chúng tôi leo lên xe nhằm hướng chiến trường mà đi. Tiểu đoàn huấn luyện chúng tôi đóng ngay sau vùng chiến sự, thỉnh thoảng còn nghe tiếng pháo bắn nhau uỳnh oàng. Tôi và Phụng được biên chế vào cùng tiểu đội. Đêm đầu tiên nơi đóng quân, doanh trại chưa kịp dựng, bọn tôi trải lá cây trên nền đất lạnh rồi thay phiên quắp lưng nhau mà ngủ. Gian khổ và ác liệt ngày ấy đã gắn bó chúng tôi lại với nhau. Tôi và Phụng thân nhau vì chúng tôi nhiều tuổi nhất trong tiểu đội, làm việc gì cũng có vẻ hợp nhau.

Doanh trại lợp xong còn chưa hết mùi ngái cỏ tranh, chúng tôi đã phải chia tay. Tình hình chiến sự chuyển trạng thái căng thẳng trên toàn tuyến, chúng tôi phải cắt bớt chương trình huấn luyện để biên chế vào các đơn vị chiến đấu, thực hiện phương châm huấn luyện trực tiếp trên chiến trường. Phụng được biên chế vào một đại đội trinh sát của quân khu, tôi về một đơn vị bộ binh. Lúc chia tay bọn tôi chỉ kịp chào nhau một câu: “Mày đi nhá!”. Thế rồi mệnh lệnh hành quân phát ra, chúng tôi mỗi thằng một hướng.

-Hồi ấy tao nghe tin mày chết rồi cơ mà? – tôi quay sang hỏi Phụng.

-Thì tao vẫn còn ngồi đây thôi! – Phụng cười méo xệch

Có đến gần một năm sau ngày chia tay, tôi không có tin tức gì của Phụng. Ngày ấy việc liên lạc, thư từ khó khăn lắm. Một hôm tôi gặp thằng Sự ở đại đội thông tin. Ngày huấn luyện; Sự cùng tiểu đội với tôi và Phụng

-Anh Phụng chết rồi anh ạ. – Sự nói với tôi, mắt ráo hoảnh – Thằng thông tin bên ấy nói tổ của anh Phụng vào căn cứ địch để trinh sát thì bị vướng mìn, hướng trinh sát bị lộ, thế là bên nó dập pháo xuống, tan nát hết.

-Mày nghe lâu chưa?

-Em vừa nghe cách đây mấy hôm.

Một thoáng bùi ngùi đến với tôi. Thế là một sinh mạng đã ngã xuống vì Tổ quốc, một đồng đội thân thiết của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Cũng chỉ một thoáng thế thôi, diễn biến cuộc chiến và nhiệm vụ người lính không để cho chúng tôi ngẫm ngợi và xót xa quá nhiều. Rất có thể tôi hoặc bất cứ một người lính nào khác cũng phải hy sinh như thế. Sự tồn tại của những người lính trở về sau chiến tranh không chỉ nhờ chiến công mà còn nhờ cả vào sự may mắn nữa. Chỉ riêng những người đồng ngũ, đồng đội của tôi thôi, đốt ngón tay đã không đếm hết số phải ngã xuống vì cuộc chiến. Một dân tộc chìm đắm trong chiến tranh như Việt Nam thì cái sự hy sinh máu xương không còn là cá biệt nữa. Có lẽ vì thế mà hình bóng thằng Phụng trong tôi suốt mấy chục năm qua cũng không còn chói chang, nhức nhối. Những phận sự mới trong cuộc sống đã lấy đi gần hết thời gian và trí tuệ của tôi. Nếu như không có cuộc gặp gỡ vô tình này chắc ký ức về Phụng sẽ chẳng bao giờ trở lại.

-Tao không chết nhưng cũng như chết rồi mày ạ – Phụng trầm ngâm nói tiếp

-Thằng này..., chỉ gở mồm! - tôi vừa gắt vừa huých một cái thật mạnh vào vai Phụng khiến nó xô dúi vào thành xe. - Bom đạn thế mà còn lành lặn thế này là may mắn lắm rồi. Còn cuộc sống thì biết thế chó nào là vừa lòng được.

-Tao có ham hố gì nhiều với đời đâu. Ngày đi lính khổ thế mà tao vẫn vô tư được cơ mà.

-Gia đình mày có chuyện gì buồn à? – tôi chăm chú hỏi lại Phụng.

-Gia đình tao bình thường thôi. Tao chả có vợ con, đi làm có lương, cuộc sống nói chung chả có gì đáng lo. Thế mà suốt mấy chục năm tao sống không yên mày ạ. Có lúc tao ước, giá như ngày ấy pháo nó dập đúng vào đầu tao thì tao đỡ phải sống khổ đến bây giờ.

Tôi sửng sốt quay sang nhìn Phụng. Nó già hơn tuổi nhiều lắm! Mái tóc phếch phác, hốc mắt thì tụt sâu dưới cặp lông mày cũng phếch phác, đầy vẻ u ám. Những đường nét của một kẻ trai ồn ã ngày xưa không còn lưu lại chút gì trên khuôn mặt nó.

-Cũng có nhiều lúc tao cố tự biện minh cho mình, nhưng mà rồi mọi cách đều vô ích. Cái đêm trinh sát ấy tao không thể nào quên đi được. – không nhìn tôi, Phụng lẩm bẩm như tự nói với mình

Có lẽ cảm nhận được không khí truyện trò giữa tôi và Phụng, thằng em tôi giảm bớt tốc độ, chậm rãi đưa chiếc xe vặn vẹo cố tránh khỏi những pha chồm giật của những “ổ gà, ổ chó” trên đường. Câu chuyện thằng Phụng kể lại tôi nghe cũng chập chờn, giật cục theo từng cung quãng của chuyến xe ấy.

Ngày ấy đơn vị trinh sát của Phụng có nhiệm vụ thu thập tình hình toàn tuyến làm cơ sở để bộ chỉ huy xây dựng các phương án tác chiến. Các tổ trinh sát được thành lập tỏa đi khắp các khu vực. Tổ thằng Phụng có ba người nhận nhiệm vụ trinh sát một khu vực ở phía Tây. Đây là một địa bàn địch mới lấn chiếm và đóng chốt, địa hình hiểm trở, vào được đã khó, quay ra còn khó hơn. Để nắm tình hình, tổ trinh sát của Phụng phải tổ chức tiềm nhập sâu vào lòng địch.

-Bọn tao vào được mấy lần rồi, lần nào cũng an toàn. Theo kế hoạch lần ấy là lần cuối cùng.

Phụng lẩm bẩm kể đến đấy thì lại ngừng lại. Cái xe lại vặn một đường tránh ổ gà nữa. Thân hình Phụng như sụm thành một đống dính chặt vào chiếc ghế xe. Mặc chiếc xe vặn vẹo lượn lách, cái đống thân hình ấy vẫn như bất động, cặp mắt nó giương thẳng về phía trước như thất thần, vô cảm. Phải đến mấy phút sau Phụng mới lại lẩm bẩm kể tiếp. Chiến trường những ngày ấy lại hiện về trước mắt tôi qua mỗi câu kể giật cục của nó.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương, xung quanh các điểm chốt bao giờ cũng được bố trí vật cản dày đặc. Trong chuyến tiềm nhập đầu tiên, tổ trinh sát của Phụng đã vô hiệu hóa hàng loạt vật cản của địch rồi bò vào. Mỗi chuyến đi là một đêm âm thầm luồn lách, bò trườn qua vách đá, bụi gai, trong cái lạnh cắt da và đủ thứ hiểm nguy rình rập. Những bài huấn luyện gấp gáp không đủ giúp cho các chiến sỹ chiến thắng kẻ thù, chính những kỹ năng, kinh nghiệm tích cóp từ cuộc sống và chiến đấu cộng với lòng quyết tâm mới là cái chủ yếu làm nên chiến công của họ. Nhiệm vụ lần cuối của tổ Phụng trước khi trở về căn cứ là kiểm tra sự di chuyển các vị trí hỏa lực của địch.

-Bọn trinh sát kỹ thuật thấy có tín hiệu nghi ngờ thì đoán là nó bố trí lại trận địa, nhưng thực ra nó có di chuyển chó gì đâu! – Bất ngờ, thằng Phụng nhổm người lên rồi quay sang nói như phân bua với tôi – Bọn tao nhận lệnh là đi, chả biết thực hư ra sao. Với lại “quân lệnh như sơn”, mày biết rồi còn gì?

Tổ của Phụng có Lương là ít tuổi nhất. Diên là tổ trưởng, cùng tuổi Phụng nhưng nhập ngũ trước hai năm. Anh chàng này nhỏ người, ít nói nhưng nhanh nhẹn và quyết đoán.

-Thằng này có vợ, có con rồi, hoàn cảnh cũng gieo neo lắm! Tao ở với nó từ lúc bước chân về đơn vị. – Phụng kể tiếp sau một cái thở dài

Buổi tối hôm ấy sau khi ăn cơm, cả ba anh em chụm lại. Diên phân công:

-Tao với thằng Phụng đi tiềm nhập, thằng Lương ở lại thu dọn đồ gọn gàng rồi gác hầm. Đừng có ngủ díp mắt vào, thám báo nó vào cắt cổ đấy, nhớ chưa?. Sáng mai tất cả hạ sơn về đơn vị.

Mọi lần trước khi tiềm nhập vào căn cứ địch, Diên đều đưa anh em ra ngồi một lúc ở ngoài trời rồi mới triển khai phương án trinh sát. “Phải phơi cho sương nó ngấm vào người, mùi người mình không bị bốc ra, đỡ lộ”. Diên giải thích như thế. Lần này cũng vậy! Nai nịt quần áo, súng đạn xong, Diên kéo Phụng chui ra khỏi hầm. Được  mươi bước, Diên nói cộc lốc:

-Ngồi xuống đây!

Cả hai im lặng ngồi bệt xuống đất, chuyển khẩu AK gác nòng lên vai rồi cùng lặng lẽ nhìn vào bóng đêm đặc đầy sương lạnh. Lát sau Diên hạ giọng nói nhỏ:

-Mình lại vào đường cũ. Tao vào trước, mày đi sau tao hai phút. Vào trong mày cảnh giới, tao đi kiểm tra lại mấy ổ trung liên với hầm cối của nó. Nếu bị lộ, mày theo đường cũ rút về, mày chỉ được nổ súng nếu chạm trán bọn nó. Rõ chưa?

-Rồi!- Phụng đáp lại như một cái máy

-Hôm nọ mày về đại đội có hỏi thư từ gì không?

-Tao hỏi mấy lần nhưng chẳng thằng nào có thư đâu.

-Sáu tháng rồi tao chưa nhận được tin nhà, mày thế nào?

-Tháng trước tao có cái thư của con em gái. Ở nhà cũng đang khổ bỏ mẹ.

-Đi thôi! – Diên đột ngột đứng dậy, xốc súng lên vai, vừa nói vừa bước đi. Phụng lặng lẽ bước sát theo sau cho đến khi Diên dừng lại thì thào ra lệnh:

-Bắt đầu thôi!

Phụng hiểu là đã đến lúc triển khai phương án mà Diên vạch ra. Sau cái vỗ vai của Diên, Phụng nhìn đồng hồ rồi xoay khẩu AK ra sau lưng, chờ đủ hai vòng kim giây rồi mới bắt đầu vận động. Bầu trời đêm như đông đặc bởi sương lạnh và sự im ắng. Có lẽ tạo hóa đã không cho phép sinh vật nào ở đây thức giấc lúc này, dù đó là những loại năng động nhất. Hai con người kia là một ngoại lệ vì họ cần có những thứ không phải cho riêng họ, đối với họ đó là thứ quan trọng hơn cả những gì mà tạo hóa ban tặng.

Nửa đêm, cả hai đã vào được căn cứ địch. Một cái vỗ nhẹ vào vai nữa nhắc Phụng nhớ đến phương án hợp đồng tác chiến giữa hai người. Phụng từ từ mở khóa súng rồi xoay người theo hướng ngược với hướng vận động của Diên. Tất cả vẫn chìm trong sự im lìm tuyệt đối.

Khi Diên bò trở lại thì bầu trời đã có chút ánh mờ đục. Một cái véo nhẹ của Diên khiến Phụng nhẹ cả người. Phụng biết là việc trinh sát đã xong, chỉ cần hơn một giờ đồng hồ nữa là họ sẽ trở lại khu vực an toàn ngoài tầm khống chế của địch. Phụng thu súng về chuẩn bị vận động trở ra thì bất chợt có tiếng súng lên đạn lách cách. Cả hai người nằm dán xuống mặt đất, mắt hướng về phía tiếng động quan sát địch tình dưới tầm che của vành mũ vải. Thì ra quân địch đổi gác! Vị trí gác của chúng cả Phụng và Diên đều biết, nó cách lối ra của các trinh sát đến ba mét. Trong đêm sương mù thế này, chỉ cần giữ im lặng, họ sẽ vận động qua mặt tên lính gác dễ dàng. Bỗng khủy tay Diên huých nhẹ vào Phụng. Bóng thằng lính gác mờ mờ hiện ra trước mặt hai người. Không ổn rồi! Thằng lính gác mò ra đứng đúng vào chỗ có cái hẻm đá là nơi tổ trinh sát có thể tụt xuống để trở về.

-Cứ tưởng là nó ra đứng một tý thôi, nào ngờ nó cứ lỳ ra ở đấy – Phụng vừa nói với tôi vừa nghiến răng – Tao ra hiệu phải khử nó nhưng thằng Diên lại ra hiệu phải lùi lại.

Trời đã sáng dần, không rút ra được thì chết là cái chắc. Bò lui cách xa đến khi không nhìn thấy thằng lính gác, Diên ra hiệu cho Phụng đi vòng qua lối khác. Vừa dò mìn vừa tìm lối đi, phải nửa giờ sau hai người mới đến được cái vách đá án ngữ lối trinh sát đã mở.

-Mọi khi bọn tao phải men theo cái vách đá ấy rồi theo một cái hẻm trèo lên, lúc ra cũng phải theo lối ấy. Lần này vướng thằng lính gác chết tiệt. – Phụng lại nghiến răng.

Cái vách đá không cao nhưng dựng đứng, dưới chân vách đá ấy cỏ mọc um tùm, nhằng nhịt. Tổ trinh sát của Phụng chưa đi vào chỗ này bao giờ. Độ cao của vách đá không đáng ngại, nguy hiểm nhất là cái đám cỏ bên dưới rất có thể có mìn của địch. Sau một phút chần chừ, Diên thì thào vào tai Phụng:

-Tao tụt xuống trước dò mìn, mười phút sau mày xuống rồi tạt ngang sang phải khoảng bẩy tám bước là về lối cũ.

Khi Diên dò dẫm tụt xuống thì Phụng quay về phía sau giương súng cảnh giới. Một vài mảnh đá nhỏ rơi xuống đám cỏ không đủ xua đi cái tĩnh lặng của không gian đầm đìa sương lạnh nơi này. Bỗng “soạt! oàng...”. Một chớp lửa nhoáng lên cùng với tiếng mảnh vụn văng rào rào vào cây cỏ. Phụng quay phắt lại. Chết rồi! Diên dính mìn rồi. Chuyển khẩu AK sang cầm ở tay phải, Phụng nhảy ào xuống. Vừa rơi xuống đất, Phụng chồm dậy ngay và sờ soạng loạn xị xung quanh tìm đồng đội. Diên đây rồi! Vẫn còn sống! Phụng cuống quýt rờ rẫm từ đầu đến ngực Diên, miệng thì thào gấp gáp:

-Mày có sao không?

-Chân tao bị rồi!

Trên đỉnh chốt bọn địch bắn hai phát súng báo động, không gian lập tức chộn rộn lên bởi tiếng quát hét, tiếng chân chạy, tiếng lên đạn của địch. Kệ mẹ chúng mày! Có thách chúng mày cũng không dám truy đuổi vì sợ mìn, còn bắn vuốt đuôi thì chỉ có mà phí đạn. Vừa phán đoán tình hình  Phụng vừa chăm chú rờ rẫm đôi chân của Diên. Chân trái còn nguyên nhưng ống chân phải nát nhoét, máu chảy ra thành vũng. Không chết được nhưng phải ga - rô cầm máu ngay! Giật nắp túi cứu thương bên hông, móc cuộn băng cá nhân, Phụng quáng quàng quấn quanh phần ống chân còn lại của Diên một vòng rồi nghiến răng xiết nút. “Pình, pình, pình pình...hú, hú ... ú ...”.  Bọn địch gọi pháo bắn rồi! Tiếng rít của trái phá cho biết nó đã bay qua đầu, không cần để ý! Những chớp nổ nhoang nhoáng của trái phá ở mãi phía giáp trận địa của ta. Bọn địch tổ chức bắn chặn đây mà!

Khoác cả hai khẩu AK vào cổ, Phụng dìu Diên ngồi dậy rồi quàng tay người đồng đội qua vai, miệng hổn hển:

-Mày cố chịu đau, bám chặt vào, tao cõng...

Lại một loạt pháo hạng nặng nữa bắn sang. Ánh lửa của trái phá chuyển lại gần chỗ hai người. Thôi chết! Bọn này bắn rải thảm theo tọa độ rồi. Chỉ vài phút nữa ngần ấy trái pháo sẽ dập xuống đúng chỗ này. Phụng cuống quýt xốc Diên lên lưng nhưng Diên lại đẩy mạnh vào lưng Phụng, miệng thều thào:

-Mày ra trước đi, tao khắc ra được!

Phụng quay phắt lại, rít vào tai Diên từng tiếng một:

-Nó - bắn – rải – thảm - đấy!

Bất ngờ, Diên túm lấy khẩu AK trên cổ Phụng, gầm lên:

-Để súng lại cho tao! Đi ngay!

Như một phản xạ bản năng, Phụng gỡ khẩu súng để xuống rồi khom người lao đi. Vấp một bụi cây, Phụng cuộn người lăn liên tiếp mấy vòng theo đà chạy rồi mới vục dậy chạy tiếp. Biết là không thể thoát kịp ra khỏi tọa độ của pháo địch nhưng Phụng nhớ có một vách đất tránh pháo được. Chỗ ấy  Diên đã chỉ cho cả tổ trong một chuyến trinh sát. Vừa kịp dán mình xuống cái khe dưới chân vách đất thì loạt pháo tiếp theo dội sang. Lại một loạt nữa, một loạt nữa nối tiếp nhau! Mặt đất rung chuyển, không gian rền rĩ bởi những âm thanh chết chóc của thuốc nổ, của mảnh trái phá và đất đá văng ra.

Tiếng pháo vừa dứt, Phụng vục dậy bàng hoàng. Không phải vì những đám khói pháo quyện sương đặc quánh, không phải vì sự tan hoang của đất đá, không phải vì sự nhàu nhĩ của cây cỏ sau trận pháo! Phụng bàng hoàng vì chợt nhận ra anh chỉ còn lại một mình. Như người bừng tỉnh sau cơn mơ, Phụng lổm ngổm bò quay trở lại. Không còn nhận ra vị trí Diên nằm nữa. Tất cả đã bị xới tung, đất đá lộn nhào, mặt đất ngổn ngang, chi chít hố pháo. Phụng quáng quàng bò từ hố pháo này sang hố pháo khác, vừa rờ rẫm vừa cất giọng khao khao gọi: “Diên! Diên ơi!”.

Không một tín hiệu nào chứng tỏ Diên còn sống, thậm chí không còn một dấu vết nào về sự có mặt của anh trên mảnh đất này. Không thể làm gì hơn được nữa, Phụng tụt xuống ngồi bệt dưới một hố pháo. “Hức... hức... hức...”. Những giọt nước bỗng tuôn trào ậng đầy hai khóe mắt rồi chảy dài trên gò mà Phụng, đôi vai anh giật lên theo từng tiếng nấc dội ra từ lồng ngực. Như trong cơn mê, Phụng cất tiếng gọi rủ rỉ:

-Diên ơi, bọn mình quay về thôi! Nhiệm vụ xong rồi!

Một cơn gió rất nhẹ phả hơi sương lạnh vào mặt Phụng khiến anh như bừng tỉnh lại. Khói pháo đã tan, mặt đất đã hiện ra mờ mờ. Khi mặt trời lên xua tan hết sương, khu vực này sẽ lồ lộ ngay trước mũi hỏa lực địch. Phụng bươn bả trườn đi dò tìm dấu vết của Diên một lần nữa. Vẫn không có gì, dù là nhỏ nhất! Nước mắt lại trào ra trên má Phụng, anh lủi thủi ôm súng lảo đảo trên vùng đất tan hoang tìm đường trở về hầm...

 Chiếc xe vừa vượt qua một con đèo ngoằn ngoèo. Đến đỉnh đèo thằng em tôi dừng xe rồi quay lại nói to:

-Mình nghỉ giải lao một lát, bác nào có nhu cầu hút thuốc hay đi vệ sinh thì tranh thủ luôn. Lát nữa chúng ta đi một mạch đấy.

Thằng Phụng kéo tôi xuống xe móc bao thuốc lá, rút một điếu rồi đưa cho tôi. Sau khi châm lửa rít một hơi dài và phả ra một đụn khói, nó trầm ngâm một lúc rồi nói:

-Không hiểu sao cái lúc ấy tao lại thành thằng tham sống sợ chết đến thế. Giá như tao cố cõng thằng Diên đi, giá như tao nằm lại cùng nó thì có khi nó đã sống.

-Thế thằng đó chết thật à?

-Ừ! Hôm đó trở về đại đội, tao xin quay lại để tìm nó, hy vọng nó vẫn còn sống. Lão C trưởng bảo: “Cậu cứ làm báo cáo chi tiết vào, còn việc ấy đã có bộ phận khác lo. Ngày mai các cậu nhận nhiệm vụ mới đấy”. Mấy ngày sau quân mình đánh úp giành lại được chốt. Bên chính sách đi xác minh tìm thấy khẩu AK của thằng Diên bị vỡ báng nhưng không thấy xác, họ kết luận là nó đã chết vì pháo vùi. Ba tháng sau thì báo tử.

Khi cuộc chiến chấm dứt, những người lính chúng tôi lại xuất ngũ trở về quê hương, bươn trải để tạo dựng cuộc sống. Cái chết của Diên làm thằng Phụng trăn trở và ám ảnh không nguôi. Nó một mực tin rằng nếu hôm đó nó không bỏ chạy đi một mình thì thằng Diên sẽ vẫn còn sống. Ra quân rồi nó lại khăn gói trở lại cái địa danh ấy mấy lần nữa nhưng cũng đều vô vọng. Những diện mạo mới, những con người mới ngày càng đẩy xô dấu tích chiến trường xưa đi vào quên lãng. Sau mỗi chuyến đi tìm xác bạn không được, thằng Phụng lại rũ rượi thêm vì thất vọng. Nó làm việc nhà quấy quá để kiếm sống, còn tâm trí thì để cả vào việc nghe ngóng, dò hỏi thông tin liên quan đến cái địa danh nơi nó và Diên đã vĩnh viễn xa nhau.

Lên xe đi tiếp, tôi vỗ vai bảo Phụng:

-Việc gì mày phải như thế? Có phải mày lừa đảo hay phản bội đâu,  chẳng qua cũng vì nhiệm vụ bắt buộc thôi.

-Ai cũng bảo tao thế, có lúc tao cũng tự nói với mình như thế. Nhưng nghĩ lại tao thấy đó chỉ là ngụy biện thôi. Chả có cái gì bắt buộc được mình cả. Bỏ đồng đội chết mất xác để sống một mình  thì chỉ có thể là bản năng cầm thú thôi.

Phụng hằm hè nói với tôi một thôi dài khiến mấy người ghế trên lo lắng quay lại. Có lẽ nhận ra mình đang căng thẳng, Phụng hít một hơi thở sâu rồi mới hạ giọng kể tiếp tôi nghe về những năm tháng sau này của nó.

Ngày giỗ năm nào của Diên, Phụng cũng về thắp hương cho người  đồng đội. Bà mẹ Diên mỗi năm lưng thêm còng, tóc thêm bạc xác xơ, cứ gặp Phụng lại khóc sụt sùi. Phụng không dám khóc nhưng trong lòng quặn thắt. Đã hàng chục năm rồi bà mẹ Diên vẫn đau đáu tìm lại được hình hài của đứa con, dẫu đó chỉ là nắm xương tàn cũng giúp bà nguôi ngoai đến ngày xuôi tay, nhắm mắt.

Tháng trước đây, có một đêm Phụng trằn trọc mãi mà không ngủ được. Hình ảnh Diên trong chuyến trinh sát cuối cùng lại hiện về. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu Phụng khiến anh bật nhỏm dậy thảng thốt một mình:

-Quả lựu đạn! Đúng rồi, quả lựu đạn!

Phụng nhớ lại trong các chuyến đi tiềm nhập, vũ khí đem theo chỉ mỗi người một khẩu AK, riêng Diên bao giờ cũng giắt thêm một quả lựu đạn mỏ vịt. Nếu Diên bị pháo vùi thì rất có thể quả lựu đạn vẫn còn đeo bên mình. Máy dò mìn có thể tìm ra quả lựu đạn đó, hài cốt Diên chắc chắn cũng sẽ nằm cùng chỗ với quả lựu đạn.

 Sáng sớm hôm sau Phụng quay về nhà Diên nói lại ý nghĩ của mình. Anh thắp một nén hương cắm lên bàn thờ người đồng đội rồi thì thầm:

-Diên ơi! Tao sẽ đưa bằng được mày về lại với quê nhà, hôm nay tao lại đi tìm mày đây, mày có linh thiêng thì phù hộ cho tao!

Quay ra, Phụng nắm cả hai bàn tay găỳ guộc của bà mẹ liệt sỹ đang hoe mắt thương con rồi nói gấp gáp:

-Con đi đây! Mẹ giữ sức khỏe mẹ nhé. Con sẽ tìm được Diên đưa về cho mẹ. Lần này con hy vọng lắm!

Phụng đôn đáo trở lại vùng chiến trường cũ rồi liên hệ với đồng đội nhờ lực lượng quân sự địa phương giúp đỡ. Một tổ công binh được điều đến với sự hỗ trợ của thiết bị dò bom mìn hiện đại. Kết quả đúng như Phụng dự đoán, quả lựu đạn vẫn còn nằm cùng với thi hài Diên dưới độ sâu gần hai mét. Ngày hôm ấy, Phụng như thể lần đầu tiên thoát ra sau gần ba chục năm chìm trong mê cung tăm tối. Anh cười, anh mếu, rồi khóc rống lên u oa như một đứa trẻ.

-Tao như cởi được một nút thắt trong đầu mày ạ! – Phụng quay sang tôi rồi nở một nụ cười. Trông anh thật hiền lành, trẻ trung và rạng rỡ. Nhưng rồi Phụng lại đưa hai bàn tay lên úp chặt lấy khuân mặt ấy, giọng khàn đi: -Nhưng mà nghĩ thương thằng Diên quá! Gần ba mươi năm phải nằm một mình, lạnh lẽo.

Có cái gì đó cay xè xộc lên mũi tôi. Tôi vội đưa tay vỗ nhè nhẹ lên vai thằng bạn, vừa để an ủi nó, vừa để kìm nén cái cảm xúc đang dâng trào trong tôi. Đơn sơ chút nghĩa tình đồng đội thôi mà sao thiêng liêng quá! Chỉ cần một giây quên đi cái thứ thiêng liêng ấy cũng có thể làm ta phải trả giá bằng cả một cuộc đời u ám. Nhưng cũng chính cái nghĩa tình ngỡ là bản năng ấy sẽ dẫn dắt ta đến với những điều sáng láng, diệu kỳ. Thằng Phụng đã đúng khi nó bảo chả có cái gì bắt buộc được con người ta cả. Mọi quyết định đều do mình tự đưa ra thôi!

Khi những cảm xúc đã lắng dịu, tôi hỏi Phụng:

-Hài cốt Diên đưa về quê chưa?

-Các thủ tục xong hết rồi, mai sẽ làm nghi lễ quy tập hài cốt liệt sỹ. Anh em đồng đội lên trên ấy trước, tao về đón người thân  của Diên.

Theo Phụng giới thiệu, tôi nhận ra trên xe toàn là những người ruột thịt của Diên. Mẹ Diên không có mặt ở đây, bà không đủ sức để đi một chuyến đi dài như chuyến đi này. Chỉ vào một thanh niên có ánh mắt đượm buồn ngồi ghế bên cạnh, Phụng giới thiệu:

-Đây là con trai của Diên, mắt nó giống bố như hệt.

Tôi ngắm đôi mắt người thanh niên ấy và hình dung ra đôi mắt của Diên. Nó trong, ngời sáng, nhưng chắc sẽ không có nét buồn của một đứa trẻ mồ côi cha như đôi mắt con anh.

Chợt nhận ra đã sắp phải xuống xe, tôi thụi nhẹ vào sườn Phụng và hỏi:

-Còn mày, sắp tới định thế nào?

Phụng cười hềnh hệch, những nếp nhăn trên mặt anh dồn cả sang hai bên trông như những nếp gấp của một tấm phông rèm được kéo ra, để lộ một chân dung tươi trẻ, rạng rỡ:

-Vội gì? Tuổi mình bắt đầu cuộc đời đâu đã muộn!

-Tao phải xuống rồi! – tôi nói và ôm chặt lấy Phụng – Tao sẽ phải tìm gặp mày nhiều nữa đấy Phụng ạ! Đưa số điện thoại của mày đây! – vừa nói tôi vừa thò tay rút điện thoại trong túi quần.

Ghi xong số điện thoại, tôi vòng tay ôm thằng bạn thêm lần nữa. Cuộc chiến đi qua rồi, tôi còn sống, thằng Phụng còn sống, nhưng có những người bạn đã nằm lại nơi chiến trường. Dẫu ở hai thế giới khác biệt, hình như chúng tôi vẫn là những đồng đội của nhau. Lúc xuống xe, vẫn như ngày xưa, bọn tôi chào nhau bằng câu chào quen thuộc: “Mày đi nhá!”./.

.

Vũng Tầu – Tháng 10 năm 2010

QUANG KHÁNH

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Ngán nghề

Một lần ngồi hầu rượu Gã Đầu Bạc Dương Trung Nguyên... nhầm...Phạm Xuân Nguyên, gã mồi cho bọn tôi một cái form để mà chế thơ. Tôi đắc chí lắm, hì hục chế mãi mới ra được có thế này:
Khổ thân em lấy chồng kế toán
Suốt ngày Nợ - Có ở trong đầu
Nửa đêm nó bật dậy trợn mắt:
"Chứng từ, Sổ Cái của tao đâu?"

Anh bạc phận phải làm chồng Bác sỹ
Toàn vi trùng, vi rút trong đầu
Nửa đêm lay chồng dậy em hỏi:
"Bông băng, dao kéo để ở đâu?"

Mẹ xui em lấy chồng Hình sự
Suốt ngày tội phạm ở trong đầu
Nửa đêm túm cổ em nó quát:
"Súng ống của tao mày giấu đâu?"

Lấy chồng giáo viên sao chán thế
Suốt ngày phấn bảng ở trong đầu
Nửa đêm vục dậy đeo mục kỉnh
Thì thầm: "Giáo án soạn đến đâu?"

Giời đày lấy vợ làm thi sĩ
Suốt ngày thơ thẩn ở trong đầu
Nửa đêm em rống lên nức nở:
"Ôi Hàn Mặc Tử, anh ở đâu?"

ớng gì lấy phải chồng bđội
Điều lệnh suốt ngày ở trong đầu
Nửa đêm cựa mình là nó hỏi:
"Lời thề chiến sĩ đđâu?"   

 Lấy vợ bán phở cười dở mếu
Suốt ngày hành, húng, tỏi trong đầu
Nửa đêm đè chồng ra rít hỏi:
"Nạm, Gầu, Thăn, Sấn đđâu?"

Thân em vđược chồng Nông Nghiệp
Bò trâu, lúa má ngập trong đầu
Nửa đêm lần mò chán còn hỏi:
"Cái giống ngắn ngày cấy đâu?"

Lấy vợ Luật sư đâu có sướng
Luật ta luật tây ngập trong đầu 
Nửa đêm đập vai chồng nó quát:
"Chứng cứ ngoại phạm đđâu?"

Lễ mễ theo chồng nghChụp ảnh
Tối, Sáng, ngó nghiêng mụ cđầu
Nửa đêm vục dậy nheo mắt hỏi:
"Ống kính ken-ko của tao đâu?" 

Chồng mình  chuyên làm nghề hớt tóc
Tông - đơ, lược, kéo ngập trong đầu
Nửa đêm lục ục rồi lại hỏi:
"Thưa cụ, cạo nhẵn hay để râu?"