Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Bài báo

SUY NGHĨ VỀ THÀNH NGỮ VIỆT



Trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc, thành ngữ là một yếu tố được sử dụng khá phổ biến. Ở Việt Nam , thành ngữ đặc biệt phong phú. Cùng với các yếu tố khác nó đã giúp cho ngôn ngữ của chúng ta trở nên sắc sảo, sinh động, với nội hàm phong phú, đa dạng.

Vốn dĩ thành ngữ là sản phẩm tư duy bằng ngôn ngữ của con người trong những điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể. Bản thân thành ngữ không có một cấu trúc hoàn chỉnh cả về ngữ cảnh và ngữ pháp. Về nội dung, thành ngữ có nội hàm mang tính phổ quát, được rút ra từ những điển tích hoặc những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng, hoặc đó là sự đúc kết từ sự nhận thức của số đông về các quan hệ ứng xử, về nhân tình thế thái và các hoạt động khác của con người… Có lẽ vì thế mà điều dễ nhận thấy là nguồn sản sinh ra thành ngữ chính là dân gian. Ngay cả khi người ta chấp nhận những thành ngữ xuất phát từ những tác phẩm văn học chính thống thì những thành ngữ ấy cũng chỉ được chấp nhận thông qua con đường nhận thức dân gian.

Về cấu trúc ngữ pháp, thành ngữ thường không có cấu trúc chủ-vị hoàn chỉnh. Thành phần thường được bỏ khuyết trong thành ngữ là chủ từ. Mặc dù có nội dung được hình tượng hoá và nhân cách hoá cao độ song các thành ngữ thường không gắn với một đối tượng nhân sinh cụ thể nào. Điều này giúp cho thành ngữ trở thành một đơn nguyên ngôn ngữ có khả năng lắp lẫn linh hoạt. Bằng sự súc tích và tính phổ quát cao độ, các thành ngữ đã giúp cho ngôn ngữ có khả năng biểu cảm mạnh mẽ và mang đầy tính thẩm mỹ, đặc biệt là trong ngôn ngữ giao tiếp.

Trong văn học viết, người ta thường ít khi dùng thành ngữ. Điều này có thể giải thích bằng tâm tư muốn đổi mới mình của các cây bút, không muốn dùng lại thứ của người khác. Trong văn học nói, thành ngữ giúp cho mọi người có thể biểu đạt các vấn đề một cách dễ dàng, đồng thời nó làm cho câu nói của người ta trở nên có ấn tượng và dễ hiểu hơn.

Tôi không phải là người làm công việc nghiên cứu, những suy nghĩ về thành ngữ xuất phát từ những hiện tượng giao tiếp tôi đã gặp phải. Có những người trình độ học vấn khá cao nhưng khi diễn đạt một ý niệm nào đó, dù là đơn giản, lại hết sức lúng túng, vòng vo mãi vẫn chưa thoát ý. Cũng ý niệm ấy, một người khác chỉ cần một thành ngữ chính xác đưa đà, đủ làm cho người nghe nhận thức được một cách dễ dàng.

Trong kho tàng những thành ngữ của dân tộc Việt, ta thường gặp những thành ngữ bốn chữ:

Tát nước theo mưa – Lời nói gió bay – Giá áo túi cơm – Qua cầu rút ván - Đẽo cày giữa đường - Đắm đò giặt mẹt…

Những câu thành ngữ kiểu này được dùng một cách khá phổ biến trong ngôn ngữ giao tiếp, một phần  bởi vì sự ngắn gọn trong cấu trúc của nó khiến người ta dễ nhớ một cách mạch lạc không sợ bị nhầm lẫn, mặt khác, theo tôi thì chính tính giai điệu của thể loại thành ngữ này đã khiến người ta ưa dùng nó để diễn đạt các ý niệm của mình.  Cấu trúc âm của các thành ngữ bốn chữ khá đặc sắc. Có thể đó là cấu trúc đối xứng như kiểu Qua cầu rút ván, Tát nước theo mưa, được chăng hay chớ…, cũng có thể đó là cấu trúc âm không đối xứng theo kiểu: Con ông cháu cha, ném bùn sang ao, há miệng mắc quai, nước đổ lá khoai… Tính giai điệu của thành ngữ đã làm cho câu nói của con người ta thêm uyển chuyển, ấn tượng, tăng thêm tính thuyết phục.

Những người thường sử dụng thành ngữ trong diễn giải, giao tiếp…, là những người có vốn văn hoá dân gian phong phú. Cái vốn ấy có được phần nhiều là do sự tích luỹ thông qua quá trình giao tiếp trong cuộc sống, đồng thời nó cũng nói lên cái quan điểm nhân sinh và thế giới quan của con người

Kho tàng thành ngữ của con người ngày càng thêm phong phú. Đó có thể là sự đúc rút chung về các quan hệ ứng xử trong xã hội, đó cũng có thể là sự khái quát hoá từ các ngụ ngôn, các tác phẩm văn học viết nổi tiếng. Những tài liệu nghiên cứu chính thống về thành ngữ Việt không phải là nhiều và chắc chắn là chưa đầy đủ. Việc sử dụng các thành ngữ  có hiệu quả đến đâu còn tuỳ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết thấu đáo của bản thân người sử dụng cũng như người lĩnh hội. Không hiếm gì những trường hợp do nhầm lẫn về âm mà nhiều thành ngữ đã bị nói chệch đi, hoặc bị hiểu nhầm ý nghĩa gốc của nó. Trong những trường hợp như vậy, thành ngữ không những không giúp cho người ta biểu đạt được ý tưởng của mình, mà còn làm cho câu nói, câu viết trở nên khấp khểnh, vô duyên

Cùng với tiến trình phát triển của xã hội chúng ta, các thành ngữ được bổ sung thêm về số lượng, chủng loại và nội hàm ý nghĩa. Phần lớn trong số đó được dùng để khái niệm cho hành vi hoặc tư tưởng con người, phần khác nói về những kinh nghiệm sản xuất, cảm nhận thiên nhiên…. Có một điều cần băn khoăn là trong ngôn ngữ giao tiếp thời nay, kho tàng thành ngữ phong phú và ấn tượng của chúng ta đã không được khai thác hiệu quả. Một bộ phận khá lớn dân cư, nhất là lớp trẻ, hầu như không biết đến vốn ngôn ngữ độc đáo đó, hoặc biết một cách lơ mơ, vận dụng tuỳ tiện cẩu thả. Có lần tôi nghe một thanh niên học đang học lớp 11 phổ thông, học lực môn Văn thuộc loại trung bình, giải thích rằng: “Câu mèo mả gà đồng là tiếng lóng của dân nhậu nói về hai món nhắm khoái khẩu : thịt rúi (mèo mả) và thịt ếch (gà đồng)”! Với cách hiểu như thế, chắc chắn sẽ có lúc chúng rủ nhau đi xơi “mèo mả gà đồng” như chơi.

Trách nhiệm gìn giữ, chuyển tải kho tàng thành ngữ vào trong cuộc sống, biến nó trở thành một thứ của cải trí tuệ, một phần thuộc về những người làm văn học. Không ai có thể hoàn toàn thấu đáo về vấn đề này, bởi chính yếu tố dân gian của thành ngữ đòi hỏi sự khơi gợi, tích luỹ của nhiều người, trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của những người cầm bút.

Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của một tác giả trên báo Tân Trào số gần đây,  đã mạnh dạn đưa ra một vấn đề về thành ngữ Việt. Có lẽ tác giả cũng không phải là một “nhà” chuyên nghiên cứu về thành ngữ, song bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, ngòi bút của tác giả ấy đã khiến cho chúng ta quan tâm hơn tới kho tàng ngôn ngữ đặc sắc của dân tộc, vốn đã được tích luỹ theo suốt chiều dài lịch sử. Ngôn ngữ Việt Nam sẽ trở nên phong phú và trong sáng hơn nhờ tất cả những cây bút có tình cảm và trách nhiệm như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét