Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Buồn vui với quê hương



DƯ VỊ XUÂN
Tiết Đại hàn ập về giữa buổi tất niên kéo theo cái rét cắt da, cắt thịt. Vạn vật tưởng chừng muốn co hết cả lại. Tôi về lại làng Ngõi tìm kiếm cành đào phai để đón xuân. Năm nào tôi cũng cố lần mò tìm một cành đào như thế, dù biết rằng bây giờ hiếm lắm rồi, không còn rực rỡ mỗi nhà mấy cây đào thóc sang xuân khoe sắc hồng như trước nữa. Tôi không có điều kiện  để trồng đào nên năm nào cũng phải lặn lội. Cũng không đến nỗi không đủ tiền để mua một cành bích đào cắm lọ, nhưng tôi yêu, tôi thích, tôi nhớ cái dáng phong trần của những cây đào ăn quả. Trên cành cây khúc khuỷu có cả những vết x­ước đã ứa nhựa bầm lại, có cả mấy tổ sâu kèn đong đ­ưa ru giấc ngủ cổ tích của những con nhộng đợi ngày vũ hoá, phất phơ vài tấm lá già lỗ chỗ thủng bởi sâu gặm hay táp s­ương táp nắng..., chỉ th­ưa thớt những cái nụ hoa lủi thủi tìm một chỗ khiêm nh­ường nằm chờ dịp bục ra, dâng hiến hết cho đời chút sức xuân chắt chiu, gom góp...

Năm ấy những nụ hoa kia không kịp đủ sức để làm cái thiên chức con con ấy nữa. Cả làng sót lại mấy cây đào nhỏ, chưa cây nào hé được một cái nụ. Đã có chút khập khiễng giữa tiết mùa của giời đất với cái quy luật ba trăm sáu lăm ngày của con người. Tôi đành cắt tạm một cành đào nhỏ về cắm lọ nước, hy vọng đến hết tháng Giêng nó sẽ bố thí cho tôi một hai bông hoa gọi là chút ân huệ của đất trời. Đang ngơ ngẩn giữa đường làng thì gặp thằng em chú:

-May quá ! Em đang định phi ra nhà anh. Hôm nay em mổ lợn, mời anh vào uống rượu!

-Bây giờ chú còn ở đây thì bao giờ mới mổ xong mà mời anh?

-Anh yên trí! Đã có mấy thằng cháu nó “đạo diễn”, mình về chỉ việc lên mâm thôi.

-Chú định mấy mâm?

-Ba bốn mâm gì đấy. Có tiếng lợn kêu ngày Tết thì mọi người thân kéo đến gọi là mừng cho một năm, chứ ăn uống ngày này anh tính ...ai để ý!

Ô hô ! Cái thằng này kém tôi đến cả gần thập kỷ mà nó nói năng cứ như ông cụ vậy. Tôi nhìn mặt nó, tuổi mới quá “băm” mà nhiều nhăn quá!

-Chú đi đâu về đấy? Mời tôi thật lòng hay tiện thì  mời?

-Khổ quá! Em nào có ngó ngàng gì việc nhà được đâu. Năm nay hạn nặng, hợp tác xã phải điều nước chính xác đến từng phút. Từ giờ đến mai là đội Làng Vọi lấy, em định tranh thủ phóng ra mời anh vào uống chén rượu tất niên với em.

Tôi nhìn ra cánh đồng làng (đúng hơn là cánh đồng xã). Đã có lần tôi hình dung nó như cái sàng kén tằm nung núc những là tơ là nhộng, năm ấy đã là ba mươi Tết rồi vẫn phếch phác những luống cày, vẫn lố nhố người co ro lùi xùi trong căm căm gió. Họ lo chịt từng kẽ nẻ, gợt từng cọng rạ dẫn nước về ruộng nhà.

Tôi nhận lời về nhà thằng em uống rượu với thịt lợn không phải bởi ham hố gì, mà chính bởi cái nhăn nhúm, cái dạn dầy trên khuôn mặt nó. Hồi nhỏ nó cũng học hành đến nơi đến chốn, ra trường được Nhà nước phân công công tác hẳn hoi. Nó bảo cả nhà tôi : “Học nông nghiệp ra thì phải làm nông nghiệp. Làm nông nghiệp ở đồng đất mình chẳng hơn đi làm nơi khác à?”. Thế là nó ôm cái bằng Trung cấp Trồng trọt về nhà, lăn ra vật lộn với mấy đám ruộng khoán. Bây giờ nó làm trong ban quản trị hợp tác xã, suốt ngày ngang dọc trên cánh đồng làng. Hạt sương, hạt nắng sớm nhuốm vào da, vào tóc nó…

-Mẹ kiếp, cháu mất mẹ nó hơn chục cân định cấy sớm. Che ni lông cẩn thận thế mà vẫn bị táp như bị dội nước sôi mới cay chứ!- Một tay ngồi cùng mâm với tôi sau vài tuần rượu bắt đầu cao giọng

-Phạt mày một chén! - sau cái dộng đít chén xuống mâm, thằng em chú tôi kiêm chủ nhà ngẩng phắt lên, đôi mắt đã lồi ra vì ngấm rượu:- Loa đài suốt ngày oang oác hướng dẫn cẩn thận thế mà còn cố tình gieo trên sân, dễ tưởng hợp tác bảo mày gieo xuống ruộng để lừa mày đấy hả?

-Phạt thì phạt- tay kia trợn mắt dốc chén rượu đầy phè vào họng rồi quay ra phân bua:- Các bác tính, cũng phải vấp mới bớt dại được chứ!

-Bớt dại như mày ba lần thì hết nghiệp luôn- Một thằng cháu gọi tôi bằng chú phán một câu chắc nịch sau khi tỏm một khúc dồi tiết vào miệng.

Hừ! Hay thật! Cái bọn này cứ ngồi với nhau là oang oang lên hết cả, lại có cả văn chư­ơng với triết lý mới khổ chứ!  Mà cái trò tranh cãi của chúng nó cũng đến là lạ!. Có lần tôi đã chứng kiến trong một tiệc giỗ, rượu vào, cả một đám từ trung niên đến râu bạc choảng bát vào mặt nhau chỉ vì vài cái vai vế vô thư­ởng vô phạt. Bây giờ rượu vào chúng nó lại choảng nhau về việc làm ăn, chẳng từ ngôi thứ nào cả. Nào đâu có nhiều nhặn gì. Mỗi đợt gieo mạ hơn chục cân. Nếu là giống mới cả cũng chỉ hết độ ba trăm tiền chứ mấy. Cứ bảo nông dân ta nặng về tự cung tự cấp, ít thị trường, nhưng xem ra nông dân cũng chao chát ghê đấy chứ! Chỉ có điều  vẫn là chao chát kiểu nông dân mà thôi, cái tư­ duy thị trường hàng hoá vẫn còn xa đâu đâu ấy.

Một thời miền đất này đã nổi tiếng phất lên nhờ sự đột phá đưa cây rau màu vụ Đông chen vào giữa hai mùa truyền thống. Dẫu chẳng làm nên công trạng gì, nhưng là một đứa con của đất này khi ấy tôi đã cảm thấy phổng phao ghê lắm. Bây giờ những cái như là đột phá ấy đã trở thành những lối mòn rêu cỏ. Người dân đất quê tôi lại trở thành những dân thợ nông nghiệp muộn mằn. Họ cố gọ ghẹ để có thể chen vào cơ chế thị trường sôi động bằng những thứ rau mầu trái vụ, trái mùa đầy nguy cơ thất bát.

-Năm nay su hào vừa mất mùa vừa mất giá!- Năm nông dân đích thực ngồi cùng mâm với tôi đều gật gù như thế. Tất cả đám ấy đều hướng vào tôi, cứ làm như tôi là quan toà phán xử cho mọi bức xúc mà họ nêu ra vậy.

-Ơ! Tôi cứ tưởng hiếm rau thì rau phải đắt chứ?- tôi ngẩn ra

-Hiếm gì đâu anh, thiếu su hào thì họ dùng rau khác. Họ còn chê rau của mình lắm thuốc sâu, bán ế chỏng chơ.

-Năm nay trồng rau cần còn gỡ gạc được tý chút- Tay bị phạt rượu vừa nãy dè dặt tham gia

-Gỡ à? Thằng Cờ hôm nọ còn ế đầy hai sọt ngót năm chục cân, phải đem về độn chuồng trâu làm phân kia, lại mất toi gần lít xăng chở đi chở về.

-Thôi, không nói chuyện năm cũ nữa.- Thằng em tôi nhấc chén rượu, ra giọng chủ nhà: -Hôm nay tất niên, ta cứ uống mừng những cái được đã, cái chưa được mai tính tiếp.

Cả bọn nhao nhao h­ưởng ứng, tôi cũng nhấc chén lên nhưng chỉ nhấp môi một chút. Nghe trong câu chuyện có gì đấy xót xa quá! Mai tính tiếp! Mai tính tiếp..., tính mãi, tính luôn cho cả ngày mai nữa, bởi có ai được ngồi ở cái “ngày mai” ấy bao giờ đâu, thời gian dồn cục con người ta ở “hôm nay” cả. Đành rằng toan tính không phải là chức phận riêng ai, nhưng sao trong  toan tính của những người ngồi cùng mâm với tôi chiều ba mươi ấy có nhiều rủi ro, chất ch­ưởng đến thế. Chưa nhạt hơi rượu tất niên đã lại tính. Tính cho qua hạn hán. Tính cho hết rét giá. Tính cho hết dịch gà cúm, lợn toi. Tính cho cọng rau, hạt đỗ đổi được ra tiền... Bài tính nào cũng chỉ thấy đáp số lờ mờ, thoắt ẩn hiện sau cái nhộn nhạo của thị trường, sau cái bản tính thất th­ường của trời đất.

Lạ là ở chỗ gian lao đến thế đất này vẫn cứ sinh sôi. Kể từ cái độ vua về dẫn thuỷ nhập điền, khai n­ương khẩn ruộng, đến nay đã là sáu bảy trăm năm. Đất lành, người lành gọi người lành đến ở. Dân vùng xuôi lên khai hoang hàng trăm hộ định cư­ nối tiếp qua bao thế hệ. Nay hơn trăm hộ bà con vùng lòng hồ thuỷ điện cũng đã chọn vùng đất này làm quê h­ương mới. Người mới đến nâng tay người đến trước nói lời cảm tạ, nhận lại một vòng tay khoác vai, chén rượu nhấp chung cùng nụ c­ười xoà: “Có gì đâu, chật cỏ mới lo chứ chật người lo gì, lo ăn nhiều chứ ở thì hết mấy?”.

Nói thì thế thôi, không lo sao được ! Người lãnh đạo lo. Người quản lý lo. Người dân lo. Đất ở đâu? Nước ở đâu? Điện , đường, trường, trạm ở đâu? Nuôi trồng cây gì con gì đây?...Muốn nâng cao mức sống thì phải duy trì tăng tr­ưởng. Lúc có 10 đồng cố gắng tăng thêm ba bốn chục phần trăm còn là chuyện dễ, lúc có tiền triệu rồi muốn nhích thêm vài phần trăm cũng đã là chuyện gian nan lắm. Bài tính mỗi ngày lại thêm phần hóc búa! Những nếp nhăn nhiều thêm, sâu thêm, màu tro bếp sớm nhuộm lên mái tóc những người nông dân trẻ. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu ngành nghề cần có một bư­ớc đột phá mới. Đã có những dự định phập phồng. Đã có những dự án mở ra. Đã có những nụ c­ời rạng rỡ sau mùa thu hoạch cây trồng làm thức ăn cho bò sữa. Đã có những thử nghiệm cho sản xuất rau quả an toàn. Đã có những đồng tiền lợi nhuận đầu tiên thu được từ nuôi cá chim trắng, nuôi dê lấy thịt...

Sẽ là vội vã khi đưa ra  dự đoán bằng những con số tuyệt đối cho miền quê này, nhưng tôi tin một b­ước đột phá mới sẽ được tạo ra trên đất quê tôi. ở đó con người, đồng ruộng, cỏ cây, nắng gió... hoà quyện cùng nhau, như những cành đào thóc khiêm như­ờng, bền bỉ qua sương giá, dù sớm hay muộn cũng sẽ bung hoa, nẩy lộc cho đời.

Cho mãi đến ngày m­ười t­ư tháng Giêng, cành đào Tết của tôi vẫn cắm nghiêng trong lọ. Và rồi đúng như tôi ­ước muốn, những cánh hoa mỏng manh phớt hồng đã xoè ra, lặng lẽ !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét