Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Núi Nghiêm

Tôi gọi Núi Nghiêm là ngọn núi quê nhà

Có nhiều bữa xuyên đêm tìm trâu lạc

Vết đào sắn ngang, hốc đào mài dọc

Ngọn măng vầu nấp né bên nương


Xe quệt theo trâu kéo thóc gửi chiến trường

Đưa tiễn anh đi, ngày về anh thiếu vắng

Ngang trán núi đổ chiều giăng sương trắng

Lá thư chiến trường cả xóm đọc chung...


Lố nhố thấp cao lũ trẻ vỡ lòng

Rồi lớn dậy khoe mình bên dáng núi

Ruộng dộc, ruộng chầm, đôi mùa đắp đổi

Mạch nước lần vươn tận cuối đồng xa


Ngược dốc hành quân, chợt nhớ núi quê nhà

Thấy gần lại những đèo cua ngút mắt

Khoai mót độn cơm qua ngày giáp hạt

Rưng rưng lòng những năm tháng tha hương


Đồng làng xưa nay ngang dọc kênh mương

Vẫn gọi Hoàng Khai, ghi ân người mở đất

Hồ Từ Thủy bốn mùa xanh ngằn ngặt

Vọng chuông chùa buông thanh thản bình yên


Núi quê cho tôi bao kỷ niệm êm đềm

Theo tôi suốt những cung đường lặn lội

Chưa đủ phong trần đã thành già cỗi

Lại về đây bên bóng núi la đà./.



Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

BỘN BỀ THÁNG BA

 

BỘN BỀ THÁNG BA

Tản văn

 Tháng Ba đến, nhẹ nhàng như như cái trở mình của cô thiếu nữ. Ấy vậy mà sao trời đất với lòng người lại cứ cồn cào, mỗi khi cái vòng quay muôn thuở của nguyệt lịch ấy hôm mai trở lại.

Tháng Ba, cây cối như phổng phao, những cánh lá lúa mơn mởn, xanh mỡ. Mọi thứ chắt bóp từ ngày đông tháng giá năm ngoái, giờ như được dịp bung nở. Xanh đến no nê con mắt, xanh dịu cả những đau đáu lo âu và những se sắt ngóng trông. Từ cánh đồng tôi rẽ vào làng, bắt gặp đám chồi tre xanh ngút mắt. Lại từ nhánh bê tông đường làng tôi quặt vào khu đồi rừng nhà ai đó, những keo, những bạch đàn, những đám cỏ dại lùng nhùng... , tất cả đều rạng ngời những búp, những chồi, những lá, non mướt nhung nhinh.

Tháng Ba, hoa xoan bung nở, tím mờ cả một triền ký ức người ta. Đêm xuống, chút heo may sót lại cuối mùa khẽ khàng lùa hương hoa ngan ngát đi đến tận cùng lối nhỏ. Cái thứ hoa không rực rỡ, cũng chẳng kiêu sa, mà biết bao lòng người đau đáu

Hoa xoan mỗi sớm bình minh

Rơi nghiêng mái tóc chúng mình đi qua

(Hoa xoan –Tùy Phong)

Một bước chân phiêu du rẽ về một ngõ làng quê Bắc bộ, những cánh hoa xoan lắc rắc kín mặt đường. Người phương lạ sẽ dẫm chân bước qua, lòng người dân Bắc Bộ thì như chững lại

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.

(Mưa xuân – Nguyễn Bính)

Những cánh hoa xoan li ti đâu đến độ "vơi đầy" trên ngõ đường quê? Chỉ là hồn người rưng rưng mỗi độ tháng Ba về, hoài niệm bời bời trong ký ức mà thôi!

Tháng Ba cồn cào bởi cả những dấu ấn xót xa của nó hằn lên nhiều thế hệ. Dân trồng lúa Bắc Bộ ai chẳng biết đến thành ngữ "Tháng Ba, ngày Tám", ai cũng hiểu nội hàm của cái từ "giáp hạt". Bao đời qua, vào cái vòng quay đôi vụ chiêm mùa, tháng Ba đến là khi vụ mùa đã qua lâu, vụ chiêm mới đang phập phồng, hạt thóc trong bồ đã vơi hao, cái đói rập rình khắp chốn.

Năm ấy mẹ sinh em mùa đói.

Tháng Ba nhọc nhằn và hoa gạo rụng hố vôi.

(Nỗi niềm tháng Ba– Bình Nguyên Trang)

Có những độ giáp hạt, cả làng tôi đói, hạt thóc làm nên văn hóa. Cha mẹ tôi cùng số đông dân làng phải lục tìm khắp triền đồi, hẻm núi để đào những gốc sắn hoang, lấy củ mang về cho lũ chúng tôi qua bữa. Những tháng Ba ấy qua đi với bao ký ức lấm luối, nhọc nhằn. Không dám oán trời, chỉ oán đời đã đày đọa những kiếp người lao khổ.

Và rồi vẫn còn đó những heo may cuối vụ. Câu chuyện Nàng Bân đan áo cho chồng chẳng giúp những tái tê đời thường dịu bớt. Câu chuyện tưởng xưa nhưng vẫn gần đây lắm, nghe lại rồi thấy xót xa thêm:

Ngày rét tháng Ba xưa mẹ không mang áo ấm

Chiếc khăn choàng trên cổ cũng phong phanh

Thân cò vẫn sớm chiều bên vuông đất

Lo cho con từng bữa những ngọt lành.

(Vần thơ ơn Mẹ - NgưngThu)

Tháng Ba, có cả những hào hùng lịch sử làm nên tầm vóc đất nước con người Việt Nam. Một thuở dựng nước với truyền thuyết "Sơn Tinh Thủy Tinh" luôn được mỗi người dân Việt nhắc đến vào ngày Giỗ Tổ. Có một câu ca dao nằm lòng đồng bào từ Nam chí Bắc:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba

Câu ca dao đâu chỉ nhắc dân ta về ngày tháng, đâu chỉ nhắc dân tộc ta về nguồn cội. Còn đó biết bao sự tích oai hùng suốt bốn ngàn năm tạo dựng, bồi đắp nên dải đất hình chữ S này. Ngày "mồng mười tháng ba" ấy đã cho mỗi con dân đất Việt cảm nhận về những kỳ tích khai sơn phá thạch, bạt rừng lấn biển của cha ông. Lại tự hào trong ánh hào quang của Phù Đổng Thiên Vương, không chịu co mình làm nô lệ. Đốt nén nhang thơm dâng ngày Giỗ Tổ, dù trai gái, trẻ già, cũng không quên sức mạnh diệu kỳ của lẫy nỏ thần trước thế giặc điên cuồng cướp nước...Gần đây lắm, cuộc trường chinh của dân tộc dành chủ quyền toàn vẹn cho dải đất thiêng liêng, đã kết thúc vang dội bởi chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đã ghi vào vòng quay thời gian muôn vạn thuở một tháng Ba đất nước hóa thiên thần

Tháng Ba, trên đất Việt Nam này như có một cảnh săc riêng khiến muôn vạn người vừa say đắm miên man, vừa cồn cào khắc khoải. Một cành hoa gạo đỏ, một chùm hoa vông lập lòe..., cũng làm ra sắc cảm.

Em ở đây không có mùa hoa gạo.

Đỏ rực trời đốt cháy tháng ba.

Cho lòng ai thổn thức lúc chia xa.

Quay quắt bước mà hồn còn một nửa

(Mùa hoa Gạo – Gió Phương Nam)

Lụa sim trải tím chân đồi.

Lửa dâng hoa gạo thắp trời tháng ba.

Cánh cò lả cuối đồng xa.

Gió thơm sóng tóc em à ơi...bay !

(Cỏ đêm – Phan Thanh Minh)

Tháng Ba, cái gió chuyển mùa nặng trịch làn hơi ẩm. Tấp tửng những đám mây đen vần vũ với những ánh chớp cùng tiếng sấm rền sang Hạ. Bìa rừng quê tôi lúp xúp những đám nứa tép nhỏ bằng ngón tay, bất chợt có thể gặp những bãi nấm đội lá nứa khô mọc lên một lần duy nhất trong năm. Người quê tôi gọi đó là nấm Muốt. Thứ nấm ấy nấu canh ăn ngọt và lành. Người hái được nấm Muốt thường là người có kinh nghiệm đi tìm, hoặc là người may mắn gặp được đúng ngày, đúng nơi nấm mọc.

Vào tháng Ba, tết Hàn Thực của người Việt như một sự giao thoa của những triết lý sống. Chộn rộn từ cả ngày hôm trước, để rồi cả ngày mồng Ba tháng Ba không nổi lửa bếp. Vị mát ngọt mía đường , bột nếp, với mùi hương hoa bưởi thanh tao của bánh trôi, bánh chay, như đưa hồn người về với sự tĩnh lặng của cõi thiền, cùng sự ngưỡng mộ hiền đức từ cõi tâm linh của những con người đương đại....

Tháng Ba, cái tháng giao mùa rồi cũng sẽ đi qua. Những cơn mưa giông mùa hè rồi cũng ào ạt tới, hoa gạo rồi cũng lần lượt buông mình... Vòng quay thời gian thì thật vô tình, nhưng những bộn bề tháng Ba thì đã mấy ai không vấn vít!

 




Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

VẼ TÊN MÌNH

 


Truyện ngắn

 

-Alô, em là Lợi, ha ha.., Lợi “xê sáu” đây. Anh còn nhớ em không? Ôi dồi ôi..., em dò hỏi mãi trên hội cựu chiến binh, may lại có số của anh...

Cái giọng đàn ông ồn ã, rối rít trên điện thoại của một số thuê bao lạ hoắc khiến tôi ngay lập tức nhớ đến một người

-Lợi, Lợi “tây” phải không?

-Em đây. Bọn em đi tham quan cây đa Tân Trào, giờ đang chụp ảnh kỷ niệm ở quảng trường Nguyễn Tất Thành. Nhà anh ở gần đấy không?

-Nhà tớ chỉ cách đó mười cây thôi, đợi tớ phi xe ra, anh em mình gặp nhau tý nhá. Ba mươi mấy năm rồi còn gì....

-Không kịp rồi anh ơi, em đi cùng đoàn cựu chiến binh của tỉnh, chụp ảnh xong là tiếp tục đi thăm hồ thủy điện Na Hang. Lịch trình cài trước hết rồi....

Thế là tôi không gặp được Lợi, chỉ kịp hỏi thăm nhau mấy câu như quát qua điện thoại . Tôi cẩn thận lưu lại cái số thuê bao vừa liên lạc với cái tên danh bạ “Lợi Tây C6”,  rồi tần ngần ngắm cái dòng tên ấy trên màn hình một hồi lâu.

Lợi quê ở mãi tận Phú Thọ, nhưng nhập ngũ cùng một ngày và ở cùng “xê” với tôi. Lợi có nước da trắng trẻo, nhưng thân hình lại khuệch khoạc, vạm vỡ. Ngày mới về “xê”, có người nói anh ta to và trắng như người Tây. Cái biệt danh Lợi “tây” ra đời từ đấy.

Vì phải học xong Đại học rồi mới nhập ngũ, nên tôi “cứng” tuổi hơn so với nhiều bạn đồng ngũ. Trung đoàn chúng tôi là trung đoàn cơ động. Cứ khu vực nào trên toàn tuyến có dấu hiệu căng thẳng là trung đoàn phải đến trấn giữ. “Xê” của chúng tôi thuộc biên chế trong tiểu đoàn bộ binh chiến đấu, vì thế chuyện di chuyển cứ như cơm bữa. Tôi được phân công làm quản lý, mỗi lần di chuyển là lễ mễ với một gói giấy tờ, sổ sách. Lợi “tây” nói với tôi:

-Để hôm nào em làm cái hộp mà đựng giấy tờ cho gọn.

Cứ nghĩ hắn ta đưa đẩy cho vui, đâu ngờ mấy hôm sau, Lợi “tây” lễ mễ mang cho tôi hẳn một cái hòm đạn đã được sửa sang gọn gàng, có cả quai đeo, tay xách cẩn thận. Tôi khoái lắm. Sau khi “mắt tròn, mắt dẹt” một hồi, tôi lục trong ba –lô tìm được một gói thuốc lào An Thái dúi cho Lợi.

Tôi với Lợi “tây” thân thiết từ dạo ấy. Thỉnh thoảng hắn ghé qua chỗ tôi, rít điếu thuốc rồi tán đủ thứ chuyện tào lao.

Có một buổi chiều, tôi đang ngồi cộng sổ, Lợi “tây” ghé cổ nhòm vào hỏi:

-Anh làm việc à?

Tôi không trả lời, vừa gấp sổ sách lại, vừa ra giọng bí hiểm:

-Tao có một điếu Đồ Sơn, làm vài hơi không?

Bình thường, nghe thấy nói đến việc hút thuốc là Lợi “tây” sốt sắng ngay. Nhưng hôm nay hắn ta lại cau có:

-Vợ với con..., bực ghê anh ạ! Chuyến này em phải viết thư về cho nó một trận

-Sao thế? Ở nhà có chuyện gì à?

Tôi ngạc nhiên quay ra, vừa nhìn mặt hắn ta vừa hỏi dồn. Lợi “tây” không đáp lại mà rút phắt từ túi ngực áo một tờ giấy rồi chìa ra trước mặt tôi:

-Đây anh xem! Bực không chịu được …

Để mặc Lợi “tây” lủng phủng rồi ngồi phịch xuống đoạn cây gác làm ghế trước mặt, tôi vội vơ lấy tờ giấy hắn ta đưa và lướt nhanh. Thì ra là thư của vợ hắn.

Dù mới chỉ hai mươi tuổi, Lợi “tây”  không chỉ có vợ mà còn có cả một đứa con trai.  Có lần tôi hỏi tại sao lấy vợ sớm thế,  Lợi cười:

- Ở quê nhà em lấy vợ sớm anh ạ. Thằng Mão quê cùng xã với em, còn ít tuổi hơn em mà cũng có vợ có con rồi đấy.

Mão là chiến sỹ nhập ngũ cùng ngày và ở cùng “bê” với Lợi. Thường ngày hai thằng vẫn cùng đi với nhau.

 Lá thư vợ Lợi viết bằng cái kiểu chữ của học sinh phổ thông. Nét chữ nhủng nhoẳng,  có nhiều chỗ sai chính tả,  nhưng to rõ, dễ đọc. Trong thư,  vợ Lợi kể chuyện thằng con mọc răng mà không sốt.  Những chuyện trồng cà, trồng khoai, sức khỏe bố mẹ hai bên…, chuyện gì cũng có vẻ ổn cả. Tôi đọc cẩn thận lá thư một lần nữa nhưng cũng không thấy có chuyện gì đặc biệt, bèn ngẩng lên hỏi Lợi “tây”:

-Tao thấy có chuyện gì đâu? Vợ mày nói cả nhà  vẫn khỏe, hoa màu cũng được mùa,  có vấn đề gì đâu?

 -Nhưng mà viết cái kiểu ấy em bực không chịu được. Chuyến này viết thư về,  em phải cho một trận!

 Vừa đưa tay cầm lại bức thư gấp cẩn thận cho vào túi áo,  Lợi hục hặc nói với tôi, rồi nhổm đứng dậy quay ra thẳng, chả nghĩ gì đến chuyện tôi mời thuốc lá vừa nãy

 Tôi còn chưa hết băn khoăn về thái độ kì lạ của thằng Lợi, thì vừa may thấy Mão vác can nước đi qua.

-Ê chú mày,  vào đây anh nhờ tí! Tôi vẫy tay rối rít

Mão hạ can nước xuống rồi lửng khửng đi vào lều của tôi

 -Này,  làm vài hơi đi…- Tôi châm điếu thuốc lá rồi đưa cho Mão

Mão đón ngay điếu thuôc, rít một hơi rồi khoan khoái ngửa mặt nhả khỏi lên trời.

-Sao hôm nay cái thằng Lợi nó lạ thế nhỉ?

-Sao thế anh?  -Mão nhướn  mắt hỏi lại tôi.

Tôi liền kể lại lại tình huống vừa nãy của Lợi “tây”, chưa nghe xong thằng Mão đã cười ha hả:

 -Nó giả vờ để anh đọc thư cho nó đấy!

Thế rồi Mão hạ giọng giải thích ngọn nguồn cho tôi nghe.  Thì ra mặc dù đã học hết lớp Hai, nhưng bỏ học đã lâu nên bây giờ Lợi “tây” không đọc không viết được nữa. Thư vợ gửi lên, hắn cũng đem ra ngồi gốc cây, nhíu mắt, cau mày ra điều chăm chú, nhưng thực ra chỉ ngắm thôi. Cái kiểu này bên giáo dục vẫn gọi là “tái mù” đây…

 -Mọi khi thư vợ nó gửi lên, nó vẫn nhờ em đọc  cho nghe. Lần này này em với nó giận nhau, ngại không dám nhờ ai đọc, nên nó giả vờ như thế thế để anh đọc thư cho nó đấy.

 -Nhưng mọi khi vẫn ký sổ để lấy phụ cấp cơ mà?

 -Nó chỉ v được mỗi chữ tên nó thế thôi anh ạ.

Nghe xong chuyện Mão kể, tôi vừa thấy buồn cười vừa thoáng xót xa. Ừ thì cái sự học có người thích, có người không. Nhưng mà chắc chắn  không ai thích mù chữ cả. Những lá thư nhà đối với người lính quý giá lắm. Thế mà có thư đến thì không đọc được, lại còn phải dấu diếm cái bệnh mù chữ nữa, chắc là Lợi “tây” khổ tâm lắm!

 -Sao nó lại bỏ học sớm thế nhể? -Tôi hỏi lại Mão

 -Nó là con trai độc,  được chiều như ông tướng.  Đi học thì toàn bị đúp, nó chán, bỏ học lêu têu cả ngày, chả ai dám làm gì nó cả.

“Ờ…, hay là mình dạy chữ cho Lợi “tây” nhỉ?”. Tôi thần người một thoáng khi cái ý nghĩ ấy vụt đến trong đấu.. Theo tưởng tượng của tôi, nếu chịu khó, chỉ hai tháng là Lợi “tây” có thể đọc viết được. Nhưng nghĩ đến cái nhịp sống và chiến đấu hiện tại, tôi thấy cái ý tưởng ấy không thực tế lắm. “Thôi, cứ để tình hình yên yên rồi sẽ tính”. Nghĩ thế rồi tôi quay sang nói với Mão:

-Bọn mày là bố trẻ con rồi mà động tý là giận với chả dỗi. Này, có gói thuốc lào dở thằng Lợi bỏ quên, mang về đưa nó rồi đọc thư cho nó nghe. Mà đừng đi đâu cũng bô bô kể tật xấu của đồng đội đấy…

-Ái dà…, cái thằng này… - Mão vụt nhổm dậy, tròn xoe mắt: -Mấy hôm nay, cả “bê” chả có sợi thuốc nào, thế mà nó còn giấu được cả gói thuốc. Ghê thật!

Mão vơ gói thuốc đút cẩn thận vào túi quần rồi hùng hục vác can nước đi. Hôm sau, thấy hai thằng lại cập kè với nhau, tôi cũng thấy nhẹ lòng.

Được vài hôm, khi mái cỏ tươi trên các nhà “bê” còn chưa hết mầu xanh lá, chúng tôi lại nhận lệnh di chuyển đến vùng chiến sự ác liệt hơn. Dừng chân hạ trại ở bản Lủng chưa được nửa ngày, chúng tôi đã nhận nhiệm vụ hành quân chiến đấu. “Xê” chúng tôi được lệnh chiếm lĩnh Núi Thông, ngăn chặn bộ binh địch tập kích chiếm mất cao điểm.

Ngay sau bữa cơm chiều, khi trời vừa nhập nhoạng, anh Hòa “xê trưởng” đã ra lệnh hành quân. Tôi cùng bộ phận tuyến sau do anh Chiều “xê phó” chỉ huy, cả đêm hì hục củng cố và bảo vệ lán trại.

Vừa chợp mắt được một lát, đã nghe tiếng anh Chiều quát:

-Tất cả dậy, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Bộ binh nó đánh lên Núi Thông rồi.

Đã nghe có tiếng tiểu liên xen lẫn tiếng mìn nổ vọng từ hướng Núi Thông về. Chúng tôi lập cập vơ súng tiểu liên cầm tay chờ mệnh lệnh, nét mặt ai cũng căng thẳng lo âu. Có lẽ ngoài anh Chiều, chúng tôi ở đây đều là lính mới, chuẩn bị xung trận lần đầu. May có những mệnh lệnh gay gắt từ chỉ huy, tâm lý chúng tôi dần ổn định trở lại.

Chừng khoảng bẩy giờ sáng, sương mù còn giăng giăng trong các khe núi, một loạt tiếng nổ đầu nòng từ phía địch dội đến, anh Chiều hét:

-Tất cả tản ra, nằm thấp xuống!

Không biết bằng cách nào, gần như lập tức, tôi đã nằm ép sát bên một vách đá nhỏ. Tiếng trái phá đã nổ ở phía Núi Thông. Lại một loạt tiếng đề - pa nữa dội đến. Anh Chiều đứng dõi mắt về phía Núi Thông một lát rồi hét vào khoảng không:

-Mẹ kiếp, thằng “dê” hai lăm  (D25) đâu, không khóa mõm nó lại? Để nó dần thế này thì chết hết lính à?

Ngày ấy thông tin liên lạc còn hạn chế lắm, chủ yếu là kéo dây với chạy bộ. Có lẽ bức bách vì không nắm được tình hình, lại không trao đổi với ai được, cứ mỗi lần pháo địch bắn sang, anh Chiều lại hét lên vài câu như thế.

Khoảng chín giờ sáng, cậu liên lạc đại đội tên Yên, hộc tốc chạy về tìm “xê phó”:

-Báo cáo anh, “đại trưởng” ra lệnh đưa toàn bộ anh em thương vong về tuyến sau. Toàn đại đội rút xuống vách đá chân núi tránh pháo.

-Thế là phải bỏ trận địa à?

-Pháo nó bắn dữ lắm anh ạ. Hầm hào đào đêm qua chưa đâu vào đâu, thương vong nhiều lắm. Đại trưởng với bốn người nữa vẫn ở lại trên núi...

Chưa nghe hết câu tường trình của cậu liên lạc, anh Chiều đã chỉ tay vào tôi rồi hạ lệnh:

-Cậu bỏ hết số tăng võng dự trữ ra rồi ở lại canh gác. Các đồng chí còn lại mang số tăng võng đó di chuyển theo tôi.

Loáng cái, mọi người đã đi hết. Tôi xách súng ngó quanh rồi rảo bước đi bao quát địa bàn. Mấy căn nhà hoang mái hở toang hoác được làm nơi trú tạm cho bộ đội. Trên nền đất rêu cỏ, những chiếc chiếu và ba lô cá nhân vẫn còn xô lệch sau lệnh báo động chiến đấu…

Những chiếc võng tải thương bê bết máu và đất đã hối hả chuyển về. Việc chuyển thương chủ yếu do “xê” vận tải đảm nhận. Nét mặt ai cũng bơ phờ, áo đẫm mồ hôi. Có người còn cởi trần để lấy áo quấn vào đòn khênh làm bằng cây rừng xù xì. Tất cả cố gắng di chuyển nhanh về “xê” quân y. Mắt tôi nhòa đi một thoáng, khi tôi chợt hiểu rằng trong những chiếc võng bết máu đi qua, sẽ có những đồng đội không còn được sống nữa.

Hai giờ chiều, pháo của ta mới khai hỏa rót vào trận địa pháo của địch. Dàn pháo của quân địch lập tức câm họng. Từ trên Núi Thông, chỉ còn tiếng súng tiểu liên thưa thớt vọng về, sau rồi im ắng hẳn. Giá như những loạt phản pháo này triển khai sớm hơn, có lẽ pháo địch đã không làm mưa làm gió, số thương vong sẽ bớt đi nhiều lắm...

Năm giờ chiều, anh Hòa “xê trưởng” đột ngột quay về. Tôi vội vàng cầm súng đứng lập nghiêm. Người chỉ huy không nói năng gì, hầm hầm đi thẳng về lán. Tôi đoán là tình hình đơn vị nghiêm trọng lắm. Tiếp sau anh Hòa, cả đại đội lục tục kéo về. Mặt mũi người nào cũng bơ phờ, nhàu nhĩ.

Ngay tối hôm đó, đại đội tôi lại hành quân rút về tuyến sau để củng cố. Núi Thông được giao cho tiểu đoàn khác. Nhờ có hỏa lực tăng cường và pháo binh yểm trợ, lính ta đã gia cố trận địa vững chắc, bộ binh địch cũng không còn dám mò lên nữa.

Về vị trí mới được ít ngày, đại đội tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu. Đại đội trưởng Hòa đã đề nghị cấp trên tuyên dương và khen thưởng Lợi “tây”.

-Nếu không có đồng chí Lợi “bê hai” (B2) sử dụng khẩu mười hai ly bảy để khống chế quân địch thì... –Nói đến đây anh Hòa ngừng lại một lát rồi mới tiếp tục: ...thì điểm cao cũng không còn, mà tôi cũng có khi không còn đứng đây được nữa.

Cả đơn vị ồ lên và đổ dồn mắt về phía Lợi “tây” khi nghe anh Hòa nói. Ai cũng ngạc nhiên,đám lính mới trong đại đội chưa ai biết sử dụng loại súng phòng không đó, và “xê” cũng không được trang bị khẩu nào.

-Tôi đề nghị đồng chí Lợi nêu lại tình huống để đại đội nắm được. -“Xê trưởng” giơ tay về phía Lợi và kết thúc phát biểu.

Lợi “tây” gãi đầu đứng lên. Hắn ta kể diễn biến trận đánh trên Núi Thông một cách lỗ ba lỗ bỗ, chẳng ra trình tự nào. Nhưng cả đơn vị tôi đều “mắt chữ a mồm chữ o” nghe hắn kể. Và rồi cũng mọi người hình dung được phần nào.

Thì ra trung đoàn có tăng cường cho trận địa Núi Thông một khẩu đội mười hai ly bảy. Ngay loạt pháo đầu tiên của địch, cả khẩu đội đã trúng đạn thương vong toàn bộ. Người thì đã đưa xuống được, nhưng súng thì vẫn nằm kềnh tại chỗ. Khi chỉ còn năm người ở lại trên núi, không biết bằng cách nào, Lợi “tây” đã tiếp cận rồi khai hỏa được khẩu súng. Nhờ có những loạt đạn của Lợi “tây”, hỏa lực của địch từ phía đối diện bị vô hiệu hóa, bọn bộ binh địch dưới chân núi cũng bị tiêu diệt và uy hiếp, không dám tràn lên. Thế là bọn chúng chỉ biết gọi pháo điên cuồng trút xuống trận địa.

-Tôi tháo khẩu súng rời ra. Nòng nó vẫn còn nóng, tôi cởi áo quấn vào rồi vác lên vai, tay thì kéo cái chân của nó. Cứ ngớt loạt pháo tôi lại chạy, nghe tiếng nổ đầu nòng tôi lại nằm xuống. Cuối cùng cũng mang được khẩu súng về chỗ nấp tránh pháo, may không dính mảnh nào.

Kể đến đấy, Lợi “tây” nhe răng cười rồi ngồi thụp xuống. Cả đại đội cùng cười theo rồi vỗ tay rào rào.

Sáng hôm sau, các “bê” vừa triển khai nhiệm vụ xong, Lợi “tây” đã lò dò đến chỗ tôi.

-Anh có thuốc lào không? Em thèm quá!

-Lấy đâu ra? -Tôi gắt gỏng: -Thằng Yên vừa véo trộm của đại trưởng cho tao mỗi tý đây.

Vừa nói, tôi vừa sờ lên vành tai, cẩn thận nhấc ra mấy sợi thuốc lào đã vo tròn bằng hạt ngô.

-Để em đi thay nước điếu mới.

Nhìn thấy viên thuốc lào, mắt Lợi “tây” sáng lên. Hắn ta lăng xăng chạy đi rửa ống điếu, rồi tìm que làm đóm…

Chia nhau cùng hút điếu thuốc lào quý giá xong, tôi lần hỏi lại chuyện trên Núi Thông.

-Này, hôm qua trên đại đội, mày kể tao nghe lõm ba lõm bõm…

-Thì…, em có nói trước đông người bao giờ đâu. Với lại, chuyện cũng bình thường. Là thằng lính, gặp địch thì phải oánh, thế thôi!

-Biết thế…, nhưng mà anh không hiểu. Sao mà chú mày lại ở lại với mấy thằng “bê một”? Sao mà… Thôi, chú mày cứ kể lại từ chỗ ấy đi!

Thế là Lợi “tây” rủ rỉ kể lại. Qua lời kể của hắn, trận đánh như đang diễn ra trước mắt tôi vậy.

 Do quân ta chưa kịp chuẩn bị hầm hào, nên ngay sau loạt pháo đầu tiên của địch, đại đội đã thương vong đến một phần ba quân số. “Xê trưởng ra lệnh toàn đại đội ngay lập tức chuyển anh em bị thương vong rút xuống chân núi tránh pháo, bê trưởng bê một (B1) chọn thêm ba người nữa cùng “xê trưởng” ở lại giữ chốt. Lợi “tây” nghe thấy thế liền giơ tay: “Đại trưởng cho em ở lại”. Không ngờ anh Hòa gật đầu ngay, rồi gằn giọng ra lệnh cả nhóm vận động lên đỉnh núi.

-Mày không sợ à? – tôi hỏi cắt ngang

-Lúc pháo nó bắt đầu dập xuống thì run lắm. Nhưng sau khi đi vác mấy thằng trúng pháo về, khắp người be bét máu, em như điên lên. Chỉ muốn lao ngay lên xem có thằng địch nào thì lia cả băng AK vào mặt nó…- Lợi “tây” nghiến răng trả lời tôi rồi lại kể tiếp.

Trên đỉnh Núi Thông, pháo địch đã phá sạch cây cối. Mấy đoạn chiến hào mới đào đêm qua cũng bị trúng pháo, đoạn còn, đoạn mất. Phía chân núi đã nghe thấy tiếng hò hét loạn xạ của bộ binh địch. Anh Hòa vừa nhô lên quan sát thì từ mỏm núi đối diện, một cụm hỏa lực của địch bất ngờ xả đạn về phía ta. Kịp thụp xuống lòng hào, anh Hòa quát lớn:

-Tản rộng ra, thấp người xuống. Nhô lên là trung liên nó quất cho vỡ mặt.

Khẩu súng máy của địch vẫn xả hàng loạt dài, đạn bay chíu chít trên đầu, cắm bùng bục vào đất. Tình hình lúc đó rất gay go. Bọn bộ binh địch có hỏa lực yểm trợ đang lóp ngóp tràn lên. Sau một thoáng suy tính, đại trưởng ra lệnh:

-Lợi, để lựu đạn lại rồi vòng sang thu hồi khẩu mười hai ly bảy kéo xuống chân núi. Số còn lại, tôi gọi tên ai, người đó nhô lên mà bắn rồi thụt xuống ngay. Hết đạn thì ném lựu đạn.

“Rõ!”. Cả bốn người đồng loạt hô khẽ. Lợi tuột đai lưng để mấy quả lựu đạn lại cho đồng đội rồi cầm súng trườn đi. Lợi dụng lúc đồng đội nhô lên bắn, hỏa lực của địch tập trung xả đạn về hướng đó, Lợi khom mình vọt qua khoảng trống. Có lẽ bọn bộ binh đã phát hiện ra Lợi “tây”. Hàng loạt tiểu liên nhằm về hướng di chuyển của anh.

Bằng một bước nhảy dài, Lợi “tây” đã kịp cuộn tròn trong hố đạn pháo ngay cạnh khẩu mười hai ly bảy, trước khi những viên đạn tiểu liên lao tới. Vục dậy, Lợi hì hục dựng lại khẩu súng. Đảo mắt qua, thấy đạn đã nạp vào ổ, hộp đạn vẫn còn nguyên, Lợi “tây” bặm môi kéo khóa nòng. Khẩu súng này vẫn hoạt động tốt, chỉ bị hất đổ do đất đá quật vào thôi.

Vừa cầm tay nắm súng, Lợi “tây” vừa suy tính rất nhanh. Đợi khi tiếng AK của đồng đội vang lên, hắn ta nhổm dậy, quay nòng súng về phía ổ hỏa lực của địch. Chỉ vài giây, mục tiêu đã nằm vào thước ngắm. Dõi mắt thẳng vào mục tiêu, Lợi nghiến răng nắm chặt tay súng và kéo cò. Một loạt đạn bay đi. Nhanh chóng chỉnh lại đường ngắm, Lợi “tây” kéo cò thêm một loạt nữa trước khi ngồi thụp xuống chờ sự đáp trả của hỏa lực địch.

Có đến nửa phút rồi mà hỏa lực địch vẫn im bặt. “Có khi trúng rồi!”. Lợi “tây” nghĩ thầm và nhổm lên nghe ngóng.

Nhận ra hỏa lực địch đã bị vô hiệu hóa, cả bốn tay súng của ta đồng loạt nhô lên lia hàng loạt đạn AK xuống đội hình địch. Chớp thời cơ, Lợi “tây” đứng tựa hẳn vào vách đất, chúc đầu nòng súng xuống chân núi, ngắm vào khu vực địch đang ẩn nấp, xả từng tràng dài.

Không còn được hỏa lực yểm trợ, lại bị sức công phá và tiếng nổ uy lực của đạn mười hai ly bảy làm khiếp vía, lũ bộ binh địch hoàn toàn thất thế, chúng vội vã thổi kèn thu quân.

“Mẹ chúng mày, mò lên nữa đi, để tao cho chúng mày toác mặt ra”. Vừa lẩm bẩm, Lợi “tây” vừa nghiến răng lia loạt đạn cuối xuống hướng lũ giặc đang tháo lui. Từ phía chiến hào, anh Hòa nhô người lên quát lớn:

-Lợi, rút ngay, pháo đấy!

Lợi thoáng giật mình. Chắc chắn bây giờ nó sẽ dập pháo. Hì hục tháo khẩu súng ra khỏi chân đế, lại cởi áo quấn vào cái nòng súng còn đang nóng giẫy, Lợi vác súng lên vai, một tay kéo cái càng súng, vọt ra khỏi hố đất. Nhưng không kịp nữa rồi! Vừa chạy được vài bước, tiếng đề- pa của pháo địch đã gầm lên, buộc Lợi “tây” phải nằm rạp xuống…

-Sao chú mày lại “chơi” được mười hai ly bảy ngon thế?

Nhớ những diễn biến sau đó đã nắm rõ, tôi lập tức đưa ra cái thắc mắc lớn nhất đang chập chờn trong đầu.

-Hì hì…, hồi ở nhà, em tham gia đội tự vệ nông trường, có được tập súng mười hai ly bảy mấy buổi. Hôm ở Núi Thông mới bắn đạn thật lần đầu. Đã lắm anh ạ!

-Chú mày khá lắm – tôi gật gù

-Cũng là em gặp may nữa. Phơi người ra như thế, lôi được súng về mà không bị dính viên đạn hay mảnh pháo nào. Bố em bảo em có quý nhân phù trợ đấy.

Lợi “tây” nói thế rồi nhăn răng cười hềnh hệch. Tôi ngẩng đầu lên nhìn Lợi. Hình ảnh Lợi “tây” trong trận đánh hiện lên trước mắt tôi như một người hùng huyền thoại, thoắt ẩn thoắt hiện, tả xung hữu đột giữa trận mạc mịt mùng súng đạn, giáng những đòn sấm sét vào mặt lũ ác quỷ, trả thù cho đồng đội và giành giữ vẹn nguyên giang sơn bờ cõi.

“ Không phải em gặp may đâu. Em là anh hùng thực sự đấy Lợi “tây” ạ. Chính lòng quả cảm sáng suốt và sự hy sinh quên mình của em, đã khuất phục súng đạn kẻ thù và mang về chiến công cho quê hương đất nước”. Tôi đã nghĩ và rất muốn nói những lời ấy với Lợi. Nhưng rồi cuối cùng tôi chỉ dám vỗ vai nó thật mạnh và  nhắc đi nhắc lại:

-Chú mày giỏi thật! Chú mày giỏi thật!

Sau đấy, Lợi “tây” được Trung đoàn cử đi dự lễ báo công toàn quân, được thưởng một chiếc đài bán dẫn và năm ngày phép. Hôm trở lại đơn vị, nó đãi cả “xê” một bọc thuốc lào to.

Khi chiến sự dịu đi, tôi xuất ngũ ra quân. Tôi chia tay Lợi “tây” bằng một chầu thuốc lào và những câu chuyện ồn ã. Cái dự định dạy nó đọc viết, tôi vẫn giữ kín đến tận bây giờ…

Điện thoại chợt báo có tin nhắn. Tôi lập cập đeo kính rồi bấm mở màn hình. Thì ra tin nhắn của “Lợi Tây C6”: Anh nhắn địa chỉ cho em, hôm về nếu kịp em sẽ đến thăm anh

Ô hô…. Thế là Lợi “tây” biết đọc biết viết rồi! Kể cũng phải! Đã ba mươi mấy năm còn gì. Với ngần ấy thời gian, người ta có thể làm được nhiều thứ đến mức vĩ đại ấy chứ, việc “xóa mù” có đáng kể gì? Nhưng mà…, kể cả vì một lý do gì đó khiến em vẫn chưa biết đọc biết viết, em vẫn chỉ biết vẽ tên mình thôi, thì em vẫn là một anh hùng, Lợi “tây” ạ!

Tôi nghĩ thế và thong thả bấm phím, nhắn tin trả lời cho đồng đội./.

 

Hoàng Khai, tháng Chín năm 2022