Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Nhà văn ơi, báo ơi!




ĐỌC VÀ NGHĨ VỀ NHÀ VĂN

Bài viết
Một tùy bút, lại là của tác giả có tiếng, tôi bổ vào đọc ngay. Đây cũng là chuyện khác thường, bởi tôi không chăm chỉ, nhẫn nại trong chuyện đọc cho lắm. Nhưng đây là chuyện văn chương, lại là của chỗ gạo cội của địa phương, tôi đã quyết định đọc, ngấu nghiến và chỉn chu.

Đọc cái tít “Trường đại học mùa thu cách mạng” , tôi cứ ngỡ tác giả nói về một cái đại học giáo dục chính trị cơ, đọc thêm mới biết đó là trường đại học đầu tiên và duy nhất của tỉnh, lấy tên di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh. Trường này xưa là trường sư phạm của tỉnh mình, gắn liền với sự nghiệp giáo dục bao nhiêu năm, nay nâng cấp và lấy tên là Đại học Tân Trào. Cũng là xứng đáng!. Tác giả “tùy bút” đổi thành “Đại học mùa thu cách mạng”. Chả rõ nghĩa thêm, chả vang dội thêm..., chỉ thấy mù mờ làm sao ấy!

Người ta đặt vinh danh cho ai đó thì cái danh ấy cũng phải gắn liền với sự tích công trạng của họ. Tác giả bài báo này gán cho trường Đại học Tân Trào một cái ngộ danh, tưởng là hay ho, nhưng thực tế đã làm mất đi những công danh mà nó đã tự tạo mấy chục năm qua. Thật ra cái tên “Đại học Tân Trào” được đặt ra vừa thể hiện sự tin tưởng, quý hóa của toàn thể nhân dân trong tỉnh từ những công trạng đóng góp của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, vửa để nhắc nhở định hướng cho hoạt động của nhà trường này, làm sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương. Với cái tít của bài báo, người ta dễ lầm tưởng cái đại học này có lịch sử gắn liền với sự kiện giành chính quyền năm 1945, và là cơ sở giáo dục đào tạo của những vị lão thành cách mạng!

Lại nữa; một bài văn có đến khoảng tám mươi phần trăm dung lượng là dữ liệu kiểu thống kê thì có gọi là tùy bút được không?

Tôi đọc như ngỡ đây là một báo cáo tình hình của một tay công chức nửa mùa! Nếu gọi là báo cáo hành chính chính thống thì có nhiều quá những đoạn chủ quan, ví như “Nhìn chung học sinh, sinh viên, học viên có ý thức và tự giác trong học tập tiếp thu tri thức và tự giác trong rèn luyện...”, hay: “Nhìn thẳng vào sự thật, trường nhận rõ chỗ yếu...”. Lại còn mơ màng: “Với vị thế là một trường đại học trong Khu vực Tây Bắc...”... Ơ hơ! Tuyên Quang lại thuộc về Tây Bắc từ lúc nào ấy nhỉ? Có lẽ đây chính là những chỗ “tùy” cái “bút” của tác giả, và cũng từ đây người đọc nhận ra cái tâm và cái tầm của người viết.... Sáo nên nhạt!

Nếu gọi đây là một tác phẩm văn học thì ... ngại quá! Có đến trên ba phần tư bài viết là dữ liệu thống kê hoặc tư liệu từ các báo cáo hành chính “táng” vào. Nếu chỉ cần những thông tin ấy, người đọc đâu cần đến nhà văn nhỉ! Thậm chí tác giả còn chả để ý đến các dữ liệu ấy nói lên cái gì. Cái dòng dưới đây được “táng” vào ngoài tác dụng tăng thêm dung lượng bài viết, chỉ tổ làm thông tin rối loạn xì ngầu: “Năm 2010, trường có 1 tiến sĩ, 27 thạc sĩ, đến nay có 5 tiến sĩ, 145 thạc sĩ, số cán bộ giảng viên học sau đại học là 59, đang làm nghiên cứu sinh là 37.”. Ý  chừng người viết muốn xem rẻ số tiến sỹ và thạc sỹ năm 2010 như thế là quá mỏng manh, nhưng lại quên mất ngày ấy, nơi ấy chỉ là một trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh thôi!


Quý lắm những tấm lòng, quý lắm những nỗ lực cá nhân... Nhưng không thể làm từ thiện với văn chương được! Tờ báo văn nghệ phát hành bằng những đồng tiền chắt chiu của xã hội, nó phải mang đến cho xã hội những món ăn văn nghệ làm cải thiện đời sống tinh thần cho những công dân đã gồng mình vuốt hầu bao nộp thuế. Tờ báo do những con người cụ thể làm ra. Các con người ấy hãy có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Những nhà văn nghệ gạo cội càng cần sửa mình kỹ lắm!