Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Truyện của em

MIỀN
TRUYỆN NGẮN
(tác phẩm đã đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của ĐTNVN"
Cái khoá học sơ cấp lâm nghiệp của Miền có chưa tới hai trăm người thì nam giới chiếm tới một trăm rưởi. Thành phần thôi thì đủ cả công nhân, bộ đội xuất ngũ, thanh niên thị xã, thị trấn...., nhưng đông nhất vẫn là thanh niên nông thôn học hết cấp hai, muốn được làm công nhân viên Nhà nước cho nó ra dáng. Trong cái số đông nhất ấy có Miền.
Vào nhập học rồi Miền mới nhận ra mình là một cô gái đẹp. Trước hết là nhờ vào những lời khen của đám bạn gái mới quen, sau nữa là những câu tán tỉnh vu vơ, tỏ tình bóng gió của lũ con trai. Miền không cắt nghĩa được vẻ đẹp của mình là như thế nào. Miền chỉ nhận ra  mình là đứa con gái được nhiều chàng trai cùng khoá chú ý hơn cả. Cũng đôi khi Miền tự ngắm mình để tìm ra một cái gì đó đặc sắc làm bảo vật riêng, nhưng rồi mãi cũng chỉ thấy hao hao giống người này người nọ. Ngẫm lại những câu tán tỉnh của đám con trai, Miền tự nhủ: “Thật là trơ trẽn và ngu ngốc!”
Thật ra Miền không phải là một cô gái đẹp rực rỡ, chưa đến mức nghiêng nước nghiêng thành, nhưng mọi đường nét trên khuôn mặt và vóc dáng của cô đủ mặn mà để làm nao lòng bất cứ một kẻ trai nào. Ngày càng có nhiều ánh mắt, nụ cười, câu nói của đám con trai dành cho Miền, khiến cho cô có cảm giác luôn bị người ta xoi mói. Cảm giác ấy làm Miền thấy bực bội và khó chịu. Cô luôn có thái độ cảnh giác với bất cứ câu nói nào đến từ phía những người khác giới...
-Miền ơi! Nhà Miền ở xóm Đáy phải không ?
Vừa hết giờ học, đang đi cùng mấy đứa bạn gái về phòng ký túc thì Miền nghe thấy có người gọi hỏi ngay bên cạnh. Lại giọng một thằng con trai! Miền quay nhìn sang thì thấy một anh chàng thấp đậm đang cắp sách đi sánh vai với cô. Cái ý thức cảnh giác ngay lập tức được khơi dậy. Mắt nhìn thẳng lên phía trước, Miền đáp lại:
-Vâng! Anh hỏi có việc gì không ạ?
Giọng Miền cao lên như muốn thách thức và sẵn sàng làm nhụt chí cho kẻ có ý định xun xoe hay giở những trò tán tỉnh vô bổ
-Nhà tôi ở xóm Giếng Ngoã bên xã Kim Vinh, cùng đường về bên xóm Đáy. Cuối tuần này được nghỉ hai ngày, Miền có về thăm nhà thì đi cùng xe với tôi.
Lại còn xư­ng “tôi” nữa kia đấy! Làm ra vẻ cao ngạo và vô tình lắm! Thực ra anh muốn khoe khoang là có cái xe đạp chứ gì? Ngày ấy một thanh niên mới lớn  được sở hữu một cái xe đạp đã là thuộc loại oách. Nhưng đừng tưởng như thế là nhất nhá!
-Không! Em không về đâu anh ạ! -Miền trả lời dứt khoát.
 Thực ra trong thâm tâm Miền nhớ nhà lắm. Lần đầu tiên đi xa nhà, đến nay đã là ba tháng cô chưa gặp lại bố mẹ với lũ em. Trường chỉ cách nhà có năm m­ơi cây số, nhưng nếu đi xe ca phải xếp hàng mua vé mất ngày mất buổi, được nghỉ có hai ngày thì không quay về trường kịp. Còn đi xe đạp cùng một  chàng trai si tình mới quen thì Miền không bao giờ nghĩ tới.
-Thế Miền có nhắn gì về nhà không?- anh chàng kia vẫn kiên nhẫn
-Không! Em cũng mới gửi thư về.-Miền lại dứt khoát và nghĩ rằng anh chàng kia sẽ chẳng còn gì để nói thêm nữa. Không ngờ anh ta vẫn còn vớt vát thêm:
-Chủ nhật nào tôi cũng tranh thủ đạp về. Cần nhắn gì ở nhà Miền cứ bảo tôi, đừng ngại!
Không thể vô tình trước một câu nói chân thành đến thế, Miền quay lại nở một nụ cười miễn cưỡng cùng với lời cảm ơn rồi rẽ về phòng ở....
Người con trai ấy chính là Chẩn, chồng Miền bây giờ. Cái khoá học sơ cấp diễn ra rồi kết thúc một cách chóng vánh nhưng cũng đủ để Miền và Chẩn quen rồi thân nhau. Cũng không nhớ Miền thân với Chẩn từ lúc nào. Cái ý thức cảnh giác của Miền mất đi từ lúc nào không rõ. Nếu nói rằng Chẩn có vẻ ngoài hấp dẫn thì hoàn toàn không phải. Vóc người thấp lùn, thô cục, vẻ mặt thì lầm lừ, cái vẻ mặt khiến người ta khi tiếp xúc không dám giơ tay ra bắt nếu Chẩn không thò tay ra trước. Bù lại Chẩn là người có cung cách ứng xử khá là khôn khéo. Khác hẳn đám con trai cùng khoá ngày ấy, Chẩn dễ dàng chiếm được sự tin tưởng của Miền bằng lối giao tiếp có vẻ hết sức vô tư pha thêm chút cao ngạo đủ mức làm lòng tự ái của một cô gái như Miền phải tổn thương. Không bao giờ Chẩn buông lời tán tỉnh cợt nhả hay ve vãn xu nịnh. Không hiểu vờ vĩnh hay là thật, Chẩn luôn có vẻ hờ hững trong chuyện yêu đương, ng­ợc lại trong cuộc sống thì anh ta thật là chu đáo và năng nổ. Cho đến khi ra trường được điều về cùng một lâm trường nhưng Miền thì ở lâm trường bộ còn Chẩn thì phải xuống đội, qua lại thăm nhau luôn nhưng Chẩn cũng chẳng bao giờ nói một câu tỏ tình. Anh bình thản và chu đáo giúp Miền tạo dựng cuộc sống tập thể, Miền cũng bình thản nhận sự giúp đỡ của anh ta như một lẽ tự nhiên. Trong cuộc sống tem phiếu ngày ấy, nhờ có sự chu đáo của Chẩn, Miền có được những thứ mà  nhiều người mơ ước. Dần dần Chẩn trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của Miền, và khi ấy Chẩn bình thản đ­ưa ra lời đề nghị:
-Chúng mình cưới nhau rồi về ở với nhau đi Miền !
-Vâng! Thế cũng được anh ạ!- Miền cũng thản nhiên chấp nhận lời đề nghị của Chẩn, con tim hờ hững của Miền không hề có một nhịp đập nào lạc điệu.
Tuổi trẻ Miền chấm dứt và cuộc sống vợ chồng Miền diễn ra cho đến bây giờ cũng chưa có gì phải phàn nàn. Sau khi sinh đứa con thứ hai, Chẩn bảo Miền xin nghỉ hẳn ở nhà. Bằng sự khôn khéo và năng nổ, Chẩn mang về cho Miền một cuộc sống khá là sung túc và an nhàn. Nhan sắc của Miền sau mỗi kỳ sinh con lại như càng mặn mà thêm. Họ hàng và bè bạn ai cũng khen Miền có phúc. Chỉ có một thứ  Miền luôn cảm thấy thiếu và thực ra cô cũng chẳng biết nó là như thế nào cả, ấy là tình yêu!
Thời con gái cũng đã đôi lần con tim Miền xao xuyến về một người trai nào đó, nhưng rồi Chẩn đã khéo léo tạo ra một vòng cương toả, loại tất cả những bóng hình ấy ra khỏi cuộc đời Miền một cách yên ả khiến Miền nghĩ rằng chả có người đàn ông nào quan trọng hơn Chẩn cả.  Nhưng ngay chính cả Chẩn cũng chưa hề một lần đem đến cho cô cái cảm xúc yêu đương, tất cả chỉ là sự hài lòng an phận. Hình như ở nơi nào và vào bất cứ lúc nào cũng vậy, không bao giờ Chẩn có một sự say mê nào đáng kể. Có thể trong tâm thức anh ta có những niềm đam mê nào đó nhưng không ai có thể nhận ra được. Với Miền, Chẩn cũng chưa bao giờ có một ánh mắt hay một lời nói khiến cô phải xúc động. Tất cả chỉ hồng hồng, nhờn nhợt, vừa chu đáo năng nổ lại vừa hững hờ cao ngạo, khiến những người tiếp xúc với anh luôn sẵn sàng tặc l­ỡi hài lòng ..., không khác và cũng không hơn! Ai cũng nói làm hài lòng mọi người không phải là chuyện dễ, nhưng với Chẩn  cái sự ấy sao mà nó giản đơn và rẻ mạt đến thế!
Có lẽ các vị thần cai quản số mệnh của Chẩn cũng hài lòng về anh lắm! Cái phần Chẩn được hưởng của số mệnh xem ra có vẻ hậu hĩnh hơn người. Không đấu đá bon chen, cũng không bợ đỡ xu nịnh, nhưng đường công danh của Chẩn cứ vùn vụt mà lên. Của nả cũng theo cái bước đường hoan lộ ấy mà kéo về. Chỉ có điều, sức ép của d­ luận khiến Chẩn không dám vung vãi tiêu pha. Dù sao cho đến bây giờ, trong mắt bàn dân, Chẩn vẫn là người ít làm hại họ nhất.
Một tối, Chẩn kéo Miền vào buồng, móc chìa khoá mở ngăn đáy cái tủ tường, chỉ cho Miền cả một đống đô-la và vàng đủ dạng:
-Chỗ này trị giá hơn hai tỷ tiền mình đấy- Chẩn thì thào- Thừa sức xây biệt thự, sắm xe hơi cho mẹ con em. Nhưng bây giờ mà hé ra sắm sửa là thiên hạ nó dồn mắt vào mình ngay, vớ vẩn là mất hết mà có khi còn mắc tội chưa biết chừng.
-Anh cứ lo chuyện giời ơi- Miền cười nhạt- Khối người quyền cao chức trọng bằng mấy anh mà họ có rụt rè như anh đâu. Vợ con họ sung s­ớng, còn họ thì vẫn xuôi chèo mát mái đấy thôi!
-Họ khác, anh khác! Họ có điều kiện rửa tiền để mà tiêu, còn anh thì chưa nghĩ ra cách gì cả.
-Rửa tiền là như thế nào hả anh? - Miền thảng thốt hỏi lại chồng. Thực ra cũng đã có lần Miền nghe thấy chuyện này, nhưng cô cứ nghĩ đó là chuyện của Tây hay Mỹ chứ chẳng bao giờ nghĩ rằng nó lại có ở Việt Nam, mà lại là ở ngay trong nhà mình.
-Đại để là phải tìm cho tiền một cái nguồn gốc chính đáng. Khi ấy thì tiêu pha thế nào là do mình...
-Thế tiền nhà mình thì không chính đáng sao?
-Vợ chồng mình làm công ăn lương bao nhiêu năm nay, có nhịn ăn nhịn mặc cũng chẳng có được nửa số tiền này.
Câu chuyện nói xong rồi Chẩn để đó, chẳng nhắc lại nữa. Nhưng Miền thì nghĩ lung lắm! Cứ theo cái ý giải thích của Chẩn, cô tưởng tượng ra bao nhiêu là cách để có thể tiêu được khoản tiền đồ sộ đang nằm chết trong tủ. Cô thấy Chẩn đúng khi không vung vãi tiêu pha trong lúc mọi ưu ái của số phận vẫn còn chào đón phía trước, nhưng cô cũng cảm thấy mình bị thiệt thòi khi không được hưởng những cái ưu ái đó chỉ vì một lý do không thật rõ ràng. Không nhiều thì ít, cũng phải được tiêu chứ? Một tỷ thì khó chứ một chục triệu, một trăm triệu thì khối người có...Nhưng không! Ngần ấy thì chỉ quanh quẩn nhà cửa với xe cộ rồi cũng hết!..Hôm sau Miền nói với chồng:
-Nhà mình nên mở một cái Doanh nghiệp anh ạ! Có làm có ăn, tiêu pha chẳng ai nói được !
-Không được đâu- Chẩn lắc quầy quậy-Anh đang làm việc Nhà nước mà vợ lại mở Doanh nghiệp thì ai người ta ngửi được ?
-Em tính cả rồi. Mình nhờ một người trong nhà đứng tên rồi chuyển sang tên mình sau.
Chẩn chăm chú nghe vợ trù tính rồi gật gù:
-Anh thấy được đấy , nhưng chỉ lo em vất vả quá!
Câu nói chỉ như là một thói quen của Chẩn nhưng dễ làm cho người ta, nhất là phụ nữ phải cảm động. Miền sốt sắng dò hỏi và chạy vạy, chỉ sau mươi hôm, một công ty trách nhiệm hữu hạn đã ra đời. Giám đốc công ty là ông cậu họ của Miền. Miền nhận chân phó giám đốc kiêm thủ quỹ với số vốn góp chưa đến trăm triệu. Cái công ty của Miền kinh doanh thì ít, chủ yếu là mua bán hoá đơn nhằm tạo ra số thu khống, lại có đủ tiền nộp thuế và trả lương cho bộ phận quản lý. Chỉ sau ba tháng, số tiền trong tủ đã có "cha đẻ". Cũng khi ấy, giám đốc công ty cáo bệnh về quê, nh­ượng lại mấy trăm triệu vốn cho Miền và nhận đôi bò về nhà chăn thả.
 Miền trở thành giám đốc công ty. Công việc của Miền bây giờ là nhận hợp đồng cung cấp cho các khách hàng là cơ quan Nhà nước do Chẩn giới thiệu. Một lần Miền gọi đám khuân vác thuê đến chở mấy bức tranh sơn mài bán cho văn phòng uỷ ban. Cô trực tiếp chỉ đạo việc gói bọc và dặn dò hai người kéo xe. Một người trong số đó bỗng nhìn chăm chăm vào Miền rồi hỏi:
-Miền phải không?
Đã lâu lắm, ngoài Chẩn không có ai gọi tên Miền một cách thân mật như thế. Miền sững sờ nhìn lại khuôn mặt người đàn ông kia và lục soát lại trong trí nhớ xem đã gặp ở đâu. Một vài đường nét quen quen không đủ gợi lại trong Miền một con người cụ thể
-Anh là...?
-Tôi là Thức, trước cùng học sơ cấp lâm nghiệp...
-A! Em nhớ ra rồi! Ngày trước anh hay đánh bóng chuyền phải không?
-Đúng rồi! Bây giờ tôi vẫn thế, còn Miền lại đẹp hơn ngày trước nhiều!
Chỉ một chút nữa là Miền sẽ đư­a ra cái bĩu môi cùng với tiếng cười xì khinh mạn. Cái câu nịnh bợ rẻ tiền kia Miền đã nghe nhiều quá, đến mức nhàm chán và căm ghét, vậy mà chưa kịp vui vì gặp lại bạn học x­ưa đã phải nghe. Miền vội phủi tay:
-Thôi, các anh đ­ưa đi cẩn thận giúp rồi quay lại thanh toán tiền công.
Độ hai tiếng đồng hồ sau, Thức cùng một người đàn ông nữa quay lại chỗ Miền. Vừa đư­a tờ giấy biên nhận hàng, Thức đã oang oang:
-Mình không ngờ là Miền bỏ rừng chuyển sang nghề này.
-Cũng như anh, chẳng qua cũng vì kiếm sống thôi.- Miền cười nhạt sau khi đọc xong tờ giấy Thức đư­a.
-Mình không bỏ rừng đâu! - Thức hạ giọng - Làm thêm việc này là để lấy ngắn nuôi dài thôi. Cuối năm mình lại quay về ở hẳn với rừng đấy.
Miền cảm thấy hơi ngạc nhiên. Bỏ nghề lâm nghiệp chẳng phải chỉ có vợ chồng Miền. Dẫu rằng chỉ khuân vác thuê giữa chốn đô thị này cũng còn hơn chán cái nghề công nhân làm rừng, cơn cớ gì mà anh ta phải quay lại chỗ rừng rú cơ chứ? Một chút tò mò khiến Miền quên đi cảm giác khó chịu khi mới gặp. Cô gọi người thanh toán tiền cho Thức, anh ta chỉ người đàn ông đi cùng và bảo:
-Đây là quản lý của anh em chúng tôi, chuyên lo việc thanh toán và giữ quỹ...
Thức ngồi lại uống nước với Miền và hào hứng hỏi thăm nhau về công việc và cuộc sống.
Sau khoá học sơ cấp sáu tháng, Thức về làm công nhân một lâm trường rồi đi bộ đội, xuất ngũ lại trở về lâm trường. Thức yêu một cô gái cùng đội. Tình yêu của họ thấm đẫm hơi thở núi rừng, không ồn ào nhưng sắt son và bạo liệt. Cái tổ ấm đơn sơ của họ càng chan chứa hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng của họ ra đời, bụ bẫm và kháu khỉnh. Nhưng rồi vợ Thức đã đột ngột qua đời để lại cho hai bố con một khoảng hụt hẫng tưởng chừng chẳng thể v­ượt qua mà sống...
- Năm ấy là tám tám (88).-Thức trầm giọng kể tiếp khi thấy Miền chăm chú lắng nghe: - Thằng con mình mới lên ba, vợ mình đi phát rừng gặp mư­a, ngộ cảm nặng, không qua được ! Nhà mình còn hai bố mẹ già yếu, đồng lương khó khăn quá, không sống được , mình xin nghỉ về rồi xoay đủ nghề để nuôi bố mẹ, nuôi con. Quanh quẩn thế mà đã m­ười mấy năm rồi.
Lăn lộn rồi gom góp mấy năm trời, Thức mua được một căn nhà nhỏ ven thị xã, rủ mấy anh em bộ đội xuất ngũ lập tổ bốc xếp. Thu nhập khá dần, có chút của ăn của để. Nhớ rừng, Thức nhận mấy héc ta rừng vừa khoanh nuôi, vừa trồng cây nguyên liệu giấy.
-Toàn nhờ anh em, bạn bè gần đó trông nom hộ, còn mình dăm bữa nửa tháng mới đảo qua được một lần- Thức cười vỡ ra: -Lần nào cũng ôm về một tải rau rừng, mấy ông trong tổ bốc xếp của mình khoái lắm.
Miền lạ gì những món rau ấy. Bây giờ quán đặc sản nào cũng nhao lên lùng tìm, bán đắt chẳng kém gì những đồ sơn hào hải vị.
-Lần sau anh về lấy cho em một ít nhá- Miền rụt rè
-Được thôi, rừng nhà mình sẵn lắm, chỉ sợ Miền không quen dùng.
-Kìa anh! Em cũng ở rừng về chứ lạ lẫm gì đâu...
-Thằng con mình đã trúng tuyển đại học rồi, rừng cũng đã đến kỳ khai thác tu bổ..., cuối năm mình giao lại cái nhà ở thị xã cho anh em trông nom lấy chỗ đi lại, còn mình về ở với rừng cho khoái!
-Anh không định đi bước nữa à?
-Cũng...-Thức cười ngập ngừng và đ­a tay gãi đầu - Nhưng chẳng có ai ­ưa cái tính "người rừng" của mình cả...
Câu chuyện của hai người chuyển sang hào hứng ồn ã tự lúc nào chẳng rõ. Trước mặt Miền là một người đàn ông đầy dáng vẻ phong trần nhưng vẫn phảng phất những ấn tượng của Miền về một người con trai thời đi học. Cái anh chàng Thức này ngày ấy là cầu thủ bóng chuyền giỏi nhất trường, khoẻ khoắn, đẹp trai lại hiền lành, bóng dáng anh ta đọng lại trong tim nhiều cô gái. Miền nhớ lại lần đi xem và cổ vũ cho đội bóng của trường thi đấu với huyện đội, cô chuẩn bị sẵn một bó hoa dại khá đẹp, định bụng sẽ tặng Thức sau trận đấu. Nhưng đến lúc ấy, cái ý thức cảnh giác và lòng tự ái đã khiến Miền dúi bó hoa cho một đứa bạn gái. Thực lòng Miền cũng muốn có dịp được tiếp xúc với anh ta bởi sự quyến rũ của dáng vóc và cái tài đánh bóng đã làm khá nhiều người xuýt xoa. Thế nhưng những kẻ trai khác thì kéo đến cả đàn, cả đống, còn riêng anh ta thì cho đến tận hôm nay Miền mới có dịp ngồi nói chuyện.
-Chẩn bây giờ thế nào rồi.?- Thức ngẩng lên hỏi
-Anh ấy vẫn vậy, có điều lên cân nhanh quá, người cứ như tròn ra.
-Chẩn nó thật là tốt số!- Thức gật gù như tự nói với mình, sau một thoáng ngập ngừng, anh ta lắp bắp nói liền một mạch:
-Mình biết mình kém cỏi và ké...kém may mắn nên sau lần viết thư cho Miền mình chẳng bao giờ dám nghĩ đến ch..chuyện ấy nữa.
-Thư­ nào cơ?- Miền tròn mắt
-Miền không nhớ cũng phải! Hai chục năm rồi còn gì?- Thức vừa nói vừa sửa lại tư thế ngồi chúi ra phía trước, hai tay đan vào nhau tỳ nơi đầu gối- Ngày ấy mình ngốc, cứ tưởng Chẩn với Miền chưa có gì, mới viết thư cho Miền nhờ Chẩn chuyển hộ. Thằng Chẩn cũng tệ, bạn bè mà nó chẳng nói gì với mình "chuyện ấy" cả, để mình làm cái trò dở hơi .
Từ ngạc nhiên rồi dần dần Miền cũng hiểu ra. Thức cũng như nhiều thằng con trai khác, trước vẻ đẹp của Miền lòng cũng xao xuyến vấn v­ương. Chỉ có điều tính rụt rè đã không cho anh ta cái cơ hội để buông câu bóng gió với Miền. Thấy Miền và Chẩn thân nhau theo kiểu vô t­ư, Thức viết thư tỏ tình nhờ Chẩn chuyển cho Miền.
-Yên tâm! Nó coi tao như anh trai nó, có gì tao nói thêm vào cho.- Chẩn gật gù với Thức:- Đẹp trai lại có tài như mày, chắc là xong thôi!
Thức phấp phỏng hồi hộp chờ đợi. Hôm sau Thức kéo Chẩn ra  quán đãi kẹo lạc rồi dò hỏi, Chẩn  thủng thẳng:
-Tao đ­ưa rồi, nó đọc xong chả thấy nói gì. Tao hỏi: "Em thấy thế nào?", nó cũng chỉ cười  rồi bảo "Chả thấy gì cả".
Thức lại hì hục viết một cái thư tỏ tình nữa nhờ Chẩn chuyển cho Miền nhưng kết quả cũng không có gì sáng sủa hơn khiến Thức buồn bã ghê gớm. Mãi đến mấy năm sau, khi hiểu mối tình đơn ph­ương ấy là vô vọng, Thức mới nguôi ngoai. Thực ra tất cả những lá thư ấy đã không bao giờ tới tay Miền. Miền nhớ lại cả một quãng thời gian khá dài kể từ khi quen thân với Chẩn, cô không còn được nhận những lá thư kiểu như vậy nữa. Lúc ấy Miền thấy việc ấy cũng bình th­ường, lại còn đỡ bận lòng là đằng khác. Nhưng bây giờ nghe Thức nói lại, cô chợt thấy xót xa như bị mất cắp thứ gì đấy quý giá lắm! Đúng rồi, thời con gái với cả niềm kiêu hãnh của Miền đã mất đi ngay từ lúc Chẩn bước vào cuộc sống của cô. Miền đã trở thành một kẻ cô độc giữa vòng cương toả vô hình nhưng ráo riết và chặt chẽ của Chẩn. Việc chấp nhận lời cầu hôn của Chẩn cũng đâu phải bởi Miền vô tình, mà thực sự đó là cái kết luận tất yếu của một mệnh đề với những giả thiết ràng buộc chắc chắn.
Có một thứ áp bức dịu dàng đến độ kẻ bị áp bức đôi khi ngộ nhận ấy là phúc đức! Lại có trò chiếm đoạt không ngoan khiến người bị chiếm đoạt ngỡ tưởng chưa bao giờ có cái thứ mình bị mất! Chỉ có sự oan nghiệt của số mệnh mới có thể run rủi cho những kẻ khốn nạn kia nhận ra được vị thế cuả mình giữa sa số dòng chảy muôn màu. Nhưng hỡi ôi, lúc này cái sự xô dạt của người ta đã về một miền xa xăm lắm mất rồi! Người con gái bị chiếm đoạt, bị áp bức tình yêu một cách ngọt ngào chính là Miền đây. Thân xác cô vẫn biết bao kẻ ngợi ca, tiền tài của cô đủ sức chơi nhiều ván bài sát phạt, danh giá của cô cũng khiến khối người phải nghiêng mình..., nhưng tình yêu thì chưa bao giờ Miền có, đúng hơn nó đã bị t­ước bỏ một cách êm ái trong sự thôi miên của một toan tính hoàn hảo! Giờ đây cô đã nhận ra thân phận của mình khi tuổi tác và những ràng buộc thực tại đã đặt cô ở một bến bờ khuất nẻo lắm rồi...
-Thôi mình về! Lần sau mình sẽ mang cho Miền một ít rau ngót rừng. Cho mình hỏi thăm Chẩn nhá!
Miền giật mình ngơ ngác khi thấy người đàn ông ngồi trước mặt đứng dậy và chìa tay ra bắt. Cô hấp tấp đứng dậy và giơ tay như một phản xạ tự nhiên:
-Vâng, chào anh!
Người khách đi ra rồi đóng cửa lại sau l­ưng. Miền vẫn đứng trân trối giữa phòng, cặp mắt thất thần vô cảm dõi về một nơi nào đấy thật xa. Cô thấy có những đôi bư­ớm trắng vàng dập dờn bên một bờ suối trong vắt, hương phong lan ngào ngạt toả xuống từ những tán cây đại thụ.... Tiếng chuông điện thoại réo lên gắt gỏng khiến Miền thoát khỏi cơn suy t­ư, trầm mặc. Như chợt nhớ, cô vùng chạy ra cửa hớt hải dõi tìm bóng người đàn ông tên Thức vừa đi ra. Anh ta đã đi lẫn khuất vào dòng người xe từ lâu rồi! Miền lê bước quay vào buông mình xuống chiếc ghế bành trong phòng khách rồi lẩm bẩm:
- Anh hỏi thăm Chẩn ­? Chính tôi cũng sẽ phải đi hỏi thăm anh ta đây! Chẩn là ai ? Người chồng gần hai m­ơi năm qua của mình có phải là Chẩn không nhỉ? Dù thế nào thì một trong hai kẻ đó, Chẩn hoặc chồng mình, cũng sẽ phải trả lại những gì mà họ đã t­ước đoạt một cách trái ngang. Dẫu có muộn mình cũng sẽ đòi lại. Trước hết là...là...
Miền thôi lẩm bẩm, ngửa mặt tựa người trên l­ưng ghế. Cô nhắm nghiền mắt và đ­ưa cánh tay trần trắng nõn vắt ngang vầng trán xinh xẻo. Giữa miên man chọn lựa, những cánh rừng đại ngàn , những búp hoa chuối đỏ rực, những h­ương hoa phong lan ngây ngất chơi vơi..., cứ ào ạt, ào ạt xô về trong tâm thức của Miền ./.

hoangiumun@gmail.com




 


Đ/c :

1 nhận xét:

  1. Vâng! Không biết bao người đã muốn định nghĩa TY là gì? Nhưng rồi càng định nghĩa càng làm người ta khó hiểu. Có lẽ bởi vì TY là riêng có của mỗi người. Chỉ người trong cuộc mới hỉu mà thui!

    Trả lờiXóa