Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

CHỌN ĐỒ NGHỀ


Không ở cùng xóm nhưng thằng Hướng học cùng lớp với tôi suốt từ những năm cấp Một. Nhà tôi làm ruộng, còn bố mẹ Hướng làm công nhân giao thông. Tôi hơi rụt rè, còn nó thì táo tợn. Thích cái gì là nó chăm chăm “xoáy” cho bằng được. Mít, dứa, mía, bưởi… của thiên hạ, nó thì thụt “xoáy” mang về giấu vào đâu đó rồi thỉnh thoảng rủ bọn tôi đến chén!
Ở trường cấp Một chúng tôi học ngày ấy có thầy Đồng còn rất trẻ, quê ở mãi đâu xa chuyển đến. Thầy ăn mặc diện lắm. Đặc biệt thầy có cái bút máy Kim Tinh nắp mạ vàng lúc nào cũng trồi lên khỏi túi ngực áo sáng lấp lóa. Cái thứ ấy, ngày ấy,  chả cứ bọn trẻ chúng tôi, mà ngay cả người lớn nhìn thấy cũng phải ngưỡng mộ.
Một lần thầy cởi áo ngoài treo dưới mái lớp học để dạy thể dục. Thầy không dạy lớp tôi, nhưng hết giờ thầy lại nháo nhào chạy sang hỏi xem có em nào nhặt được cái bút thầy đánh rơi. Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau khiến thầy đành phải quay ra với nét mặt thất vọng tơi bời. Thầy đi rồi, chúng tôi ngẩn ngơ một lúc rồi mới tiếp tục học được. Có lẽ nhiều đứa cũng giống như tôi, tưởng tượng mình nhặt được cái bút ấy, rồi tự giằng xé trong đầu với câu hỏi: Trả lại hay giữ nó làm tài sản của mình?
Hôm sau, trên đường tan học về, Hướng bảo tôi:
-Mày về lấy con dao rồi ra Gò Ổi bổ mít. Hôm qua tao xoáy được của nhà lão Tương hai quả
-Nhưng tao còn phải ăn cơm chứ.
-Ăn cơm làm gì, mít ăn chả sướng hơn à?
-Nhưng tao không ăn cơm, bố tao nghi ngay.
-Thế thì tao về ăn cơm với mày rồi cùng đi
Tôi còn đang ậm ừ, thằng Hướng đã rẽ tuột cùng đi về nhà tôi. Gặp bố mẹ tôi, nó chào hỏi tử tế rồi liến thoắng:
-Chiều nay bọn cháu phải đi lao động ở trường bác ạ…
Thời chúng tôi, việc đi lao động theo phân công của nhà trường là chuyện thường xuyên, vì thế bố mẹ tôi chẳng lăn tăn gì, lại còn nhắc tôi thay cái áo ra, mặc cái áo cũ đi lao động cho nó khỏi phí…
Lần ấy, may mà chúng tôi về nhà ăn cơm, nếu không thì đói rã. Hai quả mít thằng Hướng giấu ở Gò Ổi vẫn còn non. Vần vò chán chê, đến khi thấy không thể ăn được, thằng Hướng lại vùi mít vào bụi rậm rồi rủ tôi về nhà nó chơi bi.
Nhà thằng Hướng ở là khu nhà tập thể của đội giao thông. Bố mẹ nó đi làm từ sáng. Hướng kéo tôi vào chỗ bàn học của nó rồi móc từ gầm bàn chìa ra trước mặt tôi một cái bút máy nắp mạ vàng óng ánh.
-Oách không? – Hướng nhăn nhở hỏi tôi
Nhìn kỹ thì đích thị là cái bút của thầy Đồng đây rồi. Tôi lắp bắp hỏi Hướng:
-Mày nhặt được hả?
Nó bĩu môi dài thượt, ánh mắt lộ rõ nét tinh quái. Chìa cái bút sát vào tận mắt tôi, nó lấp lửng:
-Mày thấy cái cài kẹp chặt như thế thì nó có tự rơi được không?
Rồi để mặc tôi mắt trợn tròn, mồm há hốc, thằng Hướng nhoay nhoáy rút vặn, giới thiệu cho tôi từng chi tiết tuyệt vời của cái bút, lại còn cho tôi viết thử vào cuốn vở nhàu nhĩ của nó mấy chữ. Thích thú lắm nhưng lo lắng và e sợ vẫn chập chờn trong tôi. Không nhìn vào nó, tôi ngập ngừng:
-Mày không sợ à?
-Sợ gì…, tao giấu ở đây, bố mẹ tao còn không biết cơ!
Được khoảng một tuần, chắc là đã chán, thằng Hướng đổi cái bút cho ông già “lông gà lông vịt” lấy mười cái kẹo mạ. Nó chia cho tôi hai cái, chả biết vì thân thiết hay là phần thưởng cho thành tích kín mồm kín miệng của tôi nữa…
Chưa học xong cấp Hai, thằng Hướng đã bỏ học đi chăn trâu kéo xe cho ông chú nó. Chú thằng Hướng là chủ lò gạch ngói có tiếng trong vùng. Có lẽ nhờ vào ông chú ấy nên nó ngày càng khấm khá. Vào cái khi tôi đang hì hục vật lộn với chữ nghĩa và đói khát trong trường đại học, thằng Hướng đã sở hữu hẳn một cái xe Honda 67, lượn nghênh ngang chả khác gì dân chơi phố thị….
Học xong đại học, tôi được phân công về làm giáo viên của một trường trung cấp ngay ở tỉnh nhà. Chiến tranh leo thang, tôi phải đi bộ đội mấy năm trên biên giới. Ra quân tôi lại về cơ quan cũ. Lấy vợ, sinh con giữa thời buổi kinh tế nước nhà khó khăn tột độ, tôi phải lăn lộn kiếm cơm ăn áo mặc tối ngày. Có đến dăm sáu năm liền, tôi quên bẵng hẳn thằng Hướng với những kỷ niệm lấm luối ngày thơ bé.
Vào một ngày đầu năm học, trường tôi tổ chức đón học sinh khóa học mới. Ngày ấy người ta đi học đông lắm. Những người đã lớn tuổi thì lo bổ sung bằng cấp, những học sinh trẻ thì hy vọng kiếm được một chân trong hệ thống lao động nhà nước. Tôi không có nhiệm vụ tuyển sinh nhưng tranh thủ lượn qua khu vực tiếp nhận hồ sơ để áng chừng mức độ công việc năm học. Bất ngờ thằng Hướng chạy đến trước mặt tôi, giơ tay chào rồi nhăn nhở:
-Hê hê… chào thầy giáo!
Đã nhiều năm rồi không nhìn thấy nhau, nên dù nhận ra nó ngay, tôi vẫn phải kêu lên thảng thốt:
-Hướng à? Mày đưa ai đi học thế?
Chợt nhận mình suồng sã không đúng chỗ, tôi kéo vội nó ra gốc cây xa hẳn đám đông ồn ào. Vừa dừng chân, Hướng đã lại hềnh hệch:
-Tao đưa tao đi học chứ đưa ai. Mày xem hồ sơ thế này ổn chưa?
Vừa nói, nó vừa dúi cho tôi túi hồ sơ tuyển sinh. Xem qua thì thấy đúng là thằng Hướng xin vào học lớp trung cấp trồng trọt thật. Lớp này không thuộc ngành đào tạo của tôi, nhưng dù sao cũng chung trong trường cả.
-Bây giờ đông lắm, cứ để hồ sơ mai tao nộp cho, thiếu cái gì thì bổ sung sau, lo gì.
Rồi chợt nhớ ra một thủ tục quan trọng, tôi vội hỏi lại Hướng:
-À…, mày có bằng cấp Hai chưa?
Vẫn bộ dạng nhăn nhở, Hướng chỉ vào túi hồ sơ trên tay tôi:
-Hi hi…, có cả bằng cấp Ba trong ấy rồi.
Hướng kéo tôi ra ngoài uống nước. Nó gọi một thùng bia Vạn Lực, mở nắp chai bôm bốp rồi cầm cả chai đưa cho tôi:
-Uống vô tư đi mày. Lâu quá rồi, không ngờ lại gặp nhau kiểu này….
Bọn tôi vừa nhâm nhi bia mực, vừa ríu rít hỏi han nhau. Thì ra Hướng bây giờ đang là công nhân trại giống lúa của tỉnh.
-Thời buổi xoay vần, ông chú tao không theo kịp, thế là bỏ nghề gạch ngói. Tao mò sang cái trại này làm tài xế “vô – lăng dây” kiếm hơn chục cân gạo, tờ phiếu vải với ít đồng lương qua ngày
Hướng buồn bã kể lại cho tôi nghe những bước đi của nó. Khi nhà nước chuyển đổi cơ chế quản lý, bỏ tem phiếu, thằng Hướng nhận ra chế độ quản lý theo bằng cấp đang mở ra. Nó hì hục xin đi học bổ túc.
-Cơ chế học hành thoáng hơn ngày xưa nhiều- Hướng lại hềnh hệch cười rồi oang oang: -Cái bằng cấp Ba ấy tao “làm” một năm xong luôn!
-Sao mày không học kinh tế hay cơ khí ấy, sau này đỡ chân lấm tay bùn?
-Vui đâu chầu đấy thôi mày ạ. Ở cái trại này, bằng cấp phải có tý “giồng giọt” mới hy vọng được cất nhắc. Hì hục học rồi lại đi làm lấy mấy đồng lương bèo thì học làm gì?
Thì ra thằng này cũng có chí hướng phấn đấu làm lãnh đạo quản lý cơ đấy. Tôi cảm thấy thực sự vui vẻ. Chưa biết tốt xấu đến đâu, nhưng ít nhất, cái nỗi ám ảnh về tính thích “xoáy” của thằng Hướng cũng giải tỏa khỏi đầu tôi.
Quả là thằng Hướng có chí thật! Sau hai năm học ở trường tôi, có giáo viên kêu ca, có người lại khen ngợi. Chả rõ thực hư ra sao, nhưng cuối khóa nó đỗ tốt nghiệp loại Giỏi luôn. Được cất nhắc làm đội trưởng sản xuất, nó lại cậy cục đi học đại học liên thông ngành quản lý kinh tế. Hướng bảo tôi:
-Thời kinh tế thị trường, người ta trọng cái bằng kinh tế mày ạ!
Có lẽ nó đã đúng. Có trong tay cái bằng đại học, cùng với sự xoay xở “cơ chế” thế nào đó, Hướng được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm giống cây trồng của tỉnh nhà. Gia cảnh nhà Hướng đi lên như diều gặp gió. Nó mua mấy khu đất rồi làm thêm nhà vào ở trong thành phố.
 Một lần Hướng hẹn tôi đến nhà nó chơi. Hôm đó là chủ nhật. Vợ con Hướng về quê cả. Nó bảo:
-Lâu lắm mới có dịp thư thả ngồi với nhau, để lũ ấy ở nhà ầm ĩ láo nháo lắm.
Trong một khuôn viên rộng rãi, ngôi nhà thằng Hướng ở như lọt thỏm giữa đủ các loại cây xanh trồng loạn xạ. Nó giảng giải:
-Bây giờ còn đang đi làm cả, bày ra nhà cao cửa rộng chỉ tổ thiên hạ nó nhòm vào, cứ làm đủ ở là được …
Nói có vẻ đơn giản thế chứ bên trong cái nhà nó ở tiện nghi sang trọng lắm, nội thất toàn thứ đồ đắt tiền, toàn những thứ tôi có mơ cũng chả dám.
Sau chầu cà – phê, Hướng đưa tôi đi dạo khắp khuôn viên. Chỉ một vòng quanh khu vườn, Hướng nói với tôi đầy vẻ tự đắc:
-Gần năm ngàn mét vuông đấy. Trừ cơ quan nhà nước, chả thằng nào ở đây gom được mảnh đất bằng tao đâu. Mà đất ở đây là vàng mày ạ.
Một lối đi nhỏ bằng bê tông dẫn chúng tôi tới một căn nhà nhỏ lợp ngói đỏ cửa khóa im lìm, cột gỗ, cửa gỗ đều sơn bóng nhoáng. Đến trước ngôi nhà, Hướng bảo tôi:
-Đây là nhà thờ tổ của tao.
-Mày làm trưởng họ à? – tôi nhướng mắt hỏi nó
-Không, nhà thờ ông tổ nghề của tao.
Nghe Hướng nói, tôi trợn tròn mắt vì ngạc nhiên. Sợ nghe nhầm, tôi lắp bắp hỏi lại nó:
-Tổ… tổ nghề… Mày nói thật đấy chứ?
Thằng Hướng chắp tay cung kính vái về phía ngôi nhà rồi trầm giọng nghiêm nghị:
-Trước mặt thần linh, tao lại dám nói dối sao?
Như để khẳng định lời nói của mình,  nó quay sang bảo tôi:
-Mình vào thăm ngài một lát đi!
Hướng móc túi lấy chìa mở khóa, đẩy cửa bước vào trong căn nhà. Tôi thận trọng bước vào theo. Trước mắt tôi là một hương án sơn son bày biện đủ cả lư hương, chân nến với hạc chầu. Một khung tranh sơn son bóng nhoáng được đôn cao ở chính giữa ban thờ, trong khung lồng bức tranh vẽ theo lối cổ. Thằng Hướng đốt một nén hương cắm vào lư hương rồi cung kính vái lạy. Chả hiểu gì nhưng tôi cũng lẳng lặng vái theo. Lúc ngước lên nhìn vào bức vẽ, tôi nhận ra đó là hình vẽ một người đàn ông cầm đao dáng như các tranh vẽ Quan Công, nhưng vị này lại có bộ râu và đôi lông mày trắng tinh, dài thượt. Tôi ngờ ngợ đã nhìn thấy hình tượng này và đã đọc vài thông tin liên quan ở đâu đó. Trí tò mò nổi lên, tôi giả vờ quan sát kiến trúc ngôi nhà để lượn lại gần bức vẽ. Thôi đúng rồi! Bên dưới cặp lông mày trắng dài thượt là một đôi mắt đỏ ngầu dục vọng. Đúng là thần tổ nghề thật. Nhưng mà…
Trong những bước đi trở về gian phòng khách, trong đầu tôi ngổn ngang đủ loại ý nghĩ về thằng bạn thuở thiếu thời. Không ngờ một thằng bé láu cá rất thích đi trộm vặt như thằng Hướng lại có chí tiến thủ rất thành công, bây giờ lại thành kẻ có “đạo”, có tín ngưỡng rạch ròi đến vậy. Nhưng mà cái “nghề” mà nó thờ, tôi không thể hiểu. Trở lại bàn uống nước, vừa ngồi xuống ghế, tôi hỏi nó ngay:
-Này, tao thấy lâu nay mày toàn làm sếp, có làm nghề gì đâu?
-Hê hê…, mày học nhiều hơn tao nhưng có một thực tế mày không nhận ra. Tao chưa bao giờ coi làm sếp trong các cơ quan nhà nước là một nghề nhá. Nghề phải là những việc kiếm ra cơm áo, gạo tiền, tạo dựng lên được cơ nghiệp cho gia đình vợ con cơ.
-Thì người ta học hành, làm quan, hưởng bổng lộc của nhà nước. Đấy không là cơm áo, không là tiền bạc thì là gì?
-Mày nói đúng! Nhà nước không cấp bổng lộc hay ưu đãi thì chả ai lặn lội tìm đến mấy cái chức tước hão làm gì. Cũng như cái danh “thầy giáo”, nghe oai đấy, nhưng thử hỏi nếu không có cái biên chế của nhà nước thì có mấy người dám theo?
Hừ! Thằng này ranh thật. Từ thời chúng tôi, khi thi đại học, đứa nào chẳng biết câu: “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư phạm”. Lý do đơn giản để “bỏ qua” là vì nghề ấy được nhà nước cấp ít gạo nhất, “mầu mè” lại chẳng có gì. Đến thời kỳ nhà nước có chính sách ưu ái lương bổng cho nhà giáo, lập tức các trường sư phạm lại đông nghẹt người học. Gần đây cơ chế quản lý siết chặt lại, học xong không có biên chế nữa, số người đi học nghề này giảm hẳn…Nhưng mà tôi đang hỏi nghề của nó, nó lại lảng sang nghề của tôi. Không được!.
-Mày nói mâu thuẫn bỏ mẹ!- Tôi kiên quyết chuyển hướng: - Mày bảo nghề phải là việc kiếm ra cơm áo, làm sếp cũng kiếm ra lương bổng, thế thì sếp cũng phải là một nghề chứ?
“Đẹt, đẹt!” – lập tức thằng Hướng vỗ hai tay vào nhau rồi cười phá:
-Ha ha…, mọt sách ơi là sách mọt….
Cười xong, nó cúi người hướng thẳng vào tôi, nét mặt đầy vẻ nghiêm trọng:
-Mày tính giúp tao xem số tiền lương với phụ cấp làm sếp hàng tháng liệu có đủ để chi tiền học hành, thi cử, rồi tiền cống nạp, tiền “cơ chế”…hay không? Thế thì tiền đâu mà nuôi vợ con, tiền đâu mà sắm sửa?
-Tại mày tham, tao với khối người tiền lương ba cọc ba đồng, đã chết đâu?
-Tao không giống mày đâu – Hướng xua tay rồi hạ giọng: -Mày học hành có đầu có đũa, tính mày hơi nhát lại an phận. Tao thì học lỗ ba lỗ bỗ, bằng cấp, chức vị toàn theo kiểu “cơ chế” mà ra, không chi không được chứ!
 Thì ra cái tôi nghĩ là ý chí phấn đấu của thằng Hướng nó lại là như thế. Kiểu “phấn đấu” như nó cũng chẳng phải hiếm gặp. Khi cơ chế tiền – hàng mới vận hành, việc không kiểm soát hết được sự nhảy múa của tiền bạc cũng là dễ hiểu!
Bọn tôi cùng trầm ngâm một lúc. Chả biết Hướng nghĩ gì, tôi thì vẫn quanh quẩn suy đoán về cái nghề mà nó thờ phụng, chả hiểu là thế nào.
-Này… -Tôi dè dặt: -Có phải vị thờ ở kia là thần Bạch Mi không?
-Lạy thánh! Đúng rồi, chính danh ngài đấy! – Vừa trả lời tôi, Hướng vừa cung kính chắp tay vái về ngôi nhà thờ tổ nghề của nó.
-Nhưng …hình như đấy là ông tổ nghề… “ấy” cơ mà? –Tôi ngập ngừng đưa ra băn khoăn của mình
-Chắc mày cũng biết rồi hả? Ngài chính là ông tổ nghề ăn trộm đấy, nghề của tao đấy!
-Xì… -tôi cười phì ra: -Bộ dạng như mày bây giờ mà lại còn đi “xoáy” được à?
-Hì hì… -Hướng cũng nhệch miệng cười: -Không “xoáy” mà bây giờ tao có được những thứ này à? Nhưng không phải cái trò trèo tường, khoét ngạch hay “hai ngón” đâu. Những thứ tao cuỗm được là không của ai cả…
-Của nhà nước chứ gì? – Tôi cắt ngang lời Hướng: -Của nhà nước cũng là của dân làm ra đấy chứ. Dù là trộm của ai thì xã hội cũng không chấp nhận được đâu.
-Biết ngay là mày sẽ lôi vấn đề đạo đức ra. Nhưng tao nói mày nghe, đã làm công nhân viên nhà nước, phần lớn đều xà xẻo, nói đúng mức là trộm cắp. Không nhiều thì ít, không tiền bạc thì “xoáy” thứ khác. Ngay nghề dạy học như mày cũng có khi ăn bớt thời gian, ăn bớt quy trình. Thế nhưng chả ai tự nhận mình là thằng ăn cắp, có phát hiện ra thì cũng không bao giờ bị kết tội trộm cắp cả.
Thằng Hướng vừa diễn thuyết, vừa chặt tay xuống bàn một cách hùng hồn. Rồi có vẻ như muốn nghe ý kiến phản biện của tôi để làm động lực cho màn diễn thuyết tiếp theo, Hướng dừng lại rồi vơ cốc nước trên bàn chiêu một ngụm. Tôi và Hướng cùng ngồi lặng đi một lúc, nó quay ra thủ thỉ:
-Nhà nước gọi hành vi ăn cắp của công ấy là tham ô, tham nhũng. Chả ai nghĩ tham ô, tham nhũng là một nghề, giống như nghề trộm cắp. Nhưng tao nghĩ khác. Đó đích thị là nghề trộm cắp!
Bất giác tôi nhếch mép để cho mấy tiếng cười hình hịch từ trong cổ thoát ra với đầy vẻ bí hiểm. Thật ra chả có gì nghiêm trọng. Chỉ là tôi chợt thấy cái kiểu qui nạp của thằng Hướng có gì đó vừa hài hước vừa  méo mó mà tôi không diễn đạt được. Không để ý đến thái độ của tôi, thằng Hướng tiếp:
 -Đã là nghề, khi kiếm chác được tức là được lộc, phải hiểu đó là ơn mưa móc của sư tổ. Đạo làm nghề nó là như thế. Nhiều thằng tham ô vơ vét được cứ nghĩ là tài giỏi, chả biết đến oai linh thần thánh, thế là lòi đuôi, trắng cổ, lại còn chui đầu vào tù tội. Trong khi đó, tao thờ cúng kỹ lưỡng, được ngài phù hộ, mọi sự cứ thanh thản như không.
-Vị này thiêng thế cơ à?
-Lạy thánh! –thằng Hướng lại cung kính vái về hướng cái điện thờ. –Ai nghĩ về ngài như thế nào tao không biết, nhưng vụ việc nào tao cũng thỉnh ý của ngài. Vụ nào ngài không đồng ý, tao bỏ qua ngay. Vụ nào ngài cho là suôn sẻ hết.
Nhìn vào ánh mắt của thằng Hướng, tôi hiểu nó đang có một đức tin mãnh liệt vào thần thánh. Sự sùng tín của Hướng đã đến mức mê tín mất rồi! Có lẽ cái nhãn quan nghề nghiệp của nó đã được đức tin ngây ngô ấy nhào nặn và trói buộc. Cùng với  khát khao vô độ về tiền bạc,  sự sùng tín mê muội sẽ sớm đưa nó đến cung đời tăm tối mất thôi.
Tôi biết thế và cũng biết rằng tôi không đủ bản lĩnh để thay đổi được đức tin ở một con người đầy cá tính như Hướng. Tôi chợt ước trước mặt tôi vẫn là thằng Hướng ngày thơ, hoang dại và láu lỉnh. Tôi sẽ thường xuyên rủ nó về nhà ăn cơm, cùng vô tư đùa vui, không để cho những đức tin u ám buông lên đầu hai đứa. Nhìn Hướng với ánh mắt lo lắng, tôi chép miệng:
-Mất bao nhiêu công học hành, phấn đấu, đến lúc thành công, thành danh rồi lại phó mặc cho thần thánh, tao thấy phí quá!
-Cái chỗ này mày cũng lại chưa hiểu. Nghề nào cũng cần có đồ nghề. Bằng cấp với chức tước chính là đồ nghề của tao đấy. Có đồ nghề tốt thì mới tiếp cận được những mánh mối kếch xù. Không phải con ông cháu cha nên chả có ai truyền đồ nghề cho tao. Vì thế nên tao mới phải đầu tư bao nhiêu là tiền của. Phí là phí thế nào?
Tôi không ngờ Hướng lại có một tư duy rạch ròi đến thế. Dẫu đó chỉ là sự rạch ròi đầy mâu thuẫn và lệch lạc, nhưng chắc chắn đó là kết quả của cả một quãng đời nó nung nấu, nghiền ngẫm và trải nghiệm.. Tôi muốn làm một việc gì đó, muốn nói một câu gì đó để xóa tan những tư duy ấy trong đầu Hướng. Nhưng rồi cái bản tính nhút nhát, an phận, đã trùm tấm khăn mang màu bất lực lên đầu tôi.
Nhúc nhắc toàn thân để cố thoát khỏi nỗi thất vọng tràn trề, tôi nói vớt vát:
-Mày biết câu “luật pháp đình như lưới trời lồng lộng” rồi chứ gì? Tao sợ rồi thần thánh cũng chả giúp được đâu.
-Hi hi… biết là thế nên tao mới phải thường xuyên cầu ngài chỉ cho đường đi nước bước chứ…
Bất giác tôi quay sang nhìn thằng Hướng suốt một lượt từ đầu đến chân. Vẫn cái ánh mắt láu lỉnh và bộ mặt đầy cá tính, vẫn giọng nói liến thoắng ngày xưa…, vậy mà tôi cảm thấy nó xa lạ quá. Trước mắt tôi, Hướng không còn là thằng bạn ấu thơ xưa nữa, mà là một dị nhân kỳ quái, với những đức tin vừa ngây ngô, vừa huyền bí. Cảm giác xa lạ ấy khiến tôi không thể tiếp tục ngồi lại bên Hướng nữa. Tôi lấy cớ gia đình có việc rồi lũi thũi trở về. Sắp ra đến cổng, tôi chợt nhớ đến mấy thông tin đã từng đọc về việc thờ phụng thần Bạch Mi. Tôi hấp tấp dừng lại rồi đến gần nó nói thật nhỏ:
-Tao nghe nói không phải ai hành nghề ăn trộm cũng được lập bàn thờ thần Bạch Mi đâu. Mày xem lại kẻo có gì thất thố là gay đấy.
Chả biết Hướng có biết những cái  quy định trong nghề như thế hay không. Nghe xong, tôi chỉ thấy nó nhếch mép cười rồi gật gù có vẻ tự tin lắm.
Hai năm sau, trung tâm của thằng Hướng xảy ra kiện cáo, nhà nước cho thanh tra vào cuộc. Hàng loạt các vi phạm trong hoạt động dự án và sử dụng đất đai được lôi ra. Thằng Hướng phải bán tống tháo tài sản khắc phục hậu quả mới tránh được cái tội tham ô, nhưng rồi vẫn bị kỷ luật đảng và cách chức. Không biết vì mất đồ nghề hay mất đức tin, một năm sau Hướng xin nghỉ hưu “non”. May mà có cái nhà cũ đứng tên vợ nó vẫn còn giữ được làm nơi sinh sống. Sẵn có cái bằng trung cấp ngày xưa, nó mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, thu nhập khá ổn.
Một hôm nó gọi điện cho tôi:
-Chủ nhật này mày có rỗi rãi không?
-Nghỉ ngơi thôi. Có việc gì à?
-Sang nhà tao uống rượu nhé!
-Có tổ nghề mới hả?
-Mày chỉ được cái nhớ dai.... Chuyện ấy xưa rồi! Tao kỷ niệm ngày hạ cánh thôi!
-Bày vẽ ghê quá…., nhưng ô kê, tao sẽ có mặt đúng hẹn đấy!