Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Trốn đời



Bà Chanh quyết định về lại Đền Duối một lần. Nói là “về lại” bởi vì bà Chanh đã từng đến nơi ấy một lần, đúng vào ngày này của cái năm xưa đã xa xôi lắm.
Buổi sáng, bà nhờ thằng con của cậu em đèo xe máy ra ngã ba đầu xã để đón xe. Đứng đợi được một lúc bà giục thằng cháu:
-Để bá đứng đợi ở đây được rồi, cháu về đi kẻo lát nữa nắng to đấy
Thằng cháu ném toạch cái đầu mẩu thuốc lá xuống mặt đường rồi xẵng giọng:
-Thì bá cứ lo cái việc của bá đi, không phải lo cho cháu. Lát nữa nhỡ không có xe thì bá đi bộ về à?
Kể từ cái dạo bà Chanh ra tù trở về làng, đám cháu gọi bà bằng cô, bằng bá, đứa nào cũng nhìn bà gườm gườm rồi nói với bà bằng cái giọng xẵng như thế. Nó khác hẳn cái thời bao cấp “gạo châu, củi quế”, mỗi lần bà về làng là đám trẻ lại hơn hớn, ríu ra ríu rít.
Bà Chanh không có chồng, không có con. Bù lại, nhà bà có tới năm anh em, bà là thứ hai và là gái duy nhất trong nhà. Ông anh cả với ba thằng em cậu bà Chanh con cháu đầy đàn, cùng sinh sống quây quần trong cùng một xã. Nơi bà Chanh ở, ngó quanh đâu cũng thấy người thân máu mủ cả, vậy mà lúc nào bà cũng cảm thấy bất an trong tâm trí. Không phải cảm giác cô đơn, bởi cái cảm giác ấy bà đã trải qua mấy chục năm rồi, bây giờ lại có anh em quây quần, ấm áp thêm nhiều lắm chứ! Cũng không phải cảm giác ngượng ngùng, ái ngại khi thiên hạ chỉ trỏ xì xào, gọi bà là “mụ Chanh lừa”. Đã từng dụ dỗ, đoạt của thiên hạ hàng tỷ đồng, đã từng to tiếng cãi như chém chả trước tòa…, cái liêm sỉ của bà ta khác người đời nhiều lắm.
Thực ra cái cảm giác bất an không phải mới sinh ra, mà nó ngự trị trong đầu bà Chanh đã từ lâu lắm rồi. Nó vừa rỉ rả day dứt, lại vừa mơ hồ vô định, khiến bà chả biết đâu là nguồn cơn để mà lần gỡ….
Chiếc xe ca mở toang cửa xịch đến. Tay phụ xe vừa kéo tuột bà lên là chiếc xe đã rồ ga lao đi khiến bà Chanh chả kịp chào thằng cháu. Lần tìm một chiếc ghế trống sát cửa sổ ở gần cuối xe, bà Chanh lặng lẽ ngồi thu mình, ngoảnh mặt ra nhìn cảnh vật trôi loang loáng vô tình qua ô cửa kính.
Thời thiếu nữ, bà Chanh thuộc thế hệ “thanh niên ba sẵn sàng”, lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ở vùng thôn quê nơi nhà Chanh sống ngày ấy, con gái lớn lên lấy chồng thì sớm chứ đi học thì muộn lắm. Mãi khi mười chín tuổi Chanh mới tốt nghiệp xong lớp Bảy. Thay vì ở nhà “ba sẵn sàng” rồi lấy chồng như phần lớn các cô gái nông thôn ngày ấy, Chanh hì hục xin đi “thoát ly” làm công nhân viên Nhà nước.
Những năm đầu, Chanh được phân công về kho lương thực của tỉnh. Công việc là dọn dẹp, đóng bao, bốc xếp tất tần tật mọi thứ được qui là lương thực. Bụi bặm là thứ khá thừa thãi ở cái kho này, người nào cũng phải tự sắm cho mình một tấm khăn vuông, mỗi khi đi làm lại bùm hụp kín mặt mũi chỉ để hở ra đôi mắt để nhìn. Bất giác, bà Chanh đưa tay che miệng khi những hình ảnh ngày ấy hiện về. Cứ cuối buổi làm, cái khăn giũ ra bụi bay mù mịt, lông mày lông mi bụi phủ bám dầy phếch phác...
-Về đâu đấy bầm ơi?
Đang miên man, bà Chanh giật mình bởi tiếng tay phụ xe oang oang trước mặt.
-Tôi về chỗ Đền Duối.
-Xe con chỉ chạy qua ngã ba thôi. Ba chục tiền vé bầm nhá!
Bà Chanh mở túi lấy ra tờ bạc năm mươi ngàn đưa cho anh ta rồi hững hờ nhận nắm tiền lẻ trả lại, tâm trí bà vẫn mải miết lần giở những hồi ức xa xăm…
Sau ba năm làm công nhân kho, Chanh phải chuyển đến cửa hàng lương thực ở một huyện vùng cao. Ông Kính, chủ nhiệm cửa hàng, cầm đám giấy tờ Chanh đưa, vừa nhấc cặp kính lão giơ lên trước mặt, ông lại đặt xuống ngay:
-Thôi, tạm thời tuần này cô cứ ổn định chỗ ăn ở, làm quen kế hoạch của cơ quan rồi tuần sau chính thức đi làm. Đoàn viên đối tượng cảm tình là phải tích cực đầu tầu gương mẫu, rõ chửa?
Thì ra gọi là cửa hàng lương thực nhưng việc bán hàng chỉ làm vảo hai ngày trong tuần, thời gian còn lại thì phải xuống các xã thu mua lương thực, nhập thóc thuế, sửa chữa kho tàng…, toàn những việc được chăng hay chớ, chả có định mức cụ thể nào. Chỉ có Chủ nhiệm cửa hàng mới được được ở hẳn một gian đầu cửa hàng, có vách gỗ, mái ngói đàng hoàng, còn lại nhân viên mỗi người nửa gian nhà tranh vách đất. Vốn dĩ ông Kính không phải quê ở tỉnh này, nhà cửa vợ con của ông ở đâu mãi gần Hà Nội. Ông Kính lên cái huyện này công tác đã từ lâu lắm, qua mấy cơ quan rồi. Riêng cái ghế chủ nhiệm cửa hàng lương thực ông cũng đã ngự được hơn ba năm nay. Buổi sáng mỗi ngày, ông Kính dậy đóng bộ chỉnh tề, gọi từng người đến giao việc rồi xách cặp đi đâu đó có khi đến tận chiều mới trở về.
Một buổi sáng ông Kính gọi Chanh đến và bảo:
-Hôm nay cô làm cho tôi cái báo cáo để gửi cho Ủy ban. Nội dung yêu cầu đây! Mẫu đây!...
Chanh định cầm mấy tờ giấy ông Kính đưa quay về phòng thì ông ấy lại bảo:
-Cô ngồi đây mà làm việc, ai hỏi thì bảo tôi đi xã nghe không ?
Chanh ngồi cắm đầu vào mấy tờ giấy, lật đi lật lại hàng chục lần nhưng không thấy có số liệu nào. Cuối cùng cô quyết định chép lại cái mẫu báo cáo một cách nắn nót, phần số liệu cứ để cách quãng, khi nào có sẽ điền vào.
Gần trưa ông Kính mới về. Vừa bước vào ông đã hất hàm hỏi ngay:
-Xong chưa?
Thế rồi ông ta kéo xoẹt cái ghế ngồi sát lại  nghe Chanh lập cập trình bày. Vừa nghe mấy câu, ông chủ nhiệm cửa hàng đã kêu to:
-Giời ơi, số liệu trong cuốn sổ tổng hợp trước mặt kia chứ đâu.
Nói xong, ông liền đứng lên nhoài người qua vai Chanh với lấy cuốn sổ to tướng có ghi chữ “sổ tổng hợp” ngoài bìa. Mở toang mấy trang trước mặt Chanh, ông Kính vừa dí tay vào những con số trên đó vừa giảng giải:
-Đây, số liệu từng tháng, từng ngày đây, còn từng loại cụ thể thì ở đây, cộng vào là xong chứ có gì đâu!
Cả cái mạng sườn ông Kính tỳ lên vai Chanh khiến cô chỉ còn biết ngồi cúi đầu, vừa dõi theo ngón tay của ông chỉ của ông ta vừa lắp bắp: “Vâng ạ, vâng ạ…”
-Đấy, đơn giản thôi mà! Hệ hệ…
Ông chủ nhiệm kết thúc bài tập huấn với nụ cười dễ dãi, rồi đưa tay bẹo lên má Chanh một cái khiến cả khuôn mặt cô bừng nóng đỏ ửng. Chanh lập cập đứng lên:
-Cháu về chú ạ!
Gần như ngay lập tức, ông Kính túm lấy tay cô gái kéo lại:
-Vội cái gì, cứ ngồi xuống đây đã, công việc còn chưa xong cơ mà!
Chanh khép nép ngồi lại xuống ghế cúi đầu chờ nghe chỉ đạo của ông thủ trưởng. Ông Kính nhìn xoáy vào thân hình cô gái trước mặt rồi cười lơi lả:
-Hệ hệ…., Chanh cứ xưng hô “chú – cháu” khó gần lắm, gọi là “anh – em” cho nó hòa đồng Chanh nhé
-Nhưng mà chú gần bằng tuổi bố cháu…
-Kệ! -ông Kính cắt lời Chanh rồi vừa đưa tay vuốt  má cô vừa thẽ thọt: -Tuổi bố chứ không phải là bố nhé! Các cơ quan ở đây chúng nó đều thế cả em ạ, hệ hệ…
Cả cơ thể Chanh bất giác như rực lên khiến cô như bị ngộp thở. Chanh vụt đứng lên bước nhanh ra khỏi phòng. Ông Kính ngây người, mắt hút nhìn theo dáng sau cô gái trẻ, cái yết hầu thỉnh thoảng lại trồi lên tụt xuống…
Cái báo cáo Chanh phải làm đi làm lại nhiều lần rồi chẳng bao giờ hoàn thành nữa. Căn phòng của chủ nhiệm cửa hàng ngày càng gắn bó với Chanh cùng với những cảm giác đụng chạm lạ lẫm, cùng với cả cái cửa ngách thông sang cửa hàng giúp Chanh dễ dàng xách về những gì cô thích. Những lời thẽ thọt của Kính như là một chất xúc tác khiến tham vọng đổi đời của Chanh ngày một cồn cào, khiến cô sẵn lòng bước qua mọi thứ:
-Anh sắp nghỉ hưu rồi. Em còn son, lại có năng lực, anh sẽ bồi dưỡng em thay anh làm chủ nhiệm cái cửa hàng này…
Bà Chanh nhắm nghiền mắt, cố hình dung lại cảm giác những lần mây mưa vụng trộm với vị thủ trưởng già. Tất cả đều nhạt nhòa! Không thấy luyến lưu, cũng chẳng thấy một phút giây xao xuyến…, chỉ thấy dục vọng bản năng và những toan tính trần trụi. Đến những hồi sau này, cái cảm giác xót xa, cay đắng mới ngấm đôi chút vào con tim người đàn bà trẻ. Nhưng dường như khi ấy, số kiếp bà đã an bài mất rồi…
Chanh phát hiện ra mình có thai khi hai tháng liền không thấy hành kinh. Vừa lật đật bước vào phòng chủ nhiệm cửa hàng, Chanh đã ghé sát lại gần ông Kính thì thào gấp gáp:
-Anh à, em có thai rồi!
Lập tức ông Kính giật phắt người lên, mắt trợn tròn nhìn vào mắt Chanh, miệng lắp bắp:
-Bỏ mẹ! Có thật…thật không?
-Hơn hai tháng rồi, còn thật với giả nữa sao?
-Việc này vỡ lở ra là khốn nạn cả lũ. Em cố giữ kín rồi tìm cách tháo nó đi.
-Em chả có cách gì đâu, anh xem tính thế nào thì tính!
-Em cứ bình tĩnh, để anh kiếm thuốc phá thai!
Mấy hôm sau, Kính thì thụt mang về một chai nước nấu lá cây gì đó vừa đắng vừa hắc
-Em phải uống hết luôn đi đấy– Kính dúi chai thuốc vào tay Chanh rồi hầm hừ hối thúc
Chanh nhắm mắt nuốt hết chai thuốc vào ruột, độc chất lá cây khiến cô lử lả quay cuồng đến mấy ngày, nhưng cái thai thì vẫn chả thấy động tĩnh gì. Nằm bẹp trên giường, nhận ra bóng Kính lụi cụi bước vào, Chanh thều thào:
-Không được đâu anh ơi, anh xem thế nào đi…
-Đừng có mà nói cho ai biết đấy, để anh sẽ liệu
Sau cả chục ngày nghỉ ốm, Chanh lại lên phòng chủ nhiệm cửa hàng để làm sổ sách, cũng là để bàn định với Kính tìm ra cách giải quyết cái thai trong bụng. Kính ngồi bên cái bàn giữa phòng, mắt trũng sâu, gò má với yết hầu nhô lên nhọn hoắt. Cả hai người cùng im lặng một hồi lâu. Sau vài lần nuốt khan trong cổ, Kính lên tiếng, nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt:
-Anh đang xin cho em đi học lớp nghiệp vụ dưới tỉnh. Ở đó chẳng ai biết em là ai mà thọc mạch cả, rồi mình sẽ tính tiếp!
Kính còn giảng giải đủ điều, để Chanh thấy toan tính của ông ta là giải pháp tốt nhất và cũng là duy nhất vào lúc này. Thuận theo cách sắp xếp của Kính, Chanh đi học. Kính mượn được một gian kho trống của bên Thương nghiệp làm nơi cho Chanh kẽo kẹt đi về, còn Kính thì dăm bữa, nửa tháng lại thì thụt khuân đồ ăn thức dùng đến. Xem chừng sự sắp xếp ban đầu đã ổn thỏa, Kính hạ giọng bảo Chanh:
-Cái thai to rồi, không tháo được nữa. Em cố gắng giữ gìn, đẻ ra rồi đem cho người khác nuôi!
-Chả việc gì phải cho ai, con em đẻ ra thì em nuôi, cùng lắm là bỏ việc cơ quan về nhà…
-Không được! Vợ con anh mà biết thì chúng nó không để yên đâu. Anh thì sắp nghỉ hưu, nhưng em thì còn cả quãng đời phía trước.
Kính nói đến đấy thì dừng lại, vơ cái ca nước chiêu một ngụm rồi chép miệng:
-Đàn bà con gái cứ hay nghĩ quẩn. Anh tính cả rồi! Em đi học về, có giấy chứng nhận chuyên môn, muốn thay vào cái chân của anh thì phải là người không vướng víu gia đình. Anh về nghỉ rồi, em ở lại rảnh rang lấy chồng, đẻ con. Chuyện chửa đẻ này mình không nói ra thì ai biết được?
Chanh nằm trên giường lặng im nghe Kính nói. Cô thấy những toan tính của Kính cũng có vẻ xuôi thuận, và thực ra Chanh cũng chả biết tham góp gì thêm, ngoài tiếng thở dài cùng với cái câu cửa miệng:
-Thôi kệ, muốn đến đâu thì đến!
Lớp học nghiệp vụ đã kết thúc, Chanh cũng đến tháng đẻ. Kính bảo Chanh cứ ở lại, đẻ xong mới về cơ quan. Thế rồi ông ta xin nghỉ chữa bệnh để cùng Chanh giải quyết cho xong hậu quả của những lần sung sướng.
-Anh mang mươi cân gạo cho một bà đỡ gần đây, nhờ bà ấy giúp. Bà ấy nhận lời vui vẻ rồi.
Kính vừa đấm lưng thùm thụp vừa nói với Chanh. Chanh ngạc nhiên quay ra nhìn ông ta. Thì ra, sau cái vóc dáng đã nhuốm vẻ già nua kia là một con người với những tính toán rất năng động và kín đáo. Cũng còn may là Chanh sa vào chuyện này với một con người như thế. Chỉ cầu mong mọi sắp đặt của ông ta được thông đồng bén giọt! Thoát khỏi chuyện này rồi sẽ là đường ai nấy đi, sẽ là muôn đời muôn kiếp không tơ vương gì đến nhau nữa, dứt khoát sẽ là như vậy!  Chanh mím môi và thầm nghĩ trong đầu. Chanh đâu có biết mọi sự sắp xếp ngỡ là chu đáo ấy, lại vô tình vạch ra cho cô những ngã rẽ định mệnh, mà mãi cho đến tận cuối đời Chanh mới lờ mờ nhận thấy…
Bà Chanh chợt rùng mình, nhắm tịt mắt rồi úp hai tay lên mặt. Một phụ nữ trẻ ngồi ghế bên cạnh giật mình quay sang thảng thốt:
-Này chị, chị bị làm sao thế ạ?
Vẫn nhắm tịt mắt, bà Chanh giơ một tay lên xua xua:
-Tôi không làm sao. Chỉ thấy buồn ngủ quá….
Bà ta đã nói dối. Thật ra, những ký ức về lần sinh đẻ đầu tiên, dù đã lâu lắm rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại đã khiến bà thấy rụng rời, kinh hãi!
Đúng vào cái ngày này năm ấy, Chanh đã cắn môi đến tóe máu để tiếng kêu rên không bật ra, kinh động đến những người dân sống quanh khu nhà kho. Cô nghĩ mình đã chết trong những cơn đau chuyển dạ như nghiền xé cơ thể. Rồi Chanh lịm đi, những câu trao đổi giữa Kính với bà đỡ chỉ còn nghe lơ mơ, chập chờn như trong mộng.
Đêm tối đã buông xuống lâu lắm Chanh mới tỉnh dậy với cảm giác rã rời và đau buốt. Cô thều thào gọi vào khoảng không tối ỏm trước mặt:
-Anh Kính ơi…
Từ phía ngoài, Kính lật đật cầm cái đèn dầu bước vào:
-Em dậy rồi hả? Thằng bé đây này…
Vừa nói Kính vừa hạ thấp cái đèn dầu. Liếc mắt xuống, Chanh thấy một hài nhi đo đỏ quấn trong tấm vải xô trắng đặt phía cuối giường. Chưa kịp hỏi gì thêm, Kính đã cầm cái đèn đặt ra ngoài rồi quay lại, giọng gấp gáp:
-Anh chuẩn bị cơm nước xong rồi, em ăn uống cho lại sức rồi anh đèo em về về cơ quan luôn. Không để được đến mai đâu!
-Em mệt và đau lắm…
-Cố gắng thêm tý nữa rồi nghỉ ngơi một thể, chỉ đi dăm sáu tiếng là về đến nhà thôi mà…
Chiếc xe bỗng giảm tốc độ rồi chạy dệ sang một bên đường, tiếng tay phụ xe oang oác phía trước:
-Ai xuống Đền Duối thì ra đi nào!
Bà Chanh giật mình ngẩng lên ngơ ngác một thoáng rồi lập cập xuống xe. Một tấm biển vuông bên đường ghi dòng chữ: “Đền Duối 800m”, cùng với hình mũi tên to tướng, chỉ hướng vào một con đường bê tông cắm cờ phướn giăng giăng. Ghé vào một quán hàng chếch xa cái ngã ba đầy những người xe lượn lờ qua lại, gọi một chai nước lọc, bà Chanh nhấp một ngụm rồi đánh mắt nhìn bao quát ra tứ phía. Không một cảnh vật hay con người nào gợi lại cho bà chút hoài niệm. Thật ra, không phải người xưa cảnh cũ, mà là những ám ảnh bao lâu nay mới chính là nguồn cơn hối thúc bà hôm nay lần hồi trở lại nơi này….
Đền Duối từ xưa đã nổi tiếng linh thiêng. Có một thời kỳ vì bận rộn với chiến tranh và cơm gạo, hoạt động tín ngưỡng của dân chúng có phần thưa thớt, nhưng ngôi đền này chưa ngày nào tạnh hương nhạt khói.
Đêm hôm vượt cạn xong, theo sự sắp đặt của Kính, Chanh nén đau lục tìm mấy vuông vải hoa con công còn mới, quấn bọc cho đứa trẻ mới đẻ. Nhét thêm mấy chục tiền lương dành dụm vào trong bọc, Chanh lầm lũi ôm đứa bé ngồi lên xe đạp để Kính đưa đi. Sau một hồi gò mình đạp xe, Kính dừng lại thì thào:
-Cổng đền đây rồi, bế nó để vào dưới gốc cây duối rồi đi thôi.
Chanh ôm bọc hài nhi dùng dằng một thoáng, đã nghe Kính gằn giọng:
-Nhanh lên đi! Trời sáng đến nơi rồi…
Chanh lập cập ôm đứa trẻ đến dưới tán tối ỏm của cây duối. Đưa chân quờ quạng tìm một khoảng đất nhẵn nhụi, Chanh đặt đứa trẻ xuống đó rồi quả quyết quay ra. Kính đã ngồi chờ trên xe đạp, chân đặt sẵn lên pê-đan. Chanh vừa ngồi ghếch lên cái đèo hàng, chiếc xe đã khuệnh khoạng chở hai người lao đi…
Ông thủ từ Đền Duối là người đầu tiên phát hiện ra đứa trẻ, liền vội báo chính quyền. Năm ấy dân tình quanh đền đói kém lắm, chả ai dám nhận nuôi một hài nhi vừa mới lọt lòng. May sao đến trưa hôm ấy, một phụ nữ đến lễ đền đã xin nuôi đứa trẻ. Bà ta để lại món tiền trong bọc cho ông thủ từ, rồi ôm đứa trẻ cuốn trong mảnh vải hoa con công quầy quả ra đi. Vài năm sau ông thủ từ chết, dân quanh vùng chẳng còn ai nhắc đến chuyện đứa trẻ rơi ngày ấy…
Lặn lội dắt díu nhau về được đến căn phòng ở cửa hàng lương thực, Chanh sụp xuống ốm đau lê lết. Thuốc men quanh quẩn ở huyện mãi không đỡ, người ta đưa Chanh về bệnh viện tỉnh. Bác sỹ nói Chanh bị viêm dạ con, phải mổ, đồng thời khả năng sinh đẻ cũng coi như không còn nữa.
Thoát khỏi những tháng ngày thập tử nhất sinh, Chanh trở lại làm việc cũng là khi Kính có quyết định nghỉ hưu. Ông ta sốt sắng tìm mọi cách đưa Chanh vào thế chân chủ nhiệm cửa hàng. Một phần có lẽ là vì lời hứa với Chanh, còn phần khác là ông ta muốn được rút về trong sự bình lặng, sau tất cả những gắng gượng đến sọm người trong suốt thời gian qua.
Chanh lặng lẽ nhận công việc, lặng lẽ chia tay Kính cùng những sóng gió đã qua. Những lúc bình tâm, Chanh ngẫm nghĩ lại và nhận ra mình đã bị đẩy sang một ngả rẽ khác, không bao giờ trở lại được với những toan tính ban đầu nữa. Và rồi Chanh đã chủ động chuyển sang một lối sống hoàn toàn thay đổi, vừa buông tuồng phóng túng, vừa chi li lạnh lùng. Ở cái tuổi chưa tới ba mươi, sắc hương đương độ nồng nàn, nhiều đàn ông sẵn sàng cung phụng Chanh để được thỏa mãn. Chanh cũng chẳng e dè khách sáo, chỉ miễn sao có được thứ mình thích, mình cần. Để rồi khi cả hai đã có được những điều mong muốn, tất cả lại trở về chốn cũ, tuyệt đối vô tình và trật tự.
 Ngoài ba mươi tuổi, Chanh đã được chuyển về làm chủ nhiệm cửa hàng lương thực trung tâm thị xã, đụng chạm đến dạ dày của hàng ngàn con người. Cơ chế ngày ấy tạo điều kiện cho bà xưng hùng xưng bá, kiếm chác ra trò. Sẵn tiền, bà Chanh mua đất xây nhà làm nơi tụ tập, hoan lạc, lại mua xe máy đắt tiền lượn vè vè, đến cơ quan nào cũng lả lơi, hoan hỉ. Mỗi lần về quê, họ hàng, làng xóm lại chộn rộn hẳn lên bởi quà bánh, cỗ bàn bà Chanh tự bỏ tiền thết đãi.
Khi Nhà nước thay đổi cơ chế quản lý, bà Chanh lao vào làm đủ trò kinh doanh. Có một dạo, bà ta dồn góp tiền bạc, vay cả ngân hàng đi mua gom thóc lúa để xuất khẩu. Sau cú ấy, bà Chanh trắng tay. Cái quầy hàng bị đem ra đấu thầu cũng về tay người khác. Có mấy đồng lương hưu còm, bà cố dè sẻn mà tháng nào cũng thiếu hụt, khổ sở.
Giữa lúc ấy, có kẻ đến rủ bà lập “hụi”. Cứ theo cách người đó nói, bà chả phải bỏ ra đồng vốn nào, mà doanh lợi lại cao chất ngất. Bà Chanh xách túi lên đường và dây “hụi” hình thành. Tiền đổ về rủng rỉnh, bà ta lại có dịp xưng hùng xưng bá. Đùng một cái, chủ “hụi” ôm tiền bỏ trốn, và rồi cái kết cục tất yếu cũng xảy đến, kẻ mất tiền vỡ nghiệp, kẻ vướng vào lao lý ngục tù
Bà Chanh phải ngồi tù, nhà cửa, vàng bạc, tiền nong bị kê biên bán sạch. Có cái sổ lương hưu, bà cũng đem gán cho người ta để cho xong phần dân sự. Được ra tù trước hạn mấy tháng, bà lũi thũi về quê sống như cái bóng bên cạnh anh em ruột thịt. Một lần bà ca cẩm với cậu em:
-Cậu xem kiếm việc gì cho chị làm với. Cứ quanh quẩn thế này chắc chị chết sớm thôi.
-Tuổi bá bây giờ chỉ có đi làm ô sin trông con cho người ta thôi! –cậu em cao giọng.
“Trông trẻ ư? Cũng được đấy! Có khi lại vui ấy chứ” – bà Chanh nghĩ thầm như thế. Nhưng rồi ý nghĩ bà Chanh chững lại khi nghĩ đến cái “oai danh” những năm trước đây bà đã gieo rắc khắp vùng này. Chắc chắn khi biết bà là ai, người ta sẽ chẳng bao giờ dám thuê bà nữa. Nghe câu chuyện bàn thảo giữa hai người, đứa cháu gái xen vào:
-Để cháu lên mạng tìm, trên mạng cái gì chả có.
Theo cái địa chỉ đứa cháu tra được, bà Chanh lần tìm về tận Nam Định, bấm chuông một căn nhà như biệt thự to tướng. Một thiếu phụ chừng ngoài ba mươi ra mở cổng
-Tôi thấy nhà có biển đề tìm người giúp việc nên đến hỏi.
Bà Chanh nói ngay sau lời chào của người phụ nữ
-Đúng rồi ạ, mời bà vào trong này- người phụ nữ đon đả. Sau khi lấy cho bà Chanh một cốc nước lọc, cô ta nói ngay:
-Công việc cũng đơn giản thôi ạ. Sáng, bảy giờ bà đưa con bé nhà cháu sang lớp học bên kia đường, chiều, đúng bốn rưỡi lại đón cháu nó về. Trong ngày, nhờ bà quét dọn giúp cái phòng bếp và phòng khách, tưới ít cây cảnh ở đây. Thế thôi ạ.
Sau mấy câu trao đổi, rồi thỏa thuận, người phụ nữ chỉ căn phòng phía sau cái nhà để xe:
-Bà có thể nghỉ lại ở đây rồi giúp việc cho cháu luôn từ ngày mai.
Thì ra cô chàng tên Ngọc này chính là chủ nhân căn nhà. Mới ngoài ba mươi đã có tài sản cơ nghiệp to thế, chắc là dòng dõi có máu mặt đây! Bà Chanh vừa xếp dọn chỗ nghỉ trong căn phòng trống vừa thầm nghĩ. Nhưng rồi mấy ngày sau bà mới biết rằng mọi thứ không phải như vậy.
Ngọc làm việc trong cơ quan nhà nước, sáng nào cũng sáu giờ rưỡi là cưỡi xe đi, trưa đảo qua nhà một lát rồi lại đi tiếp đến chiều. Chồng Ngọc có vẻ trầm tính ít nói, làm việc ở công ty tàu thủy gì đấy, sáng nào cũng leo lên chiếc ô tô màu vàng từ lúc sáu giờ rồi đi đến hết ngày. Buổi chiều chồng Ngọc thường về muộn, có khi bỏ cả cơm tối.
-Chồng cháu mồ côi cha mẹ từ bé, người ta đem về đây nuôi. Máu mủ ruột thịt chả có ai đâu ạ.
Có buổi tối ngồi chờ chồng về, Ngọc kể cho bà Chanh như thế. Nhớ lại cuộc đời chìm nổi của mình, bà Chanh thầm rủa trong đầu: “Gặp vận đen thì rồi cũng như tao thôi con ạ!”.
Buổi sáng hôm ấy, bà kéo cái vòi nước ra tưới mấy khóm hoa. Bất chợt bà nhận ra một cái ví màu nâu nằm chềnh ềnh bên lối đi. Nhìn quanh quẩn không thấy ai, bà dúi nhanh cái ví vào cạp quần rồi lẳng lặng tưới cây tiếp. Chiều về, Ngọc nói với chồng:
-Anh à, sáng nay em đi làm đánh rơi cái ví rồi.
-Mất gì nhiều không em?
-Có cái thẻ ATM em báo khóa tài khoản rồi, tiền cũng chỉ có một ít, nhưng cái dây chuyền anh mua cho em cũng để trong ví, tiếc quá!
-Không mất giấy tờ là may rồi, mất những cái ấy không tìm lại được đâu. Thôi, của đi thay người em ạ.
Buổi tối, sau khi đóng cửa phòng ngủ, bà Chanh thì thụt mở cái ví ra xem. Mắt bà ta sáng lên khi nhìn thấy sợi dây chuyền lấp lánh. Đã có thời bà đeo những thứ này, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy sợi dây chuyền đẹp đến thế. “Vận may đây rồi – bà Chanh lẩm bẩm không thành tiếng: -Con bé chả nghi ngờ gì mình cả. Cái này bỏ rẻ cũng bằng cả năm tiền lương giúp việc”. Một dự định hình thành rất nhanh trong đầu. Tối hôm sau bà thẽ thọt với nhà chủ:
-Trên nhà có cái giỗ, xin phép cô cậu, mai tôi về nghỉ mấy ngày.
-Ô… , thế mà bà chả nói sớm để cháu đánh xe đưa bà về. Thôi được, để cháu thu xếp. Bà cầm giấy tờ và ít tiền đi đường. Về trên ấy bà lo công việc rồi xuống sớm giúp cháu! -Ngọc xuýt xoa
Bà Chanh không bao giờ quay lại, và cũng không liên lạc lại với nhà ấy nữa. Bà nói với mọi người:
-Nó cậy nhà giàu, khinh rẻ người ở, vừa hỗn láo lại vừa keo kiệt, chả ai chịu nổi.
Một buổi tối, đứa con ông anh cả thì thào với bà Chanh:
-Cô xem đây có đúng là cô không?
Nói rồi nó mở Facebook điện thoại cho bà xem. Một đoạn clip cắt từ camera an ninh ghi lại cảnh bà Chanh tưới cây rồi nhặt được cái gì đó. Kèm theo là dòng trạng thái nặng nề: “Sự tột cùng của khốn nạn. Mình thấy bà ta già cả, cô đơn nên nhận về giúp việc, đối xử tử tế, lương thưởng hậu hĩnh. Vậy mà bà ta còn đang tâm cuỗm đồ của mình rồi bỏ trốn”. Hình ảnh trong clip lòe nhòe, nếu chỉ nhìn vào đó cũng khó nhận ra bà Chanh.
Một thoáng chột dạ nhưng rồi bà Chanh đã lập tức đay đả:
-Tiên sư con đĩ! Nó bắt tao suốt ngày tưới cây với nhặt rác cho nó, thế mà nó còn dám vu oan giá họa. Tao mà gặp tao bửa mặt nó ra…
Bán cái dây chuyền được một món tiền kha khá, bà Chanh dự định mở quầy hàng buôn bán. Mọi thứ đã chuẩn bị xong rồi, ngày giờ cũng định rồi, chỉ vì cảm giác bất an cứ đeo đẳng mãi, bà đã quyết định về lại Đền Duối này để khấn cầu, xin quẻ…
Vặn lại nắp chai nước, bà Chanh gọi xe ôm chở vào trong đền. Phía ngoài cổng đền là một bãi để xe. Một loạt mấy cái ô tô đậu gióng hàng thẳng tắp. Bà Chanh chợt thót giật mình khi nhận ra trong đám ô tô có một chiếc màu vàng, giống như xe của nhà chủ nơi bà đã từng làm việc. Nhưng rồi bà ta lại tự trấn an: “Người ta sản xuất hàng loạt, thiếu gì ô tô giống nhau!”. Nghĩ thế nhưng bà vẫn chen bước lẫn vào giữa một đám đông cho kín đáo.
Cây duối cổ kia rồi. Dưới gốc cây người ta đã đặt thêm một án thờ. Mọi người ai cũng qua chỗ này thắp hương cáo trình rồi mới vào trong đền. Bất chợt bà Chanh nhận ra Ngọc. Cô chàng đang loay hoay cùng chồng con sắp lễ ngay dưới gốc duối cổ. Bà Chanh hấp tấp lách ra khỏi đám đông rồi thụt lùi lại quan sát. Chồng Ngọc lôi từ trong chiếc hộp mang theo một tấm vải hoa vuốt phẳng phiu trải bên gốc cây duối. Ngọc phụ chồng bày thêm hoa quả, bánh kẹo , đồ lễ. Bà Chanh trân trân nhìn vào tấm vải chồng Ngọc trải ra. Đó là tấm vải hoa con công giống hệt tấm vải bà đã bọc đứa trẻ bà đẻ ra trước khi bỏ lại chỗ này. Chỉ một thoáng, những sự kiện được bà Chanh xâu chuỗi lại. Đầu tiên là gốc cây duối này, rồi đến lời kể của Ngọc về xuất thân của chồng này, rồi tấm vải này, rồi tất cả lại dồn về đây đúng ngày hôm nay nữa…Đúng rồi, đúng chồng cô chàng kia là thằng bé đó rồi! Đôi chân líu ríu như muốn đưa bà Chanh nhào đến để mà thảng thốt: “Ta là mẹ con đây!”. Nhưng rồi những bước chân trốn chạy phũ phàng năm ấy, cả cái quá khứ đầy lậm luội, cả cái dây chuyền đoạt được mới đây, tất cả đã níu bà Chanh đứng lặng. Cặp mắt của bà đã ráo hoảnh quá lâu, bất ngờ rỉ ra đôi dòng lệ.
Bà Chanh bất chợt quay lại, lảo đảo đi tuột ra khỏi cổng đền, miệng lẩm bẩm: “Không được, không được” . Bà ta không đi theo hàng cờ phướn giăng ra ngoài phía ngã ba, những bước chân như vô định lại dẫn bà Chanh đi ngược lại con đường Kính đã đưa bà đến đây ngày này năm ấy. Cánh đồng trước mặt bà bỗng vàng rực lên, óng ánh, huyền ảo. Một sợi dây buộc đứa trẻ sơ sinh có khuôn mặt y như chồng Ngọc đang lơ lửng giữa giời. Bà Chanh giơ tay chìa về phía ấy thì sợi dây bỗng phựt đứt. Bà ta hét lên “Con…”, rồi lao mình nhào tới. Cả cánh đồng chợt rực đỏ sậm như máu rồi chuyển dần sang một mầu đen kịt.

Hôm sau, đài truyền hình địa phương thông báo tìm người nhà người đàn bà tên Chanh, bị cảm gần Đền Duối, do nhồi máu cơ tim đã tử vong tại bện viện huyện./.

Hoàng Khai, tháng Sáu năm 2019

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Lạc phố

Ngõ cuối, nắng tàn, không ngã rẽ
Phố lạ vô tình lạc mất nhau
Thôi đành gửi nhắn vào mây trắng
Một chút u hoài, một chút đau



Khúc cuối Hạ

Đã thưa xa tiếng sấm rền chiều Hạ

Đã khẽ gần chút gió thoảng sang Thu


Xin giữ trọn khúc giao mùa dang dở


Để trong nhau còn mãi chữ NGÀY XƯA


Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Cái ngày sang tuổi sáu mươi

Sáu mươi năm ấy chốn trần gian
Chứng bao kiếp nạn kẻ đa đoan
Mới hay nhân - quả như thách đố
Chỉ thấy Thịnh - Vong với Hưng - Tàn

Này đây người hiền xe cán chết
Kẻ cắt cổ người nhận huy chương
Phủi tay bá tính, nên thần thánh
Lặn lội dân sinh, hóa tầm thường
Này đây giáo lý khô xương trắng
Phàm tục nghênh ngang mỡ nạc dầy
Chữ nghĩa đầy mình thành rơm rối
Điếc ngọng tâm thành ngát hương bay....
Đâu kể sáu mươi là dài ngắn
Xấu đẹp ngại đâu tiếng luận bình
Chỉ luôn tự nhắc đừng huyễn hoặc
Không thích thứ không phải của mình....

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

CHỌN ĐỒ NGHỀ


Không ở cùng xóm nhưng thằng Hướng học cùng lớp với tôi suốt từ những năm cấp Một. Nhà tôi làm ruộng, còn bố mẹ Hướng làm công nhân giao thông. Tôi hơi rụt rè, còn nó thì táo tợn. Thích cái gì là nó chăm chăm “xoáy” cho bằng được. Mít, dứa, mía, bưởi… của thiên hạ, nó thì thụt “xoáy” mang về giấu vào đâu đó rồi thỉnh thoảng rủ bọn tôi đến chén!
Ở trường cấp Một chúng tôi học ngày ấy có thầy Đồng còn rất trẻ, quê ở mãi đâu xa chuyển đến. Thầy ăn mặc diện lắm. Đặc biệt thầy có cái bút máy Kim Tinh nắp mạ vàng lúc nào cũng trồi lên khỏi túi ngực áo sáng lấp lóa. Cái thứ ấy, ngày ấy,  chả cứ bọn trẻ chúng tôi, mà ngay cả người lớn nhìn thấy cũng phải ngưỡng mộ.
Một lần thầy cởi áo ngoài treo dưới mái lớp học để dạy thể dục. Thầy không dạy lớp tôi, nhưng hết giờ thầy lại nháo nhào chạy sang hỏi xem có em nào nhặt được cái bút thầy đánh rơi. Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau khiến thầy đành phải quay ra với nét mặt thất vọng tơi bời. Thầy đi rồi, chúng tôi ngẩn ngơ một lúc rồi mới tiếp tục học được. Có lẽ nhiều đứa cũng giống như tôi, tưởng tượng mình nhặt được cái bút ấy, rồi tự giằng xé trong đầu với câu hỏi: Trả lại hay giữ nó làm tài sản của mình?
Hôm sau, trên đường tan học về, Hướng bảo tôi:
-Mày về lấy con dao rồi ra Gò Ổi bổ mít. Hôm qua tao xoáy được của nhà lão Tương hai quả
-Nhưng tao còn phải ăn cơm chứ.
-Ăn cơm làm gì, mít ăn chả sướng hơn à?
-Nhưng tao không ăn cơm, bố tao nghi ngay.
-Thế thì tao về ăn cơm với mày rồi cùng đi
Tôi còn đang ậm ừ, thằng Hướng đã rẽ tuột cùng đi về nhà tôi. Gặp bố mẹ tôi, nó chào hỏi tử tế rồi liến thoắng:
-Chiều nay bọn cháu phải đi lao động ở trường bác ạ…
Thời chúng tôi, việc đi lao động theo phân công của nhà trường là chuyện thường xuyên, vì thế bố mẹ tôi chẳng lăn tăn gì, lại còn nhắc tôi thay cái áo ra, mặc cái áo cũ đi lao động cho nó khỏi phí…
Lần ấy, may mà chúng tôi về nhà ăn cơm, nếu không thì đói rã. Hai quả mít thằng Hướng giấu ở Gò Ổi vẫn còn non. Vần vò chán chê, đến khi thấy không thể ăn được, thằng Hướng lại vùi mít vào bụi rậm rồi rủ tôi về nhà nó chơi bi.
Nhà thằng Hướng ở là khu nhà tập thể của đội giao thông. Bố mẹ nó đi làm từ sáng. Hướng kéo tôi vào chỗ bàn học của nó rồi móc từ gầm bàn chìa ra trước mặt tôi một cái bút máy nắp mạ vàng óng ánh.
-Oách không? – Hướng nhăn nhở hỏi tôi
Nhìn kỹ thì đích thị là cái bút của thầy Đồng đây rồi. Tôi lắp bắp hỏi Hướng:
-Mày nhặt được hả?
Nó bĩu môi dài thượt, ánh mắt lộ rõ nét tinh quái. Chìa cái bút sát vào tận mắt tôi, nó lấp lửng:
-Mày thấy cái cài kẹp chặt như thế thì nó có tự rơi được không?
Rồi để mặc tôi mắt trợn tròn, mồm há hốc, thằng Hướng nhoay nhoáy rút vặn, giới thiệu cho tôi từng chi tiết tuyệt vời của cái bút, lại còn cho tôi viết thử vào cuốn vở nhàu nhĩ của nó mấy chữ. Thích thú lắm nhưng lo lắng và e sợ vẫn chập chờn trong tôi. Không nhìn vào nó, tôi ngập ngừng:
-Mày không sợ à?
-Sợ gì…, tao giấu ở đây, bố mẹ tao còn không biết cơ!
Được khoảng một tuần, chắc là đã chán, thằng Hướng đổi cái bút cho ông già “lông gà lông vịt” lấy mười cái kẹo mạ. Nó chia cho tôi hai cái, chả biết vì thân thiết hay là phần thưởng cho thành tích kín mồm kín miệng của tôi nữa…
Chưa học xong cấp Hai, thằng Hướng đã bỏ học đi chăn trâu kéo xe cho ông chú nó. Chú thằng Hướng là chủ lò gạch ngói có tiếng trong vùng. Có lẽ nhờ vào ông chú ấy nên nó ngày càng khấm khá. Vào cái khi tôi đang hì hục vật lộn với chữ nghĩa và đói khát trong trường đại học, thằng Hướng đã sở hữu hẳn một cái xe Honda 67, lượn nghênh ngang chả khác gì dân chơi phố thị….
Học xong đại học, tôi được phân công về làm giáo viên của một trường trung cấp ngay ở tỉnh nhà. Chiến tranh leo thang, tôi phải đi bộ đội mấy năm trên biên giới. Ra quân tôi lại về cơ quan cũ. Lấy vợ, sinh con giữa thời buổi kinh tế nước nhà khó khăn tột độ, tôi phải lăn lộn kiếm cơm ăn áo mặc tối ngày. Có đến dăm sáu năm liền, tôi quên bẵng hẳn thằng Hướng với những kỷ niệm lấm luối ngày thơ bé.
Vào một ngày đầu năm học, trường tôi tổ chức đón học sinh khóa học mới. Ngày ấy người ta đi học đông lắm. Những người đã lớn tuổi thì lo bổ sung bằng cấp, những học sinh trẻ thì hy vọng kiếm được một chân trong hệ thống lao động nhà nước. Tôi không có nhiệm vụ tuyển sinh nhưng tranh thủ lượn qua khu vực tiếp nhận hồ sơ để áng chừng mức độ công việc năm học. Bất ngờ thằng Hướng chạy đến trước mặt tôi, giơ tay chào rồi nhăn nhở:
-Hê hê… chào thầy giáo!
Đã nhiều năm rồi không nhìn thấy nhau, nên dù nhận ra nó ngay, tôi vẫn phải kêu lên thảng thốt:
-Hướng à? Mày đưa ai đi học thế?
Chợt nhận mình suồng sã không đúng chỗ, tôi kéo vội nó ra gốc cây xa hẳn đám đông ồn ào. Vừa dừng chân, Hướng đã lại hềnh hệch:
-Tao đưa tao đi học chứ đưa ai. Mày xem hồ sơ thế này ổn chưa?
Vừa nói, nó vừa dúi cho tôi túi hồ sơ tuyển sinh. Xem qua thì thấy đúng là thằng Hướng xin vào học lớp trung cấp trồng trọt thật. Lớp này không thuộc ngành đào tạo của tôi, nhưng dù sao cũng chung trong trường cả.
-Bây giờ đông lắm, cứ để hồ sơ mai tao nộp cho, thiếu cái gì thì bổ sung sau, lo gì.
Rồi chợt nhớ ra một thủ tục quan trọng, tôi vội hỏi lại Hướng:
-À…, mày có bằng cấp Hai chưa?
Vẫn bộ dạng nhăn nhở, Hướng chỉ vào túi hồ sơ trên tay tôi:
-Hi hi…, có cả bằng cấp Ba trong ấy rồi.
Hướng kéo tôi ra ngoài uống nước. Nó gọi một thùng bia Vạn Lực, mở nắp chai bôm bốp rồi cầm cả chai đưa cho tôi:
-Uống vô tư đi mày. Lâu quá rồi, không ngờ lại gặp nhau kiểu này….
Bọn tôi vừa nhâm nhi bia mực, vừa ríu rít hỏi han nhau. Thì ra Hướng bây giờ đang là công nhân trại giống lúa của tỉnh.
-Thời buổi xoay vần, ông chú tao không theo kịp, thế là bỏ nghề gạch ngói. Tao mò sang cái trại này làm tài xế “vô – lăng dây” kiếm hơn chục cân gạo, tờ phiếu vải với ít đồng lương qua ngày
Hướng buồn bã kể lại cho tôi nghe những bước đi của nó. Khi nhà nước chuyển đổi cơ chế quản lý, bỏ tem phiếu, thằng Hướng nhận ra chế độ quản lý theo bằng cấp đang mở ra. Nó hì hục xin đi học bổ túc.
-Cơ chế học hành thoáng hơn ngày xưa nhiều- Hướng lại hềnh hệch cười rồi oang oang: -Cái bằng cấp Ba ấy tao “làm” một năm xong luôn!
-Sao mày không học kinh tế hay cơ khí ấy, sau này đỡ chân lấm tay bùn?
-Vui đâu chầu đấy thôi mày ạ. Ở cái trại này, bằng cấp phải có tý “giồng giọt” mới hy vọng được cất nhắc. Hì hục học rồi lại đi làm lấy mấy đồng lương bèo thì học làm gì?
Thì ra thằng này cũng có chí hướng phấn đấu làm lãnh đạo quản lý cơ đấy. Tôi cảm thấy thực sự vui vẻ. Chưa biết tốt xấu đến đâu, nhưng ít nhất, cái nỗi ám ảnh về tính thích “xoáy” của thằng Hướng cũng giải tỏa khỏi đầu tôi.
Quả là thằng Hướng có chí thật! Sau hai năm học ở trường tôi, có giáo viên kêu ca, có người lại khen ngợi. Chả rõ thực hư ra sao, nhưng cuối khóa nó đỗ tốt nghiệp loại Giỏi luôn. Được cất nhắc làm đội trưởng sản xuất, nó lại cậy cục đi học đại học liên thông ngành quản lý kinh tế. Hướng bảo tôi:
-Thời kinh tế thị trường, người ta trọng cái bằng kinh tế mày ạ!
Có lẽ nó đã đúng. Có trong tay cái bằng đại học, cùng với sự xoay xở “cơ chế” thế nào đó, Hướng được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm giống cây trồng của tỉnh nhà. Gia cảnh nhà Hướng đi lên như diều gặp gió. Nó mua mấy khu đất rồi làm thêm nhà vào ở trong thành phố.
 Một lần Hướng hẹn tôi đến nhà nó chơi. Hôm đó là chủ nhật. Vợ con Hướng về quê cả. Nó bảo:
-Lâu lắm mới có dịp thư thả ngồi với nhau, để lũ ấy ở nhà ầm ĩ láo nháo lắm.
Trong một khuôn viên rộng rãi, ngôi nhà thằng Hướng ở như lọt thỏm giữa đủ các loại cây xanh trồng loạn xạ. Nó giảng giải:
-Bây giờ còn đang đi làm cả, bày ra nhà cao cửa rộng chỉ tổ thiên hạ nó nhòm vào, cứ làm đủ ở là được …
Nói có vẻ đơn giản thế chứ bên trong cái nhà nó ở tiện nghi sang trọng lắm, nội thất toàn thứ đồ đắt tiền, toàn những thứ tôi có mơ cũng chả dám.
Sau chầu cà – phê, Hướng đưa tôi đi dạo khắp khuôn viên. Chỉ một vòng quanh khu vườn, Hướng nói với tôi đầy vẻ tự đắc:
-Gần năm ngàn mét vuông đấy. Trừ cơ quan nhà nước, chả thằng nào ở đây gom được mảnh đất bằng tao đâu. Mà đất ở đây là vàng mày ạ.
Một lối đi nhỏ bằng bê tông dẫn chúng tôi tới một căn nhà nhỏ lợp ngói đỏ cửa khóa im lìm, cột gỗ, cửa gỗ đều sơn bóng nhoáng. Đến trước ngôi nhà, Hướng bảo tôi:
-Đây là nhà thờ tổ của tao.
-Mày làm trưởng họ à? – tôi nhướng mắt hỏi nó
-Không, nhà thờ ông tổ nghề của tao.
Nghe Hướng nói, tôi trợn tròn mắt vì ngạc nhiên. Sợ nghe nhầm, tôi lắp bắp hỏi lại nó:
-Tổ… tổ nghề… Mày nói thật đấy chứ?
Thằng Hướng chắp tay cung kính vái về phía ngôi nhà rồi trầm giọng nghiêm nghị:
-Trước mặt thần linh, tao lại dám nói dối sao?
Như để khẳng định lời nói của mình,  nó quay sang bảo tôi:
-Mình vào thăm ngài một lát đi!
Hướng móc túi lấy chìa mở khóa, đẩy cửa bước vào trong căn nhà. Tôi thận trọng bước vào theo. Trước mắt tôi là một hương án sơn son bày biện đủ cả lư hương, chân nến với hạc chầu. Một khung tranh sơn son bóng nhoáng được đôn cao ở chính giữa ban thờ, trong khung lồng bức tranh vẽ theo lối cổ. Thằng Hướng đốt một nén hương cắm vào lư hương rồi cung kính vái lạy. Chả hiểu gì nhưng tôi cũng lẳng lặng vái theo. Lúc ngước lên nhìn vào bức vẽ, tôi nhận ra đó là hình vẽ một người đàn ông cầm đao dáng như các tranh vẽ Quan Công, nhưng vị này lại có bộ râu và đôi lông mày trắng tinh, dài thượt. Tôi ngờ ngợ đã nhìn thấy hình tượng này và đã đọc vài thông tin liên quan ở đâu đó. Trí tò mò nổi lên, tôi giả vờ quan sát kiến trúc ngôi nhà để lượn lại gần bức vẽ. Thôi đúng rồi! Bên dưới cặp lông mày trắng dài thượt là một đôi mắt đỏ ngầu dục vọng. Đúng là thần tổ nghề thật. Nhưng mà…
Trong những bước đi trở về gian phòng khách, trong đầu tôi ngổn ngang đủ loại ý nghĩ về thằng bạn thuở thiếu thời. Không ngờ một thằng bé láu cá rất thích đi trộm vặt như thằng Hướng lại có chí tiến thủ rất thành công, bây giờ lại thành kẻ có “đạo”, có tín ngưỡng rạch ròi đến vậy. Nhưng mà cái “nghề” mà nó thờ, tôi không thể hiểu. Trở lại bàn uống nước, vừa ngồi xuống ghế, tôi hỏi nó ngay:
-Này, tao thấy lâu nay mày toàn làm sếp, có làm nghề gì đâu?
-Hê hê…, mày học nhiều hơn tao nhưng có một thực tế mày không nhận ra. Tao chưa bao giờ coi làm sếp trong các cơ quan nhà nước là một nghề nhá. Nghề phải là những việc kiếm ra cơm áo, gạo tiền, tạo dựng lên được cơ nghiệp cho gia đình vợ con cơ.
-Thì người ta học hành, làm quan, hưởng bổng lộc của nhà nước. Đấy không là cơm áo, không là tiền bạc thì là gì?
-Mày nói đúng! Nhà nước không cấp bổng lộc hay ưu đãi thì chả ai lặn lội tìm đến mấy cái chức tước hão làm gì. Cũng như cái danh “thầy giáo”, nghe oai đấy, nhưng thử hỏi nếu không có cái biên chế của nhà nước thì có mấy người dám theo?
Hừ! Thằng này ranh thật. Từ thời chúng tôi, khi thi đại học, đứa nào chẳng biết câu: “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư phạm”. Lý do đơn giản để “bỏ qua” là vì nghề ấy được nhà nước cấp ít gạo nhất, “mầu mè” lại chẳng có gì. Đến thời kỳ nhà nước có chính sách ưu ái lương bổng cho nhà giáo, lập tức các trường sư phạm lại đông nghẹt người học. Gần đây cơ chế quản lý siết chặt lại, học xong không có biên chế nữa, số người đi học nghề này giảm hẳn…Nhưng mà tôi đang hỏi nghề của nó, nó lại lảng sang nghề của tôi. Không được!.
-Mày nói mâu thuẫn bỏ mẹ!- Tôi kiên quyết chuyển hướng: - Mày bảo nghề phải là việc kiếm ra cơm áo, làm sếp cũng kiếm ra lương bổng, thế thì sếp cũng phải là một nghề chứ?
“Đẹt, đẹt!” – lập tức thằng Hướng vỗ hai tay vào nhau rồi cười phá:
-Ha ha…, mọt sách ơi là sách mọt….
Cười xong, nó cúi người hướng thẳng vào tôi, nét mặt đầy vẻ nghiêm trọng:
-Mày tính giúp tao xem số tiền lương với phụ cấp làm sếp hàng tháng liệu có đủ để chi tiền học hành, thi cử, rồi tiền cống nạp, tiền “cơ chế”…hay không? Thế thì tiền đâu mà nuôi vợ con, tiền đâu mà sắm sửa?
-Tại mày tham, tao với khối người tiền lương ba cọc ba đồng, đã chết đâu?
-Tao không giống mày đâu – Hướng xua tay rồi hạ giọng: -Mày học hành có đầu có đũa, tính mày hơi nhát lại an phận. Tao thì học lỗ ba lỗ bỗ, bằng cấp, chức vị toàn theo kiểu “cơ chế” mà ra, không chi không được chứ!
 Thì ra cái tôi nghĩ là ý chí phấn đấu của thằng Hướng nó lại là như thế. Kiểu “phấn đấu” như nó cũng chẳng phải hiếm gặp. Khi cơ chế tiền – hàng mới vận hành, việc không kiểm soát hết được sự nhảy múa của tiền bạc cũng là dễ hiểu!
Bọn tôi cùng trầm ngâm một lúc. Chả biết Hướng nghĩ gì, tôi thì vẫn quanh quẩn suy đoán về cái nghề mà nó thờ phụng, chả hiểu là thế nào.
-Này… -Tôi dè dặt: -Có phải vị thờ ở kia là thần Bạch Mi không?
-Lạy thánh! Đúng rồi, chính danh ngài đấy! – Vừa trả lời tôi, Hướng vừa cung kính chắp tay vái về ngôi nhà thờ tổ nghề của nó.
-Nhưng …hình như đấy là ông tổ nghề… “ấy” cơ mà? –Tôi ngập ngừng đưa ra băn khoăn của mình
-Chắc mày cũng biết rồi hả? Ngài chính là ông tổ nghề ăn trộm đấy, nghề của tao đấy!
-Xì… -tôi cười phì ra: -Bộ dạng như mày bây giờ mà lại còn đi “xoáy” được à?
-Hì hì… -Hướng cũng nhệch miệng cười: -Không “xoáy” mà bây giờ tao có được những thứ này à? Nhưng không phải cái trò trèo tường, khoét ngạch hay “hai ngón” đâu. Những thứ tao cuỗm được là không của ai cả…
-Của nhà nước chứ gì? – Tôi cắt ngang lời Hướng: -Của nhà nước cũng là của dân làm ra đấy chứ. Dù là trộm của ai thì xã hội cũng không chấp nhận được đâu.
-Biết ngay là mày sẽ lôi vấn đề đạo đức ra. Nhưng tao nói mày nghe, đã làm công nhân viên nhà nước, phần lớn đều xà xẻo, nói đúng mức là trộm cắp. Không nhiều thì ít, không tiền bạc thì “xoáy” thứ khác. Ngay nghề dạy học như mày cũng có khi ăn bớt thời gian, ăn bớt quy trình. Thế nhưng chả ai tự nhận mình là thằng ăn cắp, có phát hiện ra thì cũng không bao giờ bị kết tội trộm cắp cả.
Thằng Hướng vừa diễn thuyết, vừa chặt tay xuống bàn một cách hùng hồn. Rồi có vẻ như muốn nghe ý kiến phản biện của tôi để làm động lực cho màn diễn thuyết tiếp theo, Hướng dừng lại rồi vơ cốc nước trên bàn chiêu một ngụm. Tôi và Hướng cùng ngồi lặng đi một lúc, nó quay ra thủ thỉ:
-Nhà nước gọi hành vi ăn cắp của công ấy là tham ô, tham nhũng. Chả ai nghĩ tham ô, tham nhũng là một nghề, giống như nghề trộm cắp. Nhưng tao nghĩ khác. Đó đích thị là nghề trộm cắp!
Bất giác tôi nhếch mép để cho mấy tiếng cười hình hịch từ trong cổ thoát ra với đầy vẻ bí hiểm. Thật ra chả có gì nghiêm trọng. Chỉ là tôi chợt thấy cái kiểu qui nạp của thằng Hướng có gì đó vừa hài hước vừa  méo mó mà tôi không diễn đạt được. Không để ý đến thái độ của tôi, thằng Hướng tiếp:
 -Đã là nghề, khi kiếm chác được tức là được lộc, phải hiểu đó là ơn mưa móc của sư tổ. Đạo làm nghề nó là như thế. Nhiều thằng tham ô vơ vét được cứ nghĩ là tài giỏi, chả biết đến oai linh thần thánh, thế là lòi đuôi, trắng cổ, lại còn chui đầu vào tù tội. Trong khi đó, tao thờ cúng kỹ lưỡng, được ngài phù hộ, mọi sự cứ thanh thản như không.
-Vị này thiêng thế cơ à?
-Lạy thánh! –thằng Hướng lại cung kính vái về hướng cái điện thờ. –Ai nghĩ về ngài như thế nào tao không biết, nhưng vụ việc nào tao cũng thỉnh ý của ngài. Vụ nào ngài không đồng ý, tao bỏ qua ngay. Vụ nào ngài cho là suôn sẻ hết.
Nhìn vào ánh mắt của thằng Hướng, tôi hiểu nó đang có một đức tin mãnh liệt vào thần thánh. Sự sùng tín của Hướng đã đến mức mê tín mất rồi! Có lẽ cái nhãn quan nghề nghiệp của nó đã được đức tin ngây ngô ấy nhào nặn và trói buộc. Cùng với  khát khao vô độ về tiền bạc,  sự sùng tín mê muội sẽ sớm đưa nó đến cung đời tăm tối mất thôi.
Tôi biết thế và cũng biết rằng tôi không đủ bản lĩnh để thay đổi được đức tin ở một con người đầy cá tính như Hướng. Tôi chợt ước trước mặt tôi vẫn là thằng Hướng ngày thơ, hoang dại và láu lỉnh. Tôi sẽ thường xuyên rủ nó về nhà ăn cơm, cùng vô tư đùa vui, không để cho những đức tin u ám buông lên đầu hai đứa. Nhìn Hướng với ánh mắt lo lắng, tôi chép miệng:
-Mất bao nhiêu công học hành, phấn đấu, đến lúc thành công, thành danh rồi lại phó mặc cho thần thánh, tao thấy phí quá!
-Cái chỗ này mày cũng lại chưa hiểu. Nghề nào cũng cần có đồ nghề. Bằng cấp với chức tước chính là đồ nghề của tao đấy. Có đồ nghề tốt thì mới tiếp cận được những mánh mối kếch xù. Không phải con ông cháu cha nên chả có ai truyền đồ nghề cho tao. Vì thế nên tao mới phải đầu tư bao nhiêu là tiền của. Phí là phí thế nào?
Tôi không ngờ Hướng lại có một tư duy rạch ròi đến thế. Dẫu đó chỉ là sự rạch ròi đầy mâu thuẫn và lệch lạc, nhưng chắc chắn đó là kết quả của cả một quãng đời nó nung nấu, nghiền ngẫm và trải nghiệm.. Tôi muốn làm một việc gì đó, muốn nói một câu gì đó để xóa tan những tư duy ấy trong đầu Hướng. Nhưng rồi cái bản tính nhút nhát, an phận, đã trùm tấm khăn mang màu bất lực lên đầu tôi.
Nhúc nhắc toàn thân để cố thoát khỏi nỗi thất vọng tràn trề, tôi nói vớt vát:
-Mày biết câu “luật pháp đình như lưới trời lồng lộng” rồi chứ gì? Tao sợ rồi thần thánh cũng chả giúp được đâu.
-Hi hi… biết là thế nên tao mới phải thường xuyên cầu ngài chỉ cho đường đi nước bước chứ…
Bất giác tôi quay sang nhìn thằng Hướng suốt một lượt từ đầu đến chân. Vẫn cái ánh mắt láu lỉnh và bộ mặt đầy cá tính, vẫn giọng nói liến thoắng ngày xưa…, vậy mà tôi cảm thấy nó xa lạ quá. Trước mắt tôi, Hướng không còn là thằng bạn ấu thơ xưa nữa, mà là một dị nhân kỳ quái, với những đức tin vừa ngây ngô, vừa huyền bí. Cảm giác xa lạ ấy khiến tôi không thể tiếp tục ngồi lại bên Hướng nữa. Tôi lấy cớ gia đình có việc rồi lũi thũi trở về. Sắp ra đến cổng, tôi chợt nhớ đến mấy thông tin đã từng đọc về việc thờ phụng thần Bạch Mi. Tôi hấp tấp dừng lại rồi đến gần nó nói thật nhỏ:
-Tao nghe nói không phải ai hành nghề ăn trộm cũng được lập bàn thờ thần Bạch Mi đâu. Mày xem lại kẻo có gì thất thố là gay đấy.
Chả biết Hướng có biết những cái  quy định trong nghề như thế hay không. Nghe xong, tôi chỉ thấy nó nhếch mép cười rồi gật gù có vẻ tự tin lắm.
Hai năm sau, trung tâm của thằng Hướng xảy ra kiện cáo, nhà nước cho thanh tra vào cuộc. Hàng loạt các vi phạm trong hoạt động dự án và sử dụng đất đai được lôi ra. Thằng Hướng phải bán tống tháo tài sản khắc phục hậu quả mới tránh được cái tội tham ô, nhưng rồi vẫn bị kỷ luật đảng và cách chức. Không biết vì mất đồ nghề hay mất đức tin, một năm sau Hướng xin nghỉ hưu “non”. May mà có cái nhà cũ đứng tên vợ nó vẫn còn giữ được làm nơi sinh sống. Sẵn có cái bằng trung cấp ngày xưa, nó mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, thu nhập khá ổn.
Một hôm nó gọi điện cho tôi:
-Chủ nhật này mày có rỗi rãi không?
-Nghỉ ngơi thôi. Có việc gì à?
-Sang nhà tao uống rượu nhé!
-Có tổ nghề mới hả?
-Mày chỉ được cái nhớ dai.... Chuyện ấy xưa rồi! Tao kỷ niệm ngày hạ cánh thôi!
-Bày vẽ ghê quá…., nhưng ô kê, tao sẽ có mặt đúng hẹn đấy!