Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Con sáo biết nói tiếng người




CON SÁO BIẾT NÓI TIẾNG NGƯỜI
Choách là một con sáo nhỏ. Dòng giống nhà Choách thuộc hàng cao quý trong họ nhà sáo. Khác hẳn lũ Sáo Đá mốc xì và đám Sáo Đen mỏ bạc chân chì, Choách có một thân hình thanh thoát, bộ lông đen mượt như nhung điểm xuyết đôi bông tuyết trắng nơi đầu cánh, cái mỏ vàng óng lại gắn thêm một cái mào lông trên đầu nhọn hoắt, kiêu hãnh! Ngoài ra họ hàng nhà Choách còn có giọng hót véo von nổi tiếng! Tất cả những điều này thực ra chỉ toàn là nhận xét đánh giá của con người thôi chứ Choách làm sao mà biết được, thậm chí nó còn không biết mình có phải là giống sáo hay không nữa!
Bố mẹ Choách sinh ra anh em Choách trong một cái tổ trên ngọn cây cao tít. Vào một buổi trưa, có một đám trẻ trâu hè hụi leo lên lôi anh em nhà Choách xuống rồi chia nhau đem về nuôi. Khi ấy Choách còn non lắm, lông chưa mọc kín thân, hai mép thì bè ra rộng hoác! Thằng trẻ trâu đem Choách về nhà nuôi bằng cơm nguội, chuối chín và đủ thứ côn trùng nó bắt được. Dần dà Choách cũng khôn lớn. Lông cánh, lông đuôi mọc đủ, hai mép gọn bớt lại, biết tự mổ lấy mồi ăn, biết chạy nhảy từ chỗ này sang chỗ khác... Đúng lúc ấy thì Choách bị thằng trẻ trâu kia bán đi để lấy tiền mua sách vở.
Ông chủ mới của Choách không biết làm nghề gì nhưng xem ra có vẻ mầu mỡ lắm! Mới bốn mươi nhưng thân hình ông ta đã phì nộn, sùm sụp như một đống rơm. Cái mặt thì nung núc toàn thịt lại bóng nhoáng. Choách được ông chủ thửa cho một cái lồng sơn son thiếp vàng với bốn mái cong lộng lẫy. Trong lồng có đủ bồn nước, máng ăn bằng sứ trắng bong. Thức ăn thì toàn những thứ vừa ngon, vừa bổ. Nào là cám viên, nào là sâu nhộng sấy khô, nào là thịt nạc tươi thái nhỏ...Choách cứ việc thoả thích ních cho căng diều, chả còn phải trợn mắt nuốt lũ cào cào đồng to tướng hay ngoác miệng đòi ăn suốt ngày như trước nữa! Nhờ thế mà chả mấy chốc Choách đã trở thành một chàng sáo óng ả, mỡ màng, khiến cho những người qua lại nhà ông chủ không ngớt lời xuýt xoa tấm tắc!
Cứ nhìn về mặt phong lưu thì có thể nói Choác thuộc hàng những kẻ may mắn lắm. Con người cứ đem cái câu “cá chậu chim lồng” để ví von mãi tận đâu dâu, chứ với Choách chuyện ấy xem ra chả có gì ghê gớm! Mà nhìn ra so với lũ chim chóc hoang dã vô chủ ngoài kia, Choách còn sung sướng hơn chán vạn lần ấy chứ! Chỉ riêng cái khoản ăn uống thôi, trong khi máng ăn của Choách lúc nào cũng thừa mứa, thì lũ chim vô chủ kia thì phải tất bật vạch lá tìm sâu, đuổi bắt cào cào hay nhặt rận trên lưng trâu từ sáng tới tối mà chưa chắc đã đầy diều. Lại thêm nơm nớp nối lo bị vướng bẫy, sập cạm, rồi thì rắn đớp, mèo vồ, người săn... đủ thứ tai hoạ rập rình! Choách thì chả cần biết đến những thứ ấy. Hàng ngày cứ việc nuốt cho căng diều, rồi thì rỉa lông, rỉa cánh, rồi thì gà gật mà ngủ, lúc phởn lên thì lại nhảy nhót quanh lồng cho đỡ cuồng chân cuồng cánh, chán chê rồi thì lại mổ, lại nuốt...
Cũng có khi nhà ông chủ đi vắng hết. Choách bơ vơ một mình trong căn nhà như cái hộp bê tông kín bưng, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những lúc ấy Choách cũng thấy vơ vẩn buồn! Nói là “vơ vẩn” là vì Choách chỉ thấy loáng thoáng cái cảm giác lẻ loi thế thôi, chứ nó có biết nối tiếc hay nhớ nhung một cái gì cho rành rẽ đâu, đến cả giống loài nó còn chẳng biết, chẳng nhớ nữa là...Vào những khi “vẩn vơ” ấy, Choách bỗng muốn hót lên mấy tiếng cho bớt trống trải. Khổ nỗi cả đời nó chưa bao giờ được nghe tiếng sáo hót như thế nào cả nên nó chẳng biết đàng nào mà bắt chước theo. Trong cái thế giới nó đang ở bây giờ chỉ nghe thấy tiếng xoe xoé đến lọng óc của bà chủ, tiếng ông chủ thì khùng khục rợn người, tiềng còi xe, tiếng máy nổ ồn ã, láo nháo ngoài đường, tiếng trẻ con láo nháo...Những thứ tiếng ấy nó chẳng hiểu gì nên không bắt chước được. Vì thế rặn mãi cổ Choách cũng chỉ phát ra được mấy tiếng “choách choách” vừa vô duyên, vừa chối tai, đến là chán!
Hình như Choách cũng cảm nhận được sự vô duyên của cái tiếng “choách choách” ấy. Dần dà Choách tập trung để ý những âm thanh xung quanh cái thế giới “hộp bê tông” của nó hầu tìm ra được một vài tiếng kêu gì đó có thể bắt chước được.
Nhà ông bà chủ của Choách có hai đứa trẻ con. Thằng lớn tên Tửng, con bé tên Nhẽo. Chẳng mấy khi hai đứa chúng có mặt ở nhà. Đi học về, chúng lại tụ bạ cùng đám trẻ con hàng xóm chơi những trò chơi riêng của trẻ con mà trong cái thế giới “hộp” nhà chúng không thể có được. Một lát sau, mẹ chúng hình như nghĩ ra điều gì đó, liền ra cửa đứng réo rắt: “Tửng ơi! Nhẽo ơ.. ơ..i...”. Hai đứa trẻ gần như đồng loạt từ một chỗ nào đó chạy về đứng cúi đầu nghe mẹ chúng giảng giải đủ điều từ vệ sinh răng miệng đến vệ sinh thân thể rồi là đối nhân sử thế ra sao..v..v..., cùng hàng loạt các quy tắc nghiêm ngặt! Nhưng hình như tất cả những cái đó không đủ sức mạnh để giữ lũ trẻ ở lâu trong cái thế giới “hộp”, vì thế chỉ một thoáng sau chúng lại lần đi tụ bạ ở đâu đó. Và rồi mẹ chúng lại phải ra cửa mà réo rắt: “Tửng ơi ơ.. ơ..i...”! Nhẽo ơ.. ơ..i...”. Cứ thế, một ngày Choách phải nghe cái điệp khúc ấy đến ba bốn bận. Chẳng hiểu gì nhưng Choách thấy quen tai, thế là nó tọng tọe bắt chước. Được vài bận thì cái tiếng “Tửng ơi, nhẽo ơi” nghe đã rõ. Thằng Tửng thấy thế lại sinh chứng choạnh choẹ với Choách! Nó thường thò tay qua kẽ nan lồng để doạ Choách và chửi: “Mẹ bố mày! Mẹ bố mày!”. Được vài bận, Choách nghe thấy hay hay và bắt chước theo. Thế là cái vốn liếng âm thanh của Choách được bổ sung thêm mấy tiếng ấy, không còn đơn điệu “choách choách” như trước nữa.
Đối với Choách, những tiếng mà nó bắt trước được chẳng qua chỉ là thứ âm thanh để mà kêu, mà hót thôi. Cả khi vẩn vơ buồn bã, cả khi thích thú phởn phơ hay khi bực bội cáu giận ...Choách cũng cứ mấy cái tiếng ấy mà nheo nhẻo lặp đi lặp lại: “Tửng ơi mẹ bố mày, Nhẽo ơi choách choách, mẹ bố mày Tửng ơi..”. Thế nhưng đối với ông bà chủ thì đó là cả một điều kỳ diệu! Họ hân hoan hỉ hả với nhau mà rằng:
-Con sáo nhà mình thông minh lắm, học nói đã nhanh lại “sõi”, mà nó khôn ghê lắm cơ, chỉ thích gọi hai đứa con nhà mình thôi!
Họ lại còn rủ rê cả bạn bè để đến nhà mà nghiêng ngó và tán tụng, cứ làm như Choách sắp thành “Thần Điểu” đến nơi vậy!
Có một kẻ lại tỏ ra hằn học khi thấy Choách nói được, đó là thằng Tửng! Tửng ta có vẻ vô cùng khó chịu khi thấy con chim kia cứ nhảy nhót trong lồng mà nheo nhéo những cấu ngô ngô ngọng ngọng. Giá mà nó cứ choách choách như trước nó còn ra vẻ một con chim hơn! Bực nhất là trong cái tiếng kêu nheo nhéo ấy, cái tên của anh em nó lại cứ réo lên suốt cả ngày. Càng doạ dẫm, con chim lại càng nheo nhéo nhiều hơn, thằng Tửng nghĩ cách tống khứ con chim đi. Một hôm bố mẹ thừa cơ không để ý, thằng Tửng bỏ dở cuộc chơi, len lén mò về mở cửa lồng chim toang hoác rồi lại lập tức lẩn đi ngay. Choách thấy cửa lồng đã mở liền nghiêng ngó một hồi xung quanh, thấy an toàn Choách ta bay vụt ra đậu trên cành hoa giấy trước nhà. Lâu lắm rồi Choách mới có dịp đứng giữa không gian trời đất thoáng đãng thế này. Nó khoan khoái duỗi chân, duỗi cánh rồi kêu toáng lên: “Tửng ơi Nhẽo ơi, choách choách mẹ bố mày”. Bà chủ trong nhà giật mình nhìn ra thấy Choách ra khỏi lồng đứng đó liền biến sắc mặt xám xanh như người bị trúng gió. Mắt trợn tròn, vừa chỉ tay về phía con Choách đứng, bà ta vừa ú ớ:
-Con..con sá...o nhà...nhà mi...ình… Ông chủ liền bật dậy rồi bổ ngay đến bên chiếc lồng chim xem xét. Có lẽ vì không giải thích được nguyên nhân đã làm cho con chim sổ lồng, ông ta liền nuốt nước bọt nghe “ục” một cái rồi quay ra lầm lừ nghiến răng đứng nhìn Choách. Trong nhà bà chủ rền rĩ:
-Giời ơi, thế là bay toi mất con chim thôi hư...hư! Công nuôi dạy nó đến giờ hừ...hừ..thế là ra sông ra biển hết rồ...ồi ...
Rồi chợt ngĩ ra điều gì đó, bà ta bật đứng lên túm lấy vai áo ông chồng, mắt bà long lên, giọng bà rít lại:
-Anh đi gọi người đuổi bắt cho bằng được con sáo , không bắt được thì đập hay bắn chết mang về. Đừng có thằng nào, con nào vội hí hửng nẫng được chim nhà này nha..á..!
Mấy câu cuối bà ta đổng giọng lên chĩa sang mấy nhà hàng xóm với đầy vẻ hằn học và đe doạ. Ông chủ nhăn mặt lại, khẽ gắt vợ:
-Cô làm gì mà ngậu xị cả lên thế? Làm con chim sợ bay mẹ nó đi mất bây giờ! Cứ mở cửa lồng sẵn đấy, bỏ thức ăn vào, đến lúc đói nó lại khắc mò vào thôi!
Ông chủ quả là người có kinh nghiệm thật! Choách nhảy nhót hồi lâu, thấy bụng đã vơi vơi mà chẳng kiếm được cái gì nuốt. Trời đất thì rộng đấy nhưng nhộn nhạo toàn người lạ cùng ô tô, xe máy khiến Choách sợ, chả dám bay đi. Nhặt mấy hạt sạn nuốt vào càng thấy cồn cào tợn. Choách nhớ đến  máng thức ăn trong cái lồng sơn son thiếp vàng kia, lúc nào cũng ngồn ngộn đồ ngon, thức bổ. Sau khi nghe ngóng động tĩnh một hồi, Choách rón rén chui vào cái lồng đã mở cửa sẵn. Trong lồng toàn những món khoái khẩu! Choách làm một diều đầy, thêm vài ngụm nước rồi co chân gà gật ngủ. Trong nhà, ông bà chủ lặng im theo dõi từng cử động của Choách rồi khoái chí cười rúc rích với nhau. Ông chủ ra giọng đắc thắng.:
-Cô thấy không? Cái giống sáo này là nó “tình nghĩa ” lắm, chưa chi đã phải cuống quýt lên! Nó đi thế nào được? Từ nay cứ để nó ra ngoài “nói” cho vui nhà!
Kể từ đó Choách được ra ngoài thoải mái. Nó nhảy nhót trên cành hoa giấy chán lại mò ra cây quất cảnh sau nhà. Đói, Choách lại chui vào lồng mà mổ rồi đậu luôn trong ấy mà ngủ. Thế giới bây giờ có được mở rộng hơn trước nhiều lắm nhưng lại có thêm nhiều mối đe doạ khiến Choách cứ phải giật mình thon thót. Bởi thế Choách chỉ quanh quẩn một lát rồi lại chui tọt vào lồng, chả dám bay đi đâu xa cả.
Một lần, có đám sẻ ríu rít đến kiềm mồi dưới gốc cây quất cảnh. Thấy vui, Choách lân la đến gần tính làm thân. Ngờ đâu Choách vừa khẽ khàng hót được một tiếng “Tửng ơi” lũ sẻ đã giật bắn mình vọt bay đi mất dạng, để lại Choách đứng tưng hửng một mình. Buồn quá, Choách lao lên đậu trên bờ tường rào bao quanh nhà ông chủ, nheo nhéo một hồi: “Mẹ bố mày choách choách Tửng ơi nhẽo ơi”. Bỗng nó phát hiện thấy có một đám năm con sáo đen từ đâu bay tới đáp ngay xuống thửa đất ngoài tường rào. Đám này cũng mỏ vàng, chân trắng, đúng dòng họ nhà Choách đây rồi! Theo bản năng, Choách lên tiếng rúi rít để gọi bầy:
-Choách! Tửng ơi nhẽo ơi mẹ bố mày!
Cả năm con sáo giật mình nghển cổ ngơ ngác! Chúng đã nhận ra Choách đúng là một con sáo cùng dòng giống với chúng, nhưng cái tiếng kêu kia thì lạ quá, không phải tiếng loài sáo! Bản năng trở về với bầy đàn trỗi dậy mãnh liệt khiến Choách chả còn suy tính thiệt hơn gì được, nó vội vã dang cánh sà xuống gần lũ chim đồng loại. Lũ chim kia liền lùi lại cảnh giác đề phòng. Thái độ của lũ sáo hoang càng khiến cho cái bản năng bầy đàn của Choách càng mãnh liệt hơn. Lấy điệu bộ thật thiện cảm, Choách cất tiếng kêu gọi thống thiết:
-Mẹ bố mày Tửng ơi nhẽo ơi, choách...
Năm con sáo hoang thực sự kinh hoàng khi nhận ra đó là tiếng của giống người phát ra từ một con sáo. Gần như tức thời, chúng vụt lên táo tác rồi hè nhau dông thẳng. Choách cũng vụt cất cánh đuổi theo lũ chim đồng loại, đồng thời ríu rít kêu gọi:
-Tửng ơi! Nhẽo ơi! mẹ bố mày...
Năm con sáo hoang càng hoảng hồn hơn khi thấy Choách đuổi theo hét nheo nhéo ở đằng sau, chúng nhất loạt nâng độ cao rồi đột ngột chuyển hướng bay quặt ra bờ sông vượt sang dãy núi bên kia. Choách cũng cố xoải cánh lao theo, những mong đuổi kịp và gia nhập vào đàn chim cùng nòi cùng giống. Thế nhưng khả năng của Choách làm sao có thể bay kịp với những con sáo hoang kia chứ! Từ xưa tới giờ đã bao giờ Choách được tập bay cao bay xa đến thế này. Vì vậy độ cao làm Choách thấy choáng váng và ngộp thở. Đôi cánh của nó đã bắt đầu vùng vẫy không theo ý muốn nữa. Không khí dưới cánh nó dường như đã tan loãng ra hết, không còn giúp nó đẩy thân mình lên như mọi khi. Choách nghĩ tới việc hạ cánh quay về. Nó nhìn xuống phía dưới và chợt nhận ra mặt nước sông mênh mông không thể hạ cánh. Bay quay lại lại càng không thể vì nó đã bay quá nửa mặt sông rồi. Đôi cánh Choách bắt đầu rã rời vẫy loạn xạ, nó cố dướn lên được một đoạn rồi cặp cánh nó bỗng trở nên cứng đờ, xoè thẳng không thể điều khiển nổi. Choách nhắm mắt lại để mặc thân mình liệng đi theo quán tính như một chiếc lá khô. Cuối cùng Choách lao xuống một hòn đá bên bờ sông và văng ra nằm sóng sượt trên bờ cát ướt. Đôi cánh đen có đôi bông tuyết trắng không gấp lại được, xoã xượi, tơi tả. Đôi chân trắng thẳng đơ. Cái mỏ vàng ngoẹo quặt sang một bên. Đầu với cái mào lông nhọn thì xơ tớp máu...Sau khi rơi xuống độ một phút thì Choách lên cơn hấp hối. Thân hình nhỏ bé của nó giật nhẹ một cái. Cái mỏ vàng xinh xắn há rộng kêu lên mấy tiếng cuối cùng của cuộc đời Choách: “Mẹ bố mày”. Vẫn không phải tiếng kêu của loài sáo!
Mất Choách, vợ chồng ông chủ lồng lộn lên đến mấy ngày. Họ tin rằng đã có những thằng người tham lam và đố kị đã chiếm đoạt mất Choách của họ, chứ một con sáo khôn như Choách thì không thể nào lại tự bỏ đi để mà phải chết cả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét