Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

ĐỂ DẠY HỌC TỐT HƠN (tiếp)

VAI TRÒ MINH HỌA TRONG DẠY HỌC
(trích Báo cáo chuyên đề khoa học: VAI TRÒ CÁC THÀNH TỐ TRONG MỘT MODULE GIẢNG DẠY)
Về mặt từ ngữ, minh họa có nghĩa là việc dùng hình vẽ (họa) để làm sáng tỏ một điều nào đó đẵ đặt ra trước mắt. Tuy nhiên theo nghĩa đó thì phạm vi của hoạt động minh họa là rất hẹp. Trên thực tế khi các vấn đề được nêu ra, để thuyết phục đối tượng tiếp nhận thông tin, người ta có thể minh họa bằng nhiều hình thức.
Minh họa có ý nghĩa chung nhất là làm rõ thêm về một thông tin nào đó. Khi những thông tin mới xuất hiện chưa được khái niệm hoặc khái niệm chưa đầy đủ, hoạt động minh họa là hoạt động có tính định hướng, hệ thống hóa và chọn lọc các khái niệm sẵn có trong nhận thức để kiểm chứng và đồng hóa những thông tin mới với các khái niệm mà người tiếp nhận thông tin đã có trước đó. Bằng quá trình đó người tiếp nhận thông tin có được sự thích nghi trong tư duy và hình thành được khái niệm mới, tức là có được kiến thức mới.
Trong dạy học, đặc biệt là trong giáo dục chuyên nghiệp, minh họa có ý nghĩa to lớn trong việc hoàn thiện nhận thức và hình thành kỹ năng cho người học. Ngay từ hoạt động thuyết minh bằng ngôn ngữ nói, người dạy đã có thể đưa ra các minh họa bằng những thông tin cụ thể, chân thực. Tư liệu minh họa đưa ra càng cụ thể và chân thực thì hiệu quả giáo dục càng cao.
Các hình thức minh họa trong quá trình dạy học là hết sức phong phú, nó trở thành một yếu tố hỗ trợ, định hướng quan trọng trong việc hình thành nhận thức cho người học. Hình thức minh họa có thể sử dụng ngôn ngữ như kể chuyện, trích dẫn văn bản, nêu ví dụ…, hoặc phi ngôn ngữ thông qua mô hình, hình ảnh, âm thanh, động tác….Việc vận dụng hình thức minh họa tùy thuộc vào điều kiện giảng dạy, tính chất thông tin mà người dạy đưa ra. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển thì việc sử dụng các file media làm minh họa có tác dụng to lớn


Trong quá trình kiến tạo nhận thức của học sinh, không phải khả năng THÍCH NGHI là một xu hướng tất yếu. Thực chất của việc học sinh không hiểu bài, không nhận thức được những tri thức mà người dạy đưa ra chính là tính chất THẤT BẠI khi liên hệ những kiến thức đã có với những kiến thức mới được đưa ra. Người dạy nếu quá lạm dụng hoạt động thuyết minh để mong muốn người học điều ứng được kiến thức mới thì sẽ dẫn tới một kết quả ảo ngoài mong muốn
Tính điều hướng là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động minh họa.
“Nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất đòi hỏi trong quá trình dạy học cần làm cho học sinh lĩnh hội những tri thức một cách chân chính, chính xác, làm cho học sinh có thói quen suy nghĩ và làm việc một cách khoa học. Thông qua đó dần dần hình thành cho họ những cơ sở của thế giới quan khoa học, những phẩm chất của con người mới”. (Ths. NGƯT Lương Quý Nguyên - tham luận hội thảo khoa học)

Trên thực tế hoạt động minh họa được thực hiện với rất nhiều hình thức, tác động vào tất cả các giác quan của người học với mục tiêu điều hướng và đạt được mức độ nhận thức theo mục tiêu dạy học đề ra. Tùy theo phương pháp dạy học hoạt động này có vị trí và vai trò khác nhau. Tuy nhiên trong dạy học nói chung thì hoạt động minh họa là không thể thiếu. Nó trở thành một bộ phận và là một công cụ quan trọng trong quá trình kiến tạo kiến thức cho học sinh .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét