Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Để dạy học tốt hơn:



VAI TRÒ CỦA THUYẾT MINH

(trích Báo cáo chuyên đề khoa học: VAI TRÒ CÁC THÀNH TỐ TRONG MỘT MODULE GIẢNG DẠY)
Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ hướng vào người khác được biểu đạt bằng âm thanh và tiếp thu bằng cơ quan phân tích thính giác. Hoạt động thuyết minh là hoạt động người thầy dùng ngôn ngữ nói để chuyển tải thông tin kiến thức đến người học. Trên thực tế đây là một hoạt động phổ biến trong mọi quá trình dạy học. Hoạt động này được các nhà sư phạm gọi bằng các tên khác nhau như diễn giảng, thuyết trình, giải thích... với những nội hàm không đồng nhất. Trong các khái niệm mà các nhà sư phạm đưa ra về phương pháp dạy học, hoạt động dùng ngôn ngữ nói của người thầy thường được kết hợp với các hành vi khác như viết bảng, diễn động tác, trưng bày... Tuy nhiên, trong tất cả các khái niệm đó, vai trò ngôn ngữ nói của người thầy đều có một vai trò trọng yếu
Nadezhda Konstantinovna Krupskaja;  nhà hoạt động Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô, nhà giáo dục học, vợ Lênin V. I. đã cho rằng: “Ngay cả trong một trường học tối tân nhất cũng không được bỏ phương pháp đó”
Nhà giáo dục học Liên Xô N.V.Savin nhận định và đánh giá về vai trò ngôn ngữ nói trong quá trình dạy học rằng: “Lời nói của giáo viên là một công cụ dạy học dễ hiểu nhất và phổ biến nhất”.
Gần đây kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam , Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường  (Bộ GD&ĐT)  thông qua khảo sát 367 nhà quản lí cấp trường và cấp khoa; 1.342 giảng viên, 1.386 sinh viên; phỏng vấn sâu tại 7 trường đại học đã cho thấy nhóm phương pháp thuyết trình được giảng viên thường xuyên sử dụng nhất và là nhóm phương pháp dạy học được sử dụng “tương đối có hiệu quả” nhất. (Nguồn: báo Giáo dục & thời đại)
Trong cuộc hội thảo khoa học diễn ra ngày 14 tháng 3 năm 2011 theo chương trình nghiên cứu của đề tài khoa học do Trường trung học kinh tế - kỹ thuật Tuyên Quang chủ trì, với sự tham gia của 30 đại biểu là các Nhà giáo ưu tú, các giáo viên dạy giỏi toàn quốc và các nhà khoa học giáo dục trên địa bàn, hoạt động thuyết minh được xác định là một hoạt động có tính tất yếu.
Những nghiên cứu và nhận định trên cho thấy trong mọi thời kỳ, việc sử dụng ngôn ngữ nói trong dạy học vẫn là một hoạt động không thể thiếu. Trong quá trình dạy học, người thầy dùng lời nói của mình đưa ra những thông tin kiến thức mới và giải thích nhằm hình thành khái niệm trong tư duy của học sinh. Dựa trên logic tư duy, các khái niệm kiến thức mới sẽ được hình thành trên cơ sở các khái niệm đã hình thành trước đó. Nhờ đó quá trình nhận thức có tính kế thừa, rút ngắn được thời gian và phương tiện sử dụng, nâng cao hiệu quả quá trình dạy học.
Trong học thuyết của mình, nhà tâm lý học người Thụy Sỹ và là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ XX Jean Piaget, đã đưa ra luận điểm về sơ đồ nhận thức bao gồm hai quá trình liên tục là đồng hóa và điều ứng.
Đồng hóa là quá trình não tiếp nhận thông tin từ môi trường, từ các kích thích bên ngoài, vận dụng các kiến thức đã biết, biến hóa các thông tin đó thành cái có nghĩa cho bản thân.
Kiến thức đã biết của chủ thể chính là các sơ đồ nhận thức đã được thiết lập từ trước. Có thể nói đồng hóa là việc chủ thể vận dụng hiểu biết đã có để xử lý, biến đổi thông tin từ môi trường (tức là tình huống đối diện với chủ thể), giải quyết các nhiệm vụ nhận thức được đặt ra trong môi trường đó.
Điều ứng là khi có sự mất cân bằng giữa các thông tin nhận được từ môi trường với những sơ đồ nhận thức, chủ thể không trực tiếp mang những hiểu biết đã có ra giải quyết được. Tình huống này buộc chủ thể phải thực hiện một quá trình biến đổi các sơ đồ nhận thức ban đầu, cơ cấu lại kiến thức, thiết lập sơ đồ nhận thức mới để quá trình đồng hóa xẩy ra được. Quá trình này tái tạo lại sự cân bằng giữa chủ thể với môi trường nhận thức.
Có thể nói hoạt động thuyết minh trong dạy học với chức năng mang đến các thông tin kiến thức mới cho người học chính là sự tổ chức các quá trình của sơ đồ nhận thức. Trong hoạt động này người thầy vừa là phương tiện chứa đựng thông tin vừa là phương tiện truyền tải, vừa là chủ thể tổ chức quá trình kiến tạo nhận thức. Chỉ có nhận thức đầy đủ vai trò của người thầy trong hoạt động này thì quá trình dạy học mới đạt được mục tiêu hiệu quả.
Theo quan điểm kiến tạo tri thức trong dạy học, quá trình hình thành kiến thức mới cho học sinh không hoàn toàn phụ thuộc vào người dạy mà nó là quá trình có sự tham gia tích cực của người học:


Hoạt động thuyết minh trước hết tạo ra những yêu cầu mới, những khái niệm mới, sau đó đưa ra các ý kiến phân tích và giải thích dựa trên những kiến thức đã có của học sinh. Năng lực diến đạt trong hoạt động thuyết minh rõ ràng không chỉ đơn thuần là âm điệu hay ngữ điệu của người thầy. Những thông tin người thầy đưa ra phải xuất phát từ sự hiểu biết thấu đáo tình trạng nhận thức của học sinh. Năng lực đánh giá tình hình và lựa chọn các phương án thuyết minh là một nghệ thuật được hình thành trên sự rèn luyện và tích lũy tri thức của mỗi cá nhân. Nhiều lãnh tụ thiên tài trong lịch sử đều là những người có nghệ thuật diễn đạt và giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ nói.
Trong nhiều trường hợp bản thân cách truyền tải thông qua ngôn ngữ nói bằng hoạt động thuyết minh không đủ năng lực gắn kết các hiểu biết sẵn có của người học. Bản thân hoạt động thuyết minh bằng ngôn ngữ nói chứa đựng nhiều nhược điểm trong quá trình chuyển tải kiến thức. Đó chính là tình trạng đơn chiều thông tin, tạo cho người học tính thụ động đồng thời cào bằng thực trạng nhận thức của số đông người nghe, nặng về lý thuyết trừu tượng....Quá trình điều ứng không thể thực hiện và lộ trình phải kết thúc bằng thất bại. Điều này giải thích tại sao phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy trên cơ sở kết hợp nhiều hành vi của người dạy cùng với các yếu tố trung gian mà nhiều nhà sư phạm đã gọi là “môi trường dạy học”.
Như vậy hoạt động thuyết minh hiện diện trong tất cả các phương pháp dạy học như một thành tố khách quan, đối với rất nhiều trường hợp nó còn là một hoạt động chủ yếu có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành và nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng việc dùng ngôn ngữ nói trong dạy học không phải là phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu, thậm chí trong một số trường hợp cụ thể, sự lạm dụng hoạt động thuyết minh còn tạo ra sự phản tác dụng trong việc thực hiện mục tiêu dạy học.
(còn nữa:: VAI TRÒ CỦA MINH HỌA TRONG DẠY HỌC)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét