Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

YÊU LẠI

 


 

TRUYỆN NGẮN

 

Tôi có một nhóm những người bạn trước đây cùng nhập ngũ một ngày, lại cùng về một trung đoàn, gọi nôm na là nhóm đồng ngũ, năm nào cũng hô hào gặp mặt. Nghị sự chả có gì ghê gớm, chỉ là đóng góp vào rồi làm một bữa cơm rượu ồn ào, tranh thủ hỏi han nhau về gia cảnh, sức khỏe...

Sau thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch “cô vít”, nhóm đồng ngũ chúng tôi lại gọi nhau gặp gỡ. Thằng gầy đi, thằng béo ra.., nhưng vẫn đông đủ. Ngồi uống nước mới được một lượt, thằng Vũ lừ lừ đứng lên, nhìn tất cả một lượt, mặt đầy vẻ nghiêm trọng:

-Bọn mày biết cái vụ này chưa?

Nói rồi nó rút trong túi một tờ báo, giơ cho cả bọn cùng xem. Thì ra đó là tờ báo có in bài viết của tôi. Lập tức cả bọn ồn lên như chợ vỡ:

-Tao đọc rồi, hôm nay xử thôi

-Tao chưa biết vụ này, đưa tao xem nào…

-Thằng nào mang kính, tao mượn tý…

Vũ vỗ tay “độp độp”, rồi hét to:

-Để tao nói nốt đã…

Khi những cái “mông bộ đội” tạm thời hạ xuống ghế ngồi, vẫn như hét, Vũ tuyên bố:

-Lần này thằng Nghiêm viết về chính quê nhà tao, có cái thứ nước gọi là “rượu đồng bào”. Hôm nay tao mang đến mười lít nước ấy. Anh em “xử” thế nào thì tùy, nhưng phải “xử” hết mới được về!

-Ô, thế nhà mày ở Bến Lọng à? –Tôi vội giật vạt áo thằng Vũ

-Trước đây thôi, -Vũ ngoảnh lại trả lời tôi rồi lại quay ra hét tiếp: - Đây, “rượu đồng bào” đây. Chỗ tao vẫn quen gọi là rượu thóc thôi.

Vừa nói, Vũ vừa lôi dưới gầm bàn một cái can nhựa trắng, đựng đầy rượu óc ách. Cả nhóm lại ồn ào láo nháo, còn tôi chỉ biết tròn mắt mà nhìn.

Tôi đã uống cái thứ rượu ấy. Nó được ủ bằng thóc nấu chín với men rượu của người dân tự chế từ lá rừng, rồi sau đó bà con đem chưng cất thủ công. Rượu mạnh nhưng uống man mát,  êm mà say đứ đừ. Có tám thằng mà những tận mười lít…. Tôi không dám hình dung nữa!

Có lẽ cái mặt tôi lúc ấy trông bạc nhược lắm, nên lũ bạn đồng ngũ cứ nhìn tôi mà cười hềnh hệch. Chợt Vũ vỗ vai tôi:

-Ra đây tao dặn cái này, kẻo tý rượu vào quên mẹ nó mất!

Vũ kéo tôi ra ngồi bên một cái bàn trống rồi gật gù:

-Cái Bến Lọng ấy, tao có nhiều kỷ niệm lắm. Có chuyện này tao muốn kể mày nghe.

-Chuyện vui hay buồn? Mày nói luôn đi... –tôi lập tức háo hức, nhổm người ngồi dịch gần lại với Vũ.

-Chuyện từ cái thời tao với mày còn tại ngũ cơ, loằng ngoằng lắm. Chủ nhật này mày lên nhà tao, bọn mình ra Bến Lọng nhặt ốc đá về xào nhắm rượu, ôn lại ngày xưa một thể.

Thế là theo sắp xếp của Vũ, hôm ấy tôi lại về Bến Lọng lần nữa.

Cậu con trai của Vũ lái xe đưa chúng tôi qua Cầu Lọng chừng gần một cây số thì dừng lại. Sau khi xuống xe, Vũ nói ngay:

-Đất cũ của nhà tôi đấy.

Nói rồi Vũ khoát tay chỉ một vạt đất trồng cam xanh mướt trước mặt:

-Đây là nơi bố mẹ tôi làm nhà khi các cụ mới lấy nhau. Anh em tôi đều sinh ra và lớn lên ở đây. Sau khi xuất ngũ ra quân được khoảng ba năm thì tôi quyết định chuyển nhà sang thị trấn bên kia sông.

Khác với phong cách ồn ào, bỗ bã hôm gặp mặt, Vũ không “mày tao” om xọe nữa. Tôi nhìn theo tay Vũ chỉ, thấy một khoảnh đất rộng cả ngàn mét vuông, bằng phẳng, sau tựa vào núi, trước hướng ra sông, lối đi vào rộng rãi...

-Mảnh đất đẹp thế này mà không ở, ông lại sang chen chúc bên thị trấn làm gì?

-Hì hì..., chuyện khá dài đấy. Bây giờ thì thế, chứ ngày xưa heo hút lắm, phải đi mãi vào trong kia mới có vài nóc nhà. Đất thị trấn lúc ấy thì sẵn, xin nhau cũng được miếng đất làm nhà.

Đi dạo quanh khu vườn một hồi, trước khi lên xe đi tiếp, Vũ bảo:

-Mấy tay thuộc hàng đại gia ngấp nghé hỏi mua chỗ này, nhưng tôi không bán. Ít năm nữa về hưu, tôi lại sang đây làm cái nhà nhỏ dưỡng già.

-Ông lỉnh kỉnh quá. Chuyển đi rồi lại chuyển về...

-Hị hị..., thế mới có chuyện chứ! –Vũ vừa cười vừa kéo tôi chui vào trong xe, rồi phẩy tay chỉ đạo con trai:

-Anh đưa bố với bác Nghiêm xuống Bến Lọng.

Lần trước đến nơi này, tôi đã biết Bến Lọng giờ chỉ còn chút phế tích. Lối lên xuống bến đều bị người ta chia cắm làm nhà hết.

Ngày chưa có Cầu Lọng, phà Lọng là phương tiện công cộng duy nhất để người và xe cộ qua lại sông Gâm. Phà chạy bằng ròng rọc và dây cáp. Chỉ những khi lũ lớn mới có ca – nô lai dắt. Ở những đoạn sông xa bến phà, người dân tự chế ra các loại bè mảng bằng tre nứa để qua sông, mọi sự an nguy đều trông chờ may rủi cả.

Dấu tích sót lại của bến phà xưa chỉ còn một mẩu đường lát đá xanh sát mép nước. Vũ kéo tôi ngồi lên một ghềnh đá rồi hỏi:

-Ông có biết cái tên “Bến Lọng” có nghĩa là gì không?

-Ờ ờ..., lần trước tôi cũng quên, chưa kịp hỏi. –tôi ngập ngừng một thoáng rồi trả lời Vũ: -Có lẽ nó liên quan đến cái đồ che mưa nắng của quan lại xưa.

-Hơ hơ..., không phải đâu. – Vũ bật cười rồi giải thích: -Lọng là một loại cây rừng, mọc nhiều ven sông suối. Quả của nó bằng cỡ nắm tay, do những cánh hoa dầy ôm vào nhau kiểu như cái bắp cải í. Khi chín đỏ, có thể bóc tách những lớp cánh ấy, bên trong là những múi lọng đỏ tươi chứa đầy mật trong vắt. Chén thì..., thôi rồi...

Vũ tạm dừng lời giải thích bằng cái chép miệng đầy vẻ thèm thuồng. Nhận thấy tôi vẫn đang háo hức lằng nghe, Vũ chỉ tay về phía bờ sông đối diện, nói tiếp:

-Cạnh cái lối xuống bến phà bên kia, có một cây lọng to lắm. Gốc của nó phải mấy người ôm mới hết. Đến mùa chín, quả lọng rụng đỏ gốc. Người qua đường chọn những quả mới rụng, không bị dập nát, mang về làm quà cho trẻ. Cái tên Bến Lọng xuất xứ là thế. Khi cầu Lọng làm xong, bến phà giải tán, cây lọng tự nhiên chết khô. Sau rồi người ta đốt gốc nó cháy sạch, giờ chả còn dấu tích gì.

Ánh mắt Vũ thoáng chút bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm với bến sông:

-Ngày chưa đi bộ đội, tôi vẫn theo phà sang bờ nhặt quả lọng. Chiều đến thì xuống sông tắm  hay mò cua, bẫy cá. Cái bến này dần trở nên thân thiết với tôi, cứ như là mảnh sân góc vườn nhà mình vậy.

Nói đến đây, Vũ dừng lại rồi im lặng hồi lâu. Tôi quay nhìn sang, thấy mắt Vũ như bị thôi miên, cứ nhìn xoáy vào một điểm vô hình trên mặt nước sông Gâm xanh ngặt. Có đến một phút sau, nó mới quay sang nhìn thẳng mắt tôi. Vừa cong ngón tay mổ mổ về hướng mặt sông, Vũ vừa gằn giọng nói:

-Thế mà, cũng chính cái bến này, đã để lại cho tôi một mối hận không nhỏ đấy!

-Ui…, lại chuyện tình duyên cách trở hả?

Tôi trợn mắt nhìn lại Vũ rồi hỏi như một cái máy.

-Từ từ tôi kể cho mà nghe.

Vỗ vỗ vào vai tôi, rồi bặm môi như để sắp xếp lại ký ức. Cuối cùng, nó mở đầu bằng câu hỏi:

-Ông còn nhớ cái Tết năm tám ba (1983) chứ?

-Mấy cái Tết lính, tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Năm ấy tuyết rơi trắng trời đất. Ông thì được đi công tác tranh thủ về nhà, tôi thì đón giao thừa trong chòi gác…

-Ừ, đúng cái tết ấy đấy . –Vũ gật gù xác nhận rồi kể lại câu chuyện của mấy chục năm về trước. Giọng nó trầm đục, đôi lúc lại lạc đi

Ngày ấy, tôi và Vũ cùng ở trung đội vệ binh của Trung đoàn. Có thể nói đây là đơn vị “cận vệ” của chỉ huy trưởng, và là đội “kiêu binh” của trung đoàn. Biên chế chỉ có hai tiểu đội, tôi và Vũ cùng được giao làm “a trưởng”. Cùng tuổi với tôi, nhưng Vũ đã có vợ và một đứa con gái. Có lẽ sớm làm cha, làm chồng, nên Vũ có vẻ trầm tĩnh hơn anh em đồng đội.

Tết năm ấy, trung đội vệ binh phải cử một người mang thông báo của trung đoàn về tận xã Sơn Thái. Nhiều người xung phong đi vì muốn tranh thủ ghé qua nhà, nhất là dịp Tết cổ truyền. Trung đội trưởng quyết định cử Vũ đi, vì muốn tạo điều kiện cho nó về thăm vợ con.

Sáng ba mươi tết năm ấy, nhờ có tờ giấy “công lệnh” và sự can thiệp của lực lượng kiểm soát quân sự, Vũ được đứng vào trong chiếc xe ca duy nhất chạy xuôi về thị xã Tuyên Quang.

Ba giờ chiều, Vũ mới đến được ủy ban xã Sơn Thái. Cả khu trụ sở vắng tanh.   Có mùi khói nhang tỏa vào không gian. Có tiếng đì đẹt trẻ con đốt pháo. Có tiếng ồn ã, huyên náo gặp mặt của nhà ai đó… Vũ băm bổ đi hỏi thăm rồi tìm đến nhà chủ tịch xã. Sáu giờ tối ngày ba mươi tết năm ấy, Vũ khấp khởi cầm lại tờ “công lệnh” đã được ký tên đóng dấu bởi chủ tịch xã Sơn Thái. Thế là nhiệm vụ đã hoàn thành! Trong đêm nay, Vũ sẽ có mặt ở nhà, sẽ được ở với gia đình trọn vẹn ngày mùng một Tết. Mùng hai Tết, anh sẽ lại phải gấp rút quay trở về đơn vị.

Vắt cái ba –lô lộn lên vai, Vũ đi như chạy ra con đường quốc lộ gập ghềnh đá cuội. Trời đã nhập nhoạng tối, suốt dọc con đường không một bóng người hay xe cộ. Nhìn suốt con đường một lượt nữa, Vũ hướng về bến phà Lọng, quả quyết bước đi. Chỉ một loáng, trời đêm tất niên đã hút trọn hình hài của người lính đang háo hức về đón Tết với gia đình vào bóng tối. Những xóm bản lập lòe ánh đèn thưa thớt dần. Con đường quốc lộ chỉ còn là một khoảng lờ mờ dưới chân người. Phía trước, cả bầu trời, núi non đều hòa thành một mầu đen thăm thẳm.

-Cái xã Sơn Thái ấy ông lạ gì? –Vũ quay sang hỏi dò tôi. Rồi không đợi tôi trả lời, Vũ kể tiếp tôi nghe cuộc độc hành của nó trong đêm cuối năm ấy.

Cùng nằm trên trục đường quốc lộ, khoảng cách từ Sơn Thái về Bến Lọng chừng ba mươi cây số. Nếu đi bộ, có thể đi tắt theo đường mòn qua những khu ruộng hay cánh rừng, quãng đường sẽ rút ngắn được dăm cây số. Khoảng cách ấy không phải là thử thách quá ghê gớm đối với đôi chân người lính chúng tôi ngày ấy. Khi chưa vào quân ngũ, đã vài lần Vũ đạp xe trên cung đường này. Nghĩ đến giây phút gặp lại bố, mẹ, vợ con sau hai năm trời cách biệt, đôi chân Vũ như thanh thoát hơn, trí nhớ như minh mẫn hơn. Anh bước như lướt đi trong đêm tối mịt mùng, không hề va vấp hay sai lạc.

Sau mấy giờ đồng hồ guồng chân không ngừng nghỉ, Vũ như muốn hét lên khi những ánh đèn của thị trấn quen thuộc hiện ra lờ mờ trong sương đêm. Hết lối đi tắt rồi, Vũ đi như chạy trên con đường phố đầy ổ gà và đá cuội. Gọi là phố, nhưng dân thị trấn ngày ấy thưa thớt và chưa có điện. Chiếc máy nổ của huyện chỉ đủ cấp điện cho mỗi cơ quan vài bóng đèn từ sáu giờ tối đến chín giờ tối. Có lẽ hôm ấy là Tết, nên vài ánh đèn vàng đục vẫn còn le lói đón Vũ trở về. Cái loa phóng thanh không biết đặt ở chỗ nào, đang phát chương trình ca nhạc của đài tiếng nói Việt Nam. Tiếng pháo tép đì đẹt đây đó...Đã sắp đến thời khắc giao thừa rồi!

Vũ huỳnh huỵch chạy xuống Bến Lọng. Cái tán lá rậm rạp của cây lọng làm cho lối xuống bến như bị bịt chặt bởi bóng tối đen kịt. Không cần dò dẫm, Vũ sải bước xuống tận mép nước. Mặt sông Gâm chỉ hiện ra là một khoảng trắng lờ mờ sương đục. Chiếc phà không neo buộc ở bên này. Dừng lại một thoáng để lấy hơi, Vũ bắc tay lên miệng làm loa hướng sang bờ bên kia rồi gào lên:

-Phà ơ…ơ…ơi…, cho tôi sang với!

Tiếng gọi của Vũ dường như bị bóng đêm cùng với lớp hơi sương quyện đặc hút sạch ngay lập tức. Chính Vũ còn không nghe được chút dư âm nào từ tiếng gọi của chính mình. Không nản, Vũ lấy hết sức bình sinh gọi liên tiếp:

-Đò ơi…, anh Bầu ơi…, anh Hón ơi…, em sang sông với…

Dừng lại để nghe ngóng. Không chỉ giương tai, căng mắt, mà hầu như tất cả các giác quan của Vũ đều hướng vào khoảng không mù đặc trước mặt. Vài tiếng nổ đùm đụp  như vỗ mẹt từ đâu đó vọng đến. Giao thừa rồi! Có đến mười phút trôi qua. Mặt nước sông Gâm vẫn im lìm, không một tín hiệu nào đáp lại tiếng gọi của Vũ.

Sau khi bước đi bước lại dọc mép nước một hồi, Vũ quyết định sẽ bơi sang sông. Trước đây cũng đã đôi lần Vũ bơi từ bên kia sang bờ bên này, rồi lại theo phà quay lại. Còn bây giờ… Vũ không suy nghĩ gì ngoài mục tiêu phải sang được bờ bên kia trong đêm nay. Tống tất cả giầy với quần áo dài vào trong chiếc ba –lô rồi túm chặt lại. Sau một thoáng suy tính, Vũ sờ lần đặt chiếc ba lô yên vị trên những hòn sỏi cuội ở bờ sông rồi úp luôn chiếc mũ cứng lên đó.

 Sau khi làm vài động tác tác để da thịt làm quen với nước lạnh, Vũ từ từ lội xuống dòng sông giá ngắt.  Dò dẫm đi chếch lên phía thượng lưu một đoạn, hít một hơi thật sâu, Vũ lặng lẽ nhoài mình vào dòng sông.

Những sải bơi đầu tiên khá nhịp nhàng. Nhưng rồi cái lạnh đã dần ngấm vào cơ thể Vũ. Hai hàm răng đã có dấu hiệu rung lên, bàn tay, bàn chân đã có cảm giác tê buốt. Mặc! Vũ bặm môi, nghiến răng, nhắm mắt vùng vẫy nhoài người về phía cái đích tưởng tượng trong đầu.

Quẫy đạp được một hồi, Vũ cảm giác dòng nước như đang bị đông đặc lại. Đôi chân rồi dần đến đôi tay cứ như bị dính vào một đám keo nhầy nhụa. Cái đầu vẫn tỉnh táo giúp Vũ nhận ra tay chân đã bị tê cóng, không điều khiển được nữa. Toàn thân anh ta đã bị nước đẩy trôi xuôi và có nguy cơ chìm nghỉm. Không thể đầu hàng dễ dàng như thế, Vũ cố gắng cử động tất cả các bộ phận để giữ cho cái đầu nổi trên mặt nước.

Dần dần, có lẽ những giọt sinh lực cuối cùng trong cơ thể đã cạn kiệt. Cái đầu cũng không thể tỉnh táo được nữa. Một ý nghĩ nhẹ nhàng lan đến: “Mệt lắm rồi, ngủ thôi!” . Vũ nhắm mắt, cả cơ thể lỏng ra, rơi vào một giấc ngủ bồng bểnh, yên ả.

Dòng nước lạnh ộc vào mũi đã cắt ngang giấc ngủ chết người. Chút bản năng sinh tồn sót lại giúp Vũ quẫy đạp mạnh đôi chân. Khi cái đầu nhô lên khỏi mặt nước, cũng là khi Vũ cảm nhận được đôi chân đã chạm vào cái gì đó. Những hớp không khí  nhận được từ cái miệng há hốc, đã mang lại cho cơ thể người trai thêm một khoảnh khắc sống..

Đầu óc vụt tỉnh táo lại. Vũ nhận ra mình đã ở gần bờ sông. Theo bản năng, anh nhoài người cố rút đôi chân khỏi lớp nước như đang đông cứng lại. Và rồi một bờ sông vàng rực hiện ra. Những hòn đá cuội cũng vàng lấp lánh. Khi Vũ đưa tay chạm vào, thì những hòn đá vàng ấy lại mềm mại như cái bánh dầy. Giấc ngủ khi nãy lại lan đến. Và lần này, giấc ngủ ấy đã đưa Vũ về với cõi riêng của nó!

-Thế là ông bị toi à? –tôi trợn tròn mắt quay sang hỏi Vũ một câu khá ngớ ngẩn

-Toi mà bây giờ tôi còn ngồi đây à? –Vũ hục hặc hỏi lại tôi, rồi lại tự trả lời: -Ờ, nhưng mà cũng coi như toi rồi, vì có biết gì nữa đâu. Sau này nghe vợ kể lại, tôi cũng thấy rùng mình.

Vũ nằm mê man ở cái bãi đá bờ sông suốt đêm giao thừa, trên người chỉ có độc một cái quần đùi ướt sũng. Mãi đến tận tám chín giờ sáng mùng một Tết, hai ông công nhân lái phà cùng với mấy người dân đi chơi Tết phát hiện ra Vũ. Họ vội vàng bế anh lên phà rồi đưa sang bện viện huyện.

-Có người quen nhận ra tôi, thế là họ nhắn tin về nhà tôi, như kiểu lính mình truyền khẩu lệnh ấy. Nhanh lắm!

Dường như cảm thấy câu chuyện quá nặng nề, Vũ chen thêm một câu đùa vui rồi gượng gạo cười.

Nằm mê man trên giường bệnh viện suốt ba ngày liền. Bệnh viện bảo gia đình bố trí đưa Vũ lên bệnh viện tỉnh. Tối mùng ba Tết thì Vũ lại từ từ mở mắt được. Nhận ra người ngồi cạnh là vợ mình, anh thều thào:

-Con đâu?..

Cô vợ trẻ khi ấy mới chắc là Vũ đã tỉnh, liền ôm mặt mà khóc nức lên. Sau rồi cô ta vừa nắm chặt tay chồng, vừa mếu máo:

-Con ở nhà với ông bà. Anh đừng nhắm mắt nữa, em sợ lắm...

Ngày hôm sau, vừa nhúc nhắc ngồi dậy được, Vũ bảo vợ xin giấy ra viện rồi đưa anh về gặp gia đình.

Nhìn đứa con gái bé bỏng đứng nép vào chân bà nội khi anh chìa tay, Vũ thấy con tim mình đau nhói. Lẽ ra, con anh đã có một cái Tết sum vầy đủ cả bố và mẹ, nó sẽ được anh đèo xe đạp đưa về thăm ông bà ngoại, sẽ mua cho nó những sợi dây nhựa xanh đỏ...

Suốt hai năm qua, Vũ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính. Cùng với đó là nỗi nhớ và sự khát khao được trở về với gia đình đầm ấm. Cơ hội đã không thể may mắn hơn. Nhưng rồi dòng nước quái nghiệt và vô tình, đã khiến Vũ và gia đình của anh phải trải qua những ngày Tết thật hãi hùng.

Giờ đây, Vũ còn phải đối mặt với tình huống vi phạm kỷ luật quân đội. Đã quá hạn công tác hai ngày rồi mà anh vẫn còn phải ngồi ở nhà mình với một thân hình rã rời. Nếu không kịp thời trở lại đơn vị, Vũ sẽ bị liệt vào danh sách những tên đào ngũ. Đúng là “họa vô đơn chí”. Hôm sau, Vũ kiên quyết từ biệt gia đình, chống gậy xuống Bến Lọng đón xe, bắt đầu hành trình trở về đơn vị...

-Cái đoạn sau đấy thì ông biết rồi chứ gì?

Kể đến đây, Vũ dừng lại rồi quay sang hỏi tôi. Tôi nhớ lại và gật gù xác nhận.

Sau hai ngày đi đường với những chuyến xe chen chúc, Vũ mới lê về đến đơn vị. Trong suốt những ngày Vũ lên muộn, trung đội vệ binh chúng tôi liên tục nhận lệnh báo động kiểm tra quân số và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy,  khi Vũ vừa quăng được chiếc ba lô xuống sạp nằm, trung đội trưởng cùng hai đồng đội vội đưa Vũ lên báo cáo ngay với chỉ huy. Sau khi Vũ báo cáo xong, trung đội được lệnh phải lập tức kiểm điểm quân nhân và báo cáo kết quả ngay trong buổi tối hôm đó.

Có lẽ nhờ những kết quả chiến đấu và rèn luyện xuất sắc trước đây, cùng với tờ giấy ra viện, Vũ đã không bị phạt nặng. Sau đó ít hôm, anh bị cách chức “a trưởng” và điều sang làm chiến sỹ đơn vị vận tải.

-Chức tước chả quan trọng –Vũ xòe tay giãi bày với tôi: -Nhưng tôi tiếc công sức rèn luyện phấn đấu, lại còn mất cả lòng tin của đồng đội và cấp trên nữa...

-Hì hì..., ngày đó ông không nói ra cái chuyện bơi sông, bọn tôi cứ tán là ông lâu ngày gặp vợ, “ăn tham” nên mới ốm. –Tôi kể góp thêm, cố ra giọng tếu táo để đưa câu chuyện sang trạng thái tâm lý khác.

Có lẽ nhận ra ý đồ của tôi, Vũ nhếch miệng cười một thoáng để phụ họa. Bất chợt anh bước ra khỏi chỗ ngồi, nhặt một viên sỏi dẹt rồi ném thia lia trên mặt sông. Đây là trò chơi mà hầu như mọi đứa trẻ thế hệ chúng tôi đều biết. Tôi cũng lập tức nhổm dậy dõi theo những bước nhảy của viên sỏi trên mặt nước lặng trôi.

Không quay sang nhìn tôi, Vũ nhếch miệng, giọng như tự mỉa mai:

-Thế rồi tôi hận cái dòng sông này ông ạ! Tôi đã tự nhủ không bao giờ đụng đến dòng nước này nữa.

Ngày Vũ xuất ngũ trở về, trên đoạn sông này rộ lên việc đào đãi vàng. Người các nơi kéo đến đào bới. Dân trong vùng cũng đổ xô xuống sông vục cát sỏi, chao đãi để tìm kiếm vận may. Vũ từ chối mọi lời rủ rê, lẳng lặng đi đầu quân cho ngành thuế của huyện, lọc cọc đạp xe đến các xã đốc dân nộp thuế.

Để tiện đi làm, và cũng để không phải đi qua Bến Lọng mỗi ngày, Vũ xin một mảnh đất nhỏ bên thị trấn. Hì hục dựng lên căn nhà cột tre, mái lá cọ, anh kiên quyết đưa vợ con chuyển sang bên này

-Tôi cấm tiệt cả vợ con không được bén mảng đến con sông. Thằng con trai hồi lên mười, cứ đòi đi ra sông học bơi, tôi cũng cấm. Kiểu như là đoạn tuyệt ấy. –Vừa cười, Vũ vừa xòe tay diễn giải với tôi.

-Đấy là kiểu dỗi vặt! Sông chứ người đâu mà hận với chả đoạn tuyệt!

Tôi bĩu môi phản bác lại cách diễn giải của Vũ. Rồi chợt nhận ra câu nói đùa của mình hơi phũ, tôi vội vàng ngoác miệng cười để cầu hòa. Không ngờ, Vũ cũng ngoác miệng ra cười với tôi. Mà nó còn cười to, vô tư như chưa hề có câu chuyện hận thù vừa kể. Cười chán, Vũ lại gật gù:

-Đúng là thế thật! Ngày cái cầu Lọng vừa xây xong, dân hai bờ ra đứng kín thành cầu ngắm sông. Có một hôm, tôi cũng ra thành cầu ngắm lại cái bến phà Lọng. Ngẫm đi ngẫm lại, bỗng thấy cái mối hận của mình vô lý và vặt vãnh quá!

Nói đến đây, Vũ lại hềnh hệch cười khiến tôi thấy ngạc nhiên. Nhìn vẻ mặt đầy vẻ băn khoăn của tôi, Vũ liền giơ tay chém vào khoảng không trước mặt làm nhịp cho lời giải thích của mình:

-Nhá! Con sông thì muôn đời vẫn đẹp đẽ hiền hòa thế, con người ta muốn chinh phục nó thì phải vượt lên. Từ cái lúc chèo bè nứa, đến khi đóng được phà chở ô tô sang sông, bây giờ lại xây được cả cầu to vượt hẳn đỉnh lũ. Trong khi đó, tôi lại cứ co hết cả vào sau cái pha chết hụt. Như thế chả phải là vặt vãnh thì là gì?

Nhát chém gió cuối cùng, Vũ trợn mắt đưa ra một câu hỏi hướng vào tôi, khiến tôi thấy có trách nhiệm phải nói cái gì đó. Trong khi tôi còn đang bí, chưa biết nói gì, Vũ đã quay ra, vừa cười vừa nói đầy vẻ bỡn cợt:

-Cứ nói đoạn tuyệt với dòng sông, nhưng cái vòi nước nhà tôi dùng mấy chục năm nay vẫn là nước Sông Gâm, do bên nhà máy nước họ bơm lên, tôi đã “đoạn” được ngày nào đâu.

Nghe đến đây, tôi cười phá lên rồi vỗ vai hắn:

-Thế đến khi nào thì ông hết dỗi?

-Hì hì… - Vũ cười ngượng nghịu như một đứa trẻ rồi kể tiếp: -Sau cái hôm đứng trên Cầu Lọng ngắm sông ấy, tôi về bảo thằng con trai: “Thích tập bơi thì chiều nay bố đưa xuống sông tắm”. Thằng đó thích quá, nhảy tưng lên rồi hét váng cả nhà. Đứa con gái lớn thì đòi đi theo để chụp ảnh. Vợ tôi cũng nhũng nhĩnh bảo đi cùng để bắt ốc đá về nấu. Cả nhà cứ lao xao như ngày Tết mới hay chứ? Mà lạ là không ai hỏi vì sao tôi lại thay đổi như thế cả.

-Thì tại ai cũng sợ cái kiểu dỗi vặt của ông đấy.

Cả hai chúng tôi cùng cười xòa rồi lội xuống làn nước sông mát rượi. Đám cuội tròn đang im lìm chợt như đung đưa, uốn oéo sau mỗi bước chân của chúng tôi. Tôi biết tình yêu với dòng sông này đã trở lại với Vũ từ hôm ấy. Thật ra, tình yêu ấy vẫn nằm đâu đấy trong máu thịt anh ta, chỉ chờ những vết thương trong ký ức liền sẹo, nó sẽ lại trào lên chiếm trọn trái tim người.

 Chợt như nhớ ra điều gì, Vũ quay sang bảo tôi:

-Chuyện này tôi kể ông nghe cho vui thôi đấy nhá.

Tôi hiểu ý Vũ muốn nói. Người lính có những vết thương không phải do bom đạn, có cả những ấu trĩ và nhỏ nhen chốn đời thường. Khi chiến tranh lùi đi, họ lại phải chiến đấu với chính mình, để có lại được tình yêu với mảnh đất đã trọn đời gắn bó. Họ hiểu rằng, không có tình yêu ấy, đâu còn quê hương nữa! Những chuyện như thế, họ không thích kể lể ồn ào, ngay cả với những người đồng đội. Có lẽ tôi là người may mắn mới được Vũ chọn để chia sẻ thôi.

Ngẫm nghĩ một thoáng, tôi xua tay:

-Thôi, cứ biết thế. Bây giờ tính cái món ốc mày hứa đãi tao đi đã!

 

Hoàng Khai, tháng Chín năm 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét