Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Trốn đời 3 (xem từ Trốn đời 1)

         Mười năm đi tìm cha mẹ đẻ cho mình, cầm trong tay duy nhất một tấm vải cũ làm chứng tích, với những hy vọng mơ hồ và mong manh, Ngọc không ngờ mẹ đẻ của anh lại xuất hiện trong tình huống ngẫu nhiên và trớ trêu đến thế!

Khi biết bà Chanh, trước là người giúp việc cho nhà mình, vừa mới chết, Ngọc đã đến để phúng viếng, không một chút linh tính nào cả. Có chăng, trong đầu Ngọc chỉ thoáng chút tò mò về gia cảnh của bà ta, khi bà ấy đã cuỗm đồ của vợ mình rồi bỏ về quê biệt tích.

Chỉ đến khi Ngọc và ông anh của bà Chanh chắp nối lại những câu chuyện mà họ biết, sự thật mới được hé mở. Ngọc chính là kết quả của một cuộc díu dan vụng trộm giữa bà Chanh và một người đàn ông đã lớn tuổi. Họ đã bỏ Ngọc ở Đền Duối và trốn chạy. Đến bây giờ, bà Chanh đã chết, người đàn ông kia đã về Vĩnh Phúc nghỉ hưu mấy chục năm rồi…

Trở về nhà, kể lại câu chuyện vừa xảy ra, vợ Ngọc ngạc nhiên thảng thốt:

-Chuyện này là thật sao anh?

-Anh phải về ngay Vĩnh Phúc, biết đâu ông ấy vẫn còn sống –Không trả lời câu hỏi của vợ, Ngọc đưa ra quyết định ngắn gọn.

-Anh bình tĩnh đi. Không biết tên, không biết địa chỉ, anh tìm sao được? –Vợ Ngọc lại thảng thốt can ngăn chồng.

Nhận ra những vô lý trong quyết định của mình, Ngọc im lặng ngồi phịch xuống ghế. Rồi như cảm thấy quá bức xúc, Ngọc nắm tay đấm xuống mặt bàn, nghiến răng, tự nói với mình:

-Chả lẽ phải ngồi yên mà chờ đợi sao?

Cả hai vợ chồng cùng ngồi lặng một hồi lâu. Chợt vợ Ngọc đưa tay túm lấy vai chồng, giọng mừng rỡ:

-Anh à, có cách rồi! Em làm bên Bảo hiểm xã hội, có thể nhờ tra tìm người trong danh sách lương hưu. Anh chỉ cần tìm cho ra tên ông ấy là được.

Ngọc cau mày:

-Tên tuổi ông ấy thì hỏi ai bây giờ?

-Mình cứ lên tận chỗ bà Chanh và ông ấy làm ngày xưa ấy.

Vỗ độp hai tay vào nhau, Ngọc reo to:

-Đúng rồi! Anh thu xếp việc ở công ty rồi mai đi luôn. Em ở nhà vừa đi làm vừa tranh thủ ngó qua công ty giúp anh…

Đường đi đã dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng cũng phải hết một ngày lái xe ròng rã, Ngọc mới đến được cái huyện vùng cao chót vót ấy. Bù lại cho những vất vả lặn lội, Ngọc đã có được cái mình cần ngay sau khi đặt chân đến nơi này.

Đánh xe vào một nhà nghỉ giữa thị trấn, Ngọc đặt phòng để nghỉ ngơi. Tắm rửa xong, anh định tranh thủ đi tìm quán ăn và quan sát thị trấn. Qua chỗ quầy lễ tân gửi chìa khóa, Ngọc hỏi cô nhân viên:

-Em là người làm hay là chủ nhà nghỉ này?

-Hi hi…, cả hai anh ạ. Có việc gì không anh?

-Em có phải người ở đây hay mới đến đây kinh doanh vậy?

-Quê gốc nhà em tận Thái Nguyên cơ. Nhưng bố mẹ em lên đây công tác rồi ở đây từ ngày xưa rồi.

-Anh muốn tìm một người, làm ở cửa hàng lương thực bốn mươi năm trước. Em có biết không?

-Hi hi…. Chúng em còn ít tuổi, chả biết được đâu. Anh hỏi bố mẹ em, các cụ biết đấy. Thời xưa, thị trấn này ít người ở, quen nhau hết ấy mà.

Suýt reo hú lên vì mừng rỡ, Ngọc hấp tấp:

-Thế… thế …anh có thể gặp các cụ một lúc được không em?

-Anh vào đi, các cụ đang ngồi xem ti vi ở gian trong kia ạ.

Lật đật đi vào căn phòng cuối hành lang theo tay cô gái chỉ, Ngọc thấy hai cụ già chừng ngoài bảy mươi tuổi, đang ngồi lặng theo dõi một chương trình trên “ti – vi”. Thưa gửi chào hỏi xong, Ngọc đặt vấn đề ngay:

-Con muốn tìm một người đàn ông làm ở cửa hàng lương thực huyện bốn mươi năm trước, quê ở Vĩnh Phúc…

-Ông Kính, cửa hàng trưởng.- Không đợi nghe hết lời diễn giải của Ngọc, ông cụ đã vung tay, nói to: -Mấy đời cửa hàng trưởng lương thực ở đây đều là phụ nữ. Đàn ông mà làm cái chân ấy, ở đây chỉ có mỗi ông Hoàng Thục Kính. Nhưng ông ấy nghỉ hưu về quê lâu lắm rồi, chả biết còn sống không…

Không thể mong đợi một kết quả tuyệt vời hơn, Ngọc mừng rỡ cảm ơn đôi vợ chồng già và cô gái, rồi gọi điện ngay cho vợ. Sáng hôm sau, Ngọc chào chủ nhà nghỉ  và quay xe trở lại nhà ngay.

Vừa gặp Ngọc, vợ anh đã reo lên:

-Anh ơi, em nhờ người ta tra được rồi. Ông ấy vẫn còn sống, vẫn lĩnh lương hưu hàng tháng.

Vợ Ngọc lập cập mở ví rút ra mảnh giấy nhỏ đưa cho Ngọc. Đọc xong dòng địa chỉ của ông Hoàng Thục Kính trên mảnh giấy, Ngọc quay sang nhìn vợ, rạng rỡ:

-May quá em ơi! Anh có cảm giác mình đã sắp đến đích rồi. Mai anh sẽ đi Vĩnh Phúc luôn.

Về đến nhà, vợ Ngọc bảo:

-Mai là thứ bẩy, được nghỉ, em sẽ đi cùng anh.

Xuất phát từ sớm, đường đi khá thuận. Mới chừng giữa buổi sáng, vợ chồng Ngọc đã tìm được đến cái địa chỉ trên mảnh giấy. Dừng xe trước một cửa hàng tạp hóa, vừa hỏi thăm, người phụ nữ chủ quán đã xởi lởi:

-Cô chú hỏi thăm nhà ông Kính “Thưa” chứ gì?

-Dạ, chúng em cũng không biết, nhưng ông ấy khoảng gần chín mươi tuổi rồi.

-Đúng rồi đấy. Thưa là tên con trai cả ông ấy, trước đây là lãnh đạo huyện này. Ông Kính giờ ở với con trai út, cũng là cán bộ hàng tỉnh, có cái nhà màu xanh to tướng kia kìa.

Tấp xe vào bên lề đường, hai vợ chồng Ngọc thận trọng bấm chuông cổng. Đồng thời với tiếng chó sủa ầu ầu, một người đàn ông trung niên bệ vệ bước ra, cất giọng oang oang:

-Anh chị hỏi ai đấy hả?

-Dạ, xin lỗi anh. Cho chúng em hỏi, đây có phải nhà cụ Hoàng Thục Kính không ạ?

-Đúng rồi. Anh chị hỏi bố tôi có việc gì?

-Vợ chồng em ở dưới Nam Định, hỏi thăm lên đây, nhờ cụ giúp cho chút việc cá nhân ạ.

Hơi miễn cưỡng một chút, rồi người đàn ông trung niên cũng rút chốt, mở cổng, cất giọng lạnh lùng:

-Anh chị đi vào đây.

Vừa chỉ chỗ cho vợ chồng Ngọc ngồi, người đàn ông kia đã nói ngay:

-Bố tôi cao tuổi, yếu lắm. Chân thì đau, không đi lại được. Có việc gì, anh chị cứ nói. Để tôi xem, có gì liên quan gì đến cụ không?

-Chả giấu gì anh –Vừa nghe con trai ông Kính hỏi, Ngọc vào việc ngay: -Em là đứa trẻ không cha mẹ từ lúc lọt lòng. Vừa rồi em đi tìm được mẹ đẻ, nhưng bà ấy mất rồi. Tìm hiểu kỹ, em được biết, lúc sinh ra em, mẹ em công tác ở vùng cao cùng cơ quan với cụ nhà đây. Em muốn hỏi xem cụ có biết gì về bố đẻ của em không?

Nghe Ngọc nói xong, người đàn ông chủ nhà bặm môi, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Lát sau anh ta gật gù:

-Việc này khó đây. Nhưng thôi được, anh chị ngồi chờ ở đây. Để tôi đưa bố tôi lên xem cụ có nhớ gì không?

Lát sau, một chiếc xe lăn được anh ta đẩy tới. Ngồi trên xe, ông Kính có vẻ gầy guộc, tóc đã trắng bạc, nhưng đôi mắt sau cặp kính lão vẫn ánh lên vẻ tinh tường. Người con trai nói với ông:

-Anh chị này từ xa đến, có chuyện từ thời ông công tác trên vùng cao, muốn hỏi ông. Ông có nhớ chút nào thì giúp người ta.

-Dạ, thưa ông –Ngọc sốt sắng tiếp lời ngay: -Con bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Mãi đến mấy hôm trước đây, con mới tìm thấy mẹ đẻ của mình, nhưng bà ấy đã chết rồi. Mẹ đẻ con tên là Chanh, trước đây cùng công tác ở cửa hàng lương thực với ông, ông có nhớ không ạ?

Ông Kính nhìn Ngọc không chớp mắt, nhưng cũng không trả lời, mà chỉ lẩm bẩm:

-Cô Chanh ấy thế mà chết rồi…

Ồ! Thế là ông ấy đã nhớ ra bà Chanh. Ngọc hấp tấp hỏi tiếp:

-Ông cố nhớ giúp con xem, bố đẻ của con ngày ấy là ai, ở đâu? Con cần lắm ông ạ.

Ông Kính bỗng lắc đầu nhè nhẹ, rồi cái miệng móm mém của ông ta phập phệu trả lời:

-Bị bỏ rơi đến bốn mươi năm thì làm gì còn bố mẹ đẻ nữa!

-Con cũng không dám mong chuyện đoàn tụ, xum vầy. Chỉ cần biết dòng máu của con là thuộc họ tộc nào. Để con cháu con sau này lớn lên được thanh thản, tránh không vướng vào cái tội loạn luân, lại cũng không phải lận đận chuyện xét nghiệm như đời con nữa.

 -Hệ hệ… -ông Kính bỗng khẽ cười, rồi vừa gõ ngón tay vào khung xe lăn, vừa nói rành rọt: -Bà Chanh chết thì cậu mới tìm được mẹ đẻ. Còn bố đẻ của cậu…, chắc là khi nào chết tôi mới nhớ ra được.

-Thì sự tình bố biết thế nào, cứ nói với người ta như thế, -Người con trai ông Kính quay ra, cất giọng bỗ bã: -Kể cả là bố có con rơi con vãi ở trên ấy, thì cũng cứ nói ra. Gần chín chục tuổi rồi, còn gì mà phải xấu hổ chứ?

-Không, không … -ông Kính một tay giơ lên xua xua, một tay ôm ngực hổn hển: -Đừng hỏi tôi nữa. Tôi không biết gì đâu, không nhớ gì đâu…

Vợ Ngọc lật đật đứng dậy, túm lấy chiếc xe lăn:

-Có lẽ cụ mệt rồi. Để em đưa cụ vào…

-Anh chị cứ ngồi đó, để tôi.

Người đàn ông chủ nhà nhẹ nhàng đẩy chiếc xe lăn, đưa ông Kính trở vào phía trong. Vợ Ngọc quay sang hỏi chồng:

-Ông ấy nói như thế là sao hở anh?

-Anh cũng chẳng hiểu ra thế nào nữa. –Ngọc nói rồi đưa tay lên vò đầu.

Hai vợ chồng ngồi vừa thắc thỏm, vừa ngóng vào phía trong, đợi người chủ nhà quay ra.

Khá lâu sau, con trai ông Kính mới quay lại phòng khách. Chậm rãi ngồi cúi người về phía Ngọc, vừa chằm chằm nhìn Ngọc, anh ta vừa nói rất nhỏ nhưng rành rọt:

-Ông cụ vừa nói với tôi, anh này chính là giọt máu rơi của ông ấy với bà Chanh ngày xưa.

Nghe đến đây, cả hai vợ chồng Ngọc quay sang, há hốc mồm nhìn nhau. Có lẽ vì quá bất ngờ, Ngọc cứ lắp bắp:

-Thế tức là…, thế tức là…

Không đợi Ngọc nói hết câu, con trai ông Kính đã nói tiếp:

-Nhưng ông ấy bảo, ông ấy không gặp chú đâu, chú đừng đến đây nữa…

-Anh ơi, sao lại thế ạ? –Ngọc vụt đứng dậy, tròn mắt hỏi lại vị chủ nhà. Vợ Ngọc hấp tấp túm tay chồng kéo xuống:

-Anh ơi, anh cứ bình tĩnh đã nào…

Ngọc từ từ ngồi lại xuống ghế, nét mặt thất thần, ngơ ngác. Chờ Ngọc định thần lại, con trai ông Kính mới thủng thẳng giải thích:

-Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi nghe ông cụ nói chuyện này, thực hư cũng chưa biết thế nào. Bây giờ, sức khỏe bố tôi cũng không được tốt. Việc của anh chị hỏi, ông cụ nói sao mình cứ biết nghe thế đã, có gì thì liên lạc lại sau.

Như để kết thúc câu chuyện, anh ta đứng lên, chìa cho Ngọc một tấm “các”. Hai người đàn ông vội vã trao đổi “các” cho nhau, rồi vợ chồng Ngọc lũi cũi cáo lui. Ra đến xe, Ngọc còn tần ngần dõi vào trong căn nhà một lúc. Có lẽ đã chắc chắn rằng điều mình mong chờ là không thể, Ngọc mới quyết định quay xe trở về.

Về đến nhà, Ngọc vật mình xuống chiếc ghế, ngửa đầu dõi ánh mắt vô định lên trần nhà. Vợ Ngọc săm sắn đi lấy một cốc nước, rồi ngồi xuống bên cạnh chồng:

-Anh uống nước đi. Em thấy mọi chuyện xảy ra cứ như trong mộng ấy.

Vẫn ngước mắt lên trần nhà, Ngọc lẩm bẩm:

-Đã nghĩ đến mọi tình huống rồi, vậy mà khi nó đến, sao vẫn thấy bất ngờ  và buồn quá…

Rồi như nhớ ra điều gì, Ngọc nhổm dậy, lật đật đi về phía bàn thờ người mẹ nuôi. Dừng lại phía trước bàn thờ, ngước nhìn lên tấm di ảnh của bà Gái, Ngọc kính cẩn chắp tay trước ngực rồi thì thầm với người mẹ nuôi quá cố:

-Mẹ ơi! Con sắp làm được lời hứa với mẹ rồi. Nhưng mẹ ơi, con đã làm sai điều gì, để cả bố lẫn mẹ đẻ con, đều trốn chạy con đến tận bây giờ?  

Một cảm giác xót xa, tủi hổ dâng lên khiến Ngọc nghẹn lời. Anh trân trân nhìn lên tấm di ảnh. Ánh mắt hiền từ thân thương của người mẹ nuôi, lại nhắc nhở Ngọc nhớ về bổn phận của mình. Ngọc cúi đầu vái lạy, vừa để bái biệt, vừa để cho những cảm xúc u uất tan đi. Quay trở lại, Ngọc nói với vợ:

-Dù sao, mình cũng đã hoàn thành được mục tiêu cốt lõi rồi em ạ. Còn chuyện tình cảm…, hi hi…-Ngọc gượng gạo cười khẽ rồi gật gù: - Từ nhỏ đến bây giờ, anh vẫn thấy mình rất là hạnh phúc!

Ngọc vừa nói, vừa vòng tay kéo vợ nép vào bên vai mình. Thật ra, Ngọc vẫn có hy vọng, khát khao về một sự quây quần với những người ruột thịt. Nhưng rồi, trong cuộc kiếm tìm, những người sinh ra anh đã chối bỏ trách nhiệm của họ nơi trần gian. Họ đã kiên quyết khước từ đưa ra lời phán quyết, trước khi họ được đón về một thế giới hoàn toàn cách biệt. Họ đã bỏ mặc lớp hậu sinh của họ trong những ngơ ngác mơ hồ, tự tìm kiếm thái độ mà ứng xử với nhau…Có thể họ trốn chạy vì nhẫn tâm, cũng có thể họ bỏ đi vì yêu đuối. Dù là đáng thương hay đáng trách, họ cũng về nơi khuất bóng rồi…

Hít thở một hơi thật sâu, rồi Ngọc thì thầm với vợ:.

-Giờ thì anh đã hiểu lời của ông cụ nói. Ông ấy sẽ không bao giờ nhận là bố của anh cho đến khi chết. Có lẽ ông ấy sợ phải đối mặt với thái độ của con cháu. Cũng có thể ông ấy lo anh sẽ làm ảnh hưởng đến công việc và sự nghiệp của họ.

-Hay là cụ ấy lo ảnh hưởng đến tài sản thừa kế của những người kia? –Vợ Ngọc nhíu mày hỏi chồng

-Anh không quan tâm đến những thứ ấy. Nhưng anh sẽ phải làm lại giấy tờ về nhân thân của anh. Để con cháu mình sau này biết về gốc tích của chúng. Có như vậy, anh mới hoàn thành trọn vẹn lời hứa với mẹ trước khi bà nhắm mắt.

-Liệu họ có ủng hộ anh không? Nhất là những người đằng bố đẻ của anh ấy? – Vợ Ngọc lo lắng quay sang hỏi chồng.

-Anh cũng không biết nữa. –Ngọc khẽ thở dài: -Nhưng nếu phải lôi nhau vào vòng lao lý thì thật là chua xót…

Đã một tuần trôi qua, kể từ hôm gặp ông Kính. Hàng loạt công việc của công ty dồn lại, buộc Ngọc phải lao vào xử lý. Cái công ty ấy, không chỉ là việc làm và thu nhập của nhiều người, mà nó còn là dồn góp trí lực và tâm huyết của người mẹ nuôi giao lại, Ngọc phải lo gìn giữ, mở mang.

Giữa buổi sáng, Ngọc bỗng cảm thấy có gì đó bồn chồn, khiến anh không thể tập trung vào công việc. Rời bàn làm việc, Ngọc lững thững đi về phía cửa sổ. Được vài bước, đột nhiên anh ta quay phắt trở lại. Lục tìm một tấm “các” cá nhân, Ngọc dò số điện thoại rồi bấm gọi đi. Vừa có tín hiệu bắt máy, Ngọc vội nói ngay:

-Dạ, anh Đậu ạ? Em là Ngọc ở Nam Định, vợ chồng em vừa lên gặp gia đình mấy hôm trước…

-Này…-Người ở máy đầu bên kia nói chặn ngay, giọng như nói thầm: -Bố tôi mới mất rồi…

Dường như để minh chứng  cho lời nói của anh ta, tiếng kèn trống vọng vào điện thoại inh ỏi .

-Ôi anh…, sao lại đột ngột thế ạ? –Ngọc hấp tấp hỏi lại, giọng đầy vẻ thảng thốt.

Có lẽ người đàn ông bên kia đang tìm cách di chuyển đến nơi yên tĩnh hơn. Vì thế, một lát sau mới thấy anh ta gằn giọng trong điện thoại:

-Cậu nghe đây! Chuyện hôm trước chỉ có tôi với cậu biết. Cậu tuyệt đối không được lôi ra lúc này. Ầm ĩ là rắc rối đấy!

Anh ta nói xong rồi cúp máy ngay. Ngọc bần thần, tay cầm điện thoại buông thõng xuống. Anh cố hình dung ra thái độ người đàn ông tên Đậu kia. Có sự hằn học, có sự đe dọa, có cả sự xua đuổi trong những lời nói của anh ta. Ngọc cắn môi, nhíu mày, hầu tìm ra một quyết định hợp lý nhất. Chừng một phút trôi qua, Ngọc quả quyết bấm máy gọi cho vợ:

-Em à. Ông bố đẻ của anh mất rồi. Trên ấy họ đang làm tang lễ. Anh đi lên đó ngay…

Không đợi nghe vợ trả lời, Ngọc cúp máy rồi vớ một chiếc phong bì đã in sẵn địa chỉ công ty, bỏ mấy tờ tiền vào, ghi nắn nót lên đó dòng chữ : “Hoàng Thục Ngọc. Kính viếng!”.

Đám tang ông Kính đông nghịt người đến phúng viếng. Xe ô tô từ nhiều nơi về, đậu kín một dãy dài. Cũng là phải thôi. Ông cụ có đến bốn người con, toàn công tác ở hàng huyện, hàng tỉnh cả.

Ngọc lặng lẽ đi vào khu rạp trước sân nhà. Khắp rạp, lố nhố đầy những cái đầu chít khăn trắng, khăn vàng. Theo hướng dẫn của ban tang lễ, Ngọc đặt chiếc phong bì vào khay để chuyển đến trước bàn vong. Cắm hương xong, Ngọc đứng chắp tay trân trối nhìn bức di ảnh của ông Kính. Đầu óc anh chợt như trống rỗng. Không một lời khấn cầu, Ngọc lặng lẽ cúi đầu vái ba lần rồi bước lùi trở ra.

Lách người qua đám đông đang chờ đến lượt vào phúng viếng, Ngọc dợm bước đi ra ngoài cổng. Bất giác anh dừng bước, rồi tần ngần ngoái lại nhìn những cái đầu chít khăn trắng, khăn vàng, đang lao xao trong tiếng trống kèn réo rắt. Nhiều người trong số ấy có thể là ruột thịt gần gũi với Ngọc. Dân gian từ xưa đã nói: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đáng lẽ, Ngọc cũng có một tấm khăn chít ngang đầu. Để rồi cùng quây quần, sẻ chia mọi sự, khi hai tiếng “con cháu” thỉnh thoảng lại được ban tang lễ xướng lên lảnh lót.

Nhưng rồi, tiếng nói của người đàn ông tên Đậu trong điện thoại lại vẳng đến bên tai, khiến Ngọc thấy mình như người mắc lỗi. Anh cắn môi quay bước ra cổng. Tiếng réo rắt kèn sáo, cùng với những tiếng người lao xao, lui xa dần sau lưng đứa con bị bỏ rơi.

Về nhà, Ngọc nói với vơ:

-Ông cụ đi thật rồi. Anh cũng chỉ vào thắp hương rồi về. Thôi, đành cứ để cho cụ thanh thản xuôi tay mà đi. Khi sức tàn lực kiệt, còn nhớ ra giọt máu rơi mấy chục năm về trước, thế là cụ cũng cố gắng gượng rồi. Chỉ tiếc là, cuộc đời anh đã không được gọi tiếng “bố” một lần, em ạ.

Biết chồng đang có những tâm sự u buồn chất chứa, vợ Ngọc ngồi sát lại bên chồng, thủ thỉ:

-Cuộc đời còn dài. Có mẹ Gái phù hộ, có em, có con, có anh em bạn bè, mình phải vui lên mà sống anh ạ!

Ngọc quay sang âu yếm nhìn vợ rồi cười xòa:

-Không sao đâu. Anh vẫn thấy hạnh phúc mà. À, hôm nọ bác Cam gọi điện xuống, bảo sẽ làm lễ cúng trăm ngày cho mẹ đẻ anh. Nhà mình phải về trên đó để nhận họ hàng. Em thấy thế nào?

-Tuyệt vời quá. Thế là anh lại có những người ruột thịt để quây quần. Mình cứ chuẩn bị sớm, rồi cả nhà mình cùng đi anh nhé!

Háo hức sắp xếp kế hoạch công việc, mua sắm đồ lễ…, mọi thứ đều đã sẵn sàng cho chuyến đi. Trước buổi lên đường một ngày, có hai người đàn ông đến nhà tìm Ngọc.

-Chúng tôi đến công ty, nghe nói cậu đang ở nhà, nên đến đây tìm cậu có chút việc cần hỏi.

Vừa gặp, người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn, nói ngay. Ngọc dè dặt mời hai người vào phòng khách, gọi người giúp việc lấy nước uống. Thoáng có chút nghi ngại, Ngọc vào phòng ngủ, gọi điện đến công ty để kiểm tra tình hình.

Đợi Ngọc quay ra, ngồi xuống ghế đối diện, người đàn ông lớn tuổi lại lên tiếng trước:

-Là thế này! Bố chúng tôi là ông Hoàng Thục Kính, mới mất. Gia đình có nhận được phong bì phúng viếng đề tên cậu là Hoàng Thục Ngọc. –ông ta rút cái phong bì phúng viếng của Ngọc đặt xuống bàn: -Cứ theo đấy, thì cậu là người họ hàng trong nội tộc nhà chúng tôi, nhưng hỏi ra thì không ai biết cậu cả. Bây giờ, chúng tôi muốn tìm hiểu xem cậu là người thế nào?

-Thì ra là vậy. –Ngọc nghe xong thì gật đầu đáp lại.

Cắn môi suy nghĩ một lát, Ngọc nhìn thẳng vào hai người đàn ông đối diện, nói rành rọt:

-Em là con ruột của cụ Hoàng Thục Kính. Cụ không chấp nhận em, nhưng phận làm con, em vẫn đến viếng cụ.

-Bố chúng tôi chưa bao giờ nói đến việc này. Bao nhiêu năm qua họ tộc chúng tôi sống yên ổn, không có điều tiếng thị phi. Cậu bỗng dưng vô cớ nhẩy vào như thế, là xúc phạm đến vong linh bố tôi, xúc phạm cả truyền thống dòng họ nhà tôi. Cậu mà không dừng lại ngay, chúng tôi không để cho cậu yên đâu.

Câu sau cùng, ông ta nói với giọng điệu và nét mặt đầy sự đe dọa. Ngọc thản nhiên nhìn người đàn ông lớn tuổi, giọng từ tốn:

-Lần trước ông cụ đã nói chuyện này với bác Đậu trong nhà rồi…

-Tôi là trưởng nam mà còn không biết, thì thằng Đậu biết làm sao được? –Ông ta cướp lời Ngọc, giọng gay gắt.

-Kể cả ông cụ không nói ra, em cũng đã tự tìm hiểu được ngọn ngành. –Không để ý thái độ của  vị khách lớn tuổi, Ngọc bình tĩnh nói tiếp: -Em cũng đã nói với cụ và bác Đậu, là em không muốn làm ai tổn thương cả. Em chỉ muốn đi tìm lại gốc gác của mình thôi.

-Thế tức là, họ hàng máu mủ chả có gì quan trọng với cậu, đúng không? –Người đàn ông lớn tuổi chợt hạ giọng, giương mắt hỏi Ngọc.

-Em lúc nào cũng ước ao có anh em ruột thịt quây quân, cả đời khát khao được gọi tiếng “bố” một lần. Nhưng biết mình là giọt máu rơi, nên em chỉ dám trông chờ vào số phận thôi.

Nghe Ngọc nói xong, người đàn ông lớn tuổi cúi đầu im lặng một hồi. Khi ngẩng lên, ông ta đổi cách xưng hô:

-Chú Ngọc! Anh là Thưa, con cả trong nhà. Anh muốn biết tâm tư của chú thế nào thôi, chứ chú Đậu đã nói chuyện này với cả nhà rồi. Anh em chúng ta không phán quyết được gì về việc làm của các cụ ngày xưa nữa. Các cụ có thể coi chú là giọt máu rơi. Nhưng anh em còn sống đây, thì phải coi chú như đứa em bị trôi lạc. Dù ở đâu cũng vẫn là máu mủ, ruột thịt của dòng họ nhà mình. Chú đã tìm được tông tích rồi, thì hãy mở lòng mà quây quần cùng anh em họ mạc.

-Ôi… Anh! –Ngọc ngỡ ngàng thốt lên: -Canh cánh bao nhiêu năm, không ngờ hôm nay em lại được nghe những lời này. Em đâu dám mong ước gì hơn…

-Cũng đừng trách chú Đậu. Chú ấy cũng chỉ nghĩ làm sao để cho bố thanh thản mà đi thôi. Hôm nay chú Đậu cũng xuống đây. Ngại chú chạnh lòng, nên vẫn ngồi ngoài kia…

-Dạ, em đâu dám thế ạ…-Ngọc ấp úng rồi luýnh quýnh đứng lên: -Để em ra mời anh ấy vào nhà.

Lần đầu tiên trong đời, Ngọc được đứng bên những người anh em ruột thịt. Như một đứa trẻ bỗng dưng nhận được món quà quá quý giá, Ngọc cứ líu ríu, khác hẳn cái vẻ điềm tĩnh thường ngày. Vừa nhác thấy bóng vợ đi làm về, Ngọc đã kêu toáng lên:

-Em ơi, các anh ở Vĩnh Phúc về nhà mình đây này…

Vợ Ngọc vừa bước vào chào khách, nét mặt còn thảng thốt, ngơ ngác, đã nghe Ngọc oang oang giới thiệu:

-Đây là anh cả này, đây là anh Đậu này, đây là anh rể này…

Chờ cho những phút chào hỏi ồn ã tạm lắng xuống, ông Thưa hắng giọng rồi đứng lên. Đưa mắt nhìn vợ chồng Ngọc một lượt, ông nói:

-Bố chúng ta vừa mới mất, còn nhiều việc phải làm lắm. Nhưng tôi nghĩ việc đón đứa em ruột thất lạc trở về là việc trọng, nên hôm nay đích thân mấy anh em cùng xuống đây, có vài lời tâm sự như thế.  Sắp tới, theo lệ, anh em mình phải làm lễ cúng cho bố. Cô chú xem xét, sắp xếp về trên ấy để gặp mặt họ hàng…

Thế là, gặp gỡ họ hàng đằng mẹ đẻ xong, vợ chồng Ngọc lại về Vĩnh Phúc gặp mặt anh em cùng chung dòng máu. Nơi nào anh cũng nhận được sự thông cảm, sẻ chia. Có cả những giọt nước mắt thương cảm, có cả những vòng tay ôm ghì thắm thiết. Ai cũng sẵn lòng ủng hộ để Ngọc xác lập lại giấy tờ nhân thân của mình.

Có thêm những nghĩa vụ và bổn phận mới phải gánh vác, nhưng giờ Ngọc không còn đơn độc nữa. Bên cạnh anh đã có thêm những người ruột thịt, họ sẽ tiếp cho Ngọc nguồn sức mạnh và niềm tin mới cho cuộc sống

Những điều tốt đẹp ngoài mong đợi liên tục dồn đến với Ngọc. Bao nỗi niềm cay đắng, tủi hờn chất chứa, hầu như tan biến đi hết. Có đến cả mấy ngày,  Ngọc chỉ thấy một cảm giác rộn ràng, lâng lâng, ngây ngất trong lòng. Thì ra, thế gian này, dù ở đâu, lúc nào, vẫn có tình người rộng mở. Cũng có những cuộc đời, con người ta cứ phải trốn chạy cái dấu chân của chính mình. Nhưng phải chăng, đó chỉ là sự sắp đặt của số mệnh?

Một hôm, Ngọc bảo vợ:

-Em à, năm nay mình không đi lễ đền Duối vào ngày sinh âm lịch của anh được. Ngày đó phải làm giỗ cho mẹ đẻ của anh rồi. Mình sẽ đi vào ngày sinh của anh theo dương lịch. Lần này, anh sẽ khấn tạ ơn  thánh thần, đã cho anh niềm tin để có được mọi điều như bây giờ…

-Anh tin có thần linh thật ư?

-Ừ, vì anh nghĩ, thần thánh có phải đâu xa lạ. Nó chính là tình người trong những con người bình thường như mẹ Gái của anh và bao nhiêu người khác. –Nói đến đây, Ngọc giơ tay khoát một vòng rộng trước mắt: -Em thấy rồi đấy, họ đã làm ra bao nhiêu phép mầu trên thế gian này, mang hạnh phúc đến cho mỗi mảnh đời rơi vỡ…

Theo lịch trình đã định, hôm nay vợ chồng Ngọc lại có mặt dưới tán cây duối cổ thụ. Bánh kẹo, hoa quả, vàng mã đã được cẩn thận xếp lên phiến đá có phủ tấm vải hoa cũ. Hai cốc nến cũng đã lung linh ánh lửa. Cả hai người cùng thắp nhang rồi cắm vào một cái hốc nhỏ dưới gốc cây. Những cơn gió thoảng đến, đưa khói hương tỏa đi ngào ngạt. Hai vợ chồng Ngọc kính cẩn quỳ gối, chắp tay trước tảng đá đặt đồ lễ. Ngước nhìn vào khoảng không trước mặt, Ngọc lầm rầm khấn nguyện:

-Kính lạy các vị thần linh, con tên là Hoàng Thục Ngọc…

 

Đà Nẵng, tháng Sáu năm 2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét