Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Trốn đời 2 (xem từ trốn đời 1)

 

-Em sắp đồ lễ ra đi. Cứ sắp như mọi năm ấy em ạ.

Ngọc nói với vợ rồi quay ra mở chiếc va-li kéo vẫn để bên mình. Thận trọng lấy ra một tấm vải hoa, Ngọc lần lượt mở từng lớp gấp miếng vải. Tính ra, tấm vải ấy có tuổi đời nhiều hơn tuổi của Ngọc. Màu sắc những hình in trên vải vẫn còn rõ nét, nhưng những sợi vải đã dần xơ cứng. Dù được bảo quản cẩn thận, nhưng dấu tích thời gian vẫn nhuốm vào tấm vải. Trước ngày bà Gái trao tấm vải cho Ngọc, chưa bao giờ Ngọc biết đến sự tồn tại của nó. Cho mãi đến cái ngày Ngọc chuẩn bị đi học lớp Mười ở thị xã…

Buổi tối, vừa ăn cơm xong, bà Gái đã bảo con:

-Ngọc à, tối nay con không đi chơi nữa nhé. Mẹ có việc này cần nói với con.

Đợi Ngọc ngồi lại bên bàn uống nước, bà Gái mới loẹt quẹt đi vào buồng ngủ, rồi quay ra với một gói đồ vuông vức trên tay. Bà Gái vừa đặt gói đồ xuống bàn, Ngọc tròn mắt nhìn rồi hỏi ngay:

-Cái gì đây hở mẹ?

- Chỉ là tấm vải cũ thôi. Mẹ giữ nó mười mấy năm rồi, bây giờ mẹ muốn đưa nó cho con. Con cứ mở ra mà xem.

Ngọc thận trọng mở lớp giấy gói thô cứng. Một tấm vải gấp gọn gàng với màu sắc hầu như tươi mới hiện ra trên tay Ngọc:

-Cái này là…? -Ngọc ngập ngừng ngẩng lên hỏi bà Gái

-Từ từ rồi mẹ kể cho mà nghe.

Không nhìn con, bà Gái nói vậy rồi nhấc chiếc ấm nhôm, tự rót cho mình một chén nước đầy. Dường như bà đang khó khăn trong việc tìm ra những câu từ để mào đầu câu chuyện mà bà đã gói ghém bấy lâu.

-Gia cảnh nhà mình thì con biết rồi đấy…

Nhấp một ngụm nước nhỏ, cuối cùng thì bà Gái cũng bắt đầu câu chuyện. Bên phía bàn đối diện, cậu bé tuổi mười lăm chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng Ngọc lại cấu tay vào mép bàn, như để kìm giữ những cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng lời mẹ kể.

-Năm chị Lụa được năm tuổi thì bố con mất. Ông ấy bị cảm rồi đi, chứ chả bệnh tật gì.

Khi nói về những người trong gia đình, bà Gái vẫn xác định vai vế từng người  như thế, không phân biệt con nuôi hay con đẻ.

Lụa là con gái duy nhất của vợ chồng bà Gái. Chồng mất, bà phải một mình xoay xở nuôi con, nuôi thêm cả mẹ chồng. Khi Lụa được bảy tuổi, bà Gái tranh thủ đi theo mấy người bạn buôn chuyến lên mạn ngược. Trừ tiền vốn bỏ ra, tiền cước vận chuyển, tiền dấm dúi khi bị hạch sách…, lời lãi không nhiều nhưng cũng đủ nuôi sống cả nhà.

-Ngày ấy, chính sách có nhiều thứ cấm hãm việc buôn bán lắm – Không nhìn sang Ngọc, bà Gái chép miệng tự ca cẩm. Rồi như để tự giải thích cho mình, và cũng để cho con hiểu, bà Gái quay sang nhìn Ngọc, nở một nụ cười mệt nhọc:

-Mẹ cứ đi nhiều rồi cũng quen, lại có thêm mấy bà bạn đi cùng nên cũng bớt buồn.

Chuyến buôn cuối cùng trong đời bà Gái không có gì đặc biệt. Ngày ấy xe chạy liên tỉnh cứ phải vài ba ngày mới có một chuyến. Cái việc phải chờ xe là bình thường lắm. Trong thời gian phải chờ xe, bà Gái thường ngồi kiểm lại hàng họ, nợ nần. Dông dài hơn, bà lân la đi ngó nghiêng tìm thêm mối hàng mới, đôi khi chỉ là đi cho thư giãn đầu óc.

Buổi sáng hôm ấy, bà Gái gọi xe ôm chở vào đền Duối. Nghe dân ở đây đồn rằng cái đền ấy là thiêng lắm. “Thôi thì đất có thổ công, sông có hà bá. Có thờ có thiêng. Mình đi lại đây nhiều, cũng nên vào dâng lễ rồi xin quẻ xem sao!”. Bà Gái tự nghĩ thầm như thế.

-Anh đợi tôi vào lễ thánh xong rồi lại chở tôi về chỗ cũ nhé. –Đến lối rẽ vào đền, xem chừng xe không vào được nữa, bà Gái xuống xe rồi dặn anh chàng xe ôm.

Vào đến cổng đền, bà thấy một đám đông xúm xít dưới tán cây duối cổ thụ. Lại gần, bà mới biết là người ta nhặt được một đứa trẻ trai sơ sinh đặt dưới gốc duối. Một ông, có lẽ là cán bộ xã, cất giọng oang oang:

-Nào, mọi người giãn ra đi nào. Trước hết, xem có gia đình nào ở đây nhận nuôi đứa trẻ này không? Nếu không, tôi đề nghị bác Lãng đưa đứa trẻ này về trạm xá xã. Tôi sẽ lập biên bản, giao trạm xá chăm sóc, rồi báo cáo cấp trên.

Đám đông dường như lập tức tản rộng ra.  Bà Gái lách vào ngó đứa trẻ do người đàn ông tên Lãng đang bồng trên tay. Đứa bé kháu khỉnh, khôi ngô, chắc vừa mới đẻ, chưa được tắm rửa, tóc còn bết trên thóp trán.

Sau lời kêu gọi của ông cán bộ xã, cả đám đông không ai nói gì cả. Dường như họ không sẵn sàng nuôi một hài nhi không do họ sinh ra, nhất là vào lúc này.

-Năm ấy đói kém lắm, cơm đứt bữa là chuyện thường. Mà dân ở vùng ấy, nhà nào cũng đông con rồi.- Bà Gái trầm ngâm quay sang nói với Ngọc, rồi hình dung lại tâm trạng của bà ngày ấy.

Khi bà Gái đưa tay kéo mép tấm vải để che khuôn mặt cho đứa trẻ, nó bỗng ngọ nguậy đôi tay. Cái bàn tay nhỏ bé từ đống vải vô tình huơ lên quệt nhẹ vào tay bà. Tim bà nhói lên nỗi xót xa như  một bản năng. Bà Gái lập cập đưa cả đôi tay xòe ngửa về phía ông Lãng, rồi nói với ông ta:

-Bác đưa em bế nó cho nào.

Cái gói vải bọc đứa bé vừa chuyển sang tay, bà Gái đã ôm sát nó vào lòng. Nước mắt bất chợt trào lên ầng ậng trên khóe mắt bà. Vẫn cúi xuống nhìn đăm đăm vào khuôn mặt đứa trẻ, bà sụt sịt nói với những người xung quanh:

-Các bác ơi, em sẽ nhận nuôi cháu bé…

 -Cô này là người ở đâu vậy? – ông cán bộ xã cất giọng hỏi.

-Em ở dưới xuôi đi buôn bán lên đây. Gia cảnh nhà em mẹ góa con côi. Hôm nay định vào lễ đền lại gặp cháu, có khi là duyên trời định…

Mọi người lục tục kéo cả vào trong đền. Ông cán bộ xã kiểm tra giấy tờ của bà Gái rồi lập biên bản giao nhận luôn dưới mái đền Duối. Cái bọc vải được mở ra. Ngoài cái tã bằng vải xô màn lót bên trong, còn có bốn mươi đồng tiền giấy gấp thẳng thớm giắt bên sườn đứa trẻ. Tấm vải bọc ngoài là loại vải “con công” còn mới. Ông Lãng trải tấm vải ra đo chiều dài được gần hai mét. Tất tật những thứ ấy đều được ông cán bộ xã ghi đủ vào biên bản. Tranh thủ lúc ông cán bộ xã hý hoáy viết lách, bà Gái vào thắp hương trong điện thờ, rì rầm khấn cầu thần thánh phù hộ cho đứa bé khôn lớn, rộng dài.

Người đàn ông tên Lãng là thủ từ của đền Duối. Buổi sáng hôm ấy, khi vào mở cổng đền, ông phát hiện ra cái gói bọc đứa bé. Chả nghĩ đến việc mở cửa đền nữa, ông Lãng ôm đứa bé quay về gọi đội trưởng. Anh chàng đội trưởng vừa nghe ông Lãng trình bày xong, lập tức hối ông quay lại “giữ nguyên hiện trường”, rồi cử người đi gọi cán bộ xã.

Bà Gái giao lại mấy chục đồng tiền cho ông Lãng, nhờ ông sửa lễ tạ thánh, rồi ôm đứa bé cùng tờ biên bản có dấu đỏ của xã, quầy quả đi ra gọi người lái xe ôm chở về thị trấn. Dân làng nhìn theo người đàn bà xa lạ, không ai nói câu gì cả…

Bà Gái kể đến đấy thì quay sang nhìn Ngọc. Thấy con nhíu mày, bà liền nói thêm:

-Chả tìm được người xin cho con bú, mẹ phải vội về pha sữa hộp đổ cho con ăn.

Bất giác, Ngọc đưa tay mân mê từng lớp vải. Cậu chàng đang cố giấu cái cảm giác cay cay nơi sống mũi. Chẳng lẽ cậu được sinh ra từ cái tấm vải này ư? Làm gì có chuyện hoang đường như thế?

Sau lần ấy, bà Gái  không đi buôn chuyến nữa. Phần vì bận rộn với việc chăm sóc đứa bé, phần vì bà đã tìm được niềm say mê mới.

-Ngày đặt tên cho con, người thân trong nhà mỗi người mỗi ý, nhưng mẹ quyết đặt tên con là Ngọc – bà Gái quay hẳn người nhìn đứa con ngồi cúi đầu phía đối diện. Bà hạ giọng, rủ rỉ với Ngọc như để san sẻ nỗi niềm vẫn chất chứa bấy lâu:  -Chả hiểu làm sao, dù không thai nghén, dù không dứt ruột đẻ ra, mẹ vẫn cứ cảm thấy con như là khúc ruột của mình.

Ngọc ngẩng lên nhìn mẹ. Những nét già nua đã hằn lên khuôn mặt, mái tóc và dáng vẻ của bà. Những điều bà Gái nói, Ngọc đã cảm nhận được mỗi ngày. Nhưng còn thoáng chút băn khoăn thỉnh thoảng vẫn gợn lên trong đầu, có lẽ dịp này là thích hợp nhất để Ngọc tìm lời giải đáp.

Hình như đoán nhận được những ý nghĩ của con, bà Gái quay ra chép miệng rồi trầm ngâm kể tiếp:

-Mẹ cũng đã mấy lần quay lên Đền Duối. Vừa cầu thánh phù hộ độ trì cho con, vừa hỏi dò về những người đã đẻ ra con. Mọi người đều nói chả có tung tích gì. Sau mấy năm, ông thủ từ chết, chả còn mấy người nhớ đến chuyện đứa bé bị bỏ rơi dưới gốc duối nữa.

Nghe đến đây, Ngọc đưa tay lên vò đầu, nét thất vọng lộ rõ trên gương mặt chàng trai mới lớn. Như thông cảm nỗi niềm của con, bà Gái hắng giọng rồi ôn tồn:

-Thôi con ạ, có lẽ là mệnh giời định thế. Những người đẻ ra con có thể đã chết rồi, cũng có thể họ buộc phải chối bỏ con. Nhưng còn có mẹ đây, mẹ sẽ không để con phải chịu thiệt thòi đâu.

-Vâng… Con cám ơn mẹ…

Lần đầu tiên trong đời, Ngọc nói những từ này với bà Gái. Lẫn trong đó có cả tiếng sụt sịt và những giọt nước mắt. Bà Gái đưa chén nước cho Ngọc, rồi tự tay rót cho mình chén nữa. Uống cạn chén nước, bà lấy bộ tươi tỉnh, quay sang nói với con:

-Thôi! Con trai của mẹ lớn rồi, phải cứng rắn lên mới được. Vài ba năm nữa, mẹ già yếu, con phải gánh vác, quyết định mọi việc đấy.

Nói đến đây, bà Gái dừng lại. Đợi Ngọc ngẩng lên, bà mới lấy giọng nghiêm nghị, nói tiếp:

-Nhưng có một việc con phải nhớ đây. Cái họ mẹ khai sinh cho con là lấy theo họ của bố, nó chỉ như cái dây gắn kết tình cảm trong nhà và đảm bảo thủ tục giấy tờ cho con thôi. Nhưng cái họ ấy không phải dòng máu của con. Lớn lên, trong chuyện tình duyên là con phải thận trọng. Vô tình làm chuyện vợ chồng với người cùng huyết thống, sẽ mắc tội loạn luân. Xưa nay tội ấy luôn là trọng tội, là thứ nghiệt trái, bị quả báo đến cả mấy đời đấy con ạ.

Ngọc nhướn mày ngạc nhiên. Như để làm dịu bớt những lo lắng của bà Gái, và cũng để tự trấn an mình, Ngọc gượng cười nói:

-Kìa mẹ, chuyện ấy còn lâu dài mà…

-Mẹ chỉ nhắc con chuyện này một lần thôi. –Không đợi nghe Ngọc nói thêm, bà Gái nói tiếp ngay: -Tấm vải này mẹ giao lại, để nó nhắc con nhớ về bổn phận của mình. Nếu đời mẹ không tìm được họ cho con,  con sẽ phải tiếp tục làm việc ấy, con nhớ nhé…

Bà Gái nói đến đấy thì kéo bàn tay Ngọc đặt xuống bàn, rồi úp đôi bàn tay mình lên, ánh mắt rạng ngời, lóng lánh…

 

-Anh à…, trải tấm vải xuống đi anh, em quét dọn sạch sẽ rồi…

Giật mình khi nghe vợ giục, Ngọc hấp tấp đặt tấm vải phủ lên tảng đá phẳng nhẵn dưới gốc cây duối cổ thụ. Vuốt tấm vải cho thật phẳng phiu, gọn ghẽ, Ngọc mới quay sang bảo vợ:

-Được rồi em ạ. Em đặt lễ lên đi…

Hành trình đi tìm lại họ của Ngọc bắt đầu từ khi vợ chồng anh sinh đứa con đầu. Bồng đứa con ruột thịt trên tay, lời dặn của bà mẹ nuôi năm nào lại văng vẳng:

-“Tội loạn luân là thứ tội trọng, là nghiệt trái, quả báo đến mấy đời đấy con ạ”

Đời Ngọc đã tránh qua được cái tội lỗi ấy một cách nhọc nhằn. Tình yêu thời trai trẻ của Ngọc chất chứa đầy những rụt rè, nghi ngại. Bao nhiêu những thi vị, lãng mạn của tình yêu đôi lứa, đã nhạt nhòa theo nỗi niềm trăn trở ấy. Đã có những người con gái đến với Ngọc, rồi lại đi với nỗi thất vọng không dễ gì chia sẻ.

Dần dà, Ngọc trở nên dè dặt mỗi khi tiếp xúc với bạn gái. Nhận ra điều ấy, bà Gái bảo con:

-Chả nhẽ con xấu hổ vì mẹ không phải mẹ ruột của con sao? Mẹ yêu quý con là vì mẹ hiểu hoàn cảnh của con. Người đời cũng thế. Không hiểu nhau thì  không thể thông cảm với nhau được, nói gì đến chuyện yêu nhau?

-Hì hì…-Ngọc bật cười: -Mẹ giỏi thật. Cái gì trong đầu con mẹ cũng biết hết!

Dường như được tiếp thêm “dũng khí”, Ngọc đã ngỏ lời yêu với người mà anh say đắm, cùng với lời đề nghị chân thành:

-Em à! Cái họ của anh là do mẹ anh đặt cho. Thật ra, anh không biết họ mình là gì. Yêu em mà vẫn lo. Nhỡ đâu mình cùng họ thì sao? Mình sẽ đi xét nghiệm em nhé?

 Lời đề nghị như lạc lõng hoàn toàn trong một buổi tỏ tình, tạo ra một khoảng im lặng đến thê lương giữa hai người. Khoảng lặng chỉ kết thúc khi người con gái lên tiếng:

-Anh sắp xếp đi, rồi báo lại cho em nhé!

Người con gái ấy là vợ Ngọc bây giờ. Nhìn vợ chồng Ngọc sánh bước trong ngày cưới, bà Gái chợt thấy con tim mình cũng rưng rưng hạnh phúc.

Đứa con trai đầu lòng của Ngọc được một tuổi, bà Gái đột ngột phát căn bệnh ung thư quái ác rồi ra đi. Những ngày cuối trên giường bệnh, bà nắm tay Ngọc, thều thào trong nước mắt:

-Con tha lỗi cho mẹ. Chưa tìm được họ cho con, mẹ đi mà vẫn chẳng an lòng

Ngọc nắm chặt tay mẹ, nghẹn ngào:

-Mẹ đã cho con cả cuộc đời rồi. Con chỉ mong mẹ an tâm chữa trị cho mau lành bệnh. Còn việc ấy, con hứa với mẹ, con sẽ làm cho bằng được…

Trong tay chỉ có tấm vải hoa làm chứng tích, Ngọc đã lần tìm đến đền Duối với những hi vọng mong manh. Người thủ từ nghe Ngọc kể thì ngạc nhiên lắm:

-Ờ…, câu chuyện này tôi chưa được nghe nói bao giờ. Để tôi dẫn anh đi hỏi các cụ già thôn này xem

Gặp vài người có tuổi, họ nhớ lại:

-Có một bà buôn xin đứa bé ấy về nuôi. Rồi mấy lần bà ấy về đây dò hỏi. Nhưng đứa bé ấy là do người nơi khác đem về bỏ ở đền thôi, chả ai ở đây biết  tông tích của họ đâu.

Cầm mảnh vải trên tay, Ngọc tần ngần quay trở về với những trăn trở khôn nguôi. Một lần Ngọc nói với vợ:

-Việc tìm họ của anh, không biết hướng nào mà lần bây giờ. Có lẽ phải nhờ tâm linh thôi em à.

Năm ấy, vợ chồng Ngọc lại sắm lễ về đền Duối như những năm trước. Họ không biết rằng, có một người đàn bà trong số những người đi lễ đền, đã nhận ra họ. Đó chính là người đàn bà tên Chanh, từng là người giúp việc cho gia đình Ngọc.

Cách đây mấy tháng, bà ta vớ được món hời! Vợ Ngọc đánh rơi cái ví ngay trong sân nhà mà không biết. Trong cái ví ấy có sợi dây chuyền quý giá, Ngọc đã chắt chiu để mua tặng vợ. Bà Chanh nhặt được, nghe ngóng thấy vợ chồng nhà chủ không có ý nghi ngờ, bà ta liền xin phép nghỉ rồi lặn biến về quê. Chỉ đến khi xem lại “ca-mê-ra” an ninh, vợ chồng Ngọc mới hiểu ra sự tình. Ngọc bảo vợ:

-Thứ quy đổi ra tiền được là khó tìm lại lắm. Thôi, “của đi thay người” em ạ!

Vợ Ngọc ấm ức:

-Mình tin tưởng, lại đối xử tử tế như thế, mà bà ta còn giở trò trộm cắp. Em phải nói cho bà ấy biết, cần thì em sẽ truy đến cùng. Không thể để bà ta nhởn nhơ chiếm đoạt của mình được!

Vợ Ngọc cắt ảnh từ “ca-mê-ra” rồi đăng cả họ tên, địa chỉ… lên mạng xã hội. Đứa cháu gái con em cậu bà ta vào mạng, phát hiện ra, liền đem về hỏi. Vừa nhìn thấy bức ảnh, tim bà ta chợt thót lại. Nhưng rồi nhận ra độ phân giải của “ca-mê-ra” hơi kém, bức ảnh mờ nhòe không rõ mặt, bà Chanh liền hét toáng lên:

-Tiên sư con đĩ này, đồ vu oan giá họa, đồ ăn cháo đá bát… Để tao đi tao đập nát mặt nó ra…

Lấy uy với mấy đứa cháu thế thôi, chứ với những chiến tích bất hảo trong quá khứ,  bà ta thừa biết lúc này cứ là phải giấu mặt càng kỹ càng tốt.

Thì thụt bán sợi dây chuyền được một món kha khá, bà Chanh tính chuyện xoay xở lúc cuối đời. Có lẽ vì những bất an trong tâm trí, nên bà ta đã chọn ngày hôm ấy để về đền Duối cúng cầu…

Nép mình vào một rặng hoa, bà Chanh len lét quan sát từng việc làm của vợ chồng Ngọc. Mắt bà ta hoa lên, đôi chân như muốn sụm xuống, khi Ngọc lần giở tấm vải hoa trải xuống dưới gốc cây duối. Những hình ảnh của ngày này bốn mươi năm trước, những tưởng đã tan lãng hết ngay từ ngày ấy, giờ đây lại quá rành rọt, hiện về trước mắt bà Chanh.

Này đây cái gian nhà kho nhập nhoạng ánh đèn dầu hỏa…. Cơn đau đẻ nghiền xé cơ thể và những tiếng thì thào …. Này đây đứa trẻ đỏ hỏn, ngọ nguậy trong tấm vải hoa…. Bóng tối lờ mờ trong gốc duối… Những bước chân lập bập và tấm lưng gầy của lão đàn ông, cứ gồng lên theo những nhịp đạp xe trốn chạy…

Dường như không thể tự kiểm soát được, bà Chanh lũi cũi đi ngược trở ra, vừa đi vừa thở dốc. Những bước chân vô định đã đưa bà rẽ vào cái lối nhỏ, dẫn về nơi có gian nhà kho ngày trước…

Một hôm, đang giữa buổi làm, vợ Ngọc gọi điện đến:

-Anh Ngọc à, cái bà Chanh ấy chết rồi.

-Sao em biết?

-Lần trước em đăng ảnh bà ấy nhặt cái ví của em lên “phây”, hôm nay thấy có cái “com – men” là: “Bà ấy chết rồi, xuống âm phủ mà ăn vạ đi”.

Buổi tối, ngồi bên bàn cùng uống nước, Ngọc bảo vợ:

-Anh sẽ lên chỗ nhà bà Chanh một chuyến. Anh thấy hơi là lạ. Với lại, dù sao bà ấy cũng là người làm trong nhà mình.

Một mình lái xe đi, vừa dò đường bằng điện thoại, vừa hỏi thăm, Ngọc đến nhà bà Chanh khi trời chiều đã xế. Giới thiệu xong, Ngọc được ông anh trai bà Chanh dẫn vào thắp hương phúng viếng. Nhìn vào tờ lịch dán bên di ảnh, Ngọc thoáng ngạc nhiên vì nó trùng vào ngày sinh của anh theo âm lịch.

-Cô ấy là gái duy nhất trong nhà, lại không có chồng con. Tôi là lớn nhất, nên phải lo hương khói cho cô ấy.

Quay trở ra, ngồi bên bàn uống nước, anh trai bà Chanh phân trần với Ngọc. Ngọc chăm chú lắng nghe rồi hỏi lại:

-Bà ấy bị tai nạn hay sao mà lại mất đột ngột thế ạ?

-Buổi sáng, cô ấy nói với tôi là đi lễ đền ở mãi tận ngã ba Làng Vầu. Đến chiều thì nhận được điện báo cô ấy bị cảm, mất rồi. Bệnh viện nói bị nhồi máu cơ tim. Anh em chúng tôi, ai cũng thấy bất ngờ…

-Bác… bác ơi. Cái đền ấy có phải là đền Duối không ạ? –Ngọc lắp bắp hỏi lại, khi chợt nhận ra có nhiều điều trùng hợp.

-Đúng rồi. Xưa nay ở đây không mấy ai đi lễ đền ấy. Chắc là cô ấy có chút vướng víu ở đấy, nên mới đi xa thế.

-Không dám giấu bác –cúi hẳn người về phía người đàn ông trước mặt, Ngọc hấp tấp: -Cháu là đứa trẻ nhặt ở đền Duối. Cứ đến ngày ấy, cháu lại về đấy cầu mong tìm lại được cha mẹ đẻ. Ngày bà Chanh mất, cháu cũng có mặt ở đền. Những chuyện này liệu có gì liên quan đến nhau không hở bác?

-Cậu nói thật hả? –Anh trai bà Chanh trợn tròn mắt nhìn Ngọc hồi lâu. Rồi ông ta cũng hấp tấp: -Thế này là liên quan…, liên quan đấy. Ờ…, mà…cậu theo tôi.

Người đàn ông đứng bật dậy, lật đật đi sang gian nhà đặt bàn thờ vong bà Chanh. Thắp mấy nén hương cắm trước bài vị, đợi Ngọc bước tới sau lưng, ông ta mới cất giọng nức nở:

-Ô hô, Chanh ơi.., có đứa trẻ nhặt ở đền Duối, anh đưa đến trước mặt em đây. Cầu cho nó là máu mủ của em, để em thanh thản mà đi, Chanh ơi…

Một làn gió nhẹ ùa vào gian nhà làm mấy ngọn nến cùng đám khói hương lắc lư, chao đảo. Thoáng chút ớn lạnh chạy qua sống lưng, Ngọc vội chắp tay vái về phía tấm di ảnh của bà Chanh, rồi quay trở lại ngồi bên chiếc bàn. Ông anh bà Chanh giương mắt thật to nhìn vào gương mặt người con trai ngồi đối diện rồi hạ giọng:

-Về tâm linh thì tôi chả biết gì, nhưng em gái tôi có đẻ ra một đứa con trai thật. Vì không nuôi được, nên mới bỏ ở cái đền Duối ấy…

-Có phải đứa trẻ ấy bọc trong tấm vải “con công” không hở bác?

-Mấy anh em tôi không ai biết chuyện này như thế nào. Cô ấy chỉ nói với mẹ tôi. Mẹ tôi có lần kể cho tôi nghe. Cũng chả được cụ thể ngọn ngành lắm.

-Nếu có chuyện như vậy, thì cháu đúng là đứa trẻ ấy rồi bác ạ. Mẹ nuôi cháu và dân làng quanh đền cũng kể lại, nhặt được cháu đúng ngày tháng ấy…

Chiêu thêm một ngụm nước, ông anh bà Chanh lại chậm rãi nói tiếp:

-Ngày ấy, cô Chanh làm ở cửa hàng lương thực mãi vùng cao biên giới. Nghe đâu dan díu với người cùng cơ quan. Được hai, ba năm thì lão này cũng về hưu với vợ con ở tận Vĩnh Phúc. Cô Chanh không sinh nở được nữa, cứ ở vậy đến bây giờ.

-Bác ơi…-Ngọc chồm hẳn người trên mặt bàn, giọng thảng thốt: -Bác có địa chỉ của cái ông ở Vĩnh Phúc không bác?

-Là cô Chanh nói với mẹ tôi như thế, chứ nào có ai biết gì đâu.

Ngọc ngẩn ra một lúc rồi đưa tay vò đầu. Lát sau, anh lẩm bẩm như tự nói với mình:

- Có lẽ lúc trước mẹ cháu đã tìm ra cháu, nên mới về tận Nam Định, rồi vào làm trong nhà cháu mấy tháng trời. Thế mà cháu đã không nhận ra.

-Không phải đâu cháu. –ông anh bà Chanh đổi cách xưng hô: -Thời bao cấp, bà này làm cửa hàng trưởng bán lương thực, sống khá giả lắm. Về sau, cô ấy lại vướng vào vụ vỡ hụi, lớn lắm! Người thì vào tù, của cải thì bị tịch thu hết. Ra tù được có mấy tháng, chắc là thấy bí bách, nên mẹ cháu tính chuyện đi làm thêm. Quanh tỉnh này, tai tiếng đã nhiều, nên cô ấy ngại. Cái chỗ nhà cháu là do mấy đứa trẻ nó tìm trên mạng ra thôi.

Thì ra là thế! Cuộc đời bà Chanh thực sự là những cuộc trốn chạy. Trốn chạy khỏi những tai ương do chính bà tạo ra. Có lẽ vì thế mà suốt mấy chục năm qua, Ngọc và những người quan tâm đến cuộc đời anh, đã không thể nào tiếp cận được với bà ấy. Và rồi, có thể bà Chanh đã nhận ra cái hài nhi mà bà vứt bỏ chính là Ngọc. Và như thế,  bà ấy đã không thể trốn chạy ở thế giới này thêm được nữa…

Ngọc buông sõng đôi tay, đôi vai xuội xuống, nét mặt đầy vẻ khổ đau, thất vọng. Kết quả của cuộc tìm kiếm suốt bao năm qua đã đến với Ngọc như một cơn gió quẩn. Có chút mát mẻ, có chút le lói, nhưng vẫn dật dờ bao là ngang trái. Ngọc biết rằng anh còn phải tìm, phải lý giải, phải gấp gáp với cả một chặng đường trước mắt.

Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, anh cầm tay người đàn ông trước mặt, giọng gấp gáp:

-Cháu cảm ơn bác đã kể cho cháu nghe về mẹ đẻ của cháu. Nhưng cháu còn nhiều việc cần làm ngay để tìm ra tông tích của mình. Xong việc cháu sẽ trở về đây gặp bác và mọi người. Cháu xin phép…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét