Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Văn chương và những câu chuyện trong nó



Chuyện thứ nhất: Chính tả tiếng Việt trong văn viết. Quanh chuyện này vẫn có những cách nhìn khác biệt
Một là: chuyện này chả có gì đáng để ý. Văn chương quan trọng nội dung tư tưởng với nghệ thuật, vài ba cái lỗi chính tả mang tính kỹ thuật ấy chả ảnh hưởng gì!
Hai là: coi lỗi chính tả như một dấu hiệu yếu kém về năng lực ngôn ngữ. Những người viết mắc lỗi được xem là “chưa sạch nước cản” trong nghề viết lách, tác phẩm bị xem thường, thậm chí  có người đọc khó tính sẽ loại bỏ ngay, không thèm đọc nữa.
Rõ ràng những cách nghĩ trên đây đều cực đoan, nhưng chẳng phải là vô lý hoàn toàn. Một tác phẩm được viết bởi nghìn vạn ký tự, vài ký tự lỗi và có thể hiểu được sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến tình cảm người đọc dành cho tác phẩm. Sự phong phú về ngôn từ trong tiếng Việt, sự giao thoa giữa các ngôn ngữ thời hội nhập, sự giao thoa giữa văn nói và văn viết cùng với tình trạng chưa có những giải pháp giải quyết triệt để tính thống nhất của ngôn ngữ, dễ làm người viết nhầm lẫn. Điển hình dễ gặp các lỗi nhầm lẫn giữa âm “L” với âm “N” ở ngoài miền Bắc, âm “D” với âm “V” ở miền Nam, dấu “hỏi” với dấu “ngã”, dấu “nặng” ở miền Trung. Ngoài ra các lỗi bỏ dấu thanh vào chỗ nào, dùng “i” hay “y”, quy định về viết chữ hoa hay chữ thường…, cùng các yếu tố văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và khoa học …, đã làm cho vấn đề chính tả chưa có hồi kết. Vì thế nếu cho rằng phải gắn chặt yếu tố chính tả với chất lượng nội dung một tác phẩm rõ ràng là một sự máy móc, thiếu tính toàn diện.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng các tác phẩm xuất bản là một sản phẩm văn hóa và là một sản phẩm khoa học. Độc giả thì có thể có nhiều đối tượng khác nhau, nhưng tác giả của các tác phẩm văn chương thì chỉ có thể là nhà văn hay nhà thơ. Trong ý niệm của người đọc, nhà văn và nhà thơ phải là những người có vốn văn hóa phong phú, đã trải nghiệm viết và đọc nhiều, nên có năng lực ngôn ngữ dồi dào. Vì vậy lỗi chính tả trong các ấn phẩm sẽ khiến người đọc hoặc nhận thức sai về nội dung truyền tải của câu văn, hoặc cảm nhận không đúng mức về năng lực của tác giả.
Cho đến nay chúng ta chưa có một bộ luật về ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, không phải là chính tả tiếng Việt không có những quy chuẩn. Ngay từ năm 1984, bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thị Bình đã ký quyết định số 240 ban hành những quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò các tập từ điển trong việc kiểm soát ngữ nghĩa và chính tả của các văn bản tiếng Việt.
Vấn đề chắc chắn chưa được giải quyết trọn vẹn, nhưng chỉ cần quan tâm đến những quy định đó một chút, các nhà văn, các đơn vị xuất bản đã không để lại các lỗi chính tả đáng tiếc trên ấn phẩm của mình.
Tôi trở lại đọc báo Tân Trào ở mấy số gần đây. Chuyên mục với tác giả phần nhiều đã quen. Tôi giương mắt qua cặp kính lão dò đọc để tìm những cảm nhận, những thông tin mới, những ý tưởng và nội dung mới. Nhưng rồi những lỗi chính tả chềnh ềnh trong bài đã làm cái hứng thú vừa nhen nhóm đã vơi hao đi quá nửa. Bài đăng báo nào dài lắm đâu, thậm chí là cả những bài thơ ngắn ngủn cũng mắc những lỗi không đáng mắc.
Trong số 440, có một tác giả quen lắm, thường xuyên có bài trên mặt báo, văn phong cũng có nét riêng. Nhưng rồi vừa ở đoạn giao đãi mào đầu đã có câu: “Tôi giót nước mời”. Thật ra ai cũng hiểu tác giả làm cho nước chảy thành dòng qua vòi của một vật chứa vào vật chứa khác để mời khách. Nhưng cái chữ “giót”, ngoài để gọi tên người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, người Việt chả dùng làm gì cả, vậy mà nó lại đi vào tác phẩm văn chương hồn nhiên đến lạ!
Cũng trong số này tôi đọc một bài thơ của một tác giả quen tên, chỉ có 4 câu thôi, có một câu thế này: Điều chi chú rế ri ri vậy”. Tôi đoán tác giả là người gốc gác và sinh sống ở quê lúa Thái Bình. Phương ngữ nơi này hay dùng âm R lắm. Bà dì ruột của tôi sinh ra và sống ở mảnh đất đầu cầu Bo, có lần bảo bọn con cháu: “Các cậu thấy tóc bạc thì đừng có rổ, cứ để nó bạc nhiều rồi ruộm như đây này!”
Người viết có thể phiên âm giọng điệu trong các câu thoại hay trích dẫn để mô tả sắc thái của nhân vật. Còn trong một câu thơ đầy tính tự sự, chữ nghĩa hoàn toàn của nhà thơ, sao nỡ ép uổng “chú dế” thành “chú rế” như thế?
Có một dòng tôi thấy cũng hồn nhiên trong thơ của số báo này, cũng của một tác giả khá quen. Một lần tôi cùng tác giả đến thăm khu di tích Tháp Bà ở Nha Trang và được xem các nghệ nhân Chăm biểu diễn nghệ thuật. Có lẽ một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Tiến đã gợi cho tác giả viết nên câu thơ:
Rộn ràng trong tiếng trống Pa Ra Lưng”.
Tên loại trống này là phiên âm từ tên gọi theo tiếng Chăm rồi latin hóa thành paranưng , nhà thơ có phiên âm đọc thì cũng thành pa – ra – nưng  chứ làm gì có “Lưng” ở đây. Ngay trong tên bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến cũng viết và đọc là “nưng” cơ mà?
Một lần tôi giở số 424, tìm đọc bài của một tác giả khá quen, xưa vốn cũng “ngoại đạo”, nay thì văn thơ song hành, xuất hiện đều trên mặt báo. Bài viết có câu: “Nhưng nói đến đây giọng ông trùng xuống”. Tôi hiểu tác giả muốn diễn đạt tình trạng tâm lý của nhân vật, nhưng tra đi tra lại chả thấy có “trùng” nào dành cho việc này cả. Đáng lẽ phải viết là “chùng” mới phải chứ nhể?
Những tình huống trên đây và tương tự thế có thể gặp ở nhiều nơi khác. Nhưng đối với một tờ báo, mà lại thuộc lĩnh vực văn nghệ thì các chuẩn mực ngôn ngữ cần được coi trọng. Có rất nhiều khâu được thực hiện để xem xét, điều chỉnh đối với một bài viết, nhưng khâu đọc của độc giả là khâu cuối cùng. Ở khâu này mọi cảm nhận đã đi vào tư duy người ta. Làm sao có thể đính chính, làm sao chỉnh sửa cái cảm giác sàn sạn, thậm chí hẫng hụt, khi người ta đọc phải những chữ viết sai chuẩn như thế? Chính vì lẽ đó nên tất cả các công đoạn trước khi đưa bài viết đến tay người đọc cần phải kỹ lưỡng nhiều lắm!
Có thể nhiều người đọc không soi xét, nhiều người đọc động viên người viết :”Chẳng sao đâu, chuyện nhỏ ý mà!”. Thế nhưng ấn tượng thật trong tư duy người đọc mới là điều thiết yếu, thì ta khó mà đo đếm được !


Chuyện này tôi bàn góp đến đây, mong các nhà thơ, nhà văn tích cực đọc văn người và văn mình nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ là không nên cầu toàn nhưng chỉn chu thì mọi sự vẫn cứ là tốt hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét