Có một nhà hiền triết đã nói: "Tất cả những gì anh nói ra đều là nói về anh" Ở đây, tất cả những gì tôi viết ra đều là viết về tôi!
Tổng số lượt xem trang
73,755
Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016
Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016
NẮNG VỀ TỪ CÕI VẮNG
Ngày Tám tháng Mười âm
lịch năm nay lại đến. Từ tinh mơ ông Xiển đã nhúc nhắc trở mình ngồi dậy. Quờ
tay vớ cái gậy tre gác cuối giường, chân dò dẫm đôi dép tổ ong, ông lẹp kẹp
bước ra gian nhà ngoài liếc nhìn cái đồng hồ treo tường. Năm rưỡi rồi! Mọi ngày
cứ là bảy giờ ông mới bắt đầu một ngày mới với màn đi đạo và ăn sáng. Nhưng hôm
nay thì khác, ông phải làm giỗ cho một người.
Ở cái tuổi ngoài chín mươi, ít người còn
sống và minh mẫn như ông Xiển lắm. Con cái phương trưởng, ông đuổi ra ở riêng
hết, hai ông bà tự chăm bẵm nhau có đến hàng chục năm nay chả phải trông cậy
đứa nào. Lúc nào nhớ con cháu, ông Xiển lại dắt vợ ghé qua nhà mỗi đứa một
buổi...
Lọ mọ đến nửa giờ đồng hồ, ông Xiển mới
làm xong cái thủ tục vệ sinh răng hàm mặt. Mở cánh cửa tủ đứng góc nhà, ông cẩn
thận lựa ra bộ đồ treo trong ngăn tủ và hì hục mặc vào người. Một
chiếc quần âu màu xám thẳng thớm, một chiếc sơ mi màu trắng cổ cứng được ông
Xiển "đóng thùng" một cách cẩn thận. Xong xuôi phần diện quần áo, ông
chậm rãi bước đến trước cái bàn thờ giữa nhà bật lửa châm nến. Rút ba nén
hương, ông Xiển thắp hương bằng cả hai tay mà mấy nén hương vẫn cứ run bần bật,
mãi mới bén lửa được.
Khói hương nghi ngút bốc lên, tỏa ra
khắp không gian của căn nhà một mùi thơm huyền bí. Ông Xiển chuyển mấy nén
hương sang cầm bên tay trái, tay phải nhúp lấy một nén rồi ông dướn người cắm
hương vào chiếc bát hương to nhất trên bàn thờ. Chiếc bát hương ấy là để ông
Xiển cầu khấn thần, phật, thổ công, thổ địa và cũng là để nhắc nhở cho ông biết
rằng ông có tổ tiên, dòng giống. Quê quán, tổ tiên ông Xiển không phải ở đất
này. Những cuộc di cư khai phá mưu sinh đã đưa bố mẹ ông lưu lạc đến mảnh đất
âm u rậm rạp của miền rừng núi thượng nguồn sông Lô. Thuở ấy, vùng đất ấy nổi
tiếng dồi dào các loại lâm thổ sản, cũng lại nổi tiếng là nơi sơn lam chướng
khí. Nhiều người từ những vùng miền khác nhau đã đến đây để lập nên cơ nghiệp,
và cũng nhiều người đến đây rồi bỏ mạng chốn tha hương. Mãi về sau này, ông
Xiển mới lần ra được gốc, tích tổ tiên ở tận Ninh Bình. Họ hàng nội ngoại phiêu
dạt hết cả, chả còn ai gần cận...
Ông Xiển nhúp một nén hương nữa cắm vào
cái bát hương đặt thấp hơn một chút. Bát hương ấy ông Xiển để thờ cha. Cha ông
vốn là một thợ sơn tràng, quanh năm lăn lội trên những khu rừng sâu núi thẳm.
Ký ức về người cha đẻ trong ông Xiển không có nhiều. Lên năm tuổi ông đã mồ côi
cha. Không một tấm hình hay một đồ vật gì của người cha được lưu lại. Trong trí
nhớ, ông Xiển chỉ lờ mờ hình dung cha ông là người đàn ông trầm tĩnh. Hình ảnh
rõ nhất về cha mình ông nhớ được là một ngày mưa gió gầm gào, cha ông cởi trần
bận quần cộc ngồi bện một sợi dây thừng to tướng bằng những sợi dây rừng khô
cứng, thỉnh thoảng cha ông lại ngước lên, lặng lẽ ngó mông lung vào trời đất!
Thi thể của cha ông được những người bạn
cùng cánh thợ sơn tràng chôn bên mé rừng, ngó xuống đám đất bãi bờ sông nơi mẹ
ông ngày ngày hì hụi cuốc xới, trồng tỉa. Ngày giỗ bố ông Xiển ở vào tháng Tư
âm lịch. Đến ngày ấy, mẹ ông thường lụi cụi nấu cơm xôi, mổ con gà luộc chín
rồi bày lên bàn thờ, đốt hương cắm vào cái bát hương bằng sành rồi lẩm bẩm gì
không nghe rõ. Mẹ ông ở vậy thờ chồng được năm năm thì bước đi bước nữa. Bố
dượng của ông Xiển là một ông trùm họ đạo. Từ ngày mẹ đi lấy chồng, bố ông Xiển
không được cúng giỗ gì nữa. Nhớ ngày giỗ cha, ông Xiển vẫn lén thắp mấy nén
hương đen mua của người Dao cắm lên phần mộ của bố, rồi bắt chước mẹ chắp tay
vái lạy xì xụp.
Có đến hơn hai chục năm liền, ông Xiển
lặn lội đi theo những bước thăng trầm của công cuộc cách mạng. Mãi đến ngày
dừng chân an cư ở mảnh đất này, ông Xiển mới nhờ người bốc bát hương thờ cúng
cha. Vào ngày giỗ cha, ông cũng vẫn làm như mẹ ông ngày xưa, nấu đĩa xôi, luộc
con gà rồi thắp hương, trải lòng nhớ thương cha bằng đôi câu khấn nôm na. Mấy
năm gần đây, đám con ông phương trưởng, đứa buôn bán giàu có, đứa giành được
chân chức sắc hàng huyện... chúng hè hụi góp tiền của cúng giỗ om sòm. Lúc đầu
ông quát đuổi hết đám ấy về, không cho cỗ bàn khách khứa gì. Ông ghét cái thói
mở miệng khấn vái là chăm chăm cầu tài, cầu lộc cho bản thân! Sau rồi nghe
chúng nỉ non, ông lặng im, mặc kệ. Thế mà rồi chúng cũng chẳng để ông yên:
- Bố ơi! Sao mỗi nhà mình lại cúng giỗ
theo Phật giáo. Nhà các cô chú cùng mẹ với bố lại theo đạo Thiên Chúa?
Cô con gái thứ hai của ông Xiển làm kinh
doanh nhà nghỉ, xăng xái nhất nhà trong chuyện thờ cúng, đưa ra thắc mắc.
- Tao theo cái gì là việc của tao. Chúng
mày không thích thì cứ cút hết đi!
Ông vung gậy vằn mắt quát tướng lên
khiến cả nhà im bặt, kể cả vợ ông cũng chẳng dám ho he hỏi han thêm nữa. Thật
ra, cái tục thờ cúng này ông Xiển cũng không rành rẽ lắm, bởi ngay từ ngày nhỏ
ông đã sống trong những giáo lý nhà Chúa. Thế nhưng thân phận mồ côi của ông
lại cảm nhận được sự vỗ về từ những kỷ niệm xa xăm thuở chập chững vào đời, tâm
hồn ông như ấm áp hơn mỗi khi thắp lên những nén nhang, tự tay cắm vào bát
hương rồi trải lòng mình với vong hồn những người quá cố. Thế nên, tự ông quyết
định nhờ người bốc hẳn ba bát hương đặt lên bàn thờ, và cũng tự ông chăm chút
việc hương khói những ngày giỗ tết...
Còn nén hương cuối cùng, ông Xiển run
run cắm vào cái bát hương nhỏ nhất trên bàn thờ. Hôm nay là ngày giỗ vong hồn
người được ông thờ trong bát hương ấy. Từ ngày biết đó là bát hương thờ Bà Cô
mất lúc tám tuổi, lũ con ông Xiển mắt tròn mắt dẹt lễ bái cung kính hơn cả lễ
thần thánh. Thằng con cả lừ mắt dặn vợ:
- Bà Cô nhà mình là thiêng lắm! Tôi vào
được cái chân phó chủ tịch cũng là nhờ Bà Cô phù trợ. Ngày rằm, mồng một là
tuyệt đối không có được sao nhãng cái chuyện lễ lạt, hiểu chưa?
Đứa con gái thứ hai thì thào với bà vợ
ông Xiển:
- Con xây thêm cái nhà nghỉ, quên không
lễ Bà Cô nhà mình kỹ càng, hỏng hết chỗ nọ đến chỗ kia. Con mời thầy cúng đến
làm lễ kêu cầu Bà Cô, được Cô thuận ý việc gì cũng trôi chảy!
Thằng con thứ ba của ông Xiển làm nghề
cai thầu xây dựng thì hể hả với anh trai:
- Mấy công trình ngon ăn, em phải khấn
xin Bà Cô nhà mình mới chen được cái chân thầu đấy!
Đứa con gái út làm giáo viên tiểu học,
lấy chồng cũng là giáo viên vùng xa, không cam chịu phận nghèo nhất trong số
mấy anh chị em, cũng chép miệng:
- Nhà em chả có điều kiện như nhà các
bác, cúng giỗ thì bập bõm, Cô không cho lộc nên cứ đì đẹt mãi...
Tự nhiên cái uy thiêng của bát hương nhỏ
cứ tự tôn lên. Bọn chúng xin ông Xiển lập điện, thay bát hương quý để thờ Bà
Cô, nhưng ông Xiển không cho. Ông nói với đám con cháu:
- Thờ cúng ở nhà này như thế nào là việc
của tao. Đứa nào tự ý đụng chạm vào, tao từ mặt!
Thế là đến cái ngày Tám tháng Mười âm
lịch là mấy đứa con ông Xiển thi nhau sắm lễ đến, đợi ông Xiển hương khói xong
mới bày biện, khấn vái rất chi là sùng tín. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, vợ con
ông vẫn chưa thể nào biết được tên của Bà Cô thờ ở bát hương kia gọi là gì. Mấy
đứa con xúm lại dò hỏi, ông xua tay:
- Các anh chị khỏi cần quan tâm đến tên
tuổi làm gì! Người chết từ lúc nhỏ đều thành Bà Cô, Ông Mãnh hết, cứ thế mà
khấn!
- Nhưng thầy bảo phải gọi đúng tên Cô
thì Cô mới nhanh hiển linh!
Đứa con gái thứ hai cất giọng xoe xóe.
Lập tức ông Xiển lại vung gậy lên:
- Thế thì mày đến nhà thầy mày mà hỏi
nhá!
Cũng có lúc ông định dẹp cái bát hương
nhỏ ấy đi vì lo sợ lũ con cái lạm dụng cầu lợi, bày trò mê tín, xúc phạm vong
linh người đã khuất. Nhưng rồi cái cảm giác cô đơn, lạnh lẽo ùa đến, những nỗi
niềm thương nhớ lại rưng rưng, khiến ông không đành lòng...
Đến năm mười chín tuổi, ông Xiển đã có
thêm bốn đứa em khác họ. Cả nhà vật lộn với mấy mảnh ruộng ngoài bãi, thêm chút
bổng lộc của ông bố dượng cũng chẳng đủ ăn. Ông Xiển lúc ấy đã là một chàng
trai khỏe mạnh, trắng trẻo, ngày ngày phải theo đám dân khai thác vào rừng chặt
cây, đào củ để kiếm cơm. Cùng trong họ đạo, có nhà ông Ký Lắm là người được
tiếng giàu có nhất vùng đất ấy. Vào những ngày tuần, ngày lễ, ông ta thường vời
ông bố dượng ông Xiển đến đọc kinh làm lễ. Những dịp ấy ông Xiển thường được đi
theo, vừa để phụ lễ, vừa là nhận cái ý truyền giảng lễ giáo cho đời sau của ông
bố dượng. Lễ giáo ông Xiển chẳng nhập vào đầu được mấy tý, nhưng rồi ông lại phải
lòng cô con gái tên Dịu của nhà ấy. Suốt ngày ngẩn ngơ, suốt đêm nhung nhớ có
cơ hội là ông tìm cách gặp bằng được cô gái ấy, dẫu chỉ để chào một câu, thậm
chí chỉ để nhìn một thoáng. Như duyên trời định, cái phong thái vừa phảng phất
chút thư sinh, lại vừa mộc mạc, hoang dại của chàng trai miền rừng núi đã làm
trái tim cô gái kia xao động. Dần dà, những ánh nhìn đã mềm mại và ấm áp hơn,
những câu chào đã có thêm nét cười e lệ.
Bố dượng ông Xiển sớm nhận ra mối lương
duyên của đôi trẻ. Một hôm ông gọi Xiển ngồi rồi bảo:
- Anh phải nghĩ lại cái đám ấy đi. Nhà
mình với nhà người ta không phải chỗ "đăng đối", tơ vương vào rồi lại
lỡ dở cả đôi bên!
Nói thế nhưng bố dượng ông Xiển cũng lựa
dịp đánh tiếng với ông Ký Lắm về chuyện đôi trai gái, không ngờ ông Ký lại có
vẻ thuận tình:
- Tôi thấy thằng ấy trông cũng được. Cứ
cho nó sang ở rể cho tôi ba năm rồi sẽ tính chuyện tác thành sau. Đổi lại, tôi
cho ông bà cày cấy hai sào chỗ Gốc Dứa để lấy thóc ăn, tôi chỉ lấy thóc tô
thôi!
Đất này có cái lệ nhà gái đòi nhà trai ở rể như một thứ sính lễ. Thời
gian ở rể thực chất là thời gian làm việc không công để bù vào phần sính lễ
thiếu hụt theo yêu cầu của nhà gái. Tiếng là làm rể, nhưng chưa làm hôn lễ thì
chàng trai vẫn chỉ như một người làm trong nhà. Những cặp đôi có thắm thiết
chăng nữa, cũng chỉ dám đưa đẩy đầu mày cuối mắt, thì thụt hẹn hò, chứ tuyệt
đối không có cái sự vợ chồng công khai trước mặt dân làng họ mạc!
Nhà ông Ký Lắm không lập đồn điền như
những quan chức thời đó. Bù lại ông ta có được cái giấy buôn muối và buôn bè
lâm sản. Xiển sang làm rể, được ông Ký giao cho chân quản lý đám người khuân
vác tre gỗ, cốn bè ngoài bến sông. Xiển được bố trí một tấm phản để ngủ riêng
dưới nhà ngang, nhưng ăn thì vẫn phải cùng mâm với đám người làm. Bến sông khá
xa nhà nên bữa trưa cô Dịu tự tay nấu nướng rồi xách ra cho Xiển cùng đám người
làm ăn tại bến sông luôn. Tranh thủ chút thời giờ ngắn ngủi ấy, ông Xiển và cô
người yêu trao cho nhau những ánh mắt nụ cười thật chan chứa nỗi yêu cùng những
câu tâm sự, thề bồi tha thiết. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, những giờ phút ấy
vẫn cháy cồn lên trong con tim ông Xiển!
Trong số những người làm, có anh Tưởng
cao tuổi nhất, lại là người của Việt Minh. Những câu chuyện rỉ rả hàng ngày của
anh đã khiến Xiển và mấy người kia nhận ra thân phận của mình. Chỉ vài ngày làm
việc cùng nhau, họ đã thành một tốp người cùng chí hướng, mặc nhiên coi anh
Tưởng là thủ lĩnh. Nỗi khát khao giải phóng mình khỏi thân phận đã được nhen
nhóm lên. Sau những giờ làm việc nặng nhọc, họ tranh thủ bàn định với nhau một
kế hoạch gia nhập hoạt động của tổ chức Việt Minh. Anh Tưởng nói với Xiển:
- Tổ chức rất cần những người biết đọc
biết viết như cậu. Tôi muốn đưa cậu vào tổ chức, nhưng chuyện riêng của cậu xem
ra còn dang dở lắm!
- Tổ chức ở xa lắm hả anh? - Xiển rụt rè
hỏi lại.
- Không xa, nhưng đôi khi phải hy sinh
tình riêng mới theo được.
Câu nói của anh Tưởng làm tim Xiển nhói
đau. Một cảm giác xót xa dâng lên khi anh ta nghĩ về mối tình đầu cháy bỏng
đang nhen lên với người con gái anh say đắm. Nhưng rồi nỗi khát khao được giải
thoát, được tự khẳng định mình lại cồn cào thôi thúc trong tâm trí của Xiển.
Những ngày sau đó là những ngày trăn trở, dằn vặt của đôi trai gái. Một quyết
định đi hay ở lại của Xiển đều dày vò tâm can đôi lứa trẻ đang yêu. Cuối cùng,
cái khát vọng bay xa, cái khát vọng tự do, tự tại đã thắng. Xiển gọi anh Tưởng
lên bờ và thì thầm:
- Chúng tôi bàn với nhau đủ đường rồi.
Đằng nào cũng phải đợi ba năm nữa. Tôi sẽ đi cùng anh. Tôi tin tôi sẽ quay về
và chúng tôi cưới nhau như đã hẹn.
- Mọi thứ còn gian truân nhiều lắm,
chuyện riêng tư chưa thể nói trước điều gì đâu cậu à.
- Dẫu chưa cưới hỏi, nhưng tâm trí chúng
tôi đã thuộc về nhau. Việc cách trở chia phôi, chúng tôi cũng đã nói với nhau
cả rồi, anh cứ tin tôi đi!
- Thế thì cậu chuẩn bị đi! Chuyến bè này
xuôi, tôi với cậu sẽ đi gặp tổ chức.
Trưa cuối cùng trước khi khởi hành
chuyến bè về xuôi, trên bờ sông Lô vắng lặng, ông Xiển ngồi sát lại bên người
con gái ông yêu đến cháy lòng. Người ta bảo những cặp yêu đương cùng nhìn một
dòng nước chảy dễ phải chia ly. Trước mặt hai người là cả một dòng sông mùa lũ
đang cuồn cuộn đục ngầu. Nhưng đôi trẻ dường như không để ý đến tất thảy những
gì đang diễn ra. Trong tâm can họ còn có những nỗi niềm đang sục sôi dâng trào,
muốn nhấn chìm đi mọi thực tại nghiệt ngã. Bất giác, Xiển vòng tay choàng qua
vai Dịu, gần như tức thì, người con gái đổ gục khuôn mặt mình vào ngực Xiển.
Lần đầu tiên thân xác họ chạm vào nhau. Lần đầu tiên họ cảm nhận được mùi hương
da thịt của nhau. Vòng tay Xiển xiết lại, ghì chặt bờ vai người con gái vào
ngực mình. Rồi họ áp hai khuôn mặt nóng rực với nhau. Trời đất quay cuồng, đôi
trẻ như hai cục than hồng chụm lại, tưởng chừng chỉ một thoáng gió nhẹ thôi,
cũng thổi bùng lên thành đám lửa thiêu đốt.
Nhưng chính một làn gió nhẹ lao xao tán
lá cây rừng đã làm người con gái như chợt tỉnh giấc mộng. Dịu ngẩng lên, khuôn
mặt đã đầm đìa nước mắt:
- Cậu đi rồi sớm về với em, cậu nhé!
- Đợi tôi mình nhé! - Xiển lau nước mắt
người yêu rồi hạ giọng thật khẽ khàng nhưng dứt khoát: - Dẫu thế nào tôi cũng
trở về, tôi chỉ thương có mình thôi!
- Từ đây, em đã thuộc về cậu rồi, mãi
sau này cũng thế. Cậu đi rồi về đưa em đi với cậu, đi đâu em cũng theo được,
cậu nhé!
Rồi như sực nhớ ra, cô gái móc từ trong
túi áo một chiếc khăn nhỏ bằng lụa trắng đã được cuộn nhỏ lại. Cô đặt chiếc
khăn vào lòng bàn tay Xiển rồi ấp úng:
- Em làm cái này, không đẹp lắm... cho
cậu đi đường xa thấm mồ hôi thôi.
Tiếng gọi nhau í ới của những người làm
báo hiệu giờ phút gần gũi của đôi trẻ đã không còn. Xiển quay sang ghì vòng tay
xiết chặt bờ vai người yêu lần nữa, hít một hơi thật dài như muốn hút hết mùi
hương tóc và da thịt người yêu vào mình. Rồi vòng tay người trai trẻ ngập ngừng
nới dần ra trong ánh mắt bịn rịn của cả hai người. Lúc ấy ông Xiển bước vào độ
tuổi hai mươi.
Chuyến bè ấy xuôi sông Lô xuống đến bến
Then thì tạm dừng lại. Anh Tưởng và ông Xiển lên bờ đi gặp tổ chức rồi không
quay về nhà ông Ký Lắm nữa. Ông Xiển tham gia tổ chức Việt Minh từ đấy, rồi
cuốn hút vào những công việc cách mạng liên miên, ông Xiển không trở về gặp
được cô Dịu như đã hẹn. Đường đất xa xôi cách trở, lại thêm thời cuộc biến
chuyển xoay vần, dù đã cố gắng dò hỏi, ông Xiển cũng chỉ biết được vài tin tức
sơ sài về vùng đất nơi ông sinh ra. Sau ngày cách mạng Tháng Tám năm bốn nhăm
thành công, ông Xiển lặn lội tìm về nhà cũ mới biết ông bố dượng đã đưa cả nhà
chuyển sang xứ đạo khác. Gặp một người làm cũ của nhà ông Ký Lắm, ông Xiển nhận
tin như sét đánh! Người con gái ông yêu dấu, mòn mỏi chờ đợi ông suốt sáu năm
trời, bị gia đình ép lấy một tay đội binh, đã gieo mình xuống dòng sông Lô tự
vẫn. Ông Xiển gầm lên:
- Chúng nó là lũ chó đẻ...
Nỗi uất ức căm hận sục sôi khiến ông như
hóa dại. Lăm lăm khẩu súng trong tay, ông Xiển chồm lên định lao về nhà Ký Lắm
để đập phá, bắn giết hết những kẻ đã khiến cuộc tình ông ôm ấp bao năm, giờ đây
bỗng chốc chia lìa vĩnh viễn. Nhưng rồi những lời nhắc nhở của tổ chức đã buộc
ông phải nén xuống tất cả. Lật đật tìm đến phần mộ của người yêu dấu, ông Xiển
úp mặt vào mô đất mà khóc rưng rức. Rồi như bị thôi miên, ông ngồi ngả vai vào
nấm mộ chưa xanh cỏ, miên man trong những mộng mị đan xen bao kỷ niệm yêu đương
với những viễn cảnh hạnh phúc ông vẫn từng mơ ước...
Trở về với tổ chức, ông Xiển lao vào
công việc như để quên lãng đi vết đau lúc nào cũng muốn ứa máu. Mãi đến khi gần
bốn chục tuổi, được anh em trong đơn vị vun vén, ông mới lập gia đình riêng. Vợ
ông là một cô gái hiền thục kém ông cả chục tuổi, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ,
được đơn vị đưa về huấn luyện làm y sĩ. Có gia đình riêng ông Xiển cùng vợ
chuyển ngành ra công tác ngoài quân đội rồi định cư, sinh con đẻ cái ở mảnh đất
này.
Mấy chục năm trôi qua, bao truân chuyên
gian khó, bao niềm vui hạnh phúc đã qua, chỉ có vết thương lòng vẫn còn nguyên
vẹn đó. Biết là ai cũng có bổn phận với thực tại, nhưng có những nỗi niềm dẫu
đau đớn, người ta vẫn khát khao gìn giữ nâng niu. Có những nỗi uất hận vẫn làm
cho người ta ấm áp, rắn rỏi trong mỗi bước đường đời.
Không được phép dời phần mộ cô Dịu về
gần gũi, ông Xiển âm thầm nhờ những làn khói hương mờ tỏa gửi nỗi lòng mình đến
người con gái mà ông yêu dấu đến trọn đời...
Cả ba nén hương đã đều đều tỏa khói như
những giải voan trắng, từ từ thẳng vút lên. Ông Xiển lùi lại một bước, chậm rãi
vuốt lại nếp áo rồi hướng về chính giữa bàn thờ, chắp tay cúi đầu vái ba cái.
Nghiêng sang phía chiếc bát hương nhỏ nhất, mắt ông Xiển trân trối nhìn vào làn
khói hương mỏng manh đang chậm rãi bay lên. Dường như người con gái ông yêu
đang hiện hữu trong làn khói ấy. Mắt ông đỏ hoe, bàn tay phải ông bụm chặt cặp
môi run rẩy chỉ chực bật ra tiếng khóc. Có đến mấy phút ông Xiển đứng như thế, chờ
cho cái cảm giác cay nóng xộc trong cánh mũi và ứ tràn trên khóe mắt lắng dịu
đi, ông Xiển mới chắp tay đặt trước miệng, cất tiếng thì thào:
- Em ơi! Hôm nay là ngày em bỏ anh mà đi
đây. Em có linh thiêng thì hãy về mà chứng cho nỗi lòng anh mấy chục năm qua.
Anh không cho ai biết về em là bởi vì bổn phận của anh với những con người
trong mái nhà này. Em hãy tha thứ cho anh. Anh đã nguyện thề, nếu có kiếp sau,
anh sẽ không bao giờ để em rời xa anh đâu. Bổn phận của anh trên cõi đời này
sắp xong rồi, hãy đợi anh, đợi anh...
Ông Xiển vừa khấn vừa nấc nghẹn từng
câu, rồi từng chữ cũng nghẹn lại. Cuối cùng, dường như không thể kìm nén, đôi
vai ông giật lên, tiếng kêu tên người đã khuất òa vỡ ra trong nức nở:
- Hô... hô hô... em ơi! Dịu ơi!...
Gắng gượng vái về chiếc bát hương nhỏ
thêm một lần nữa, giọt nước mắt đùng đục đã trào rơi trên má, ông Xiển rờ rẫm
vơ cái gậy, cập quạng vịn tay vào cạnh tường rồi bước lần ra phía cuối sân.
Ngoài ngõ, lũ con ông Xiển đã rậm rịch khuân đồ tế lễ đến. Đã biết lệ, thằng con
cả của ông cất giọng oai vệ:
- Ông thắp hương xong rồi đấy, mang các
thứ vào đi!
Rút chiếc khăn lụa trắng người yêu tặng
năm xưa, ông Xiển lặng lẽ lau nước mắt rồi chống gậy khoan thai ra chỗ gốc cây
hồng đã vào kỳ trút lá. Ở đấy vẫn kê một chiếc ghế dài để ông Xiển ngồi hóng
gió sông. Trên mặt ghế, những tia nắng đầu tiên trong ngày đã rọi xuống, lung
linh, lung linh...
Nha Trang, tháng 11 năm 2015
Quang Khánh
Ngày Tám tháng Mười âm lịch năm nay lại đến. Từ tinh mơ ông Xiển đã nhúc nhắc trở mình ngồi dậy. Quờ tay vớ cái gậy tre gác cuối giường, chân dò dẫm đôi dép tổ ong, ông lẹp kẹp bước ra gian nhà ngoài liếc nhìn cái đồng hồ treo tường. Năm rưỡi rồi! Mọi ngày cứ là bảy giờ ông mới bắt đầu một ngày mới với màn đi đạo và ăn sáng. Nhưng hôm nay thì khác, ông phải làm giỗ cho một người.
Đất này có cái lệ nhà gái đòi nhà trai ở rể như một thứ sính lễ. Thời gian ở rể thực chất là thời gian làm việc không công để bù vào phần sính lễ thiếu hụt theo yêu cầu của nhà gái. Tiếng là làm rể, nhưng chưa làm hôn lễ thì chàng trai vẫn chỉ như một người làm trong nhà. Những cặp đôi có thắm thiết chăng nữa, cũng chỉ dám đưa đẩy đầu mày cuối mắt, thì thụt hẹn hò, chứ tuyệt đối không có cái sự vợ chồng công khai trước mặt dân làng họ mạc!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)